Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN: KHÔNG SÁNG TẠO COI NHƯ ĐÃ CHẾT

Cao Năm
Thứ sáu ngày 13 tháng 5 năm 2011 5:18 PM
 
Sau mấy lần lỡ hẹn, cuối cùng thì tôi và nhà thơ Mai Văn Phấn cũng có buổi ngồi với nhau ở nhà anh vào dịp nghỉ mồng 1 tháng 5 vừa rồi. Cuộc gặp ban đầu là để thỏa mãn tính tò mò của tôi từ 20 năm nay về một bài thơ của Mai Văn Phấn đăng báo Hải Phòng năm 1991, nhân dịp thành phố trao giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm lần thứ nhất. Đó là bài “Thuốc đắng” mà đến nay, 20 năm trôi qua, tôi vẫn thuộc câu mở đầu táo bạo trong cách dùng từ, chắt lọc nhịp điệu: “Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa/ Cha cũng có thể thành tro nữa”. Bài thơ gồm bốn khổ, riêng khổ đầu phá cách năm câu, còn ba khổ sau đều bốn câu, viết khá thoải mái và cũng thật đặc trưng cho phong cách thơ Mai Văn Phấn thời kỳ này.
20 năm trôi qua, bây giờ nhìn lại có thể nói giải thưởng văn nghệ  thành phố Hoa Phượng Đỏ năm ấy trao giải nhất cho bài thơ “Thuốc đắng” của Mai Văn Phấn là chính xác. Nhưng buồn thay, sau khi báo đăng trên trang nhất bài thơ này, ngay hôm sau đã nhận được thư bạn đọc gửi đến chê bài thơ hết lời, có cả những lời phê phán khá gay gắt và đậm chất quan trường, quy chụp không chỉ tác giả, mà cả người chọn thơ. Có đến hàng tháng trời sau cuộc trao giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, không khí văn chương đất Cảng vẫn nóng lên về bài thơ “Thuốc đắng”. Bấy giờ tôi chưa quen Mai Văn Phấn, nên cũng chưa có dịp chuyện trò với anh về bài thơ của anh gây xôn xao dư luận, mà chính tôi khi đọc thư gửi đến báo cũng thấy gai người vì những lời quy chụp của “bạn đọc yêu thơ”. Sau này, khi quen nhau, mỗi lần có dịp tôi lại hỏi anh về bài thơ từng làm xôn xao bạn yêu thơ ngày ấy. Nhưng cũng mãi đến dịp ngày thơ Việt Nam năm nay, Mai Văn Phấn mới tươi cười mà như hẹn, lúc nào anh em mình ngồi với nhau lâu lâu chuyện trò mới đã. Và “lúc nào” ấy cũng qua mấy tháng, mãi dịp nghỉ lễ mới rồi chúng tôi mới gặp được nhau. Vừa ngồi xuống ghế, tôi như thầm nhắc lại lời hẹn, đọc luôn hai câu kết bài “Thuốc đắng”: “Khi lớn bằng cha bây giờ/ Đáy chén chắc còn b•o tố”, thì Mai Văn Phấn nói ngay: “Bài đó em viết trong một hoàn cảnh cụ thể, các chi tiết tạo nên thi ảnh đều có thật…”. Rồi như gợi đúng mạch của anh, nhà thơ say sưa kể.
Năm ấy con gái lớn của Phấn lên ba tuổi, thường cháu rất sợ uống thuốc, mỗi khi ốm là bố mẹ phải dỗ mãi mới chịu uống thuốc. Nhưng lần ấy cháu ốm nặng, không thể ngồi đợi khi con chịu há miệng mới cho uống thuốc, vợ chồng anh phải giữ tay chân con rồi đổ thuốc vào miệng. Chính lần đổ thuốc cho con ốm đã để lại trong người cha bao suy tư, dằn vặt, đồng thời cũng làm bật dậy trong lòng câu thành ngữ “thuốc đắng gi• tật”. Bài thơ là sự dằn vặt, ám ảnh đè nặng trong lòng, nên khi viết cũng khá trôi chảy, vì nó không còn đơn thuần là chuyện bố mẹ cho con uống thuốc nữa, mà là xã hội lúc đó. Bài thơ ra đời năm 1990, đất nước ta mới thực hiện đường lối đổi mới được 5 năm, tư tưởng bảo thủ cùng những tàn dư của thời bao cấp còn khá nặng nề và cũng không phải ai cũng muốn đổi mới; nhưng muốn đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thì không thể không tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa. Công cuộc đổi mới quả là nhọc nhằn, vất vả, và không kém phần quyết liệt một mất một còn, nhưng từ trong nỗi vất vả và quyết liệt ấy đã thấy bóng dáng cuộc đời mới đang về, nếu khi đọc “Thuốc đắng” mà ngẫm ngợi sâu một chút thì thấy ngay cái ẩn ý ấy: “Con ơi! Tý tách sương rơi/ Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh/ Và những cánh hoa mỏng mảnh/ Đưa hương phải chờ rễ cay/ Mồ hôi keo thành chai tay/ Mùa xuân tràn vào chén đắng”. Thơ Mai Văn Phấn ngay từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước đã là thế, chỉ bằng sự giản dị bình thường như cho con uống chén thuốc đắng để giã tật, mà nói được vấn đề lớn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người như công cuộc đổi mới hồi bấy giờ. Thơ nói cái chỉ riêng mình, nhưng không chỉ riêng mình, từ cái có thật của riêng mình, nhà thơ đề cập tới những mối quan tâm chung của xã hội, hay nói cách khác là chỉ bằng sự giản dị, ngay từ bấy giờ, không gian thơ Mai Văn Phấn đã được đặt trong khung cảnh nhất định. Không chỉ ở “Thuốc đắng” mà sau này còn gặp nhiều trong thơ anh, nhất là ở giai đoạn trước 1995. Nhưng “Thuốc đắng”, theo tôi, cho đến nay vẫn là một trong những đỉnh cao của thơ Mai Văn Phấn những năm đầu thập niên 90, và nếu bảo trên đường văn chương anh đứng cung vận may, ngay bài thơ đầu tiên đã được giải thưởng, cũng không ngại quá lời. Nghe tôi nói nhận xét ấy, nhà thơ trong tốp tiên phong cách tân thơ Việt Nam đã tâm sự, từ  năm 21 tuổi anh đã có thơ in trên báo Phụ nữ Việt Nam. Rồi như từ mạch nguồn đâu đó tuôn chảy, Mai Văn Phấn say sưa kể về những tháng năm vật lộn tìm con đường vào thơ cho riêng mình.
Là học sinh giỏi văn trường cấp 3 huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình,  Mai Văn Phấn yêu thơ và làm thơ từ năm 16, 17 tuổi; năm 1972, trong cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc anh đoạt giải Nhì. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 19 tuổi (1974), Mai Văn Phấn vào bộ đội. Hai năm sau, từ trong quân ngũ, anh có bài thơ “Hoa xoan” gửi báo Phụ nữ Việt Nam và được đăng ngay. Như người khác, đây là “cú hích” để ngày càng đi sâu vào con đường thơ; nhưng với Mai Văn Phấn thì không. Suốt từ năm 21 tuổi đến năm 37 tuổi (anh sinh tháng 11/1955), anh không làm thơ nữa. 16 năm ấy, Mai Văn Phấn chỉ tập trung trau dồi kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, chuyên môn; và dành thời gian đáng kể cho việc đọc và suy ngẫm về văn chương, thôi thì đủ hình đủ dạng chủ thuyết, trường phái, từ các nhà thơ cổ điển trong nước như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, đến các nhà thơ nước ngoài như Rabindranath Tagore, Pablo Neruda, Nadim Hit met… Với vốn văn hóa và ngoại ngữ sâu rộng, Mai Văn Phấn có điều kiện tiếp xúc với lý thuyết và tác phẩm từ văn bản, để từ đó suy ngẫm và rút ra điều bổ ích cho công việc sáng tạo của mình. Không những thế, anh đọc không chỉ bằng mắt, suy ngẫm, mà còn ghi chép tỷ mỉ những tác phẩm mình tâm đắc, những điều mình nghĩ bổ ích và thiết thực cho công việc sáng tác sau này. Thế nên, suốt 16 năm, tuy gần như “đoạn tuyệt” với thơ, nhưng Mai Văn Phấn lại có vô số cuốn sổ tay ghi chi chít những điều có liên quan tới thơ cùng những câu thơ, bài thơ anh viết khi bất chợt, trăn trở đã bao lâu. Dẫu từng có thơ đăng, nhưng lại không làm thơ nữa, mà im lặng chui vào “cái vỏ” để trau dồi kiến thức, chuẩn bị cho bước đi vững chãi trên đường đua, nếu thực sự muốn làm cuộc ma-ra-tông-thơ. Và đúng là sau 16 năm im hơi lặng tiếng, tháng 7/1990, Mai Văn Phấn một lúc tung ra chùm thơ ba bài (Thuốc đắng, Thu về, Em gái đi lấy chồng) trên tạp chí Cửa biển (Hội liên hiệp văn học, nghệ thuật Hải Phòng), để năm sau “Thuốc đắng” giành giải nhất văn nghệ thành phố. Nếu cần những “cú hích” cho cuộc đua ma-ra-tông-thơ, có thể coi chùm thơ ba bài trở lại “trình làng” sau 16 năm vắng bóng là một ‘cú hích” ngoạn mục để Mai Văn Phấn có những bước nhảy tuyệt vời trên con đường thơ. Sau giải nhất thơ Hải Phòng năm 1991, liên tiếp hai năm Mai Văn Phấn đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của hai cuộc thi thơ ở hai tờ báo có uy tín văn chương: năm 1994 của báo Người Hà Nội với bài “Nghi Tàm”; năm 1995 của báo Văn nghệ với chùm hai bài “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” và “Nhật ký đô thị hóa”.
Nhưng giải thưởng vẫn chỉ là giải thưởng, nếu sau đó người đoạt giải cứ mải mê ngắm nghía vinh quang “hết ngày dài lại đêm thâu”. Với Mai Văn Phấm thì khác, sau những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, có thể nói liên tiếp gặt hái những mùa bội thu, thì từ năm 1995 trở đi, với vốn kiến thức phong phú tích lũy hàng chục năm và sự cập nhật thông tin văn chương gần như hàng ngày, nhất là thơ, cả trong nước và ngoài nước, Mai Văn Phấn tự mình làm cuộc “lột xác” bằng việc thử sức vào một số khuynh hướng thơ trên thế giới. Nhưng công bằng mà nói, những năm từ 1995 đến 2000, bên cạnh những bài thơ kết hợp truyền thống với tâm thức khá nhuyễn, cũng không ít bài thơ của anh sa vào rắc rối, bí hiểm, khó hiểu, thậm chí một số bài như thách đố người đọc, chẳng hạn các bài: “Cấu trúc tạm thời”, “Mười bài tập mùa xuân”, “Niệm khúc số 18”. Để bạn đọc phần nào hình dung thơ Mai Văn Phấn những năm tự “lột xác”, xin dẫn ra mấy câu trong bài “Cấu trúc tạm thời”: “Những thửa ruộng, nóc nhà, bóng cây, mái tóc…/ Chuyển động lặng im, vụn rời, không quy luật/ Chúng chờ đợi tiếng cười tiếng khóc/ Nỗi lo âu tìm cột mốc vô tư/ Sự chân thành cảm hóa dối lừa/ Để  tạm thời tạo nên cấu trúc”. Quả là khó hiểu. Nhưng nhiều lúc tôi cứ vơ vẩn nghĩ, thơ Mai Văn Phấn không có những năm tự “lột xác” để chui ra khỏi cái vỏ cứng của truyền thống, vần điệu, nhuyễn và hồn nhiên đến thơ ngây như chính anh giai đoạn 1995 về trước, và cả nhiều người khác nữa, thì thi đàn Việt Nam hiện đại liệu có một giọng thơ Mai Văn Phấn riêng biệt và khá độc đáo như hiện nay. Là người được Mai Văn Phấn tặng gần như đủ 10 tập thơ của anh, từ tập đầu “Giọt nắng” đến tập mới nhất “Thơ tuyển Mai Văn Phấn”, tôi vẫn nghĩ có những năm dò dẫm tìm đường “chui ra cái vỏ cứng” của truyền thống, vần điệu, dẫu có thành công, thất bại, thậm chí làm không ít người đọc đã quen với thơ có vần, thơ đọc không cần nghĩ, thơ ngâm ngợi cho vui, không những quay lưng lại với thơ Mai Văn Phấn, mà còn chê bai đủ điều, nhưng cuộc tìm đường, “lột xác” suốt mấy năm cuối thập niên 90 thế kỷ 20 của anh dẫu có đớn đau nhưng là sự đớn đau sinh nở, thoát khỏi đường mòn của thơ ca để có một giọng thơ, một khoảng trời thơ Mai Văn Phấn như người yêu thơ đích thực đã thấy  trong những năm đầu thập niên thứ nhất thế kỷ 21 này, với rất nhiều bài đọc rồi còn muốn đọc nữa, chẳng hạn như các bài “Nghe em qua điện thoại”, “Gió thổi”, “Tắm đầu năm”, “Tin nhắn lúc giao thừa”, “Ngậm em trong miệng”, ngay đến bài thơ dài “Hình đám cỏ” được viết theo lối chương hồi với 9 nhịp thơ cấu trúc khác nhau, đọc vẫn thấy nhuyễn, hiện đại và truyền thống như quyện vào nhau hồn nhiên và giản dị, mà nếu bạn đọc không ngại, tôi xin trích ra đây khổ đầu của Nhịp 6: “Hôn em hút hết bóng đêm/ Vừa nứt trái cây chín rục/ Cây trúc cây tre thêm đốt/ Đống lửa bùng lên bởi những que cời/ Một con còng trước bình minh lột xác”.
Khép lại bài viết, tôi chỉ muốn nói rằng, 20 năm đọc thơ, dõi theo con đường thơ Mai Văn Phấn, điều tôi nhận ra ở nhà thơ đầy năng động này là một bản lĩnh sáng tạo luôn kiên định con đường mình đi, dù biết trước là đầy chông gai, đau đớn và cả tai tiếng, nhưng đấy đích thực là con đường của riêng mình, khoảng trời của riêng mình, để từ đấy có thể góp được cái gì đó vào bầu trời cao xanh vời vợi của muôn loài. Và nói như Mai Văn Phấn trong lần trò chuyện với tôi mới rồi, dẫu đã in thơ tuyển, nhưng con đường sáng tạo luôn ở phía trước, bài thơ mới vẫn ở phía chân trời. Bởi như Mai Văn Phấn có lần trả lời phỏng vấn đã nói: “Là một thi sĩ đúng nghĩa, nếu không sáng tạo, tức không làm ra những sản phẩm mới, coi như anh ta  đã chết”./.