Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯƠNG TIẾC TRẦN HOÀI DƯƠNG

Nhật Tuấn - Phạm Đình Trọng - Hoàng Đình Quang
Thứ hai ngày 9 tháng 5 năm 2011 4:25 PM
 

                Người về “miền xanh thẳm”
 
         Ngày đó - những năm 1970 – chưa tan tác như bây giờ, đám “cây bút trẻ” Trần Hoài Dương, Hoàng Hưng, Lê Huy Quang, Trí Dũng , Chu Hoạch,  Lê Xuân Đố, Nghiêm Đa Văn…thường tụ tập nhà tôi bên ngách nhà thờ lớn Hà Nội, con phố lặng im như  đoàn tàu vĩnh viễn không rời ga. Trong đám đó, duy nhất THD là đảng viên, là “văn nghệ chính thống”, là “hạt giống đỏ”, là “ tổ trưởng văn xuôi báo Văn Nghệ”, còn lại toàn dân “bạch vệ”, “ văn nghệ chân đất “, “văn nghệ bàng thống” theo “quy kết” của “bố già” Chế Lan Viên.
Ngày đó - chúng tôi viết ào ào như máy khâu. Hoàng Hưng với “ Gốc gió”,” Chờ đợi gió thu”, “ Hai con ngựa vào thành phố”, Lê Huy Quang với “ Đầu ô gió đầu ô đông”, “ Anh uống Hải Phòng cốc vại cà phê”, Trí Dũng với “Anh đi xa”….Cứ vài ba ngày các “thi sĩ bàng thống” lại xì ra một bài mang tới nhà tôi samizdat ( tự xuất bản). Còn văn xuôi, Trần Hoài Dương viết truyện dài về đám trẻ hư và tôi gà cho anh cái tựa “Bên ngoài mái trường, Nghiêm Đa Văn sau “Ngã ba Đồng Lộc” lại gõ máy như mưa truyện danh nhân .
Trong cái đám hung hăng làm văn sĩ đó,Trần Hoài Dương tách riêng , nuôi dưỡng trong mình một cậu bé “không bao giờ lớn” để viết “văn chương con nít”, văn chương  cái đẹp thuần khiết, cái thánh thiện mà kẻ phàm phu tục tử như tôi cứ tránh cho xa. Anh gỉ tai tôi :
“ Ở Liên xô những năm 1920-1921 xã hội rối mù, hàng trăm nhà văn tự tử , nhân dân rên siết. Vậy mà vượt cao lên hết, Alexandre Grin đã viết “Cánh buồm đỏ thắm” về niềm tin của một cô bé bên bờ biển. Một câu chuyện không dính dáng gì tới thực trạng xã hội, vậy mà lay động tâm hồn con người cho tới tận ngày nay và cả mai sau.”.
 “Tuyên ngôn Trần Hoài Dương” sau này anh đúc kết thành lời :
“ Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống  ngổn ngang bề bộn những gì tinh tuý nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo.”
Lặng lẽ bao năm tháng,Trần Hoài Dương đã làm giàu và làm sang cho văn học thiếu nhi nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Cỏ hoang”, “Miền xanh thẳm”, “Nàng công chúa biển” với thông điệp :
” để chiến thắng cái ác, không nhất thiết phải dùng sức mạnh của gươm đao, bạo lực. Có khi chính sự dịu dàng, thanh khiết  của cái đẹp, cái chân, thiện , mỹ cũng là một sức mạnh to lớn cảm hoá, cải tạo, biến đổi cái ác trở lại con đường hoàn lương”
Đó là “đức tin” của Trần Hoài Dương mà “đức tin” thì không “phân tích”, không “lý giải”, không cắt nghĩa. Những giá trị thực là năng lượng, đã là năng lượng thì được “bảo toàn”, không bao giờ mất đi. Tôi tin tác phẩm chọn lọc của Trần Hoài Dương tuy trước mắt không nổi bật như một số cây bút thiếu nhi đang được PR om sòm, nhưng sẽ còn lại mãi với thời gian.
Nhưng đó là văn  chương, còn đời thường, Trần Hoài Dương cũng cởi mở, cũng “tếu táo” , cũng nhậu nhẹt như anh em thôi. Nhiều kỷ niệm “khắc cốt ghi xương”. Đám cưới Trinh mà ai cũng biết chắc chắn Trần Hoài Dương “gìn vàng giữ ngọc” cho tới tận đêm tân hôn, hôm đó tôi dọn phòng và nhạc sĩ Dương Thụ dọn giường, trải khăn đặt gối cho đôi uyên ương. Cuộc chia tay sân ga hàng Cỏ, Trần Hoài Dương và Hoàng Hưng nghễu nghện trên hai chiếc  xe đạp, đội mũ tai bèo tiễn tôi đi B lần hai năm 1974 trong một tối đầu thu.
Ba thập kỷ trôi qua kể từ “ngày đó”. Sang năm 2011. Trần Hoài Dương tuy đã sang tuổi “cổ lai hy”, nhưng cách nay vài tháng anh vẫn hỏi ý kiến tôi :
“ Mình hỏi điều này Tuấn phải trả lời nghiêm túc nhé!”
“ Nghiêm túc…”
Trần Hoài Dương ngập ngừng :
“ Mình định…lấy vợ, Tuấn bảo có nên không ?”
Tôi bật cười :
“ Chuyện này ông phải hỏi “nó”, sao lại hỏi tôi ?”
Trần Hoài Dương ngớ ra, rồi đỏ bừng mặt khi hiểu ra “nó” là ai ? Bất ngờ anh hăng hái :
“ Tốt…hai mươi năm nữa vẫn dùng tốt…”
Tôi mừng rỡ :
“ Tới đi…vậy thì tới đi…”
Tôi cụng ly cái cốp. Cả hai chúng tôi hươ chân múa tay, hí ha hí hửng như ngay tối nay tôi lại sẽ dọn phòng, trải ga giường cô dâu như 35 năm trước đây. Rồi bất ngờ THD nghiêm mặt nhìn tôi :
“ Này, bao giờ ông định viết tiểu thuyết đấy…một cú “Đi về nơi hoang dã” nữa  chớ …”
Tôi cười khì khì :
“ Bấc đến đâu, dầu đến đấy…tôi chẳng “dự định”  gì…cứ “thích thì làm” thôi…”
Tôi đã lui về rừng cao su, ít tụ tập, vậy mà linh tính sao đó, đúng vào ngày xử TS Cù Huy Hà Vũ, Trần Hoài Dương gọi điện rủ tôi về Sàigòn… ăn thịt chó, rồi sau đó anh hẹn lại hôm sau sẽ tụ tập ở nhà vợ chồng Hoàng Minh Tường – Hiền Phương. Tôi đến căn hộ cao cấp tầng 11 đã thấy Trần Hoài Dương đang sôi nổi chuyện gì đó với Nguyễn Vũ Tiềm, Hoàng Minh Tường trong khi bà chủ nữ văn sĩ Hiền Phương lúi húi dọn đồ nhậu. Rượu vào lời ra, chúng tôi buôn đủ thứ chuyện từ phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ cho tới phim Xích lô của Trần Anh Hùng đang được “bật mí” bởi các nguyên giám  sát viên A25. Trần Hoài Dương hăng hái :
“ Từ trước tới nay và từ nay về sau không phim Việt Nam nào được “Cành cọ vàng” như phim Xích lô…”
Tôi chen ngang :
“ Sư tử vàng “ chớ ?”
Trần Hoài Dương quả quyết :
“ Ông Tuấn nhầm rồi. Tôi nhớ chắc chắn Xích lô được Cành cọ vàng ở Cannes mà…”
Tôi cười hì hì, Hoàng Minh Tường nhảy vào can :
“ Khoan đã, chờ tôi tra Google sẽ biết ngay thôi mà. Nhưng hai bác cá độ đi, bác nào thua ngày mai chi một chầu nhậu cho cả nhóm…”
Tôi và Trần Hoài Dương nhất trí liền. Hoàng Minh Tường nhảy ra mở máy vi tính .Mấy phút sau anh long trọng tuyên bố :
“ Sư tử vàng…Trần Hoài Dương thua độ rồi…”
Tôi nâng ly cười ha hả :
“ Chúc mừng ông…Gu gồ…”
Sáng hôm sau Trần Hoài Dương chung độ bằng một chầu điểm tâm mời cả nhóm đang nhậu thêm vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo tại nhà hàng Bích Câu. Trần Hoài Dương có thói quen mời bạn bè tới nhà hàng này tại một bàn cứ như dành riêng cho anh. Tôi đã ngồi với Trần Hoài Dương nhiều lần tại bàn này, trên đầu có mái tranh, bên cạnh có hồ cá và chiếc cầu cong cong giả xi măng. Buổi sáng uống cà phê không bia rượu nhưng các nhà văn nhà thơ ta rất lạ, anh nào cũng thích nói, và nói dai. Lạ thay trong buổi trò chuyện cuối cùng đó, Trần Hoài Dương lại nói rất ít, buồn phảng phất cứ như linh cảm đây là cuộc tụ tập cuối cùng.
Chia tay Trần Hoài Dương tôi lại rủ :
“ Trưa mai thịt chó Tân Sơn Nhất nhé !”
Trần Hoài Dương lắc đầu :
“ Thôi để lần khác đi..mới nhậu nhà Hiền Phương hôm qua…”
Cái lần khác ấy không bao giờ tới. Anh đã ra đi đột ngột trong tiếc thương của bạn bè. Nghe tôi gọi điện báo tin, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Lê Thiếu Nhơn lập tức bỏ ngang mọi việc chạy tới ngôi nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ Thích Quảng Đức…Hỡi ôi Trần Hoài Dương đã đi rồi..Dương ơi, mình còn nợ Dương một bài viết.
10-5-2011
   NT
 
ANH DƯƠNG ƠI
 PHẠM ĐÌNH TRỌNG

      Con trai tôi từ Sài Gòn gọi điện báo tin: Bác Trần Hoài Dương mất tối thứ sáu! Tôi bàng hoàng! Sau một lúc lặng đi, tôi mới nhớ đến cháu Trần Lê Quỳnh, niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của Trần Hoài Dương, bạn tôi. Tôi vào web viết cho cháu Quỳnh: Quỳnh ơi, Chú Trọng đang ở Mỹ được tin bố Trần Hoài Dương mất, chú bàng hoàng quá! Sang đến Mỹ, biết chuyến đi trót lọt, chú mới dám gọi điện báo cho bố cháu biết chuyến đi của chú, bố cháu mừng cho chú lắm. Mới ba hôm trước bố cháu còn gửi cho chú một email dài, hẹn với chú nhiều điều mà sao đột ngột vậy! Đau quá! Hụt hẫng, trống trải quá! Lúc này bản thân chú cũng thấy rất cần có người chia sẻ. Chú càng hiểu và chia sẻ với nỗi đau mất mát quá lớn của cháu! Chú muốn bay về với Trần Hoài Dương của chú quá mà không được!
      Chỉ hai giờ sau, tôi nhận được email của cháu Quỳnh:
      Bác Trọng yêu quý. Cháu buồn và sốc quá. Thứ bảy cháu gọi điện nhiều lần cho bố không được. Lúc ấy cháu chỉ nghĩ là bố đang ngủ. Đến sáng chủ nhật, giờ Việt Nam, cháu gọi lại cũng không được. Cháu gọi cho mẹ Trinh. Mẹ Trinh ở Hóc Môn xa nên nhờ hai cô cậu ở quận 2 đến nhà bố. Cửa khóa bên trong, tức là bố ở trong nhà mà gọi không được. Cô cậu đành phá cửa vào thấy bố nằm trên giường, vẫn mặc quần áo đi đường nhưng bố đã ra đi! Công an đến họ nói chuyện với cháu qua điện thoại. Cháu đồng ý để họ đưa bố đi giám định pháp y vì cháu không biết bố đi khi nào. Cùng ngày họ cho cháu biết kết quả là bố mất vì nhồi máu cơ tim, vào khoảng 20 giờ tối thứ sáu, bác ạ!
      Trước đó khi chưa có kết quả pháp y, bác Nhật Tuấn cho cháu biết là trưa thứ sáu bố có đi ăn và uống bia ở nhà hàng Đất Phương Nam với bác bạn ở Hà Nội vào. Cháu chưa rõ là một bác hay nhiều bác nhưng bác Tuấn nói là lúc đó bố vui nên uống nhiều. Bác Tuấn kể thêm là khoảng một tháng trước bố uống với bác Tuấn một li rượu vang mà bố đã chóng mặt. Như vậy có thể hôm thứ sáu bố vui bạn, uống nhiều bia nên xảy ra chuyện. Bây giờ 3 giờ chiều ở Anh. Đến 21 giờ thì cháu bay, bác ạ, 20 giờ tối mai thứ hai thì về đến Sài Gòn. Tối nay, bác Ngà, bác Lượng ở Hà Nội sẽ vào Sài Gòn với bố.
       Anh Dương ơi! Thế là anh Dương bỏ chúng tôi đi thật rồi! Hôm từ Mỹ tôi gọi điện về cho anh Dương, anh Dương còn hẹn với tôi cuộc gặp ngày tôi trở về! Vẫn giữ nếp quen cũ, viết được cái gì tôi đều gửi Anh Dương đọc trước tiên để được anh Dương cho ý kiến, sang Mỹ, tôi gửi về anh Dương bài tôi đã viết xong từ lâu nhưng còn để đấy để suy nghĩ thêm. Hôm mồng 5 tháng năm, mới cách đây ba hôm, anh Dương còn viết cho tôi một email dài hẹn sẽ đọc lại bài viết và sẽ chia sẻ với tôi. Email anh Dương viết:
      Anh Trọng quý mến
      D đã đọc bài viết của anh. Mới chỉ đọc được một lần. Có lẽ anh phải cho D có thời gian đọc thêm một hai lần nữa mới có thể góp được một số ý kiến để anh tham khảo, suy nghĩ thêm cho thật chín chắn, anh Trọng ạ. Bài anh viết rất tâm huyết, rất gan ruột, phải đau đớn, dằn vặt, chân thành lắm mới viết được như thế. Nhưng theo D, do anh Trọng đề cập đến nhiều vấn đề, lại toàn những vấn đề to lớn, hệ trọng, cốt lõi nên cần đầu tư thích đáng. D sẽ ghi chi tiết một số điều theo D là cần đầu tư thêm, anh Trọng nhé. Sẽ cố gắng gửi sớm cho anh Trọng. Trước mắt D chỉ muốn anh Trọng đừng nôn nóng công bố vội, anh Trọng ạ. Ý kiến đầu tiên của D là: Đây là một bài viết đầy tâm huyết, đề cập đến những vấn đề lớn, nghiêm trọng, là cốt lõi, là bản chất, là tổng thể của mọi vấn đề hiện nay nên anh Trọng phải đứng ở một tầm cao để đối thoại với cái tổng thể chứ không hạ thấp mình đối thoại với chi tiết. D rất đồng cảm với bài viết của anh Trọng nên D sẽ đọc lại thật kĩ để cùng chia sẻ với anh Trọng. Thân yêu. THD
     Anh Dương ơi, lời anh Dương hẹn khi tôi về đến thăm anh, lời anh Dương hẹn sẽ chia sẻ với bài viết của tôi và lời tôi tự hẹn với mình sẽ viết bài về con người cổ tích Trần Hoài Dương đều chưa thực hiện được mà anh Dương đã ra đi mãi mãi rồi!
 
 
MỘT CHÚT  VỀ TRẦN HOÀI DƯƠNG
HOÀNG ĐÌNH QUANG

Chiều chủ nhật, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Lê Quang Trang. Anh Trang nói ngắn gọn: Trần Hoài Dương mất rồi! Tôi hỏi lại: Anh nhắc lại xem nào? Trần Hoài Dương hay bố Trần Hoài Dương?. Trần Hoài Dương! Tôi vô cùng ngạc nhiên, và với chúng tôi, việc thăm hỏi, ma chay cha mẹ của các nhà văn, các bạn văn thường xuyên lắm. Nên đôi khi phải hỏi lại cho chắc chắn. Nhưng riêng trong trường hợp này, tôi ngạc nhiên và bất ngờ quá, vì tôi vừa ngồi với nhà văn Trần Hoài Dương trưa hôm thứ Năm, 5-5-2011.
Trưa thứ Năm, tôi có khách, mời ra ăn trưa tại nhà hàng Đất Phương Nam, số 82 – Huỳnh Tịnh Của, một quán quen, mấy năm nay tôi thường dùng làm nơi tiếp khách xa gần. Trong lúc loay hoay gửi xe, tôi thấy trong một bàn nhỏ, hai ông già đang ngồi chụm đầu vào nhau, một trong hai người ấy là nhà văn Trần Hoài Dương. Tôi đến chào Trần Hoài Dương, anh nhìn tôi hơi ngỡ ngàng một thoáng rồi mời tôi ngồi, giới thiệu người đối diện: Anh Huy Thắng, mới từ Hà Nội vào. Tôi biết Huy Thắng ở NXB Kim Đồng, thấy trẻ hơn người ngồi đây, nhưng vẫn hỏi lại: Anh Huy Thắng con cụ Nguyễn Huy Tưởng ở Kim Đồng à?. Trần Hoài Dương giải thích:
- Anh Huy Thắng ngày trước ở Bộ Văn Hóa, người cùng làm việc với Phùng Quán, biết rất rõ về Phùng Quán.
- Thế à? Tôi đọc thấy Phùng Quán rất khổ, trong những ngày bị điều về Thái Nguyên nhà tôi...
Ông Huy Thắng không nói gì thì Trần Hoài Dương cười:
- Thì ông ấy cũng cứ phóng lên thế. Người biết rõ về Phùng Quán là anh Thắng đây.
Tôi hỏi thăm anh vẫn ở Thích Quảng Đức chứ?, anh bảo Thì ở đâu bây giờ?”. Sức khỏe có vấn đề gì không? Thì cũng lai rai... Tôi cho anh biết vợ tôi mới mất, nét mặt Trần Hoài Dương trĩu xuống, anh nói nhỏ:
- Anh thành thật xin lỗi em. Dạo này anh cũng ít giao du, nên không biết tin. Thôi, cho anh gửi lời chia buồn với em và các cháu, tuy có muộn...
Tôi nói với ông Huy Thắng:
- Anh Trần Hoài Dương rất kỹ tính và hay dỗi, nên viết truyện thiếu nhi chuẩn lắm. Nhưng cái tâm anh lại rộng rãi, không thể giận ai được mãi...
Tôi uống với hai anh một ly bia, rồi xin phép vào bàn với khách. Lúc ấy gần 12 giờ.
Khoảng 1:30, tôi về, vẫn thấy hai ông ngồi. Tôi đến bắt tay chào, thì Trần Hoài Dương đang nghe điện thoại, nên anh đưa tay cho tôi bắt, rồi gật đầu.
Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp và bắt tay Trần Hoài Dương.
***
Cái bắt tay ấy làm tôi nhớ đến một lần, tôi bắt tay anh, rồi dại mồm nói với bạn bè: Bắt tay Trần Hoài Dương thấy lỏng và lạnh quá. Âm khí hơi nhiều. Thế là câu ấy đến tai anh, anh giận tôi mất đến 3 - 4 năm. Gặp tôi chào cũng làm ngơ. Có lúc anh nói bâng quơ: Làm sao tôi dám tiếp chuyện thiên tài. Mà lúc ấy tôi không hiểu anh giận tôi vì chuyện gì.
Mãi đến kỳ họp bầu đại biểu đi dự ĐH nhà văn năm 2005, (mà tôi có chân trong thư ký đoàn) tôi không có tên trong danh sách đại biểu đi dự. Tôi thì chẳng quan tâm lắm, vì ra Hà Nội không phải là cái thú của tôi. Nên tôi vẫn vui vẻ cùng các đại biểu phóng đến quán bia Tiệp, Hoa Viên. Đến nơi thấy Trần Hoài Dương ngồi trước, anh bỗng vui vẻ nắm tay tôi, ra chiều an ủi. Tôi cười:
- Em không buồn đến thế đâu. Mà em hỏi thật, mấy năm qua bác giận em vì chuyện gì?
Bấy giờ Trần Hoài Dương mới cười nói sơ sơ rồi bảo Chuyện trẻ con mà, quên đi. Đúng là trẻ con thật, cả tôi và cả anh đều trẻ con. Hôm ấy ai cũng uống nhiều. Muồn muộn, Trần Thanh Giao gọi cho tôi:
- Kiểm phiếu bậy quá, bỏ sót tên cậu! Kiểm lại thì phiếu cậu đứng thứ 11!
(trên tổng số 84 đại biểu).
Ra thế. Ban kiểm phiếu tôi nhớ có 2 ông Trần Hữu Tòng và Nguyễn Quốc Trung. Trần Hoài Dương vui lắm: Anh em ta đi cùng nhau nhé!
***
Tôi quen Trần Hoài Dương cũng không sớm, mà cũng chẳng hiểu nguyên cớ gì, mà anh quý tôi. Cũng chỉ đọc qua nhau thôi, thấy anh viết truyện thiếu nhi hấp dẫn, ôn tồn và trách nhiệm, dịu dàng. Một lần, năm 1993, anh rủ tôi về nhà anh ở Gò Vấp. Ngôi nhà khá rộng, đẹp, nhưng chỉ có 2 cha con. Cháu Quỳnh học trường Lê Hồng Phong, rất giỏi, nhưng hết cấp 3 được gọi vào quân đội, binh chủng Hải quân. Lúc ấy anh buồn, vì thương con yếu đuối. Anh mua bia và trứng vịt lộn về uống ở hè, anh giãi bày nhiều chuyện cho tôi nghe. Trong đó cả chuyện anh phải chia tay với mẹ cháu Quỳnh như thế nào.
Tôi về nhà, dại mồm nói lại cho vợ nghe. Vợ tôi hăng hái muốn làm mai cô em họ cho anh. Cô này sinh năm 1957, năm ấy ngoài 30, chưa có chồng, giáo viên cấp 2, lại biết nghề vi tính (lúc ấy nghề vi tính đang đắt giá). Cô em tủm tỉm cười. Ít lâu sau, tôi mời anh đến nhà tôi chơi, nhân thể gặp cô em tôi. Từ nhà anh trên Gò Vấp đến nhà tôi ở Quận 5, khá xa, mà anh chịu khó đến bằng chiếc xe hiệu Nữ Hoàng màu đỏ. Bữa cơm ấy cũng vui, tôi ướm ý, bóng gió, có khi còn khá thô bạo! Sau bữa ăn ấy, tôi chả thấy anh nói gì, anh em tôi cũng nản. Đến hôm, gặp anh tôi hỏi thẳng: Anh thấy cô em họ tôi thế nào? Được đấy chứ?. Anh cười nhăn nhó: Thôi, Quang ơi, tha cho mình...! Một lần đau xót thế quá đủ rồi!. Tôi về bảo vợ và em tôi: Hỏng rồi!.
Ít lâu sau, anh bán cái nhà to ở Gò Vấp, chia tài sản rồi mua 1 căn nhà nhỏ ở đường Thích Quang Đức. Từ đó tôi chưa đến nhà anh lần nào ở ngôi nhà mới này.
Hơn 20 năm, mới ngoài 40 anh ở vậy gà trống nuôi con cho đến khi qua đời!
***
Chơi với Trần Hoài Dương, tôi mới biết anh thuộc vào hàng thiếu niên đăng khoa. Mới hơn 20 tuổi, tốt nghiệp đại học, anh được về làm ở tạp chí Học Tập, cơ quan lý luận của Đảng. Anh kể đã làm việc với các ông Lê Duẩn, Trường Chinh... Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư bây giờ còn về tạp chí sau anh, Trần Hoài Dương còn hướng dẫn, giúp đỡ ông Trọng trong nghề báo. Anh thuộc từng thói quen, tác phong, nếp nghĩ của các vị ấy. Sau đó, vì cái tội ham mê văn chương, nên anh xin chuyển sang làm báo Văn Nghệ, rồi vào Nam làm NXB Măng Non (sau sáp nhập với NXB Trẻ bây giờ). Những câu chuyện anh kể về mẹ, với nhũng lần chạy bộ suốt đêm trên 30 cây số để chỉ về được chào mẹ, được ăn bát cơm nóng bên hè nhà mình. Về người vợ, về cây đàn dương cầm anh chắt chiu tặng chị...
Con người là sản phẩm đã được lập trình của Tạo Hóa? Có nên tin không nhỉ?
Hôm qua nghe tin anh ra đi trong cô đơn nhưng thanh thoát, nhẹ như không, như anh thản nhiên xin đứng ra ngoài lề cuộc chơi phức hợp, đã hệ, đa sự. Cuối cùng, Hội Nhà văn là nơi duy nhất, anh còn lấy làm chỗ tới lui trước khi anh đi mãi vào miền anh thẳm!
Kính cẩn trước linh hồn Trần Hoài Dương!