Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT THOÁNG BONSAI

Lê Huy Chuyên
Thứ bẩy ngày 30 tháng 7 năm 2011 2:46 PM
     Bonsai vốn phiên âm từ chữ Hán – bồn tài. Bồn là cái chậu, tài là trồng cây ; cái cây trồng trong cái chậu, ấy được gọi là bonsai. Song bởi cái tính cầu kỳ, ưa sự hiếm lạ ,chuộng cái xa hoa, cộng chút tham lam những muốn gom cả đât trời về một xó, mà con người ta mượn chữ đam mê, vay câu nghệ thuật để rồi cắt vặt đẽo gọt, uốn bẻ đủ chiều, cốt sao cho được một cái cây vừa ý muốn. Những tưởng chỉ đến thế là thôi, cái cây ấy còn được người ta mê tín đến độ biến nó trở nên có hồn có cốt. Đem cái cốt cách  con người mà đặt tên  như : ‘ hiền nhân” ,  “ quân tử” ,  “ kiều nữ” , “ lão ông”, hoặc  mượn tư thế mà đặt tên như : ‘ truy phong” , ‘nghênh phong”, ‘long chầu” , ‘hổ phục” ... Thế rồi cái thú chơi cây đã có cả ngàn năm tuổi này được người ta xây đắp thành một môn nghệ thuật với vô vàn công thức về dáng, thế : nào là “trực” là “ huyền” là “ chiêu” là  “hạ” … và cả môt rừng tên tượng hình : “ngũ phúc” , “tam đa”  “huyền nhai” , “thác đổ” … vân vân và vân vân .
       Nghề chơi cũng lắm công phu. Người Tàu xưa thì cố công tìm tòi cho ra cách làm sao cho  mọi thứ cây bonsai bé lại, già đi và càng khác lạ, độc đáo bao nhiêu, càng thấy đắc ý bấy nhiêu. Người Nhật lại muốn dáng cây dẫu bé vẫn giống với tự nhiên như không hề có ai can thiệp. Người Viêt ta chơi cây kể cũng cầu kỳ. Cây để chơi được phải có tên có tuổi, vườn cây để chơi được phải đủ bộ tam đa – phuc – lộc – thọ ; họ mượn sung làm phúc, lấy xanh làm lộc, tôn đa làm thọ, rồi vẽ mặt thêm râu, lấy hình tượng mà đặt tên, mượn tâm sự mà đặt tên, lại cả đặt tên theo điển tích. Thời Lê- Trịnh có ông Nguyễn Gia Thiều  - cùng thời với nữ sĩ Xuân Hương, Chiêu Hổ - giỏi chữ nôm, cũng sành cây cảnh. Ông được nhà chúa giao cho trông coi, sưu tầm, chăm sóc, tạo dáng cho vườn cây nhà chúa. Hẳn là các chúa Trịnh thời bấy giờ mê thú chơi cây cảnh chim muông lắm mới phải mời đến người danh tiếng như tiên sinh họ Nguyễn vào cung làm việc ấy. Chả thế mà Phạm đình Hổ trong tập Vũ trung tùy bút, có đoạn viết đại ý : “…Buổi ấy, bao nhiêu trăn cầm dị thú, cổ mộc quái thạch và chậu hoa cây cảnh chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khênh về nổi (…). Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt, khứu hay, thì biên ngay hai chữ “ phụng thủ” vào (…). Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá thì thậm chí phải phá nhà hủy tường để khênh ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ “ . Ông còn kể cả thú chơi phong lan cầu kỳ kỹ lưỡng ; chả thua kém gì kiểu uông trà, ăn kẹo mà Nguyễn Tuân đã tả trong “ Vang bóng một thời “ .

1
 
      Người Nhật thì coi bonsai như một thứ đạo. Họ xây dựng cho nó cả một hệ thống về quan niệm nhân sinh , tiêu giấy đổ mực cho bonsai biết bao nhiêu mà kể. Thời Minh trị Thiên hoàng đã cho xây dựng môt vườn cây hoàng đế - Vườn Đá – Bonsai Ryoanji ở Kyoto với bộ sưu tập dành cho hoàng đế. Đến nay vườn cây hoàng đế và bonsai Nhật bản vẫn còn là kỳ vật dưới mắt người mê cây cảnh .
       Thần cây đa , ma cây gạo , cú cáo cây bồ đề , cây cối cũng có linh hồn , cũng thiêng như thần, như thánh. Cây cối cũng có tâm hồn, biết trò chuyện, vui buồn, yêu đương, hờn giận như người ta. Ông Tào Tuyết Cần bên Tàu có viết bộ tiểu thuyết để đời Hồng Lâu Mộng, lấy cái món nợ tình cây – đá mà dẫn chuyện. Chuyện rằng : có một hòn Thạch anh Nữ Oa luyện để vá trời còn sót lại, nằm tu tiên ở góc viên đình, cạnh đó có một cây Phù dung cũng đang chờ ngày đắc đạo. Suốt mấy ngàn năm, hòn thạch anh lắng đọng hơi sương thành nước cam lồ tưới tắm cho cây phù dung tươi tốt. Đến lúc thành tiên, trời bắt cả hai đầu thai kiêp người để trả cái nợ mưa móc ở chốn thiên đình bằng biển lệ của một cuộc tình vương giả chốn nhân gian. Từ thưở hồng hoang con người ta đã gắn bó sống còn với cây cối, nhưng có lẽ đến khi có chữ nghĩa cây mới có dịp được con người vinh danh tột bậc. Các văn nhân đua nhau gán ghép cốt cách cây nọ với tiên này, vẻ đẹp của mỹ nhân cũng đươc ví von với hoa kia lá ấy. Lại còn sản sinh ra bao nhiêu là họa sĩ chuyên vẽ cây vẽ hoa vẽ lá. Có hẳn những trường phái vẽ tùng, vẽ trúc, vẽ cúc vẽ mai, nhiều bức họa xuân đường thu cúc, lan hạ đào xuân … đã được xếp vào hàng kiệt tác. Các bậc triết gia thì mê mải tìm tòi những “ đức cao đạo trọng” của cây mà liệt chúng vào hàng quân tử . Nhiều lắm, nhiều lắm lắm… vô số kể là nhạc là văn là thơ là họa, đánh vật với cỏ cây. Cây cối còn được phân chia thành bộ theo ngũ hanh sinh – khắc, được phân bổ phải trái trước sau mực thước trong khuôn viên cư trú, lại đươc xếp thứ bậc sang hèn. Đến cả sắc màu tôn giáo cũng đem nhuộm nhung y khoác cho cây cối .  
     Lại nói về bonsai ở đất Việt ta. Bẵng đi môt thời gian dài, vùi dập với chiến tranh, lãng quên trong ngèo đói, cây cảnh âm thầm tàn lụi, thoảng đâu đó còn sót năm ba cây it được người ta chăm sóc . Hiếm hoi có được một vườn cây hoàn hảo ở mấy nhà  khá giả hoăc ở một vài làng nghề làm cây truyền thống . Khoảng hơn chục năm lại đây, khi con người ta đã có của ăn của để, cái đẹp được quan tâm, cây cảnh –nhât là bonsai – trở nên có giá. Nhà nhà chơi cây, người người chơi cây. Để sở hữu thật mau môt số cây cảnh, người ta đổ xô đi khai thác những cây có sẵn. Thế là đào thế là nhổ, khéo thì chiết bó chọn cành, vụng thì chặt ươm cả đám. Quy luật cung cầu, thị trường cây cảnh bỗng nhiên sôi động. Trăm người bán vạn người mua ; bán đủ thứ, mua đủ thứ, chơi cũng đủ thứ, không kén tên, không kể tuổi, không ngại quá to, không chê quá bé, miễn là bắt mắt, ưa nhìn, thuận mua vừa bán. Vậy cho nên cây duối,  chân chim, phi lao, xương cá ... cũng thượng lên ang, đến cả cây bàng, chân vịt, ổi, cam cũng ngồi vào chậu, 

2
 
lại còn vô số cây hoang dã được người ta tán tụng rồi gán cho một cái tên mới lạ, mĩ miều, cũng vào chậu, lên ang, đắc ý ngồi cùng bonsai truyền thống .
      Thế lại hóa hay, cây cảnh có mật khăp nơi, nhà ít cũng dăm ba cây cho “ vui cửa vui nhà”, người nhiều thì lập vườn, dựng trại, hoặc để hưởng thú vui chăm bón, cắt tỉa, hay để kiếm dip bạn bè nhấc chén vỗ đùi mượn dáng thế bonsai mà nói lời gan ruột. Lại có bao người “sinh ư nghệ , tử ư nghệ” , lấy cây cảnh làm kế sinh nhai, không ít người trở nên giàu có. Cái cây nó kéo theo bao nhiêu hệ lụy, kẻ  đục chậu, người đắp ang, đá gốm sứ sành, xi măng ...đủ cả, vuông tròn dài vắn, dày mỏng … ê hề, cốt để tôn lên vẻ đẹp của bonsai .  

      Nói chuyện bonsai mà không nói về đá thì thật thiếu đi một nửa. Phải chăng cái duyên cây đá là có thật ? Hiếm có người biết chơi bonsai mà lại không chơi đá. Đá tĩnh lặng vô ngôn, nó giao hưởng với cây và đồng điệu vơi tâm hồn người chiêm ngưỡng tạo nên một bản nhạc câm bí ẩn . Con người đã biết dùng đá từ buổi bình minh nhân loại, còn họ chơi đá từ bao giờ ? ai biết được . Chỉ thấy bây giờ cơ man là văn liệu, vô vàn là hiện vật về đá với hàng chục tiêu chí công năng : đá xây dựng, đá trang trí, trang sức, đá làm cảnh, đá phong thủy, lại còn cả đá chữa bệnh ... đủ thứ, ăn sâu bám chặt vào đời sống con người. Chỉ với đá cảnh – non bộ - đã có cả trăm khái niệm, công thức để chơi . Cũng có “ tam đa “ cũng có “ ngũ hành”, rồi “ độc phong”, “ song long”, “ hùng sơn “, “ cương ảnh”...  Đồng cảnh với bonsai, giờ đây đá non bộ cũng đang vùn vụt hồi sinh . Cũng đã vài chục năm nay, khắp nơi mọi nẻo người ta thấy đá non bộ được trưng chơi, bày bán . Ai đã có dip đi qua lối Thanh Liêm – Hà Nam , Tam Điệp – Ninh bình , nhất là Ba Lá  Dốc Xây  – Thanh Hóa , hẳn không thể không ngắm nhìn rừng đá cảnh thiên hình vạn trạng bày la liệt hai bên quốc lộ . Ta như thấy cả cái hùng vỹ, thẳm sâu của núi ngàn Tam Điêp đã được thu về trong gang tấc. Thiết kế trang trí sân vườn đã trở nên thông dụng, ở đó bể cảnh hòn non, cây xanh, đá lát có vai trò chủ thể. Đá ngoài vườn, đá trên sân, đá trong nhà trong tủ các ông, đá trên cổ trên tay các mợ. Đá – cây, kẻ tung người hứng, gắn bó nhu nhuần, cân đối mà thành ra những “ tọa sơn”, “ ỷ sơn” , “bản huyền nhai”, “phi đầu thạch” … ; lại tình tứ keo sơn mà có được “ huynh đệ”,” phu thê “  “uyên ương “ , “ bằng hữu” … Chỉ với bộ ba chậu – đá – cây người ta đã sản sinh bao nhiêu là tác phẩm làm xiêu lòng người ái mộ bonsai. Mới biết chuyện có một người đàn ông đất Sài gòn nghe chuyện , xem phim về hoa lộc vừng đất Bắc mà mua vé tàu bay khứ hồi ra Hồ Gươm nhìn cho biết rồi về là có thật . Còn chuyện mê cây kiểu như cái ông này thì đếm không thể hết.
      Giơ đây , khái niệm về bonsai đã rộng rãi , cởi mở hơn nhiều , gần gũi hơn với mọi người . Khắp mọi nơi , tư bắc vô nam từ bản thẳm buôn cao đến đồng bằng , hải đảo , đâu cũng gặp bonsai . Già trẻ , 
      
3
 

gái trai , giàu ngèo rỗi bận … ai cũng “ biết tí “ bonsai . Nó làm đẹp thêm, sinh động hơn lên không gian cư trú, làm sạch bầu không khí quanh ta đang ngày càng đầy chất thải của văn minh công nghiệp. Sự phát triển bonsai ở mọi nhà âu cũng là hiệu ứng để cân bằng thế âm dương cho môi trường sinh thái đương thời .
       Cầu cho nghệ thuật bonsai tồn vinh mãi mãi.
 Hà Nội Noel 2010