Trang chủ » Tin văn và...

Chuẩn phải... chuẩn!

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 26 tháng 2 năm 2009 8:31 PM

                                           
Thời gian qua, dư luận xã hội bàn tán nhiều xung quanh việc Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Dự thảo Bộ chuẩn cho trẻ em 5 tuổi gồm 29 chuẩn với 125 chỉ số. Có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau xung quanh Dự thảo này. Đây là tín hiệu tốt của quá trình dân chủ nhưng rất cần một sự tỉnh táo trên tinh thần khoa học.
Với bất cứ một vật, một sự việc nào đó, khi muốn xác định nó người ta đều phải dùng một đại lượng để cân, đo, đong, đếm. Một ki lô gam gạo, một ki lô mét đường bộ, một lít nước mắm, một trăm cái áo… là những phép xác định đơn giản nhất. Tiến lên một bước, người ta xác định qua những tiêu chuẩn được định sẵn. Ví dụ một lít nước mắm của một thương hiệu nào đó được coi là đúng tiêu chuẩn thì phải có bao nhiêu phần trăm là nước, bao nhiêu là muối, bao nhiêu độ đạm, rồi màu sắc thế nào, thời hạn sử dụng ra sao… Cao hơn một chút nữa, một cuộc hội nghị hội thảo, một đề tài khoa học, thậm chí một tác phẩm văn học viễn tưởng cũng phải có những tiêu chí nhất định để thẩm định, phân loại, đánh giá. Đối với đồ vật, sự việc hay đối với một con người cụ thể cũng thế, cần có đại lượng để xác định. Khoa học là vậy.
Từ lý do đó, trong chiến lược phát triển của mình, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho từng cấp học, lớp học là điều bình thường và tất yếu. Đáng lẽ Bộ Giáo dục & Đào tạo phải làm điều này từ lâu, rất lâu rồi, không phải chờ đến hôm nay, khi có sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí của UNICEF. Không ít nhà giáo dục đã gọi  giáo dục nước nhà nhiều năm qua là “nền giáo dục mầy mò” vì nó chưa có một đại lượng để cân đo đong đếm. Khi mà không có đại lượng để cân đong đo đếm thì không thể xác định nó dài vuông tròn méo, nặng nhẹ thấp cao. Cũng chính vì thế mà đã không ít lần chúng ta phải trả giá khá đắt mà rõ nhất là chương trình và sách giáo khoa những năm gần đây. Khi dư luận kêu “nặng quá, nặng quá” thì những nhà xây dựng chương trình bỏ bớt ra. Khi dư luận kêu “nhẹ quá, nhẹ quá” thì họ lại… thêm vào. Nó giống như bà bán phở thấy khách hàng kêu “mặn quá, mặn quá” thì vội vã đổ vào đó một gáo nước. Kêu “nhạt quá, nhạt quá” thì tống vào một nắm muối. Hậu quả là người ăn mặn kêu nhạt người ăn nhạt kêu mặn loạn xị cả lên.
Có thể khẳng định việc ban hành “chuẩn” cho trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa qua là cần thiết và tất yếu. Nó chẳng vi phạm quyền của người lớn mà cũng chăng vi phạm quyền trẻ em. Đơn giản nó là cái đại lượng để xác định và cũng là để đề ra mục tiêu phấn đấu và đương nhiên, nó sẽ thay đổi cho phù hợp với từng thời điểm. Với sự phát triển về kinh tế cũng như khoa học hiện nay, “chuẩn” sau sẽ cao hơn “chuẩn” trước. Vấn đề đáng bàn ở đây là cái “chuẩn” của Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa đưa ra có đúng là “chuẩn” hay chưa? Có nên tiêu chuẩn hóa nó bằng nhiều tiêu chí cụ thể như hiện nay không ? Nó có phù hợp với trẻ em Việt Nam hiện nay chưa… là vấn đề cần phải mổ xẻ. Thậm chí, cần đến một tiêu chí cụ thể cho từng vùng có nền kinh tế, văn hóa, khoa học khác nhau. Nếu “đong” một trẻ em ở Hà Nội, TP HCM với một em ở Mù Cang Chải hay Đồng bằng Sông Cửu Long bằng cùng một cái đấu sẽ là bất công với cả hai. Mặt khác, dùng “cái đấu” quá to để cân đong đo đếm các em cũng là điều không nên. Ví dụ như yêu cầu: Thực hiện đến cùng công việc được giao, chấp nhận và cố gắng thực hiện công việc được giao, mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân... là những tiêu chí ngay cả người lớn cũng khó thực hiện được. Chuẩn phải đúng là chuẩn.