Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện nhỏ..không như con thỏ(20): NÔNG NỖI NÀY AI TỎ CHĂNG AI ?

Tô Hoàng
Thứ tư ngày 13 tháng 4 năm 2011 7:19 PM
 
 Những ngày cuối tháng Ba vừa qua, trên “ Sài gòn Tiếp thị”-trong 3 số báo liên tiếp ra các ngày 23 ,25 và 28 phóng viên Hà Dìu đã viết  một thiên phóng sự chân thực, xúc tích và rất xúc động về cuộc sống cơm áo ngày thường của anh chị em khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Tp Hồ Chí Minh trong thời kỳ “ bão giá” .
 Hà Dìu có lẽ là một cô gái, bởi cô đã chọn cách đi thực tế như thế này: tìm tới ăn ở, ngủ qua đêm với một nhóm 4 nữ công nhân trong một gian phòng trọ chừng 10 mét. Và đây là những gì Hà Dìu ghi lại:
 Lương tháng của mỗi chị em là 2,1 triệu. Nếu có làm tăng ca thì thành 3 triệu. Điều phải nói ngay, hầu như tất cả anh chị em tháng tháng đều phải gửi về quê nuôi bố mẹ già, trợ giúp các em ăn học không ít hơn 1 triệu. Số 1,1 triệu còn lại anh chị em phải “ giật gấu vá vai” lo sao cho đủ khoản tiền ăn, tiền thuê nhà trọ, tiền điện nước. Chiều chiều tan ca, láng qua chợ anh chị em chỉ giám mua chừng 100 hoặc 200gram thịt lợn. Mua 2000đồng rau muống bây giờ hàng rau không bán, thường phải mua từ 3000đồng trở lên. Thương sách là mua lấy 10 trái trứng, chi cho 4 người trong 3 ngày: trứng luộc dằm nước mắm vừa để chấm ngọn rau, vừa rưới cơm, cố nuốt cho xong bữa.
 Hà Dìu kể, ở những gian chợ quanh khu chế xuất thường người ta chỉ bán thịt bèo nhèo, thịt ôi; rau hoặc quả trái héo hoặc sâu xia. Hỏi vì sao, các bà bán hàng trả lời sòng phẳng: chỉ thịt rau ấy mới có giá rẻ, mới hợp với túi tiền của anh chị em!
 Hà Dìn kể, 5giờ rưỡi anh chị em đã thức dậy chuẩn bị vào nhà máy. Tối nhọ mặt người mới lần về được tới nhà trọ. Đêm tối, không tivi, không ca nhạc. Chừng 8giờ rưỡi  anh chị em đã lên giường ngủ, vừa tiết kiệm điện, vừa lấy lại sức để ngày hôm sau mà đứng máy.
 Ngày lại ngày cứ thế mà trèo chống, cứ thế mà trôi qua…Nếu “ chủ” tăng cho một vài trăm vào đồng lương đã thấy mãn nguyện, sung sướng lắm! Thậm chí có anh chị em bộc bạch thẳng: “ Chủ” nào khôn ngoan chỉ cần tăng chút đỉnh lương tháng như thế, anh chị em “chả muốn đình công làm gì”.
 Ở phần 3 của thiên phóng sự, dĩ nhiên người viết cũng đã gắng gỏi tìm ra chút tia nắng lóe chiếu trên bức tranh xám sịt, ảm đảm của người thợ hôm nay. Ví như thành phố có điều những của hàng xuống bán cho anh chị em những mặt hàng giữ giá ổn định, hoặc cơ quan chức năng nào đó đứng ra họp mặt với các “ông chủ” đề nghị họ tăng lương, bù thêm tiền xăng cho anh em nếu phải đi lại bằng xe máy. Ví như anh chị em cũng gặp những người cho thuê nhà tốt bụng, thông cảm với hoàn cảnh của anh chị em nên không đòi tăng tiền nhà trọ…
 Ấy thế nhưng đọc xong thiên phóng sự của phóng viên Hà Dìu, không khỏi miên man trong đầu nhiều câu hỏi khác..
 Lương tháng tại các khu chế xuất là 2,1 triệu ( tương ứng với 100USD thời giá hiện nay) so với đồng lương tháng của những người thợ trong khu vực như Philippin, Thái lan, Indonesia…( chứ không dám so với các nước Bắc Âu, Mỹ, Canada..)là cao, trung bình hay là thấp? Và mức lương này có phải do “bên Ta” tự xướng lên hay “bên Tây” chỉ chi trả như vậy?
Với những bữa ăn quá ư đạm bạc, thiếu chất, điều dễ hiểu là người lao động không đủ calori để chi trả cho yêu cầu cường độ lao động cao. Anh chị em đang bóc chính máu thịt cái cơ thể trẻ trung của mình để bù trì vào mong  kiếm ra đồng tiền lương. Liệu làm hết hợp đồng 3, 4 năm anh chị em sẽ được ký hợp đồng làm tiếp không? Hay xã hội sẽ đón nhận cả triệu lao động “ về già” đã không việc làm, trong cơ thể lại dề dề bệnh tật, kết quả của những ngày ăn thịt thiu, rau ôi và chiềng mặt với cường độ lao động cao? 
Tiến trình cướp đất trồng trọt của người nông dân để xây sân gôn, khu chế xuất, khu đô thị mới, mở rộng đường xá, xây mới cầu cống.. vẫn đang  rầm rộ diễn ra ở khắp mọi nơi. Nông dân không còn bận bịu vào việc cấy cày, gieo trồng; họ và con cái họ bị đẩy vào vòng thất nghiệp. Mồi câu rêu rao leo lẻo vẫn là: “ Sẽ được nhận vào các khu chế xuất, sẽ được đứng vào đội ngũ công nhân trong thời buổi công nghiệp hóa!”. Khu chế xuất nào và cuộc sống của người thợ ở đấy ra sao, thiết nghĩ bài phóng sự của phóng viên Hà Dìu  trên báo “ Sài gòn tiếp thị” đã cho lời đáp!
Tìm đâu ra bây giờ cuốn tiểu thuyết “ Người mẹ” của đại văn hào Nga Macxim Gorki nhỉ? Tôi muốn đọc lại cuốn tiểu thuyết đó quá à! Bạn mách tôi đi!