Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bầu Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội XI: NÓNG, NỔ VÀ KỊCH TÍNH ĐẾN PHÚT 90

Lãng Ma
Thứ sáu ngày 8 tháng 7 năm 2011 7:53 PM


“Hội Liên hiệp” sẽ khoác áo “Liên hiệp Hội” trong nhiệm kỳ tới

Đại hội lần thứ XI Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội đã chính thức khai mạc và tiến hành công việc trong 2 ngày 6/7 và 7/7/2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội). Về dự Đại hội lần này có gần 500 đại biểu thay mặt cho hơn 2.800 hội viên. Đại hội đã đánh giá khái quát về tình hình hoạt động của Hội trong 5 năm qua  (2006 - 2010): “Các sáng tác của văn nghệ sĩ chúng ta trong giai đoạn vừa qua đã bắt nhịp được với những động thái thay đổi và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và cả đất nước, đã tìm được đến hơi thở của sử thi, vốn là ưu thế rất mạnh của văn học - nghệ thuật  khi dám dấn thân mình hòa vào dòng chảy lớn lao của lịch sử với ý thức chủ động và tích cực”.
Trong nhiệm kỳ qua, toàn bộ các hoạt động của Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành đã góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng long - Hà Nội, lực lượng hội viên qua từng năm có sự tăng trưởng vững chắc, chú trọng nhiều đến chất lượng,... Hiện nay Liên hiệp Hội có 9 hội chuyên ngành, bao gồm: Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Tổng số hội viên là 2.800 người, trong đó đông nhất là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội (558 Hội viên), ít nhất là Hội Điện ảnh Hà Nội (159 Hội viên).
Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội được Đại hội X – 2006 gồm 19 thành viên. Năm 2008 được bổ sung thêm số ủy viên từ Hà Tây cũ. Tổng số hiện nay là 34 thành viên, trong đó gồm 1 Chủ tịch, 6 phó chủ tịch. Trong báo cáo kiểm điểm của BCH Hội nhiệm kỳ 2006 – 2011 đã chỉ rõ một số khuyết điểm: “Chưa có kế hoạch dài hạn và hiệu quả trong công tác bồi dưỡng, phát hiện và đào tạo thế hệ trẻ có đức có năng lực chuyên môn cao để trở thành đội ngũ kế cận đáng tin cậy của lực lượng văn nghệ thủ đô giai đoạn kế tiếp. Thực trạng đội ngũ văn nghệ sỹ có tuổi đời ngày càng già đi mà chưa có đủ thế hệ trẻ kế cận xứng đáng là một thực trạng chưa thể khắc phục nổi”.
Đồng thời BCH cũ đã để xảy ra vụ khiếu kiện kéo dài ở Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật HN giữa anh Nguyễn Đình Vinh với anh Vũ Đức Tân (Chủ tịch Hội và thành viên BCH), chỉ vì anh Vinh thay mặt Ban kiểm tra Hội Nhiếp ảnh có đơn tố cáo một số việc ở Hội mà anh cho là có sai phạm, nhưng Hội Nhiếp ảnh đứng đầu là Chủ tịch Vũ Đức Tân, không cho là mình có sai phạm gì, ra quyết định khai trừ anh Nguyễn Đình Vinh ra khỏi Hội, sự việc dây dưa đến gần hết nhiệm kỳ mới giải quyết được.
Một trong những nội dung quan trọng đưa ra bàn bạc, triển khai trong Đại hội lần thứ XI này là việc “chuyển đổi mô hình tổ chức” từ một “Hội Liên hiệp” trở thành một “Liên hiệp Hội”. Liên hiệp Hội sẽ không còn là cơ quan cấp trên trực tiếp của mỗi hội chuyên ngành, mà chỉ là cơ quan điều phối và phối hợp hoạt động, kiến nghị và đề xuất với cấp quản lý những vấn đề cần thiết.
Chiều ngày 06/7 Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2011 – 2016.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường là trưởng ban kiểm phiếu cùng với 40 người là thành viên ban kiểm phiếu. Kết quả: Tổng số phiếu phát ra 469, số phiếu thu về: 469, số phiếu hợp lệ: 461, số phiếu không hợp lệ: 08. Cụ thể như sau:

Danh sách BCH nhiệm kỳ 2011 – 2016:
TT Họ và tên Số phiếu Tỷ lệ %
1 Đan Thiết Thụ 421 91,3
2 Đỗ Thị Hảo 421 91,3
3 Đặng Đình An 421 91,3
4 Nguyễn Văn Bích 415 90
5 Phạm Kim Bình 413 89,5
6 Phạm Xuân Nguyên 402 87,2
7 Phạm Cao Nguyên 393 85,2
8 Hồ Quang Bình 393 85,2
9 Nguyễn Như Bình 390 84,5
10 Bùi Thanh Trầm 377 81,7
11 Dương Kiều Minh 372 80,6
12 Trần Quốc Chiêm 370 80,2
13 Bùi Việt Mỹ 362 78,5
14 Lê Xuân Hội 360 78
15 Trung Hiếu 336 72,8
16 Bằng Việt 334 72,4
17 Hoàng Trọng 317 68,7
18 Lê Văn Lân 315 68,3
19 Giang Nguyên Thái 315 68,3
20 Bích Việt 309 67
21 Nguyễn Đức Chỉnh 308 66,8
22 Nguyễn Việt Chiến 297 64,4
23 Xuân Thủy 286 62
24 Bế Kim Loan 281 60,9
25 Nguyễn Đỗ Bảo 275 59,6
26 Tô Thị Toán 271 58,7
27 Nguyễn Văn Chuốt 267 57,9

Bầu Chủ tịch Hội: Nóng, nổ và kịch tính đến phút 90

Đúng 18h00 ngày 06/07/2011 đã có danh sách 27 vị trúng cử trong vào Ban chấp hành. Ngay sau đó, Ban chấp hành đã có phiên họp đầu tiên tại phòng Vip 206 ngay bên cạnh hội trường để tiến hành bầu “chủ soái” của Đại hội. Nhà thơ Bằng Việt đã phát biểu, đề nghị cho ý kiến về bầu Chủ tịch Hội. Khá nhiều ý kiến ồn ào, đội hình “Hà Tây”, đội hình “Hà Nội”, đội hình các Hội chuyên ngành, các “liên minh cá nhân” đã không chịu nhau khi giới thiệu bầu Chủ tịch Hội, không khí nóng lên khi rất nhiều ý kiến gay gắt đòi trẻ hóa chức danh “người dẫn đầu” đầy mê hoặc và thử thách của một Hội lên tới 2800 hội viên.
Điều kỳ lạ là 27 người trong Ban chấp hành, có rất nhiều người có thâm niên tuổi tác - nghề nghiệp, nhẽ ra phải là người nắm vững Điều lệ và Quy chế làm việc nhất, nhưng lại quên một cách khó hiểu!? Tại Quy chế làm việc Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội lần thứ XI nhiệm kỳ 2011 - 2016 ghi rõ: Thời gian làm việc hàng ngày:  Buổi sáng: 8h30 đến 11h30; buổi chiều từ 14h00 đến 17h00; buổi tối từ 19h00 đến 21h00. Việc Ban chấp hành họp ngay, quên cả đi ăn, khi có kết quả trúng cử, có vi phạm với Quy chế làm việc (buổi tối từ 19h đến 21h) mà Đại hội đã thông qua? Và đây là trách nhiệm của ai? Ban Tuyên giáo Hà Nội có biết việc này?
Bầu lần 1: 4 người đã được BCH thống nhất đưa vào danh sách bầu là: Bằng Việt (Chủ tịch cũ), Phạm Xuân Nguyên (Hội Nhà văn Hà Nội), Đỗ Thị Hảo (Hội Văn nghệ dân gian), Đặng Đình An (Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật). Kết quả: Bằng Việt: 11 phiếu; Phạm Xuân Nguyên: 10 phiếu; Đỗ Thị Hảo và Đặng Đình An người được 2 phiếu, người được 4 phiếu. Như vậy, kết quả bầu lần 1 không ai tìm được số phiếu quá bán để tiếp nhận cương vị mới. Lại nóng và căng thẳng đến cực điểm khi có ý kiến cho rằng “mai bầu lại” hoặc tiếp tục để 4 người trong danh sách và bỏ phiếu khi nào được thì thôi.
Lúc này kim đồng hồ đã chỉ 19h00, nhiều vị đã khăng khăng đòi giữ nguyên “ý kiến” của tôi. Phòng họp căng như dây đàn. Đói. Nhân viên Văn phòng Hội Liên hiệp đã nhanh chóng bê vào phòng họp 2 thùng “bánh mỳ kẹp thịt” để các lão tướng “điểm tin”, tranh luận và tiếp tục làm việc. Nhiều ý kiến phát biểu nói về đoàn kết, mái nhà chung, chúng ta đều là anh em, uy tín của Chủ tịch Hội là uy tín chung, trách nhiệm trong nhiệm kỳ tới không phải thanh thoát và dễ dàng, nên đề nghị lựa chọn người có kinh nghiệm, có bề dày và lịch lãm. Vẻ mệt mỏi đã thấy xuất hiện trên những khuôn mặt già nua, cũ kỹ, những cái ngáp dài đầy thú vị trong phòng họp lần đầu tiên của Ban chấp hành Hội đầy ẩn ý và không cần che chắn.
Bầu lần 2: Sau khi “nạp năng lượng”, Ban chấp hành đã đi đến quyết định chỉ lấy 2 người có số phiếu cao nhất là Bằng Việt và Phạm Xuân Nguyên để bỏ phiếu bằng cách viết họ tên “Chủ tịch” vào tờ giấy trắng A4. Một vị phát biểu: Tôi không nhớ 2 người “họ” gì đâu, nên nếu viết “tên” không thì phiếu vẫn hợp lệ đấy nhé, cả phòng cười ồ lên. Không biết cách làm này của Ban chấp hành có phù hợp với quy định về bầu cử của Đại hội hay không?
“Phiếu” nhanh chóng được phát ra và thu về. Ban kiểm phiếu đã vội vàng “chạy” ra một góc của Hội trường, một số người lạ mặt và nhân viên Văn phòng Hội Liên hiệp ùn ùn kéo đến để “xem” theo hình thức “2 người nói - 4 người soi - 6 người ghi - 8 người vỗ tay”. Việc Ban kiểm phiếu không có phòng làm việc riêng là khá kỳ lạ. Trong khi đó, Một số quy định về bầu cử Tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội lần thứ XI nhiệm kỳ 2011 – 2016, tại Mục III.2 đã ghi rõ: “Ngoài Ban kiểm phiếu và nhân viên kỹ thuật được đại hội sử dụng giúp làm nhiệm vụ kiểm phiếu, không ai được đến nơi Ban kiểm phiếu đang làm việc”.
19h45h Ban kiểm phiếu công bố kết quả như sau: Bằng Việt 17/27 phiếu, Phạm Xuân Nguyên 10/27 phiếu. Như vậy với kết quả này, nhà thơ Bằng Việt với bề dày kinh nghiệm đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội VHNT thủ đô với 9 Hội chuyên ngành và 2800 hội viên. Các phó chủ tịch: Đỗ Thị Hảo (Hội Văn nghệ dân gian), Hồ Quang Bình (Hội Âm nhạc), Phạm Xuân Nguyên (Hội Nhà văn HN), Dương Kiều Minh (Hội Nhà văn HN). Vẫn là đội hình cũ, chỉ có duy nhất nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là người mới giữ cương vị phó chủ tịch nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Xin chúc mừng 27 vị đã trúng cử vào Ban chấp hành nhiệm kỳ mới, Hà Nội những ngày này ít gió, nhiệt độ ngoài trời ở trưa nay (7/7) lên đến gần 40 độ C, được xem như là ngày nắng nóng nhất từ đầu mùa, bất chợt nhớ đến những câu thơ ngọt ngào, trong trẻo, giản dị, đẫm mát nhân sinh: “Tôi đem vầng trăng khớp lại với trời sao/ Đem cơn mưa đặt trước ngày nắng ráo/ Đem con tàu chạy qua rừng hư ảo/ Và bất ngờ, em nói đến Tình Yêu!” (Ngẫu nhiên và tất nhiên, Bằng Việt – Tác phẩm chọn lọc, Nxb Hội Nhà văn 2010).

Bài và ảnh: LÃNG MA
(Lucbat.com)