Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trao đổi với ông Văn Giá: LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC BỊ BỎ RƠI HAY TỰ TỤT HẬU?

Trần Đình Thu
Thứ năm ngày 7 tháng 7 năm 2011 8:30 PM

Quy luật cuộc sống cho thấy, mọi sự vật trong tự nhiên đều phải phát triển để tồn tại. Văn học nói chung, lý luận phê bình nói riêng đều không nằm ngoài quy luật ấy. Khi anh không chịu đổi mới, không chịu tự điều chỉnh mình cho phù hợp với chung quanh thì chung quanh không cần đến sự có mặt của anh nữa. Và như thế, bị bỏ rơi là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên nói rằng “bị bỏ rơi” cũng chưa đúng hẳn. Vì bị bỏ rơi tức là người ta phản lại lời hứa sẽ song hành cùng nhau. Thí dụ như hai người rủ nhau đi tìm vàng, hứa hẹn sẽ sống chết cùng nhau. Nhưng sau đó một người vì lòng ích kỷ mà bỏ rơi người bạn đồng hành trên đường để tiến lên một mình. Như thế mới là bị bỏ rơi. Còn ở đây, chẳng ai hứa hẹn phải chờ đợi “ông già lý luận phê bình” cùng sống chết bên nhau cả. Mà chính xác là vì “ổng” không chịu làm mới mình nên bị tụt hậu lại phía sau thôi. Thú thật với bác Văn Giá, phần lớn độc giả hiện nay không gặm nổi mớ lý luận phê bình của các bác. Đọc nó nhức đầu lắm. Càng đọc càng thấy đầu óc mình mụ mị đi, thì đọc làm gì! Tốt nhất nên tìm mấy bài viết tranh luận nảy lửa trên mạng hoặc trên báo, nói rất huỵch tẹc nhưng rất dễ hiểu, đọc tới đâu thấm tới đó. Chứ hàn lâm đến độ đọc nhức đầu thì ôi thôi…
“Viết khó đọc” là nguy cơ của lý luận phê bình hiện nay chứ không phải những lý do mà bác nêu ra. Nếu các bác viết hấp dẫn hơn, dễ hiểu hơn để bạn đọc vừa uống trà vừa đọc lý luận phê bình rồi lâu lâu vỗ đùi đánh đét la lên “tiên sư cái thằng… nó viết lý luận phê bình hay thế!” thì đảm bảo sách của các bác bán chạy như tôm tươi, bài của các bác báo chí nó săn như săn trầm, chứ không phải ế ẩm như bác than bây giờ.
Tôi đồng ý rằng vẫn có nhiều bài tâng bốc lẫn nhau, gọi là “phê bình báo chí”, nhưng sự thật là, nếu có tài năng thì không cứ là “phê bình báo chí” hay “phê bình thứ thiệt”, vẫn thu hút độc giả. Độc giả đang mong chờ những người như bác tung chiêu để dẹp loạn, thì các bác đắp chiếu nằm nhà, than thở thế này thế kia, đòi nhà nước phải đối xử với các bác khá hơn. Đọc các yêu cầu trong bài viết của bác mà phát mệt. Các bác phải làm cho cuộc sống cần đến các bác thì tự khắc các bác được đối xử tốt thôi, chứ không cần phải có chính sách nọ chính sách kia. Hay là các bác muốn cho nhà nước có chính sách với lý luận phê bình theo kiểu như một số nước bảo tồn sự nguyên vẹn của các bộ tộc đã quá lạc hậu sống trong rừng già?
Bác viết: “Các hoạt động văn chương như hội thảo, hội nghị, tiếp xúc với văn nghệ sĩ quốc tế, các cuộc thi văn học… cần có người làm nghề LLPB tham gia”, “Mỗi tờ báo chuyên văn nghệ nên đặt một số người thường xuyên viết phê bình về tác giả, tác phẩm mới, và trả lương xứng đáng cho họ. Cách làm này của phương Tây. Liệu chúng ta có dám bỏ tiền ra thuê các nhà phê bình không?”… Tôi nghĩ nếu bài tham luận của các bác làm cho những nhà văn thấy mình sáng mắt ra để viết tốt gấp đôi gấp ba thì các nhà tổ chức không thể nào quên mời các bác. Cũng tương tự, bài phê bình của các bác khiến độc giả có học thức cao khen lấy khen để thì tổng biên tập nào cũng muốn mời các bác, dù phải trả lương theo kiểu VIP.
Nhưng sự thật thì, các bài viết lý luận phê bình hiện nay đọc không vô. Nên mới có hiện tượng như bác nói.
         T.Đ.T