Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI CẢM NGHĨ ĐỌC DANH SÁCH DỰ KIẾN GIẢI THƯỞNG VHNT NĂM 2011

Vân Long
Thứ bẩy ngày 30 tháng 7 năm 2011 6:07 AM



 Trước tiên, tôi quan tâm đến thế hệ đàn anh của lớp chống Mỹ là thế hệ nhà văn chống Pháp mà nay có thể điểm trên đầu ngón tay. Danh sách dự kiến lần này có các nhà thơ Trinh Đường, Nguyễn Viết Lãm, Hữu Loan. Theo tôi vẫn còn sót một người xứng đáng giải thưởng Nhà nước mà nếu để đến kỳ sau sẽ trở thành quá muộn!  Tôi thiết nghĩ với thế hệ này đã đủ thời gian để xã hội (mà đại diện là Hội nhà Văn VN) một lần cuối, có oan thì giải, có tác phẩm chất lượng thì khẳng định bằng Giải thưởng.   
 Một trong số ít bạn văn vong niên tôi quý trọng cả về tài, về tầm kiến văn và đức độ là nhà thơ Trần Lê Văn, ông là người nhuần nhuyễn được tinh hoa cả hai nền văn hoá Đông Tây. 

 Ông thuộc lớp nhà thơ kháng chiến chống Pháp, từng được Giải Nhì  thơ của Hội Văn Nghệ VN (1953), in chung tập thơ đầu với Quang Dũng (Rừng biển quê hương-1957). Là người chịu án Nhân Văn như Hữu Loan, Quang Dũng (từ báo Văn Nghệ phải chuyển công tác về Sở văn hoá Hà Tây cho đến cuối đời), nhưng khi được cởi mở thì chưa nhận được sự đền bù    nào như các bạn cùng thuyền với ông (Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt…).Tháng 4-2005 ông qua đời, thì năm 2007, Hội nhà văn cử cán bộ đến gia đình ông xin các tác phẩm đã xuất bản để chuẩn bị giải thưởng VHNT đợt đầu. Bà Văn và gia đình mong chờ một sự an ủi của Nhà nước bằng giải thưởng cùng tên, dẫu muộn cũng hơn không. Nhưng gia đình đã hoàn toàn thất vọng năm đó. 

 Về tác phẩm, ngoài tập thơ in chung với Quang Dũng, ông có hai tập  thơ Giàn mướp hương (1979), Tiếng vọng (1987). Cuốn bút ký dày trên 400 trang Sông núi Điện Biên (1979), Thung Mơ Hương tích (1974),Hoa Hà Nội  và Gương mặt Hồ Tây in chung với Quang Dũng, Ngô Quân Miện. Ông có    nhiều bài nghiên cứu giá trị về các tác giả Hán Nôm trung đại. 

 Khi nhận được giấy mời các hội viên nhà văn tham gia đăng ký, kê khai tác phẩm cho đợt II giải thưởng VHNT, trong đó có bản trưng cầu ý kiến: bạn thấy những ai xứng đáng ?…Qua gặp gỡ bạn bè trong dịp đó, tôi nói: một trong số ít người đáng mà chưa được đợt trước là Trần Lê Văn, nhiều bạn thơ lứa chống Mỹ đều tán thành và chúng tôi khá nhiều người đề cử tên ông.
          
Riêng tôi, năm 2008 được Hội Nhà văn giao cho biên soạn tuyển tập Trần Lê Văn những chặng đời- những chặng thơ, loại sách Nhà nước đặt hàng, tác giả được in gần 600 trang, miễn phí, lại được nhuận bút, dẫu ít. Tôi càng tin Trần Lê Văn sẽ được giải thưởng Nhà nước đợt này, nên khi bà Văn hỏi có phải làm gì thêm không? Tôi bảo: ngoài những đăng ký như yêu cầu của Hội nhà văn, chị chả phải làm gì cả. Trong danh sách trưng cầu ý kiến, chắc chắn anh đã có tên, còn danh sách các nhà văn đợt trước chưa đủ phiếu thì tổ chức Hội đã có.
 
Hôm nay xem danh sách đề cử, mặc dầu chưa chính thức, tôi áy náy không thấy tên Trần Lê Văn, trong khi thế hệ chống Pháp của ông có thêm Nguyễn Viết Lãm, Trinh Đường, Hữu Loan, (Trinh Đường, Hữu Loan đều đã mất, tỏ ra danh sách của Hội vẫn không quên những người đã khuất),
Hữu Loan là trường hợp đặc biệt, có hai bài như hai đỉnh thơ của ông đủ sức thuyết phục mọi người: Màu tím hoa sim, Đèo Cả. Nhưng hai nhà thơ còn lại thì sự nghiệp thơ không hơn được Trần Lê Văn mà có mặt còn yếu hơn, như mảng bút ký văn học rất giá trị của Trần Lê Văn.                 

 Ý kiến thứ hai: Một Giải thưởng cấp Quốc gia mà bị mất uy tín là do hai nguyên nhân: 1- Những người không xứng đáng mà được Giải. 2- Những nhà văn hàng đầu mà không có tên trong diện Giải.
Nguyên nhân 1 chứng tỏ cách làm luộm thuộm, thiếu công tâm, nhưng nguyên nhân sau đáng lo hơn nhiều, bởi nó hạ thấp tầm vóc Giải thưởng, như một trái núi thiếu những mỏm cao! Tôi rất ngạc nhiên khi không thấy tên mấy nhà văn hàng đầu, hoặc chăm viết  truyện lịch sử như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Hoài Anh... trong thời điểm ý thức tự cường dân tộc đang cần được tôn cao, hâm nóng lại. Đọc trannhuong.com (Vợ chồng nhà văn Hoàng Quốc Hải đãi cơm…) mới biết hai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải được Hội nhắc mời mà không chịu viết “đơn”. 

 Điều này ban tổ chức sẽ thanh minh là do quy chế. Nhưng quy chế phải làm sao như chiếc lưới đánh cá, phải đủ rộng để dễ dàng bắt được con cá to. Nhà văn thường tự trọng, dễ mặc cảm với việc “xin cho” …chúng ta nên trân trọng mời họ nhập cuộc, còn khi họ từ chối Giải lại là chuyện khác! 
         
Tôi nghĩ vẫn còn thời gian để ban tổ chức một Giải thưởng lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT thấy ra đôi điều bất cập có thể chỉnh lại được, giảm thiểu những lời chê trách dù rất khó tránh khỏi…