Trang chủ » Tin văn và...

"CHỈ SỢ LÒNG DÂN KHÔNG TIN"

Giáp Văn Dương
Thứ sáu ngày 6 tháng 5 năm 2011 9:09 PM

Nếu Hồ Nguyên Trừng còn sống, chắc ông sẽ nói: Thần không ngại ra chính sách, chỉ sợ lòng dân không theo. Dân không theo thì chính sách dù hay đến đâu cũng trở nên vô dụng

Chuyện xưa

Chuyện xưa kể rằng, sau khi thâu tóm quyền lực vào tay mình, năm 1400, Lê Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế, tự lập ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, đổi niên hiệu là Thánh Nguyên. Ông đổi sang họ Hồ vì cho rằng mình là hậu duệ của Hồ Công Mãn, dòng dõi vua Thuấn, và lập ra nhà Hồ.
Sau đó, Hồ Quý Ly đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng như ban hành các đồ đo lường để làm chuẩn trong việc buôn bán (1403), sửa lại quy định thi cử: những người đỗ thi Hương phải qua kỳ thi toán pháp mới được thi Hội (1404). Trước đó, ông cũng đã cho phát hành tiền giấy lần đầu tiên trong lịch sử (1396).
Những cải cách của Hồ Quý Ly đều nhằm mục đích xây dựng một nước Đại Ngu cường thịnh. Tuy nhiên, những cải cách này được tiến hành trong một thời gian quá ngắn, làm dân chúng hoang mang, nên không đạt hiệu quả như ông mong đợi, và trên thực tế, đã trở nên phản tác dụng.
 
Năm 1405, trước nguy cơ xâm lược của giặc Minh, Hồ Quý Ly cho họp quần thần để bàn kế chống giặc. Khi được hỏi, con trai ông là Hồ Nguyên Trừng đã nói: Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.
Sử gia Ngô Sĩ Liên đời sau, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, đã khen rằng: Mệnh trời là ở lòng dân. Câu nói của Trừng hiểu được điều cốt yếu đó.

Chuyện nay

Chuyện nay kể rằng, trước những khó khăn dồn dập của đời sống như thiếu điện, thiếu xăng, lạm phát tăng cao, tắc đường kẹt xe, trường học bệnh viện chật chội, môi trường ô nhiễm..., những người có trách nhiệm đã đưa ra nhiều giải pháp, triển khai bằng nhiều chiến dịch đủ loại. Nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi. Những giải pháp tình thế này, những chiến dịch ồn ào to nhỏ, xem ra, năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Nếu có một cuộc họp đặc biệt như năm xưa để đối phó với tình trạng khó khăn này, và nếu Hồ Nguyên Trừng còn sống, chắc ông sẽ nói: Thần không ngại ra chính sách, chỉ sợ lòng dân không theo.
Dân không theo thì chính sách dù hay đến đâu cũng trở nên vô dụng. Vì thế, việc đầu tiên mỗi khi ra chính sách, là chính sách đó phải làm cho dân theo.

Muốn dân theo, thì dân phải tin. Muốn dân tin, thì chính sách phải thuyết phục, người điều hành phải gương mẫu.
Tiếc là đã có không ít chính sách của ta chưa thuyết phục bởi làm khó cho dân. Đơn cử như nhiều người có trách nhiệm dự định đưa ra chính sách ngày chẵn đi xe biển số chẵn, ngày lẻ đi xe biển số lẻ đang được ồn ào bàn thảo. Với chính sách ấy, dù có muốn, dân cũng khó mà thuận lòng theo.

Hơn nữa, chính sách ấy lại đi kèm với người điều hành thiếu gương mẫu. Trách sao dân phạm luật khi không thiếu người giữ gìn luật pháp phạm luật trước. Trách sao dân không mê tín, khi xe công đổ về các đền miếu chùa chiền cúng bái...

Vậy làm sao để có chính sách thuyết phục, người điều hành gương mẫu?
Muốn có chính sách thuyết phục, phải sử dụng được người tài, phải có cơ chế ra chính sách thích hợp.
Muốn người điều hành gương mẫu, bên cạnh tài năng và đạo đức của cá nhân, thì cơ chế điều hành phải minh bạch.
Từ 2500 năm trước, những điều này đã được Khổng Tử nhắc đến. Khi Ái Công hỏi Khổng Tử: Làm thế nào thì dân phục tùng? Ông đáp: Đề cử người ngay thẳng lên trên hạng cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tùng. Khi Quý Khang Tử hỏi: Chính trị là gì? Ông đáp: Chính trị là chính đính - tạm hiểu: Chính trị là minh bạch.

Nếu để hạng cong queo lên trên người ngay thẳng, nếu không minh bạch, thì lời nói của chính khách có hoa mỹ đến mấy đi chăng nữa, chính sách của họ có được quán triệt đến mấy đi chăng nữa, dân cũng không theo.
Dân không theo, đó là đại họa. Cho nên, dù đã hơn sáu trăm năm, câu nói Chỉ sợ dân không theo của Hồ Nguyên Trừng vẫn nóng hổi tính thời sự, nhắc nhở người có trách nhiệm luôn phải giật mình mỗi khi ban hành chính sách.
Nói cách khác, chỉ sợ dân không theo chính là bùa hộ mệnh của người làm chính sách và chiếc đũa thần tạo ra mọi chính sách đúng.