Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GỌI BẠN TÌNH

Lâm Thị Thanh Trúc
Thứ sáu ngày 8 tháng 4 năm 2011 8:26 PM

Dậy đi em
Dậy đi em
Anh hồi hộp nâng khèn
Trăng vàng sóng sánh
Dặt dìu dòng suối âm thanh
Nhà sàn đợi chờ thao thức
Đầu khèn
chạm vào hò hẹn
Sao hôm đậu xuống mái nhà
Đêm trở mình da diết nhớ sàn hoa
Đầu khèn
chạm vào đợi chờ
Sao mai lung linh cửa sổ
Hội hái hoa ban nọong ơi
Trái tim chung đôi e ấp lời bầy tỏ
Đầu khèn
chạm vào mong nhớ
Trăng neo khau cút bâng khuâng
Trinh trắng hoa ban
Thắm tình hoa mạ
Cầu thang rạo rực rung rinh
Em như nàng tiên mùa xuân
Bước ra từ câu khắp
* Khau cút: biểu tượng hình trăng khuyết ở đầu hồi nhà sàn người Thái đen.
** Hoa mạ: một loại hoa màu vàng, nở vào mùa xuân, rất đẹp.

Lời bình của Lâm Trúc
Tôi chưa một lần được lên Tây Bắc, chỉ được biết Tây Bắc qua Tiếng hát con tàu của chế Lan Viên, nơi mà nhà thơ từng mời gọi các văn nghệ sĩ đến để tìm kiếm ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật trong những năm tháng khởi đầu xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tôi cũng chỉ được biết Tây Bắc với những ngày đầu xuân “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội (…) Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra  phơi trên các mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ ” trên trang văn của Tô Hoài, để rồi từ đó réo rắt vọng lên tiếng sáo thiết tha, bổi hổi gọi bạn tình:
“Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con gái con trai
Ta đi tìm người yêu”
Tình yêu lứa đôi là đề tài muôn thuở của văn chương. Người cầm bút đều biết cái làm nên giá trị đích thực của nghệ thuật là sự khám phá, sáng tạo. Cái tài của nhà văn là từ trong cái “muôn thuở” đó, họ khám phá những chất liệu rất riêng cùng với phong cách sở trường để những đứa con tinh thần của mình đi vào lòng người đọc thật sáng giá.
Tôi vốn mê thơ, thích tìm tòi và mỗi khi đọc được một bài thơ hay, tâm hồn tôi như vang động, ngân nga theo những tình ý sâu sắc, những vần điệu say đắm của thơ… Một trong những bài thơ tạo cảm xúc và ấn tượng cho tôi là bài Gọi bạn tình của tác giả Trần Vân Hạc.
Bài thơ lại đưa tôi đến gần với Tây Bắc, một Tây Bắc vốn rất xa xôi đối với một người sống ở miền Tây Nam Tổ quốc như tôi.
Cái hay của bài thơ là cách thể hiện vừa rất quen, lại vừa rất lạ trong cảm hứng về đề tài “muôn thuở” – chuyện tình yêu! Bài thơ được bao bọc trong một không gian tình yêu lãng mạn mà rạo rực, đắm say! Cái rạo rực đậm đặc chất hoang sơ của núi rừng Tây Bắc! Ngay từ hai câu đầu bài thơ, nhan đề “Gọi bạn tình" đã vút cao lên theo điệu du dương ma mị của tiếng khèn:
“Dậy đi em
Dậy đi em”
“Khèn” – một nhạc cụ của dân tộc Tây Bắc, từng được nhà thơ Quang Dũng đặt lên môi ai đó đệm theo các điệu múa du dương của các cô sơn nữ làm ngất ngây tâm hồn các chàng trai trong đoàn quân Tây Tiến hào hùng đã đi qua một thời lịch sử:
“Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”
Cái “man điệu” của tiếng khèn đó lại xuất hiện trong thơ Trần Vân Hạc. Ôi khúc nhạc thôi thúc mời gọi tình yêu sóng sánh dưới trăng, lượn lờ theo tiếng róc rách của suối rừng:
“Anh hồi hộp nâng khèn
Trăng vàng sóng sánh
Dặt dìu dòng suối âm thanh”
Có cái gì tươi mới, bừng thức trong tâm hồn chàng trai. Đó là tình yêu? Tình yêu quyện trong tiếng khèn réo rắt, dìu dặt yêu thương! Tình yêu run run, hồi hộp trong từng hơi thở, "đánh thức" một người đang "thao thức" đợi chờ:
“Nhà sàn đợi chờ thao thức
Đầu khèn
chạm vào hò hẹn”
Tác giả từng “bật mí” rằng khèn làm bằng nứa tép rất dễ vỡ, trong thực tế, chàng chỉ dùng ngón tay để “chọc sàn” gọi người yêu đến nơi hò hẹn. Hóa ra chiếc khèn được nhà thơ chọn làm một vật giao duyên, nó như chiếc khăn, tấm áo, chiếc nhẫn… trong ca dao của người Kinh. Bài thơ đưa người đọc vào thế giới của “hai người yêu nhau”. Tình yêu bao giờ cũng đẹp! Và càng đẹp hơn trong những cuộc hò hẹn yêu đương! Họ đi kiếm tìm yêu thương, kiếm tìm hạnh phúc. Có một người khao khát gọi tình. Có một người thao thức đợi chờ…
Những sắc thái văn hóa riêng biệt làm nên bản sắc dân tộc: trang phục, lễ hội, ẩm thực… thậm chí cách bày tỏ tình yêu! Đọc Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, tôi có thêm hiểu biết về chuyện tình yêu trai gái của dân tộc Mèo, ban đêm trai làng đến gõ vào vách buồng gọi người yêu hò hẹn, mùa xuân họ thổi sáo, uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo để rủ bạn tình đi chơi. Nay đọc Gọi bạn tình của tác giả Trần Vân Hạc, tôi biết thêm một điều thú vị về tập tục “hẹn hò” của dân tộc Thái, không phải dưới gốc hoa ban, bên bờ suối… lãng mạn nào đó, mà trên chính chiếc nhà sàn của mình:
Trinh trắng hoa ban
Thắm tình hoa mạ
Cầu thang rạo rực rung rinh
Những mối tình của tuổi thanh xuân bao giờ cũng “thắm” như màu vàng của hoa mạ mùa xuân, tinh khôi như màu hoa ban “trinh trắng” của núi rừng Tây Bắc. “Cầu thang rạo rực rung rinh” dưới bước chân tìm đến với người yêu của cô gái sao mà hồn nhiên lạ!
"Đầu khèn", một nhạc cụ đời thường trở thành tín hiệu thẩm mỹ trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ. Không gian tình yêu của đôi trai gái được nhà thơ chăm chút điểm tô: ánh sáng, âm thanh, sắc màu... Tất cả cựa mình rạo rực, xốn xang...
Đầu khèn nhỏ bé, khẽ khàng "Chạm vào hò hẹn - Chạm vào đợi chờ - Chạm vào mong nhớ" để "Trái tim chung đôi e ấp lời bầy tỏ"!
Người ta tình tự dưới trăng!
Người ta tình tự từ lúc "Sao hôm đậu xuống mái nhà" cho đến lúc "Sao mai lung linh cửa sổ"!
Và có lẽ, điều cuối cùng đọng lại trong lòng người đọc chính là điệu du dương nhạc tính của bài thơ. Với chất liệu ngôn từ của dân tộc Thái, thể thơ tự do, đặc biệt là những ẩn dụ tinh tế cùng những điệp khúc… tác giả đã tạo nên làn điệu dân ca trầm bổng có sức cuốn hút lòng người.
Đọc bài thơ tôi nghe lòng nhóm lửa, muốn được chạm bước chân khát yêu, khát sống của mình lên chiếc cầu thang "rạo rực" tình của "nàng tiên mùa xuân - bước ra từ câu khắp" yêu thương; muốn cùng cô gái áp má vào sàn nhà đợi chờ, lắng trông tiếng chạm khẽ, thật khẽ của "đầu khèn" tình tứ gọi người yêu hò hẹn!
Ôi! Một bài thơ gọi tình làm xao động cả những trái tim của người ngoài cuộc!
Cuộc sống này đáng yêu biết bao!
08 / 4 / 2011
Lâm Trúc

Lâm Thị Thanh Trúc – An Giang
ĐT: 01235.212.678
Email: huongque66@gmail.com