Trang chủ » Tin văn và...

LỄ TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN HOÀI ANH

Bài: PV Ảnh: Lê Hạnh
Thứ sáu ngày 1 tháng 7 năm 2011 4:25 PM
 
Sáng ngày 01-7-2011, tại Hội trường hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn VN, Chi hội Nhà văn tại TP. HCM, Nhóm Văn chương Hồn Việt và gia đình cố nhà văn Hoài Anh đã tổ chức trang trọng Lễ tưởng niệm Nhà văn Hoài Anh nhân 100 ngày ông đi về cõi vĩnh hằng! Gần 100 nhà văn nhà thơ, bạn đọc hâm mộ và bạn bè thân thiết của cố nhà văn Hoài Anh cùng hơn chục nhà báo của các cơ quan truyền thông đại chúng đã hiện diện. Nhà văn Triệu Xuân, Phó Trưởng Chi hội nhà văn VN, Chủ tịch Nhóm Văn Chương Hồn Việt chủ trì buổi lễ. Nhà văn Triệu Xuân nói: “Thưa quý vị! Hội Nhà văn VN, Chi hội TP. HCM, Nhóm Văn chương Hồn Việt và gia đình cố nhà văn Hoài Anh xin trân trọng đón chào và chân thành cảm ơn quý vị đến dự lễ tưởng niệm Nhà văn Hoài Anh. Xin kính chúc quý vị cùng gia đình mạnh khỏe, bình an!
Nhà văn Hoài Anh “Nhân hậu, đa tài, bình dị/ Đam mê sáng tạo trọn đời” từ trần ngày 24-3-2011, đến nay, 01-7-2011 là tròn một trăm ngày. Cách nay 23 ngày, chuẩn  bị cho dịp Trăm ngày nhà văn Hoài Anh đi về cõi vĩnh hằng, Nhóm Văn Chương Hồn Việt liên kết cùng NXB Văn học đã xuất bản tác phẩm Hoài Anh và đồng nghiệp
(linhk: http://trieuxuan.info/?pg=tpdetail&catid=7&id=7244&fid=0), phát hành từ ngày 07-6-2011.
Hôm nay, Chi hội Nhà văn VN tại TP. HCM cùng Nhóm Văn Chương Hồn Việt và gia đình tổ chức Lễ tưởng niệm Nhà văn Hoài Anh. Mở đầu chương trình buổi lễ, kính mời quý vị cùng tưởng niệm người bạn đồng nghiệp thân thiết của anh chị em Hội viên Hội nhà văn VN, Hội Nghệ sỹ sân khấu VN; người anh kính yêu, thành viên sáng lập Nhóm Văn chương HồnViệt. Phút mặc niệm bắt đầu!
Sau đây, tôi xin đọc Tiểu sử nhà văn Hoài Anh: Tên khai sinh là Trần Trung Phương, - tên ban đầu là Trần Quốc Tộ - hậu duệ Nhà Trần; sinh ngày 8-7-1938 (năm sinh thực tế là 1936), tại Văn Ấp, Bồ Đề, Bình Lục, Hà Nam. Ông là con trai trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước. Lên sáu tuổi (tính theo tuổi giấy tờ), cha đi làm Việt Minh, dắt ông theo. Bởi thế ông giúp việc cho cách mạng từ khi còn nhỏ, có lẽ là sớm nhất trong các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!
Kháng chiến chống Pháp, ông làm việc tại Văn phòng huyện đội Bình Lục, rồi Ban Chính trị Tỉnh đội Hà Nam, Ban Địch vận trung đoàn 254 thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 3. Hòa bình lập lại, ông về tiếp quản Hà Nội, mới mười sáu tuổi! Ông công tác tại Phòng Văn nghệ và Nhà sáng tác Sở Văn hóa Hà Nội, biên tập viên Hội Văn nghệ Hà Nội.
Cuối 1976, Hoài Anh chuyển vô Sài Gòn. Ông làm biên tập ở Xưởng phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, rồi Biên tập viên tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Hoài Anh là thành viên sáng lập Nhóm văn chương Hồn Việt. Ông qua đời lúc 19g30 ngày 24-3-2011 tại TP. Hồ Chí Minh.
Tác phẩm: Tập thơ đầu tay của ông được xuất bản in chung với hai người khác mang tên Gió vào trận bão (NXB Văn học, 1967), Kế đó là Ngựa ông đã về (Truyện, NXB Kim Đồng, 1978); Đuốc lá dừa (truyện, NXB Măng non - NXB Trẻ, 1981, 1994, 1995; NXB Kim Đồng, 2002); Đầu gió (truyện, NXB Trẻ, 1986); Rồng đá chuyển mình (truyện, NXB Đồng Nai, 1987; NXB Kim Đồng 2002); Từ hương đến mật (thơ, NXB Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1987); Dạ lan (thơ, NXB Tác phẩm mới, 1989); Chim gọi nắng (truyện, NXB Tiền Giang, 1989); Chuyện tình Dương Vân Nga (truyện, NXB Thanh niên, 1990); Hương thơm và nọc độc (truyện, NXB Long An, 1990); Chúa Chổm ba mươi sáu tàn vàng (tiểu thuyết, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1990); Sứ mệnh phù Lê (tiểu thuyết, NXB Lao động, 1991); 99 ngọn (thơ, NXB Văn học,1991); Trường ca Điện Biên, Tổ khúc Hà Nội (thơ, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1995); Bùi Hữu Nghĩa, mối duyên vàng đá (truyện, NXB Văn học, 1998; NXB Kim Đồng, 2003); Có công mài sắt (truyện, NXB Trẻ, 1996, 1998); Ỷ Lan phu nhân (truyện, NXB Văn học, 1996; NXB Kim Đồng, 2002); Nguyễn Thông- Vọng Mai Đình (truyện, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2000); Tầng ngày (thơ, NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2001); Thư - Thơ (thơ, NXB Trẻ, 2001); Chân dung văn học (tiểu luận- phê bình, NXB Hội Nhà văn, 2001); Chân dung thơ (tiểu luận – phê bình, NXB Hội Nhà văn, 2001); Tìm hoa quá bước (tiểu luận- phê bình, NXB Văn học, 2001); Một trăm bài thơ Đường (dịch, NXB Đồng Nai, 2001); 7 thế kỷ thơ tình Pháp (dịch, NXB Đồng Nai, 2001); Tác gia kịch nói và kịch thơ (nghiên cứu- phê bình, NXB Sân khấu, 2003); Gia Định tam gia (biên dịch chú giải, NXB Đồng Nai, 2003).
- Tuyển tập Truyện lịch sử gồm 16 quyển (13 tiểu thuyết và ba tập truyện), 6. 000 trang. Nhà văn Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu. NXB. Văn học, 9-2006.
- Xác và hồn của tiểu thuyết. Biên khảo, 600 trang. NXB Văn học, 2007.
- Hòa mạng, tập 3 trong Tuyển tập thơ Hoài Anh. NXB Văn học, 2008.
- Thuận Thiên Lý Công Uẩn. Tiểu thuyết, kịch. NXB Văn học, 2008.
- Hà Nội trước Cách mạng mùa Thu. Ký. NXB Văn học, 2010.
- Luật sư Đỏ. NXB Kim Đồng, 2010.
Di cảo. Sẽ xuất bản:
- Danh sĩ Hà Nội. 400 trang. Chân dung văn học.
- Người chở đò thời đại. 1000 trang, 2 tập. Chân dung văn học.
- Tuyển tập thơ Hoài Anh. 500 trang.
Năm 1961, Hoài Anh được nhận Giải thưởng của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cho tác phẩm kịch Xe pháo mã. Giải thưởng Văn học Thiếu nhi 1981-1983 của Hội nhà văn Việt Nam cho truyện lịch sử Đuốc lá dừa. Tặng thưởng lý luận phê bình 2002-2003 của Hội nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Chân dung văn học (hơn 1000 trang). Giải A về nghiên cứu phê bình 2003 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tác phẩm Tác gia kịch nói và kịch thơ.
Thưa quý vị!
Nhân vô thập toàn, cho dù ông còn không ít khiếm khuyết, Hoài Anh là miền thương nhớ của chúng tôi, là tấm gương sáng về đức khiêm nhường, tinh thần ham học hỏi, tự học quyết liệt mà thành tài. Ông là người anh để chúng tôi noi theo về nghị lực phi thường vượt qua mọi gian khổ, đam mê sáng tạo văn học nghệ thuật, yêu nước, thương dân đến trọn đời.
Từ tháng 12 năm 2000, sau khi tôi biên tập và đưa xuống nhà in cuốn Tìm hoa quá bước dày 528 trang, đến năm 2011, cả chục lần ông bảo: “Đến lúc tôi gác bút rồi, ông TX ạ”! Vậy mà, sách ông vẫn ra đều đều, trong mười năm, ông xuất bản 30 cuốn sách, đa số tại nhà xuất bản Văn học! Đức cần mẫn, sức làm việc của ông vào loại siêu phàm! Sau khi ông qua đời, Di cảo ông để lại sẽ được chúng tôi lần lượt xuất bản gồm: Danh sĩ Hà Nội. 400 trang, Chân dung văn học; Người chở đò thời đại. 1000 trang, 2 tập, Chân dung văn học; và Tuyển tập thơ Hoài Anh hơn 500 trang. Với gần 2000 trang in, sẽ cần một khoản tiền lớn để xuất bản. Liệu chúng tôi có tìm ra Mạnh Thường Quân giữa thời buổi thờ ơ với văn chương? Rất mong các Nhà Hảo Tâm giúp chúng tôi trong việc tình việc nghĩa, đầy tính nhân văn này!
Nhớ thương Hoài Anh, chúng tôi tôn vinh nhân cách của ông, một người lao động chân chính, một trí thức chân chính. Ông có quyền tự hào về cả cuộc đời sáng tạo không ngừng nghỉ, lấy sáng tạo văn chương nghệ thuật làm cứu cánh. Dưới suối vàng, Hoài Anh ơi, ông có quyền tự hào về những người bạn chân chính cùng biết bao bạn đọc lúc nào cũng yêu mến trân trọng mình… Xin cám ơn quý vị đã chú ý theo dõi!”.
Tiếp đó, nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM, ca ngợi tư cách, lao động nhà văn, lòng nhân hậu của Hoài Anh sống mãi trong lòng bạn bè đồng nghiệp. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP. HCM nhắc lại những kỷ niệm riêng của mình với Hoài Anh. Ông nhấn mạnh: Nhà văn Hoài Anh thật sự đa tài. Ông vừa sáng tác vừa viết lý luận phê bình, lĩnh vực nào ông cũng năng động, ghi dấu ấn. Nhà thơ, GS,TS, Bác sỹ Nguyễn Huy Dung, thành viên Nhóm Văn Chương Hồn Việt vô cùng xúc động nhắc đến tấm lòng của anh chị em Nhóm VCHV dành cho Hoài Anh và những kỷ niệm sâu sắc với Hoài Anh. Nhà thơ Huy Dung đọc bài thơ tặng Hoài Anh khiến cả hội trường lặng đi vì xúc động, nhiều người rơi lệ… Nhà văn Hoàng Đình Quang, Trưởng Chi hội Nhà văn VN tại TP. HCM nhấn mạnh tấm lòng của bạn bè đồng nghiệp thể hiện qua tác phẩm Hoài anh và đồng nghiệp mà Nhóm VCHV vừa thực hiện với cả tấm lòng nhiệt thành, nhanh chóng, kịp thời ra mắt trước Lễ tưởng niệm 100 ngày Hoài Anh. Nhà thơ Trần Ngọc, Phó Chủ tịch Nhóm Văn Chương Hồn Việt thay mặt Nhóm, nói những lời chân tình, tha thiết với gai đình nhà văn Hoài Anh, và đọc bài thơ Hoài Anh, 100 ngày xa cách! Nhà văn Thanh Giang kể về những kỷ niệm vô cùng sinh động, rất đẹp, mà qua đó, ông vô cùng khâm phục tài năng của Hoài Anh trong chuyến đi thăm Trung Quốc hơn hai chục năm trước. Nhà văn Phạm Quang Trung từ Đà Lạt về, nói lên tấm lòng ngưỡng mộ của anh đối với bậc đàn anh hết lòng vì văn chương nghệ thuật, khao khát sáng tạo, đổi mới. Phạm Quang Trung đọc bài thơ viết về Đà Lạt của Hoài Anh mà PQT cho là một trong những bài thơ hay nhất về Đà Lạt. Nhà thơ thanh Tùng ứng tác một bài thơ chân thành ca ngợi Hoài Anh, gửi cả lòng mình vào thơ dành cho bạn! Gần 100 nhà văn, nhà thơ, bạn bè thân thiết của Hoài Anh, các nhà báo của giới truyền thông đại chúng đã vô cùng xúc động khi nghe cháu Trần Hoài Văn, con trai trưởng, nói lời cảm ơn của gia đình cố nhà văn Hoài Anh: “Thay mặt gia đình, cháu xin bày tỏ sự xúc động, lòng cảm kích sâu sắc trước tình  cảm ấm áp mà các nhà văn, nhà thơ trong Hội Nhà văn Việt Nam, Nhóm Văn chương Hồn Việt đã dành cho bố cháu- Nhà văn Hoài Anh- từ khi lâm trọng bệnh đến khi qua đời và nay là Lễ tưởng niệm nhân 100 ngày mất. Tình cảm ấm áp, tấm lòng của các nhà văn, nhà thơ thật sự là nguồn động viên chia sẻ lớn lao đối với gia đình cháu trong cảnh tang tóc, mất mát không gì bù đắp nổi. Trong Lễ tưởng niệm hôm nay, cháu có cảm giác như bố cháu đang hiện hữu, đang trò chuyện với các bạn bè đồng nghiệp của mình như bao nhiêu năm qua… Dưới suối vàng, chắc là hương hồn bố cháu cũng cảm thấy mát mẻ và thanh thản trước những tình cảm sâu nặng mà đồng nghiệp dành cho mình. Một lần nữa, cháu xin chân thành cảm ơn các cô bác nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam và Nhóm Văn chương Hồn Việt!”.
Tình cảm dạt dào, sâu nặng của các bạn đồng nghiệp dành cho Hoài Anh thể hiện sống động trong Lễ tưởng niệm. Đến 11g30, Nhà văn Triệu Xuân thay mặt ban Tổ chức cảm ơn các nhà văn, bạn bè thân hữu của Nhóm VCHV và gia đình đã giúp đỡ Ban Tổ chức, Nhóm VCHV thực hiện trang trọng, ấm áp nghĩa tình Lễ tưởng niệm nhà văn Hoài Anh. Ngay sau đó, Nhóm Văn chương Hồn Việt cùng gia đình đã tổ chức tiệc rượu (nội bộ) thân mật tại Nhà hàng Việt Phố 47-49 Lê Quý Đôn, để mọi người tiếp tục trò chuyện, hồi nhớ về nhà văn Nhân hậu , đa tài, bình dị. Đam mê sáng tạo trọn đời!

PV.
www.trieuxuan.info