Trang chủ » Tin văn và...

GIỖ ĐẦU NHÀ VĂN HOÀNG CÔNG KHANH

Trần Linh - Trần Nhương
Thứ bẩy ngày 23 tháng 4 năm 2011 5:09 PM

TNc: Vậy là thoáng chốc nhà văn Hoàng Công Khanh đã 1 năm về Bến nước Ngũ Bồ. Trưa nay anh em chúng tôi đến dự giỗ đầu ông tại nhà Tuấn-Đào, con gái ông. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền thay mặt gia đình nhà văn Kim Lân thông gia, anh Trần Ngọc Quyên và tôi cùng những người thân quyến. Nhà văn Hoàng Quốc Hải dâng lên bàn thờ bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lí gồm 4 tập với hơn 3500 trang in với tâm thành mong anh linh nhà văn đàn anh chứng giám.
  Nhân giỗ đầu TNc xin đưa lại bài thơ Phương Mai thôi chẳng một lần viết hồi đưa tiễn nhà văn Hoàng Công Khanh và bài viết đóng góp của ông với sân khấu. Ông là người xứng đáng được trao giải thưởng nhà nước, không biết các cấp có để ý đến không .


PHƯƠNG MAI THÔI CHẲNG MỘT LẦN
Trần Nhương

Kính viếng Anh Hoàng Công Khanh
 
Kém Anh hơn 20 tuổi
Anh cho em được là em
Mỗi khi có vở diễn mới
Gửi vé chú mày đi xem
 
Phương Mai căn hộ nho nhỏ
Một mình nhấp chuột, en-tơ
Điểm Bích cung phi còn đó
Bến nước Ngũ Bồ vẫn xưa
 
Đời Anh lên bờ xuống ruộng
Tù đày bên địch, bên ta
“Tù Tây bọn tớ cũng sướng
Anh em bầu bạn khề khà”
 
Một tay nuôi bốn con dại
Thợ nề, thợ mộc kiếm cơm
Vợ ốm chăm lo chẳng ngại
Vẫn giữ lòng mình ngát thơm
 
Vẫn cười hồn nhiên tuế tóa
Chữ Tây, chữ Tầu đọc chơi
Thơ ngâm khúc Ba Bảy Chín
Lênh đênh chìm nổi kiếp người

Hôm dọn về với con gái
Anh mời dùng một bữa vui
Bia hơi cụng nhau đôi vại
Chúc anh trăm chẵn tuổi trời
 
Tết rồi vợ chồng em tới
Thăm Anh mừng tuổi năm Dần
Ngờ đâu đấy là lần cuối
Phương Mai thôi chẳng một lần
 
Anh đi chân trời xa thẳm
Sao Khuê vằng vặc dòng Ngân...

(1)- các chữ in nghiêng là tên tác phẩm của Hoàng Công Khanh



NHÀ VĂN HOÀNG CÔNG KHANH VỚI SÂN KHẤU
Trần Linh  

Trong cuộc đời chìm nổi của mình, ông đã viết khoảng 20 kịch bản sân khấu gồm kịch thơ, ca kịch và kịch nói gồm: Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (1956), Mẫu đơn tiên (1956), Phạm Tải Ngọc Hoa (1957)... Đặc biệt, vở kịch Bến nước Ngũ Bồ ông viết năm 30 tuổi đã được dựng và công diễn ở nhiều địa phương trong cả nước năm 1953.
Cung phi Điểm Bích có lẽ vẫn còn “ngủ quên” trên giá sách sau hơn hai chục năm ra đời nếu như nữ đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai không được NSƯT Lê Chức giới thiệu kịch bản này. Vở diễn tốt nghiệp lớp đạo diễn của Hoàng Quỳnh Mai (Nhà hát Cải lương Việt Nam) bất ngờ gây được tiếng vang ngay khi ra mắt. Đoạt giải A cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007 còn Hoàng Quỳnh Mai được trao giải đạo diễn xuất sắc. Vở diễn tiếp tục đoạt thứ hạng cao trong giải thưởng thường niên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa.
Dấu ấn sân khấu của Hoàng Công Khanh thể hiện rõ nét ở các kịch thơ: Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích, Vua Đen... Sinh thời, khi xây dựng nhân vật, ông thường thể hiện song hành hai thái cực: sáng - tối, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn… tùy vào câu chuyện mà tạo nên mặt này nặng hoặc mặt kia nhẹ hay có khi hợp nhất và đan xen rất khó đo đếm. Ông không thần thánh hóa nhân vật, cũng không đẩy nhân vật tới đỉnh cao vòi vọi của chiến thắng hay lún sâu dưới vực thẳm của thất bại. Vì theo ông, suy cho cùng, không ai thắng, ai bại. Thất bại tạm thời nhưng về toàn cục có khi lại mang ý nghĩa của sự chiến thắng…
Vì thế, nhân vật của ông gần gũi, đời thường nên dễ đi vào lòng người.
Những nhân vật trong kịch thơ của ông có số phận và có đời sống riêng vì ông đi vào uẩn khúc nội tâm, mổ xẻ đời sống tâm lý phức tạp và đa chiều của con người. Ông để nhân vật bộc lộ tình cảm với nhau một cách tự nhiên nên khán giả tiếp thu một cách nhẹ nhàng, thoải mái và thấm sâu. Nàng Điểm Bích trong Cung phi Điểm Bích, từ kế hoạch ban đầu là làm lung lay Sư tổ Huyền Quang cuối cùng phải lòng tiếng thơ, điệu đàn của người mà thổn thức, bâng khuâng rồi mê đắm trong tình yêu, bất chấp mọi ranh giới và khoảng cách. Có lẽ phải là Hoàng Công Khanh mới để cho nàng Điểm Bích “nổi loạn” đến mức rung chuông rộn rã ở chốn trang nghiêm để bày tỏ khát khao tình yêu bỏng cháy với Sư tổ Huyền Quang...
Câu chuyện kịch dưới ngòi bút của ông được đẩy với tiết tấu khá nhanh. Ông quan niệm: “Diễn kịch mà có đoạn chùng là hỏng. Dù tình cảm, hành động hay nói chuyện giao đãi đều cần lời lẽ sắc nét. Dù trầm tĩnh cũng phải đi đến đáy của trầm tĩnh để thấy cái hay, cái lạ”. Là người biết tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp, ông có thời gian ngụp lặn trong dòng chảy của các nền văn học này cùng với những năm tháng theo các đạo diễn của Nga và Trung Quốc dựng kịch và lưu diễn trong nước. Mang trong mình nét văn hóa Đông phương đồng thời tiếp thu được những cái hay, cái đẹp từ phương Tây, tác phẩm của ông hài hòa giữa vẻ đẹp tư tưởng và phương pháp thể hiện.
NSƯT Lê Chức cho rằng, không chỉ ngày hôm nay mà cả trong tương lai,kịch của ông vẫn tiếp tục được dựng trên sân khấu Việt Nam vì các tác phẩm luôn hướng tới chân - thiện - mỹ.
Trần Linh