Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÂY CHUỐI NẤU XƯƠNG

Bùi Đình Hiển
Thứ năm ngày 19 tháng 5 năm 2011 9:10 PM
 
Mỗi dịp qua miền Tây Bắc lại nhớ câu thơ Tố Hữu:
                  “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi…”.
Nguyễn Trãi có bài thơ  “Ba tiêu” nổi tiếng về cây chuối:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
                Đầy buồng hoa lạ màu thâu đêm
                Tình thư một bức phong còn kín  
                Gió nơi đâu, gượng mở xem.
Chuối vào thi họa. Chuối điểm tô cuộc sống đời thường. Hoa chuối đẹp, nhưng xưa nay không ai cắm nó trong bình để ngắm, thỏa thú chơi hoa. Chuối linh thiêng hơn: cây chuối non bên linh cữu người quá cố đưa họ về cõi vĩnh hằng với ước vọng xanh vĩnh cửu. Chuối xanh lên bàn thờ ngày tết, Và chuối thực dụng hơn. Sau mỗi bữa, ăn thêm quả chuối thú vị biết dường nào. “ chuối xanh nấu ba ba” “hoa chuối nấu ốc” “cây chuối nấu xương” ngon tuyệt. Chuối tẩm bổ sức khỏe. Chuối chữa bệnh. Chuối giúp nông dân làm kinh tế nuôi lợn xóa đói giảm nghèo nuôi con ăn học.…Chuối kết bè mảng đưa người du kích qua sông diệt thù, trẻ em qua sông đi học. Lá chuối gói giò ngày tết, gói bánh đúc, gói hàng chợ quê. Lá chuối khô nút hũ hạt giống, nút
chai “Quốc lủi”.
Kể về chuối, rất nhiều. Chuối tiêu, thân to thấp lùn, tầu lá cũng to như tấm phản xanh mượt, quả to chín thẫm, thơm (có lẽ từ mùi hương mà gọi là chuối tiêu?). Chuối tây (còn gọi là chuối gòng), thân cao, tầu lá không xanh thẫm, quả nhỏ hơn mập hơn, chín vàng ngọt đậm. Đó là hai loại chuối phổ biến và được trồng nhiều, tiêu thụ nhiều. Còn có chuối lá, tầu lá rất dày, quả dẹt hơn. Chuối mật, nổi trội là quả ngọt như mật. Chuối ngự, nổi trội là quả nhỏ chín vàng thơm ngon, quý hiếm xưa dùng tiến vua. Lại có chuối cảnh, buồng chuối như một bông hoa chín vàng buông thõng từ ngọn xuống sát đất.
Nam dược cho rằng chuối chứa rất nhiều phốt pho, sắt và những hydrat carbon. Trong chuối có vitaminA, B, C đặc biệt cần trong dinh dưỡng, trong phát triển quân bình hệ thần kinh, trong tăng trưởng của xương và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Theo kinh nghiệm dân gian, chuối có vị ngọt, bổ tì vị, nhuận tràng, lợi tiểu. Chuối chín là thức ăn tốt cho người tiêu hóa kém, cao huyết áp, hoặc bị phù nề, suy tim, viêm thận. Ăn chuối thường xuyên trị được bệnh thổ huyết, đái tháo đường. Chuối xanh có tác dụng cầm tiêu chảy. Quả chuối xanh thái từng lát mỏng xát liên tục nhiều lần lên chỗ hắc lào sẽ khỏi. Cây chuối con cắt ngang bỏ vỏ ngoài giã nhỏ, đắp để cầm máu vết thương. Chuối ăn tươi, song sấy khô cũng vẫn giữ nguyên được tất cả
ưu điểm của chuối tươi chín cây. Dùng quả chuối hột sấy khô để chữa sỏi thận rất hiệu nghiệm.
Chuối chín ăn thường ngày. Chuối khô đóng gói . Chuối xanh nấu ba ba, chuối xanh nấu ốc, cây chuối nấu xương rồi rau chuối, nộm chuối…là những món ăn khoái khẩu.
Và, tôi muốn kể ra một loài chuối hoang dã. Đó là chuối hột, thân to cao, tầu lá cũng rất to và cứng cáp, buồng ra không nhiều nải, quả to mập có nhiều hột. Chuối hột rất dễ trồng, đặc biệt đẻ khỏe, thân cây to mập, người chăn nuôi dùng thân cây để nuôi
lợn. Bóc bỏ các bẹ già, lấy phần thân non thái nhỏ nấu cám cho lơn ăn. Lợn sề, lợn lai chúng ăn thân cây chuối không cần nấu. Người nhà quê chăn nuôi tự túc được một phần thức ăn nên giá thành thấp, lãi nhiều. Nhiều nhà chăn nuôi lợn như là biện pháp tiết kiệm tiền bỏ ống để nuôi con ăn học từ Tiểu học lên Đại học, hoặc tích góp làm nhà, cưới hỏi cho con…Mọi công to việc lớn đều trông vào con lợn, mà thức ăn nuôi lợn là rau chuối bèo cám tự túc.
Cây chuối nấu còn là món đặc sản. Món ăn nhà quê mỗi khi cỗ giỗ, việc làng, việc họ hoặc liên hoan mặn, … thực sự ngon lành, bổ dưỡng.
Chọn cây chuối hột non, bỏ bẹ già lấy phần non, thái chỉ ngâm nước muối cho mềm, rửa sạch để ráo, nấu với xương lợn đã ninh nhừ, tra mắm muối gia vị, múc lên bát , ăn nóng. Đơn giản vậy thôi. Nhưng quanh bát cây chuối nấu là bao chuyện.
Một thời dân ta đói khổ phải ăn củ chuối tháng ba ngày tám. Cái thời ấy xa rồi. Nhưng, cây chuối vẫn hiện diện trên mâm cơm, mâm cỗ nhà quê, vẫn có mặt trên đĩa rau thơm của người thành phố. Cỗ nhà quê, dăm bảy chục mâm, có đám cả trăm mâm. Không nhà nào đặt nhà hàng. Tất cả đều “Tự biên tự diễn. Mấy bác có tay nghề mổ lợn; mấy bà quen tay đồ xôi, gói bánh; mấy chị xồn xồn nấu cơm, xào rau, kho thịt; còn các bà trung niên nhờ con mài dao sắc, kèm cái thớt nghiến mang đến sân gia chủ quây quần thái cây chuối. vừa thái vừa chuyện. Những câu chuyện có khi chỉ là buôn “dưa lê” không đầu không cuối. Nhưng có khi rất nghiêm túc. Ấy là chuyện thường ngày ở xóm. Họp Phụ nữ: liên hoan. Họp Người cao tuổi: liên hoan. Họp Cựu chiến binh:
liên hoan. Liên hoan và liên hoan. Vừa thái chuối vừa bàn công việc. Vào nội dung chính của cuộc họp chủ tọa chỉ việc kết luận hội nghị rồi nâng cốc.
Ôi ! Cây chuối nhà quê. Chuối ngự tiến vua. Nải chuối xanh bày lên mâm ngũ quả ngày tết. Chuối tiễn đưa người về cõi vĩnh hằng. Chuối quả xuất khẩu. Chuối chữa bệnh, tẩm bổ sức khỏe. Chuối chín ăn sau mỗi bữa cơm. Nam Bộ có món chè chuối. Chuối vào thơ, lên tranh. Rau chuối trộn đĩa rau thơm. Cây chuối đóng bè qua sông, lá chuối gói bánh , nút chai…
Chuối chín, chuối xanh, cây chuối, hoa chuối, lá chuối gắn bó với người nhà quê từ thuở lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Chuối nhiều công dụng vậy: là thực phẩm là dược liệu, là thuốc chữa bệnh. Nhưng, hãy về làng tôi, ăn cây chuối nấu xương lợn sẽ thú vị biết nhường nào. Ăn xong hẳn sẽ tôn món cây chuối nấu là đặc sản hàng hiệu.
Nói không ngoa:
“Dù ăn cơm Tầu rượu Tây / không bằng xương nấu chuối cây riệu làng”.
Ôi cây chuối!