Trang chủ » Tin văn và...

TĂNG THÊM QUYỀN LỰC CỦA QUỐC HỘI

Đức Trung
Thứ tư ngày 20 tháng 4 năm 2011 6:13 AM
 TNc: Tôi đọc tin này trên Tamnhin.net mà mừng ơi là mừng. Đúng là Đảng ta sáng suốt thật, toàn bộ Ban lãnh đạo cao nhất đều dự bầu đại biểu Quốc hội. Kì này là kì 13, chắc chắn chất lượng quốc hội sẽ vượt khóa 12. Các cử tri chúng ta chứa chan niềm hi vọng vì ý Đảng lòng dân hội tụ tại đây...

(Tamnhin.net) - Tầm lực Quốc hội khóa 13 sẽ được tăng cường mạnh mẽ với việc 100% ủy viên Bộ Chính trị, 16/27 thành viên Chính phủ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 (nhiệm kỳ 2011 – 2016). Điều này thật là mới và đáng để cử tri quan tâm cùng hy vọng ở sự tập trung chuyên nghiệp của Quốc hội nhiệm kỳ tới với sự khác biệt này.

12 vị Ủy viên Bộ Chính trị đã có tên trong danh sách 182 ứng cử viên ở Trung ương. Hai vị còn lại là Bí thư Thành ủy Tp.HCM và Hà Nội cũng đều được các địa phương này giới thiệu.
Bên cạnh 14 vị ủy viên Bộ Chính trị, còn có gần 50 vị là ủy viên Trung ương Đảng trong danh sách được Trung ương giới thiệu. Và ở rất nhiều tỉnh, thành phố, các vị bí thư tỉnh ủy (là ủy viên Trung ương Đảng) cũng được giới thiệu ứng cử.
Thủ tướng chính phủ, ba phó thủ tướng cùng 12 vị mang hàm bộ trưởng, 16/27 thành viên Chính phủ đương nhiệm đã tham gia ứng cử. 9 vị thứ trưởng của các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ cũng có tên trong danh sách ứng cử viên.
Với ứng cử viên Trung ương, kết quả lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của 183 người (sau hiệp thương lần 2) cho thấy có 179 người được tín nhiệm 100%; 4 người đạt tín nhiệm từ 84% đến dưới 100%.
Trong số 182 ứng viên ở Trung ương vào vòng cuối, có 11 người thuộc các cơ quan của Đảng (chiếm 6,04%); cơ quan Chủ tịch nước có 3 người (chiếm 1,64%); 20 người thuộc Chính phủ (chiếm 10,98%); lực lượng vũ trang có 16 người (chiếm 8,79%), khối tư pháp có 2 người (chiếm 1,09%); 30 người thuộc mặt trận và các tổ chức thành viên (16,48%).
Chiếm 54,9% với 100 ứng cử viên là khối đại biểu hoạt động chuyên trách ở các cơ quan Quốc hội.
Với các ứng cử viên địa phương, trong tổng số 903 người có 824 người được cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100%; 36 người được tín nhiệm từ 50% đến dưới 100%. 37 ứng viên không đạt 50% phiếu thuận tại hội nghị cử tri. Trong số này có 3 ứng viên chỉ đạt chỉ số tín nhiệm chưa đến 10%.
Về cơ cấu, thành phần, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Trung ương Phạm Minh Tuyên cho biết, qua kết quả sơ bộ về hiệp thương lần 3 về cơ bản là đảm bảo yêu cầu.
Đó là tỷ lệ người ngoài Đảng khoảng 15 đến 20%, phụ nữ khoảng 30%, người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 30%, tái cử khoảng 40%...
Có một sự trùng hợp là trong danh sách chính thức của cả Hà Nội và Tp.HCM đều có 4 người tự ứng cử.
Có trên 20/63 tỉnh, thành có người tự ứng cử. Hà Nội dẫn đầu với 30 người, Tp.HCM 22 người, Nghệ An 5 người, còn lại mỗi nơi chỉ có từ 1 đến 2 người tự ứng cử.
Tuy nhiên, một số người đã tự rút đơn nên không lấy phiếu tín nhiệm.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books là một trong số 30 người tự ứng cử trong kỳ này cho rằng: Điều căn bản là dám làm và dám đối diện với sự thắng thua. Chỉ khi ngồi vào chiếc ghế nóng này thì mới thực hiện được tham vọng đóng góp cho sự thay đổi và góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay.
Bối cảnh nền kinh tế và xã hội vài năm qua có nhiều khó khăn, thách thức mới. Thiên tai cũng ngày càng diễn biến phức tạp… Những người có ý tưởng và năng lực cần tham gia các hoạt động của đất nước, góp phần tìm ra giải pháp cho các khó khăn chung, chẳng nên coi đó là việc của riêng người này hay người kia. Và việc tham gia nghị trường là kết quả của tất cả những suy nghĩ đó.
Về việc nhiều người khi ra ứng cử cũng đặt tham vọng sẽ cải cách, thay đổi và giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội, nhưng khi trúng cử rồi họ lại không làm được, ông Nguyễn Cảnh Bình nêu rõ, các thách thức đặt ra đối với chúng ta thực sự là rất lớn. Để các đại biểu Quốc hội thực thi được trách nhiệm và lời hứa của mình trước các cử tri thật sự là khó khăn. Khó khăn cả cho cơ quan hành pháp trong việc thực thi luật pháp khi đối mặt với nhiều vướng mắc về cơ chế, về con người và sự ủng hộ của người dân… Nhiều người nói, trở thành Đại biểu đã khó, nói được tiếng nói của người dân còn khó hơn nhiều và để thực thi được những gì họ hứa lại càng khó khăn hơn gấp bội.
Dường như các đại biểu Quốc hội không đủ thực quyền để thực hiện được những cam kết, hứa hẹn của mình. Đại biểu quốc hội không phải là cơ quan hành pháp, nhiệm vụ của họ mà chủ yếu vẫn là giám sát, đề xuất và thông qua dự Luật chứ không phải trực tiếp thực thi chúng. Trừ những người đang tham gia điều hành các bộ ban ngành và có năng lực tổ chức, điều hành, còn lại nhiều đại biểu thiếu hẳn kinh nghiệm thực thi. Chưa hẳn là tất cả các đại biểu quốc hội đã điều hành, lãnh đạo tốt cơ quan, tổ chức của họ. Nếu họ chưa từng làm lãnh đạo, chưa từng giữ vị trí ở các cơ quan và tổ chức thì sẽ rất khó có thể đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để thực hiện các cam kết của mình. Các đại biểu cũng không thể xử lý đơn thư khiếu kiện của người dân bởi không phải ai trong họ  cũng có kiến thức và năng lực làm việc đó…
Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, trong các phiên chất vấn Chính phủ của đại biểu Quốc hội có nhiều chất vấn có chất lượng, nhưng cũng nhiều chất vấn ít có giá trị, không có tính khả thi, phi thực tế, hỏi chỉ để hỏi, chỉ để bắt bí các bộ trưởng hơn là cùng hướng đến các giải pháp. Mong rằng các hoạt động của Quốc hội sẽ phát triển theo hướng cùng tìm giải pháp và hỗ trợ cho nhánh hành pháp.

Đức Trung
 Nguồn: