Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÚT ƯỚC AO GIẢI PHÓNG CHO NGƯỜI LÀM THƠ YÊU ĐƯƠNG

Trần Xuân An
Thứ năm ngày 7 tháng 4 năm 2011 10:01 PM
(như một lời tự bạch về tập thơ “Thơ những mùa hương” [*],
Nxb. Thanh Niên, 3-2011)
 
Từ xưa đến nay, người đọc thường đồng nhất con người trong đời thực với cái tôi trữ tình trong thơ, đặc biệt là thơ về đề tài tình yêu đôi lứa. Ngay cả các nhà thẩm bình thơ ca lão luyện, tinh tế cũng trượt theo lối mòn của tư duy không đúng ấy, mặc dù họ nhận thức rất rõ lối mòn đó là không hẳn đúng, mà chỉ đúng phần nào, và nếu chỉ đúng phần nào thôi, là có nghĩa tỉ lệ phần sai quá lớn.
Thực chất, các nhà thơ làm thơ yêu đương (gọi theo danh từ quy ước là thơ tình) cũng huy động vốn sống về các mối tình chính bản thân họ trải nghiệm, có điều, họ luôn luôn tưởng tượng sáng tạo thêm, để mỗi bài thơ đều trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Quá trình huy động vốn sống trực tiếp, vốn sống đích thân ấy cũng có sự cộng hưởng của vốn sống gián tiếp từ vô vàn xuất xứ (bạn bè, người thân, sách vở, phim ảnh…) và sáng tạo của nhà thơ chân chính vẫn là hoàn toàn độc sáng, chứ không phải vay mượn, lặp lại của người khác, nguồn khác. Do đó, những bài thơ ấy thường là khác xa, vượt cao, có chiều sâu hơn sự thật trong đời sống thật, xét ở tình huống trữ tình, ở chủ thể trữ tình (cái tôi trữ tình) và cả ở đối tượng trữ tình (nàng thơ, nàng hương hay chàng thơ, chàng trượng phu – người tình của nam hay nữ thi sĩ)…
Nếu các nhà thơ tình chuyên nghiệp (nói theo cách nói hiện nay) vốn chỉ có một vài mối tình trong đời thực, nhưng lại viết hàng trăm, hàng ngàn bài thơ tình với nhiều tình huống thơ, nàng thơ (hay chàng thơ) khác nhau, và các tứ thơ đều không giống nhau, thì cũng không có gì là đáng ngạc nhiên, một khi công chúng thưởng ngoạn thấu hiểu được bản chất lao động sáng tạo thơ ca nói chung, và đặc biệt về lĩnh vực lao động sáng tạo thơ tình nói riêng.
Nói vắn tắt, thơ yêu đương cũng là một trong những lĩnh vực thuộc loại hình nghệ thuật hư cấu (fiction), mặc dù có thể có một tỉ lệ nào đó là xuất phát từ vốn sống thực của tác giả (chuyện tình có thật giữa tác giả nam [hay nữ] với cô gái [hay chàng trai] có thật nào đó).
Về phía người đọc, họ cũng không cần biết tác giả đã yêu ai để viết nên bài thơ này hay bài thơ kia. Vấn đề là bài thơ ấy có nói lên nỗi lòng yêu đương của họ hay không, có đúng như tình yêu đương của riêng họ không, có giúp cho trái tim yêu đương của họ thăng hoa (yêu sâu hơn, yêu đẹp hơn) hay không, có giúp họ khám phá ra thế giới tâm lí của những người yêu nhau ở mức độ tinh tế hơn hay không… Cũng như yêu hoa, ngắm hoa trên bàn viết, trong quán cà phê, nào ai cần biết hoa ấy được trồng ở đâu, bón tưới bằng gì. Dĩ nhiên, đó phải là hoa thật chứ không phải hoa giả! Và cũng nhờ đó, các nhà thơ tình cũng không mang mặc cảm lố bịch là đã phô bày tâm tình yêu đương riêng tư ra giữa đời.
Riêng tôi, người viết bài tự bạch này, xin gửi đến người đọc hai bài thơ thưa ngỏ, cũng theo tinh thần ấy:
THƠ NGỎ
run lên trước tiếng hát tuyệt vời
hoàng hôn yêu thương
thơ ca hồng hào hừng đông
rựng sáng
thoang thoảng hương
               cùng những hương
thơ ca bổi hổi rồi buồn
hương cành lan nâu ơi
em vẫn hương bảng lảng
hương mưa hương sen hương trăng
và đắng
hương lan mùa thu
hương tuyết, và suông!
và vời vợi hương ngôi nhà xóm vắng
và phảng phất thôi
               hương đào ánh sương
xưa sau trong tôi
trái tim đắm say cõi đời trĩu nặng
cũng thoang thoảng hương quả chín bâng quơ
mãi chưa phai mưa nhạt nắng
dâng đời, thơ hát tặng!
               sá gì niềm riêng ngu ngơ!
sao một tôi lẻ loi lẳng lặng
nhặt lại những mùa hương
               xa khuất tự bao giờ!
TXA.

THƯA NGỎ VỀ MÙA HƯƠNG THƠ CŨ
– Xin hỏi, ở tuổi mười bảy, sao lại có những nỗi niềm già dặn, bi trầm với cảm giác rã mục đến thế, trong chùm thơ này?
– Thưa, do cảm quan, năng lực suy tư vừa bẩm sinh, vừa được hình thành bởi hoàn cảnh, bởi nghị lực, Chế Lan Viên còn phát hiện và hấp thu được từ hiện thực sự già dặn, bi trầm và rã mục hơn thế nữa.

1
tuổi mười bảy, mộng tưởng thời xanh non
thơ tôi như con ốc mượn hồn đời,
                tôi làm thơ yêu đương cho người lớn
đâu chỉ là sóng gợn
biển biếc sao mai cũng dễ sớm bạc đầu!
bao câu chữ bụi thời gian vùi cũ
giấy trắng úa vàng, mực biếc nguyên màu!
chưa nửa cuối tuổi bốn mươi, ngoảnh lại
lốc xoáy niềm xưa – vực xoáy trời sâu
2
nhập thân với tấm lòng và chút tình đau
vỏ ốc như hộp đàn, riêng một giọng thơ, tôi khẽ hát
ý thơ và tứ thơ, loé sáng âm giai trên nhàm nhạt?
thơ tôi tưởng tượng bao nỗi tình si giữa đời
hồn rồi cũ trơ? cũng cũ trơ vỏ ốc?
tôi thay dăm chữ thơ tôi, tôi phóng thả biển trời
bản thảo cũ đôi khi mở đọc
vỏ ốc cũng y vậy thôi, hồn cũng nguyên vậy thôi
(đâu đến nỗi như dịch lại hồn Nguyễn Trãi
bằng chất trong veo ngôn từ Việt bây giờ
và dẫu chỉ thay những chữ chết rồi, Người sống lại
năm trăm năm, nguyên nỗi thật niềm mơ)
3
sắc đỏ trái tim xưa sau mới mãi
mùa hương thơ cũ ấy – con ốc mượn hồn đời –
                               tuổi hoài mười bảy
vẫn nỗi đời xoáy lốc không ngờ
dẫu bụi thời gian cuộn xoáy.
TXA.
Trần Xuân An
TP.HCM., 07-04 HB11 (2011)
[*] “Thơ những mùa hương” là tập thơ thứ 9 trong 11 tập thơ (kể cả một tập thơ tự tuyển theo đề tài về Mẹ) của Trần Xuân An (hội viên HNV.TP.HCM.), vừa do Nxb. Thanh Niên ấn hành vào cuối tháng 3, 2011. Tập thơ dày 96 trang (14, 5 x 20, 5 cm), gồm 40 bài thơ (phần lớn là thơ yêu đương) và 2 bài thơ thưa ngỏ. Ngoài ra, còn có phần phụ lục “Những kỉ niệm văn nghệ” gồm những bài viết của các nhà văn, nhà thơ về thơ Trần Xuân An, một bài phỏng vấn tác giả về tình hình thơ hiện nay; và phần phụ lục “Trân trọng ghi nhớ”, liệt kê các bài viết của các nhà văn, nhà báo về các tác phẩm thuộc thể loại văn xuôi, khảo cứu, phê bình của tác giả