Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỊNH MỆNH TÌNH YÊU- SỐ PHẬN CÓ AN BÀI?

Trần Huyền Nhung
Thứ tư ngày 1 tháng 6 năm 2011 2:12 PM
 
    CÂU THƠ ĐỊNH MỆNH

Anh đứng lặng trước dòng sông số phận
Chuyến đò hoa quay mũi tự bao giờ
Bến nước cuối cùng rải đầy mảnh vỡ
Chiếc chén ngà đong nước mắt ngày xưa
Anh lênh đênh một mình giữa mây và nước
Bối rối ngàn dâu, bối rối tơ tằm
Sào định mệnh cắm vào dòng sông khác
Đá cỏ hai bờ đã in dấu trăm năm
Không thể nói yêu em như thuở còn vụng dại
Cái thuở nhìn đâu cũng báo hiệu một mối tình
Giờ anh khóc trong một chiều huyền thoại
Có ai ngờ sương đã trắng đầu anh
Anh không dám chạm vào mối tình mà anh đang có
Mối tình sau mong manh lắm người ơi
Như sương mỏng phủ hờ trên áo mỏng
Sau bức rèm kia là tan vỡ mất rồi!
                              Hoàng Đình Quang.
Trong cuộc sống, khi con người thỏa mãn những chuyện cơm – áo – gạo – tiền thì dường như hai chữ: “Số Phận” chẳng ai thèm nhắc đến. Khi cuộc đời đong đưa xô đẩy con người vào chốn lâm li bi đát, buồn đời, buồn tình… thì lúc ấy cái tên “số phận” mới bắt đầu được điểm danh, được than thở với người này kẻ nọ, rồi dàn đồng ca bắt đầu được khởi xướng, cái cung điệu trầm buồn của anh cũng chẳng thua kém cái não nề hiu hắt của tôi, cái số phận của anh đem so với cái số phận của tôi. Ôi chao! Sao nó chẳng giống nhau tí nào cả, và rồi bản nhạc đồng ca ấy trở nên muôn màu muôn vẻ: mỗi người một số phận. Cái được gọi là “số phận” dường như nó cũng na ná cái được gọi là “định mệnh”. Cái số phận hay định mệnh thì nó cũng có chung một tính chất và con người chỉ cảm nhận được nó khi rơi vào chốn cùng cực của cuộc đời. Khi nói đến số phận hay định mệnh thì con người đã tự nhận bản thân mình yếu đuối, thậm chí, con người chẳng ưa gì cái số phận, cũng chẳng thích thú gì cái định mệnh, nhưng tại  “ Ông Trời” già quá lẩm cẩm, quá dở hơi khi thích thú trao tặng cho con người những “món quà” mà họ không bao giờ mong đợi. Bởi thế mới có câu: “ghét của nào Trời trao của ấy”.Trong những cái “của” mà Ông Trời nhanh nhẩu trao tặng miễn phí ấy, có một món quà dành cho Hoàng Đình Quang đó là :”Câu thơ định mệnh” .
     “Câu thơ định mệnh”- một quà tặng Trời cho hay một định mệnh?Nếu là một món quà thì phải có người cho và kẻ nhận, không ai có thể cho những cái mà mình không có và không ai muốn nhận cái mình không ưa thích. Khi trao tặng bất cứ quà tặng nào thì người cho bao giờ cũng muốn gửi gắm chút ân tình của mình ở đó, và người nhận tối thiểu cũng phải biết đáp lại chút tri ân. Người nhận quà không có lòng mến yêu thì món quà trở thành vô nghĩa, người nhận trở thành người vong ân bội bạc. đến lúc này thì quà tặng trở thành nợ nần,trong”khuôn khổ” của thế giới tình cảm con người. Tình yêu “ngoài luồng” của những con người đã “yên bề gia thất” có thể xem như một món quà mà họ dùng để trao tặng cho nhau, nhưng xét về góc độ cá nhân thì dường như nó là một “Định mệnh” mà “Nếu biết trước tình là dây oan/ thì dương gian đừng có chúng mình(Đỗ Lễ).
        Vấn đề đặt ra ở đây là “Số phận có an bài?” Vậy thì “Câu thơ định mệnh” có xem là số phận được không? Qùa tặng của Trời cho hay lại là một món “nợ tình”:
“Anh đứng lặng trước dòng sông số phận
Chuyến đò hoa quay mũi tự bao giờ
Bến nước cuối cùng rải đầy mảnh vỡ
Chiếc chén ngà đong nước mắt ngày xưa”
   
Liệu rằng có phải hai số phận của hai con người cứ “chênh vênh” chờ nhau ở nửa hai con đường …?Con đường Anh đi bây giờ vẫn là con đường ngày trước, con đường mà anh và em đã chọn và từng có thời gian bước bên nhau, vất vả mà hạnh phúc, lạnh giá mà ấm áp. Con đường Anh bước bây giờ vẫn còn Anh với tình yêu chưa hề thay đổi, với những mục tiêu đã đặt ra từ những ngày đầu tiên. Tất cả ước mơ, mong muốn, khát khao và tình yêu vẫn còn đó, theo Anh trên con đường chỉ còn mình Anh bước. Con đường tinh thần vẫn vậy.  Nhớ không thể quên những ngày đầu chúng mình gặp nhau. Chẳng lãng mạn như cổ tích đâu, cũng có những giằng xé trong tâm, những cảm xúc lẫn lộn. Cũng chẳng dễ dàng đâu, cũng phải vượt qua khó khăn, thử thách. Để rồi giờ đây: “Anh đứng lặng trước dòng sông số phận”, chuyến đò “hoa” đã quay mũi tự bao giờ, anh cũng không hay. Anh “lặng” người đi, chẳng thể thốt được thành lời…”Dòng sông số phận” là một “định mệnh” đã an bài. Đời người là một “tri thiên mệnh”, như Nguyễn Du đã nói “Ngẫm thay muôn sự tại trời” mà “Bắt phong trần mới được phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Hoàng Đình Quang đứng trước “dòng sông số phận” phải chăng chính Anh cũng đổ lỗi cho Trời? Khi ta gặp nhau đó là nhân duyên, từ tình yêu đến hôn nhân còn thuộc vào duyên phận. Ở đây Hoàng Đình Quang có duyên nhưng không có phận với mối tình xưa của mình. “Bến nước cuối cùng rải đầy mảnh vỡ”, phải chăng đó là những “dấu tích”tình yêu thăng trầm, xót xa. Một tình yêu đầy những chông gai, mong manh và dễ vỡ. “Chiếc chén ngà” khơi gợi trong lòng người đọc mường tượng tới kỷ niệm một thời mà Hoàng Đình Quang“đong đầy nước mắt” khi nghĩ về “ngày xưa”.
     Nếu như ở khổ thơ đầu là hình ảnh “Anh đứng lặng trước dòng sông số phận” gây sự ngỡ ngàng, thì khổ thơ tiếp theo tác giả dẫn dụ người đọc hiểu sâu được “định mệnh” vì sao mà phải như thế :
“Anh lênh đênh một mình giữa mây và nước
Bối rối ngàn dâu, bối rối tơ tằm
Sào định mệnh cắm vào dòng sông khác
Đá cỏ hai bờ đã in dấu trăm năm “
     Tâm trạng của Hoàng Đình Quang lúc này như mang tính chất cao trào, như một thủ pháp đẩy tốc độ của tâm trạng lên, nén các thông tin nghệ thuật tạo nên bước nhảy, kích thích sự tiếp nhận của người đọc, từ đó hình thành nên chuỗi liên tưởng không giới hạn của dây chuyền cảm xúc. Lúc này đây Hoàng Đình Quang đang “lênh đênh” trên “dòng sông số phận” , cảm giác như lòng tác giả ngổn ngang, trôi nổi, vô định trên dòng sông ấy. Một tâm trạng hết sức quẩn quanh “bối rối ngàn dâu, bối rối tơ tằm”. Số phận đã đẩy đưa người con gái ấy ra khỏi cuộc đời Anh, để bây giờ tất cả đã thuộc về “Định mệnh”Sào định mệnh cắm vào dòng sông khác”, hai bờ của dòng sông ấy” đá cỏ” đã “in dấu trăm năm”. Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ độc đáo để nói lên rằng: Chính nơi đây đã hằn sâu ký ức kỷ niệm mà tác giả với người bạn của mình đã đi qua. Tất cả cỏ cây, sông nước, mây trời, hoa, đá…minh chứng cho tình cảm một thời của Hoàng Đình Quang.
        Tôi chợt nhớ đến một câu châm ngôn của ai đó “Duyên số chưa chín muồi trở thành vận mệnh của họ. Số phận đưa họ đến với nhau rồi lại đẩy họ ra xa”.Sẽ ra sao khi số phận của ta ở sau lưng nhưng định mệnh lại đưa ta đi thẳng? Làm thế nào khi định mệnh muốn ta đứng lại nhưng số phận lại khiến ta bước đi? Mất bao lâu khi ta chỉ cách nhau một bức tường nhưng lại là cả vòng trái đất? Phải làm gì khi định mệnh và số phận không bước chung đường? Nhưng Hoàng Đình Quang vẫn tin rằng chỉ cần trái tim cùng chung nhịp đập, dù bao xa, cuối con đường ta sẽ gặp lại nhau trong suy nghĩ, trong tâm hồn. Yêu thì yêu đấy, nhưng ngày xưa ơi, giờ đã xa ngút ngàn rồi, khoảng cách tâm hồn của mỗi người cũng đã khác, gặp lại “em” cũng chẳng thể nói được gì :
     “ Không thể nói yêu em như thuở còn vụng dại
      Cái thuở nhìn đâu cũng báo hiệu một mối tình
      Giờ anh khóc trong một chiều huyền thoại
      Có ai ngờ sương đã trắng đầu anh “
Tình Yêu làm cho đời sống của chúng ta thêm ý nghĩa- cao đẹp- và hạnh phúc-nhưng đôi khi cũng làm cho trái tim ta đớn đau, ứa lệ! Làm cho đời ta khốn đốn, tối tăm! Nhưng -Tình yêu vẫn mãi làm cho trái tim ta se thắt nhớ, quắt quay buồn thương. Khi đã thực lòng yêu thương-trọn tình trao gởi- thì hình bóng ai kia sẽ theo ta cả cuộc đời! Nó được lưu giữ trong tim ta, trong mọi ý nghĩ và cả trong những giấc mơ hằng đêm. Khi yêu nhau, dường như hai trái tim xa cách đều có một “thần giao cách cảm “ dịêu kỳ! Đời sống mà được tri âm, tri kỉ thì hạnh phúc biết bao! Chữ “Tình” khó có thể rành rẽ diễn đạt thành lời. Nó ẩn sâu trong tâm khảm mỗi người mỗi khác. Còn với Hoàng Đình Quang lúc này, có lẽ nên im lặng thì hơn, vì biết nói gì được, cũng không thể “ nói yêu em như thuở còn vụng dại”. Có nỗi đau nào đau hơn  nỗi đau thuộc về tình cảm, khi yêu lại không thể nói được. Chắc hẳn là phải có nguyên do thuộc về nỗi lòng tâm trạng của Hoàng Đình Quang. Cái thuở “nhìn đâu cũng báo hiệu một mối tình” xa lắm rồi, đâu còn ngây thơ, khờ dại và nông nổi như thế. Vậy lý do gì khiến Hoàng Đình Quang phải “khóc trong một chiều huyền thoại”? Vấn đề ở đây lại thuộc về số phận “đa đoan”, đèo bòng, đa mang. Định mệnh gắn liền với số phận xuyên xuốt từ đầu bài thơ cho đến giờ. Không chỉ tôi và bao người đọc khác sẽ cảm động cho tâm trạng của Hoàng Đình Quang ở câu thơ “Có ai ngờ sương đã trắng đầu anh”. “Tình riêng bỏ chợ, tình người vốn đa đoan” mà, trách chi được một con người vốn đa cảm như thi nhân Hoàng Đình Quang. Chính cái vận vào mình ấy là những sự dang dở, lỡ làng đã làm nên một Hoàng Đình Quang vừa nặng trĩu, vừa đa đoan, vừa tinh tế lại nhạy cảm đến mức chỉ một câu thơ “giờ anh khóc trong chiều huyền thoại” thôi cũng đủ làm người đọc hiểu được “định mệnh” của một câu thơ. Đã bao nhiêu năm trôi qua rồi , tóc “Anh” giờ đã phai màu sương gió, trải qua biết bao nhiêu những bề bộn của cuộc sống và cả khóc cho một mối tình không thành…vậy mà người đọc vẫn thấy ở “Anh” một tình cảm xúc động đến thế. Sự từng trải của “Anh” bao nhiêu trong đời thì càng nhận ra được đích thực của tình cảm nguyên vẹn với em như “thuở còn vụng dại”. Đây chính là “định mệnh” đã cho Hoàng Đình Quang gặp lại “người xưa”, nhưng vẫn phải thuận theo số phận ông Trời định đoạt. “Chiều huyền thoại” gợi trong ta bao suy nghĩ về tình cảm đẹp một thời, về tình yêu được thêu dệt bằng màu hồng, giống như thế giới của cổ tích với hàng ngàn câu chuyện tình nên thơ, huyễn hoặc…
      Như vậy, một mối tình đầu đã đi qua trong đời nhà thơ với biết bao kỷ niệm khó quên. Cuộc sống dù đổi thay, thay đổi nhưng lòng người vẫn vẹn nguyên. “Câu thơ định mệnh” không chỉ dừng ở đấy, mà còn mở ra cả một “định mệnh tình yêu”. Khổ cuối cùng của bài thơ khép lại, người đọc không chỉ cảm động mà còn trăn trở, thổn thức, chênh vênh trước một hồn thơ :
“Anh không dám chạm vào mối tình mà anh đang có
Mối tình sau mong manh lắm người ơi
Như sương mỏng phủ hờ trên áo mỏng
Sau bức rèm kia là tan vỡ mất rồi!”
     Ta hiểu đằng sau ý thơ “không dám chạm vào mối tình mà anh đang có” là sự ẩn giấu một khát vọng tự nhiên của con người, mà không một người nào không có. Nhưng có dám nói thật lòng mình hay không thì chẳng phải ai cũng có thể. Chỉ riêng điều ấy thôi, ta đã hiểu được nỗi lòng của Hoàng Đình Quang. Anh nói lên một sự thật vừa kín đáo, vừa tế nhị, vừa không dễ được mọi người chấp nhận, vì những ràng buộc hiện tại rất cần lương tâm và trách nhiệm của anh. Cái sự thật vừa kín đáo, vừa tế nhị ấy cũng chính là nỗi lo sợ gieo rắc “đa đoan” triền miên. Mối tình sau thì lại càng mong manh, dễ vỡ, vì cũng không thể đi đến cuối con đường được. Bởi vì :
“ Bây giờ mắc phải tai ương
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường vô duyên
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Tơ vương thành kén, tằm yên phận tằm”
                               Tương tư- Hoàng Đình Quang.
    Mối tình sau cũng chỉ như “sương mỏng phủ hờ”thôi. Nắng lên thì những màn sương sẽ tan biến vào hư vô ngay tức khắc. Đọng lại trong lòng Hoàng Đình Quang một tình cảm không phải như “hờ” mà vì hoàn cảnh, tình thế buộc phải theo quy luật thôi.
     Hẳn là “Số phận có an bài” với Hoàng Đình Quang? Số phận là gì? Là “sự định đoạt cuộc đời của một người được hưởng hạnh phúc hay chịu đau khổ, sống lâu hay chết sớm, do một sức thiêng liêng nào đó, theo thuyết duy tâm” (Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 1997), là “sự sống của người, do Trời định, không phải sức người miễn cưỡng được” (Từ điển Hán – Việt- Đào Duy Anh). Còn gọi là số mệnh, số kiếp, vận mệnh, định mệnh v.v… Ở “Câu thơ định mệnh”, quả thực là liên quan đến số phận của Hoàng Đình Quang. Điều này thì ngay câu đầu bài thơ, Hoàng Đình Quang đã khéo léo biện minh cho mình: “Anh đứng lặng trước dòng sông số phận”. Nghĩa là “Anh” đổ lỗi cho số phận để người đọc thấy được rằng : Trong chuyện tình cảm, đa đoan cũng là do số phận. Một sự thật không thể chối cãi được, bằng chứng là “Câu thơ định mệnh” của Hoàng Đình Quang có đến ba mối tình xảy ra theo chiều sâu tâm trạng. Thứ nhất, là mối tình đầu đã khiến tác giả “khóc trong một chiều huyền thoại”; thứ 2, là mối tình “đang có”, Hoàng Đình Quang lại không dám “chạm” vào: thứ 3, là “mối tình sau” thì lại quá mong manh, dễ tan biến như khói sương. Cả ba mối tình ấy đều theo một logic tình cảm, có nguyên nhân và sẽ dẫn đến kết quả… “Câu thơ định mệnh”- số phận có an bài hay không, thì đến đây đã được làm sáng tỏ.
     Có thể còn rất nhiều ý kiến nữa về “định mệnh tình yêu”, vì tình yêu vốn muôn màu, muôn vẻ. Tình yêu bắt đầu bằng nụ cười, lớn lên bằng nụ hôn và thường kết thúc bằng nước mắt. Toàn bộ cảm hứng của bài thơ đều xoay quanh tâm trạng của chủ thế nhân vật trữ tình Hoàng Đình Quang. Đa đoan trong tình yêu hẳn cũng là định mệnh và chắc hẳn con người ta cũng sẽ rất phức tạp? Cuộc đời cũng rối rắm như những góc phố quanh co, những con ngõ chật hẹp trên bản đồ địa lí, đôi lúc cũng muốn đơn giản chính mình, cũng muốn con tim không chi phối bởi những giấc mơ, như định mệnh khắc nghiệt, như vòng thời gian quay thật nhanh kia… Nhưng bình yên không do mình chọn lựa, sóng gió không do mình gọi đến, đôi khi cuộc đời là thách thức, buộc phải sống khác đi, buộc phải làm những điều mà mình không mong muốn, buộc phải sống một phần đời thay cho người đã ra đi… Định mệnh là sợi dây trói buộc nghiệt ngã, phải chi ta đừng gặp nhau thì sẽ không có những “Câu thơ định mệnh” như thế !
                                                   Tphcm, ngày 09/4/2011
                                                       Trần Huyền Nhung