Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN NGHỆ CHÍ (3)

Trương Vĩnh Tuấn
Thứ tư ngày 27 tháng 4 năm 2011 8:14 PM

       Hồi thứ ba 
      
Thôn tính Văn nghệ Đào Vũ cao chạy xa bay 
Tướng về hưu Nguyễn Khải chắp tay bái phục

       Lịch sử từ trước tới nay muốn làm việc lớn phải thôn tính ngay tờ Văn nghệ, lần này cũng không thể khác . Tội nghiệp cho Đào Vũ mặc dù với bộ tiểu thuyết đồ sộ CÁI SÂN GẠCH , VỤ LÚA CHIÊM viết về nông thôn sau thời kỳ nhà văn đi thực tế ( mà thực chất là cải tạo nhà văn ) , rồi CON ĐƯỜNG MÒN ẤY viết về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc , và cả sự nhũn nhặn không bao giờ mất lòng ai cũng không cắt nổi chữ Q trên đầu chức danh của ông, điều mà cho đến lúc từ giã cõi đời ông vẫn còn bức xúc . Lúc ấy trong giới văn có câu : Ở cơ quan muốn cắt nó không cắt, về nhà muốn nối nó không nối, để chỉ cái bi kịch của ông . Ông hiểu mảnh đất Văn nghệ dữ lắm . Thời kỳ nhân văn giai phẩm , trên tờ Văn nghệ cuộc đấu tranh mà người ta gọi là giữa ta và địch diễn ra khốc liệt và cuối cùng địch đâu không biết nhưng các nhà văn nhà thơ có tên tuổi trong kháng chiến thân tàn danh liệt như Hữu Loan, Hoàng Câm, Trần Dần, Lê Đạt, một số lớn tác giả tác phẩm bị treo giò , nào là PHÁ VÂY của Phù Thăng , BÊN KIA BIÊN GIỚI của Lê Khâm , 
Thậm chí có tác phẩm hôm qua được ca ngợi hôm nay cũng có vấn đề . Rồi cuộc tẩy não nhà văn diễn ra trên toàn miền bắc  khiến cho nhiều nhà văn từ an toàn khu trở về phải đi cải tạo tư tưởng , nhưng ông cám ơn thời kỳ này đã cho ông cách nhìn mới, ông trở về Hưng Yên nơi ông sinh ra và lớn lên, từ đó văn đàn có tên tuổi của ông . Cho đến thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ  trong lãnh đạo báo xảy ra cuộc đấu tranh còn mất giữa một bên là Thành Thế Vỹ, Thành Đại … và một bên là Khái Vinh, Huỳnh Huy Phượng, Hoàng Trung Nho, để rồi sau đó thất tán mỗi người mỗi nơi, ông không đứng về phía nào cả, ngoài cái chả biết ai đúng ai sai nhưng ông không muốn thế, nhưng cuộc đời đâu muốn là được ông cũng long đong lận đận lắm trở đi trở lại mấy lần vẫn chỉ là cấp phó, và bây giờ nể lắm Nguyễn Đình Thi mới để ông làm quyền Tổng , có lần ông còn bị Huỳnh Huy Phượng tát cho một cái vào mặt giữa lúc đang lên khuôn tờ báo ( vẫn gọi là duyệt mi ), nghe nói người ghét ông nhất là Chế Lan Viên, ông này tuy cương vị không to nhưng miệng ông to lắm, ông được cấp trên vị nể, thế cho nên ông khuynh đảo  trong ban thư kí hội, ông có những vần thơ bất hủ nhưng nhiều người lại nhớ câu thơ này của ông :
              Bác Mao nào ở đâu xa
              Bác Hồ ta đó chính là bác Mao 
  Nghe Triều Dương nói trước khi mất ông Chế  có để lại bức thư trong đó có vẻ hối hận với ông, nhưng ông chưa được đọc bức thư này . Mấy lần về báo ông luôn giữ mình , trong sạch và liêm khiết , nhớ lần đời sống cán bộ gặp khó khăn cậu chủ tịch công đoàn  xin được cái phiếu mua cho cán bộ mỗi người một chiếc bóng đèn 75 w  Rạng Đông , cậu ta năn nỉ ông cắt séc ( vì thời ấy mặt hàng này không trả tiền mặt ) . Nể quá ông phải kí , sự việc bại lộ bí thư chi bộ không đồng ý buộc ông phải thu hồi lại, mặc dù mọi người đều đã nhận bóng đèn. Ngượng quá, là cái anh quyền tổng xem ra chả có quyền hạn gi, ngay cả nội dung tờ báo sau khi ông duyệt xong phải mang cho ông Nguyên Ngọc là bí thư Đảng Đoàn kí duyệt mới được đưa cho họa sĩ trình bày. Rồi cái lần mưa to, ngôi nhà ông trên đường Trần Hưng Đạo bị dột chỉ vì mấy viên ngói bị vỡ, cậu nhân viên hành chính sốt sắng kiếm mấy viên ngói cũ ở cơ quan mang đến cho ông, dư luận cũng xì xèo, thế là ông mang trả .
       Thực ra thì nhiều người hiểu rõ ông, tính ông chắt chiu nhưng nhút nhát, cái hồi sát nhập tờ Văn nghệ giải phóng về báo Văn nghệ , ông cùng Ngô Văn Phú vào Sài Gòn làm thủ tục sát nhập khi trở ra ông cho xuống tàu biển bao nhiêu thứ mà người độc miệng bảo là chổi cùn rế rách, ví dụ hàng chục cái tủ sắt đựng đồ văn phòng, một cái điều hòa một cục được gỡ ra từ bức tường ở 43 Đồng Khởi mà sau này chả biết lắp vào đâu vứt lăn lóc ở xó sân và rồi bán cho ông Nghi vài chục đồng.           
        Dạo này báo đang gặp khó khăn lớn , chỉ tiêu giấy do vụ báo chí cấp hàng quí luôn luôn bị cắt, số lượng cung cấp giấy để in bốn vạn tờ mỗi kì, nay chỉ đủ in hai vạn, và hiện tại lại phải rút bớt tám trang chỉ còn mười hai trang, ông phải cùng cậu phụ trách vật tư chạy đôn đáo dể duy trì tờ báo . Tết vừa qua trong dịp mừng xuân nhà thơ Phạm Hổ , phó tổng của ông ra một vế thách đối có thưởng ( một gói kẹo vừng ) cho ai đối được , vế đối như sau :
      Báo rút tám trang giữ nguyên giá hóa là tăng giá
     Một cậu nhân viên hành chính ứng đối luôn :
      Lương lên một bậc tưởng là tăng lại ngỡ không tăng .
     
 Bởi thế linh tính báo cho ông biết kì này to chuyện đây , bản tính lại thúc ông chớ có rây vào , thế là ông bỏ chạy , ông đi đâu cho đến tận bây giờ vẫn chưa ai lần ra manh mối . Sau này khi Nguyên Ngọc về báo có vu cho ông vào Sài Gòn tuyên bố rằng đã giải thể báo Văn nghệ , chả ai để ý nên coi như không .
       Ông bỏ chạy, tờ báo tưởng sẽ chao đảo , nhưng không , một hội đồng lão làng do nhà văn Ngô Ngọc Bội tập họp đứng ra duy trì tờ báo . Hội đồng lão làng là những ai? Xin thưa ngay rằng đó là những người từng trải, hiền lành và tử tế, họ không coi cái chức tước trong văn chương là cái gì ghê gớm lắm , với họ chỉ có tờ báo là cốt tử , họ thương Đào Vũ họ giận Đào Vũ , nhưng họ lại thông cảm với Đào Vũ biết làm sao khác được khi người ta coi văn trường là chính trường . Ba lão tướng ba cây đại thụ của Văn nghệ bấy giờ : Ngô Ngọc Bội ( đã nói ở phần trên ), Hoài An ( đã nói ở phần trên )và Ngô Vĩnh Viễn, ông là người ít nói nhất cơ quan , ngoài việc nhận lương và nhuận bút người ta mới thấy ông ở trong phòng hành chính còn không ông ngồi lỳ trong gian phòng xép khoảng 4 m2 cặm cụi, quả thật ít ai hiểu về ông .  May mắn thay truyện ngắn TƯỚNG VỀ HƯU của Nguyễn Huy Thiệp được in ra trong dịp này , đó là số báo do hết chỉ tiêu giấy báo phải dùng giấy trắng Bãi Bằng do nhà in cho vay để in số báo này.
        Nói về Nguyễn Huy Thiệp lúc này chưa phải hội viên Hội Nhà văn . ông ta vốn là gíao viên dạy sử nhiều năm ở một vùng núi phía bắc, ông xuất hiện trên báo Văn nghệ  truyện ngắn :  CHUYỆN KỂ Ở THUNG LŨNG HU TÁT , kế đến là HUYỀN THOAI PHỐ PHƯỜNG, cũng được chú ý .
     Nhưng lần này thì như một luồng gió nóng thổi vào văn chương đương đại, khắp giới xôn xao . Ông Nguyễn Khải tuyên bố sẵn sàng đổi cả sự nghiệp để có một TƯƠNG VỀ HƯU, ông xoa đôi bàn tay cười  sởi lởi “ tài thật , tài thật “ . Ở mọi ngóc ngách văn chương chỗ nào cũng bàn đến TƯỚNG VỀ HƯU .
      Từ lâu quen đọc thứ văn chương ca ngợi nay với một bút pháp ngắn gọn chắc nịch, pha chút giễu cợt phơi bày trắng phớ những mặt trái của đời sống mà cả thời cuộc nữa  người đọc thấy hả dạ .
       Chỉ hơn một tuần sau thì Nguyên Ngọc chấp chính , ông được đón như một thủ lĩnh anh hùng .
                       
Thật là : 
                 Công người lại nhận công mình 
                Xem ra thiếu sự công minh rõ ràng
.
    Văn nghệ sẽ ra sao xem hồi sau sẽ rõ .