Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN THY NGỌC - ÔNG NGOẠI CỦA BẠN ĐỌC NHỎ TUỔI

Vũ Duy Chu
Thứ tư ngày 13 tháng 4 năm 2011 4:06 PM

Nước ta có nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho các em thiếu nhi rất nổi tiếng. Đó là Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Thanh Địch, Định Hải…. Nhưng có lẽ chưa có Nhà văn nào được bạn đọc nhỏ tuổi trìu mến, tin cậy gọi bằng hai tiếng Ông Ngoại như Nhà văn, Nhà thơ Thy Ngọc. Lão Nhà văn đã vô cùng cảm động. Ông lấy ngay hai từ Ông Ngoại làm bút danh dưới mỗi bài viết của mình để trò chuyện với bạn đọc nhỏ tuổi của tờ Khăn Quàng đỏ TP. Hồ Chí Minh.

 

 

- “Nhà văn Thy Ngọc là thành viên sáng lập ra Nhà Xuất bản Kim Đồng từ năm 1957”… Tôi biết ông khá lâu nhưng khi Nhà thơ Cao Xuân Sơn phát biểu như thế về ông tại buổi lễ 50 năm ngày thành lập NXB tại Khách sạn Legent Sài Gòn( 1957- 2007) tôi mới biết. Hóa ra, năm 1942, khi mới 17 tuổi Thy Ngọc đã có tác phẩm Vỡ đê do Nhà sách tư nhân Hoa Mai xuất bản. Khi tra cứu về văn nghiệp của ông tôi rất ngạc nhiên, ông đã in gần hai mươi đầu sách viết cho trẻ em. Những cái tựa sách của ông hiền lành, giản dị như chính con người ông vậy: Thơ tặng cháu - 1942, Tuổi ngây thơ - 1943, Cu Tý - 1954, Khúc ca thơ ấu - 1954, Tiếng hát chim non - 1962, Lớp học của anh Bồ câu trắng - 1957, Trang viết tuổi thơ - 1995 Trong đó cuốn Lớp học của anh Bồ câu trắng là một trong 8 cuốn sách được chọn in đầu tiên năm 1957, để chào mừng ngày ra mắt Nhà Xuất bản. Nhiều năm sau tác phẩm này còn được Đài truyền hình Việt nam chuyển thể thành 8 tập phim hoạt hình cho thiếu nhi. Gần đây nhất là tác phẩm Lời hứa với ngày mai – 2009, khi lão Nhà văn đã 84 tuổi.

 

 

Tôi không hiểu trong suốt chiều dài lịch sử của Nhà Xuất bản Kim Đồng có ai trụ lại đó liên tục trong mấy chục năm, qua bao nhiêu biến cố thăng trầm thời cuộc, thời văn như Nhà văn Thy Ngọc không. Cứ như thể Nhà xuất bản đã chọn ông, văn học thiếu nhi đã chọn ông làm người bạn đường keo sơn, thủy chung nhất mực. Tôi đọc đâu đó tác giả một bài viết đã mượn hai câu thơ nổi tiếng của Nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn( 1881- 1936) để nói về Thy Ngọc:

 

” Quắc mắt coi khinh nghìn lực sĩ

Cúi đầu làm ngựa chú nhi đồng”

 

Điều này không hề là một lời khen sáo. Ông không chỉ là người viết văn, làm thơ cho các em, ông còn là cán bộ biên tập mỹ thuật, vẽ minh họa, vẽ bìa sách nữa. Khó khăn của những ngày đầu thành lập Nhà Xuất bản Kim Đồng đã khiến ông phải kiêm nhiệm nhiều công việc. Những ngày ấy ông đã có vinh dự làm việc cùng với các Nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Bắc Thôn… Đó là các Nhà văn bậc thày viết cho thiếu nhi mà ông bộc bạch rằng ông chịu ảnh hưởng rất nhiều. Ảnh hưởng ấy đã tạo ra một Thy Ngọc văn phong giản dị, chân chất, rất trong sáng nhẹ nhàng, chiếm lĩnh trọn tình cảm của bạn đọc nhỏ tuổi. Tôi ngạc nhiên khi lão Nhà văn bảo rằng Bắc Thôn mới là nhà văn viết về trẻ em vùng cao hay nhất. Hóa ra, với Thy Ngọc, văn tài và sự lặng lẽ không tuyên ngôn ầm ĩ trên văn đàn của Bắc Thôn mới hợp với tạng ông. Bắc Thôn viết truyện Hai làng Tà Pình và Động Hía khởi từ hoàn cảnh ông bị lạc rừng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự cưu mang của những người dân vùng cao đối với Bắc Thôn những ngày ông lạc rừng ấy là nguồn cảm hứng cho nhà văn. Danh tính của Bắc Thôn cho tới nay tôi cũng chỉ được biết vài dòng rằng ông là em ruột Nhà thơ Thâm Tâm nổi tiếng với Tống biệt hành. Bắc Thôn mất cũng lặng lẽ tại Hà Nội năm 1967. Còn Thy Ngọc, tôi biết ông khá lâu, gặp và trò chuyện với ông khá nhiều lần, nhưng chưa khi nào nghe ông nói về bản thân cả.

 

Người ta thống kê rằng Thy Ngọc đã minh họa cho gần 300 cuốn sách, một con số thật đáng nể. Ông không phải là một họa sĩ được đào tạo bài bản, ông tự học. Niềm đam mê công việc đã khiến ông trở thành họa sĩ của Nhà Xuất bản một cách rất tự nhiên.

Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1976, Thy Ngọc đã được Nhà Xuất bản tin cậy giao nhiệm vụ tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường sách thiếu nhi ở các tỉnh phía Nam. Ông thực sự là một người lính tiền trạm. Ông phải thăm dò thị hiếu độc giả nhỏ tuổi, lên kế hoạch dài hơi cho công việc xuất bản. Ông tìm bản thảo, biên tập, đến nhà in theo dõi in ấn và tự phát hành. Và đặc biệt, ông phát hiện và thu hút những tác giả viết cho thiếu nhi cộng tác lâu dài với Nhà xuất bản của mình.

Ông vừa làm công việc bếp núc văn chương, vừa làm công việc bếp núc rau dưa cho cuộc sống đạm bạc của bản thân ngay trong trụ sở phía Nam của Nhà Xuất bản tại 268 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Mãi đến năm 1985, sau 30 năm miệt mài làm việc, ông mới nghỉ hưu lần thứ nhất.

Ông nói rằng sau khi nghỉ hưu ở Nhà Xuất bản Kim Đồng, ông được anh Nam Thanh, Nhà thơ Nguyễn Thái Dương ở báo Khăn Quàng đỏ tin cậy mời về làm “Lão quản gia”. Bút danh Ông ngoại của ông xuất hiện trên mỗi số tờ báo này là bút danh thật đặc biệt. Những nhà văn lớn tuổi viết cho thiếu nhi ai chả ao ước có một bút danh ấm áp như thế.

Thế là ông có thêm mười mấy năm làm báo, thêm mười mấy năm gắn bó trực tiếp hàng ngày với bạn đọc và các cộng tác viên nhỏ tuổi của báo. Ông trò chuyện, chỉ bảo từng ý thơ, từng câu văn trên bản thảo của các cháu. Với ông đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không dễ gì có được, nếu mình không hết lòng…

Ông rời báo Khăn Quàng đỏ để nghỉ hưu lần thứ hai khi đã 74 tuổi.

 

 

Tôi còn nhớ giây phút Nhà thơ Cao Xuân Sơn phát biểu tri ơn Thy Ngọc tại buổi lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà Xuất bản Kim Đồng rồi lão Nhà văn nhận kỉ niệm chương. Ông nghẹn ngào rất lâu trong lời đáp từ. Nước mắt ông nhòe tròng kính. Những giọt nước mắt sung sướng.

Tôi thầm nghĩ, hôm ấy nếu có mặt các bạn đọc nhí, các cộng tác viên nhí của ông, thế nào tất cả khách mời dự lễ cũng được nghe tiếng gọi:

- Ông Ngoại ơi! Ông Ngoại!...

Sài Gòn, 7.4.2010.

VDC