Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRIỆU NGUYỄN CHẺ CÂU THƠ LỤC BÁT

Nhà thơ Vũ Bình Lục
Thứ hai ngày 11 tháng 4 năm 2011 4:48 PM

 

Người ta nói tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều sức mạnh sáng tạo. Nhiều thiên tài ở nhiều lĩnh vực, thường toả sáng ngay ở thời kỳ tuổi trẻ. Cái đó thì đúng rồi. Tuy nhiên, trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, người cao tuổi không phải bao giờ và cũng không phải ai cũng “hỏng” dần đi, cũng “héo” dần đi vô tích sự. Có những người làm nghệ thuật, bất ngờ toả sáng khi tuổi tác đã xế chiều. Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, câu chuyện “gừng càng già càng cay” không bao giờ là chuyện lạ!

            Nhà thơ Triệu Nguyễn ( tên thật: Nguyễn Triệu) quê gốc Hải Dương, nhiều năm sống và làm việc ở Quảng Ninh, hiện đang sống và viết tại Hà Nội. Vùng đất bên dòng Tô Lịch, nơi ông tá túc hiện nay, đã nên phố nên phường từ rất lâu rồi. Chả biết ông mê cái vùng đất ngoài thành Thăng Long xửa xưa, vốn là quê hương bản quán hoặc là nơi trú ngụ của rất nhiều danh nhân tài tử đất Kinh kỳ, như Chu Văn An, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Siêu; như Bùi Xương Trạch, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu…bây giờ đang là nơi “ngụ cư” cuối đời của thi sỹ Triệu Nguyễn và nhấp nhô những văn nhân tài tử đương thời. Triệu Nguyễn năm nay cũng gần chạm sát vách bảy mươi, sức khoẻ hơi bị kém đi một tý, nhưng sức làm việc thì vẫn còn như thể “trai tơ”. Ông vừa cho ra mắt cuốn  Hoa của đất- Những lời vàng, dày hơn tám trăm trang, bìa cứng hẳn hoi, “oách” lắm. Mới đây, lại đọc được ở báo Văn Nghệ chùm thơ hai bài của Triệu Nguyễn, khá hay. Hoá ra Triệu Nguyễn vẫn chưa chịu già, chưa muốn “héo” đi. Thơ ông vẫn như còn đang tươi tốt, tươi tốt một cách chín chắn hẳn hoi!...

           

LỤC BÁT CHẺ CÂU

        Nhà ta ở đường Khương Đình

        Nghe dòng Tô Lịch vật mình trắng đêm

        (Ca dao của dân thổ cư)

 

Cổng làng

ở giữa nội ô

ngõ chằm vá ngõ

nhà ngơ ngác nhà

 

nơi đây

xưa

gốc sưa già

vòm đa cổ tích

miếu

và trăng quê

từ ngày

gió thả bùa mê

rạ rơm thoát xác

mặt đê hoá đường

ruộng hoang nên phố nên phường

vầng trăng hoá mặt kính gương

đổi màu

ta như

lục bát chẻ câu

ngẩn ngơ trước cuộc bể dâu

kinh thành…

           

Câu ca dao lấy làm đề từ, nói là của dân thổ cư, nghĩa là của dân gốc chính hiệu ở đây. Chả biết có phải thế không, hay là của mấy ông nhà “Nho” đời mới? Thì hãy cứ xem như một lời mời trầu khéo léo, để dẫn vào tứ thơ, thế cũng là tài!

            Dòng sông Tô đã già lắm, chảy hoài hoài, vật mình vật vã trắng đêm, đấy cũng mới chỉ là một nghĩa. Nhưng mà nó vật mình trắng đêm thì sông Tô đã được đổi hình đổi xác, được phả hồn thành hình tượng tuyệt vời của sự thao thức lịch sử, sinh động và chứa chất nghĩ suy. Cũng chính từ cái nền cảm xúc ấy, Triệu Nguyễn đã viết bài Lục bát chẻ đôi dung dị, đằm thắm mà thú vị!

            Bắt đầu là cái cổng làng ở giữa nội đô, rồi đến cái ngõ làng. Nhưng mà ngõ ở đây rất khác, nó chằm, nó vá linh tinh, tít mù khúc to khúc nhỏ, dẽ ngang dẽ dọc, quẹo phải quẹo trái… Tôi đã có lần đến thăm nhà Triệu Nguyễn, cũng đã một phen vướng phải cái bát trận đồ ngõ ngách này, hỏi thăm xuôi ngược tít mù rồi mới tới được nhà thi nhân. Còn cái mặt ngõ thì sao? Cũng thật độc đáo! Có đoạn lát gạch cổ xếp nghiêng, lâu ngày lồi lõm đến tội nghiệp. Có khúc vá bằng bê tông, nhôm nhoam như chiếc áo Chí Phèo, nghĩa là chằm đụp chả ra hình thể gì…Thế còn cổng làng ngổn nghển ở giữa nội đô thì cũng bình thường thôi, chả thiếu gì. Nó chỉ là chứng nhân im lặng, im lặng mà thực ra rất nhiều lời đang cháy thầm, về thời thế đổi thay, về cái sự ruộng hoang nên phố nên phường biết bao vật đổi sao dời. Cổng làng thì vậy, ngõ làng như thế, lại thêm nhà ngơ ngác nhà nữa chứ! Cao thấp cổ kim, giả Tây giả Tàu tùm lum, chen vai thích cánh, cãi nhau dáng điệu, chửi nhau sắc màu, như thể chẳng ai chịu ai, ngơ ngác, ngác ngơ đến tội nghiệp. Đoạn mở đầu đã thấy rõ tài hoa của tác giả về cách dùng chữ, tạo dáng, phổ hồn cho chữ, giản dị mà sáng tạo, không thấy dấu ấn của sự gọt đẽo, mà thực ra đó là một sự gọt đẽo không để lại một tý tỳ vết nào…

            Câu thơ tiếp đấy, nói về cái làng quê xưa, xưa lắm. Rằng nơi đây xưa gốc sưa già /  vòm đa cổ tích miếu và trăng quê…Đó là điểm xuyết, chỉ là điểm xuyết thôi mấy nét tiêu biểu của làng xưa. Chả có gì khác so với những làng quê khác, khắp đó đây ở các miền quê Bắc bộ, nhất là những vùng quê ngoài tứ trấn xung quanh kinh thành Thăng Long. Khác chăng là khác ở cách chẻ câu thơ lục bát của tác giả, thành những chữ rời chữ đơn, rồi kép đôi, kép ba, kép bốn…Nhưng đó không phải là một sự cố ý làm cho có vẻ mới, tân hình thức, mà là một sự chẻ ra, chẻ câu thơ ra như một sự nhấn nhá, nhấn mạnh vào, xoáy sâu vào cái nghĩa của chữ, tô đậm thêm vẻ đẹp của chữ, qua đó mà gửi gắm cái tình tiếc nuối một không gian văn hoá hữu hình và vô hình đã bị phố phường của thời hiện đại nuốt trôi vào cái bao tử hổ lốn rườm rà khó chịu của nó. Bấy nhiêu những điều người đọc có thể cảm nhận được ở mấy dòng thơ lục bát chẻ câu của Triệu Nguyễn, tuy cũng mới chỉ sơ sơ, cũng đủ thấy cái hàm lượng giàu có của nghĩa chữ trong thơ.

            Phần còn lại của bài lục bát chẻ câu chính là hình ảnh làng quê xưa, giờ đã đổi màu lột xác: Từ ngày /  gió thả bùa mê /  rạ rơm thoát xác /  mặt đê hoá đường / ruộng hoang nên phố nên phường /  vầng trăng hoá mặt kính gương /  đổi màu…Đấy là “kể”, nhưng mà kể bằng thơ, bằng những hình ảnh thơ mang nghĩa ẩn dụ, về một quá trình chuyển hoá vật chất, chuyển đổi lượng thành chất của thời hiện đại. Nông thôn đã nên phố nên phường, đến như vầng trăng cũng hoá mặt kính gương đổi màu…Những sự đổi màu hướng tới niềm vui, chẳng phải đáng mừng hay sao! Thế nhưng tâm sự của thi nhân thì không hẳn chỉ là niềm vui. Cũng còn có cả sự đổi màu khác nữa, ở chiều ngược lại, ví như cái nghĩa xóm tình làng, cái hồn vía thăm thẳm của bóng làng, của hồn làng chẳng hạn…Tác giả kết luận: Ta như lục bát chẻ câu /  ngẩn ngơ trước cuộc bể dâu /  kinh thành…

            Nỗi niềm của nhà thơ ký gửi ở chữ ngẩn ngơ. Có vui, vui trước sự đổi thay theo chiều hướng tích cực của cuộc sống mới, nhưng hình như vẫn còn một nỗi tiếc nuối, một niềm xót xa thầm kín về một cái gì đó rất thiêng liêng đã và đang teo tóp dần đi, đang mất dần đi trong dòng chảy bất tận của thời gian. Phải chăng, đó chính là những mảnh hồn văn hoá Việt rồi đây biết sẽ ra sao, khó mà lường trước được!

            Một tứ thơ không mới, chỉ mới ở phương thức diễn đạt. Tình ý sâu xa của tác giả ẩn dấu bên trong những vần thơ lục bát ngọt ngào, một sự ngọt ngào chân thực và đáng yêu…

                                                                                   

Hà Nội Xuân 2011