Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ LỘI CHÀ.. O CÁC.. BẠNG

Lẩn Thẩn
Thứ ba ngày 10 tháng 5 năm 2011 5:36 PM
 
Nếu các bạn đến Thủ đô mà thấy khẩu hiệu này chăng ngang đường thì bạn cảm nghĩ gì? Đây là tôi hư cấu ăn theo  câu chào mừng của xứ Đồng Văn trên Hà Giang  khi viết câu chào mừng bằng Anh ngữ (Well come…), chuyện này cách đây 2 năm đã  có biểu ngữ y chang chềnh ềnh trên đường to nhân ngày hội lớn. Thủ đô mà còn thế kể chi nơi đèo heo hút gió, tôi cũng chưa có dịp hỏi chuyện người Anh bản địa khi đọc được câu trên thì họ suy ra chuyện gì.
Chuyện nói và viết thực ra rất phức tạp, tùy theo hoàn cảnh và môi trường, Chuyện cũ từ năm 1948 làm tôi nhớ mãi. Chả là mấy thanh niên được điều lên Việt Bắc, trong nhóm có anh bạn tên là Lê Hy.Khi giao tiếp với dân, ông Trưởng bản  nói là các cán bộ tự giới thiệu tên. Bạn Lê Hy tự giới thiệu tên mình, vừa nói xong thì thấy chị em phụ nữ cúi mặt và đấm nhau thùm thụp, còn trưởng bản thì há mồm ngạc nhiên. Sang hôm sau khi ra suối rửa mặt thì một lũ trẻ bám theo anh Lê Hy để xem mặt. Đối với người Tày thì tên anh Hy lại là chỗ kín của chị em. Ngay lập tức anh Hy đổi thành Huy.
Khi sang Nga học lại gặp rắc rối. Người Nga không có vần hờ (h) và chỉ có vần khờ (kh) cho nên Hà Nội chuyển sang Nga ngữ là XA-HOI/I(x của VN là kh của Nga viết theo Nga ngữ là X, còn chữ H của VN lại là chữ N của Nga, còn N ngược cua Nga lại là I của VN …Mấy bạn Nga hỏi tên mày là gì ? Ban Huy nói tên Le Huy, bạn Nga hỏi tên mày là KHUI à, bạn Huy nói ĐA (đúng), mấy bạn Nga vỗ tay rầm rầm gọi KHUI ơi KHUI ơi, về sau lớp sinh viên VN ma quái mới biết đó là tiếng lóng gọi cái của quý của anh em. Ở vùng dân tộc nào đó thì tiếng nói như thế này là văn hoa, nhưng sang vùng dân tộc khác thì trở thanh  thô tục.
Năm 1950, Ông Lê-ô-phi-gơ (Leophiguere) ủy viên TW DCS Pháp sang thăm VN, ta không thể phát âm tên Ông theo tiếng bản địa, vì vậy nó sẽ là thô tục khi người VN nghe tên Ông, cũng như thủ đô có tên gọi A-đi-a-bê-ba, nếu gọi đúng tiếng bản địa thì lại là thô tục.
Từ ngày mở cửa, việc sử dụng tiếng Anh được phổ biến, nhưng trình độ Anh ngữ có hạn nên sai sót trở nên ngớ ngẩn lại càng nhiều.
Ở cơ quan có anh Phó tiến sỹ (nay gọi là Tiến sỹ) làm Cục trưởng của Cục, anh được Phòng Hành chính in cho tấm danh thiếp bằng tiếng Anh nên tên anh Đỗ Ngữ thành DO NGU. Anh em xì xào bàn tán là khi khách đến tìm Ông Đồ Ngu thì ai ra tiếp, những tấm danh thiếp này liền bị hủy bỏ. Nếu chuyển tác giả Nguyễn Du và Nguyễn Dữ đều thành NGUYEN DU thì tây cũng botay.com.

Một chuyện rắc rối khi nhóm công tác của chúng tôi sang Philipin. Trong đoàn có em tên Lê Thị Mỹ Dung , khi làm danh sách xin visa gặp rắc rối vì LE THI MY DUNG.
Theo Anh ngữ thì MY DUNG (mai đung = chất thải bỏ của tôi = c’..) không có ai đặt tên như vậy, phải nhét chữ Z vào thành MY DZUNG, nhét chữ Z vao giấy xin cấp visa thì dễ vì chỉ đánh máy bản khác và xin chữ ký là xong nhưng lại phải lập hộ chiếu mới cho phù hợp với xin visa, đúng là một vòng khổ ải của vấn nạn giấy tờ, phải qua bao nhiêu cửa mới thoát nạn.

Trong Sai Gòn có tiệm bán đồ mỹ phẩm tên Mỹ Dung, nhưng biển hiệu muốn tây hóa nên đã bỏ dấu thành MY DUNG, các bạn Tây đều thắc mắc sao lại dung chất thải bỏ của tôi thành mỹ phẩm

Khi giao tiếp với ngữ hệ Latinh, các bạn Dung,Dùng,Dũng,Dụng nhớ là nhét chữ Z vào sau chữ D, vì chữ này hệ La tinh phát âm thành Đ.
Lại nhớ đến cụ Hồ Dzếnh, Cụ sinh năm 1916, từ những năm 1930 Cụ đã có thơ đăng trên báo. Tên thật của Cụ là Hà Triệu Anh, hay Hà Anh. Cụ người gốc Quảng Đông nên Hà Anh phát âm theo Quảng Đông là Hồ Dzếnh, cụ không ghi Hò Dếnh như thông thường mà là Hồ Dzếnh cho nên không thể nhầm tên Cụ. Tài thật, Cụ đã tiên liệu 7-80 năm về trước trong việc hội nhập sau này.

Nhờ các giáo sĩ Thiên chúa giáo dòng Ten mà chúng ta có chữ Quốc ngữ như ngày nay,các vị sáng tạo thêm chữ Đ (đờ) Ư ,Ơ… nhưng không dùng chữ F, W, Z…cho nên ngày nay có sự biến thái như công ty Phát hành Phim thành FAFIM. Một tiền tố đối với Viêt Nam là rất bình thường là VIN, mọi người Việt đều nghĩ rằng mấy chữ tắt của VietNam, nhưng đối với châu Âu thì  tiền tố này có hơi hướng rượu vang, các thày đồ Tây chơi chữ là Vinashin là con tàu say thì con tàu chìm là phải, rồi ghép với chuyện thần thoại Hy Lạp là gót chân Asin  vv…Khi hội nhập với thế giới thì yếu tố ngôn ngữ lại cần thận trọng vì đối nội thì rất hay nhưng đối ngoại lại thành vấn đề.
Vấn nạn ngôn và ngữ liệu ai thông cảm.

8h 9/5/2011