Trang chủ » Tin văn và...

Vụng chèo, không... khéo chống!

Phạm Khải
Chủ nhật ngày 1 tháng 3 năm 2009 8:10 PM
  
TNc: Ngày Thơ VN đã trôi đi 20 ngày nhưng ý kiến về việc chọn 50 câu thơ vẫn chưa dứt. Trannhuong.com đưa cả hai bài của Trần Quang Đạo và Phạm Khải để bạn đọc cùng suy ngẫm. Riêng tôi ngoài những người tuyển chon thì Ban tổ chức, BCH Hội cũng có trách nhiệm trong việc này.
 
          Có tới cả ngàn lẻ một lý do để người ta biện hộ cho những việc làm thiếu thuyết phục của mình, song những lý do mà ông Trần Quang Đạo đưa ra nhằm biện hộ cho việc chọn thơ để thả trong Ngày Thơ Việt Nam vừa qua thì quả là khó có thể khiến bạn đọc... chia sẻ được! Với việc chọn thơ “nhiều sai lạc và ít thuyết phục” (như một tít bài đăng trên báo Công an nhân dân Cuối tuần số ra ngày 15- 2-2009), thay vì bình tĩnh suy xét đúng sai, ông Đạo lại loanh quanh tìm cách đổ lỗi cho... khách quan. Hết đổ lỗi cho “khâu đánh máy của Ban tổ chức”, đổ lỗi cho “một vài nhà LLPB và nhà thơ được mời nhưng không nhận lời” (khiến ông và đồng nghiệp, vì “trách nhiệm hội viên” phải xắn tay vào... chọn thơ), ông Đạo còn đổ lỗi cho đề tài... khó, thậm chí, trước một rừng thi ca viết về Bác Hồ, ông Đạo còn hàm hồ cho rằng ông gặp “khó khăn” vì “câu thơ hay thì hơi ít” ...
 
          Đã có người dùng hình tượng “vụng chèo, không... khéo chống” để nhận xét về ông Trần Quang Đạo sau khi đọc bài trao đổi của ông đăng trên Báo Văn nghệ số ra ngày 28 tháng 2 vừa qua.
         
          Có một nguyên tắc cơ bản trong tranh luận, trao đổi học thuật, ấy là phải bám sát văn bản. Đọc bài viết của ông Trần Quang Đạo, điều tôi hết sức ngạc nhiên là mặc dù chữ kín đặc cả trang báo khổ lớn, song ông Đạo đã dành quá nhiều lời lẽ giải thích những việc rất xa với nội dung bài báo mà ông cần “trao đổi”. Ông cũng rất ít trích dẫn nguyên văn ý kiến của tôi. Cả bài viết tới trên 3.000 chữ, ông chỉ trích dẫn cả thảy 4 chỗ (có mở ngoặc, đóng ngoặc và in nghiêng, tất tật chưa đầy... 130 chữ). Mặc dù trích dẫn ít vậy, song điều đáng nói là tất cả các trích dẫn này đều không... chính xác bởi nó đã được ông.. cắt cúp, dán ghép. Ví như ở câu “khập khiễng ý tưởng..., thực chất lại không thơ một chút nào” mà ông Đạo dẫn ra, nếu đối chiếu với bài viết của tôi, bạn đọc sẽ không tìm thấy câu nào như thế cả. Vốn dĩ mấy chữ “khập khiễng về ý tưởng” (chứ không phải “khập khiễng ý tưởng”), và mấy chữ “thực chất lại không thơ một chút nào” là nằm ở hai câu khác nhau. Ông Đạo đã tùy tiện “nối” hai cụm chữ này lại, trong khi thực tế, chúng nằm cách xa nhau tới... vài ba chục chữ.
 
          ở một số trường hợp, thay vì trích nguyên văn ý kiến của tôi, ông Đạo đã dùng thủ pháp nói “tóm tắt”. Và, ngay trong trường hợp này, tất cả (tôi xin nhấn mạnh) những điều ông Đạo nói “tóm tắt” cũng đều không đúng.
 
          Chẳng hạn như khi ông hạ bút: “Theo tác giả bài báo câu thơ trên không có ý tưởng” thì trong bài viết của mình, tôi không nói câu thơ đó không có ý tưởng, mà nói “người ta chẳng thấy nó có gì đặc sắc về ý tưởng”.
 
          Hoặc khi Trần Quang Đạo viết “Riêng câu thơ của Nguyễn Du, Phạm Khải cho là chưa đắc địa, vì lấy ý của câu thơ Thôi Hộ”, thì thực tế tôi viết: “Thật là không “đắc địa” khi người tuyển chọn đã chọn của cụ Nguyễn hai câu này, bởi nó dễ dàng gợi cho người yêu thơ nhớ tới câu “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của thi sĩ Thôi Hộ (đời Đường - Trung Quốc) mà cụ Nguyễn đã mượn ý”. Rõ ràng, về ngữ nghĩa, hai câu khác nhau: Tôi nói việc chọn thơ không đắc địa chứ không nói câu thơ không đắc địa…
 
          Ngoài tất cả những “trích dẫn”, “tóm tắt”… không chuẩn nói trên, bài trao đổi của tác giả Trần Quang Đạo còn nhiều điểm… lạ: Khẳng định những điều mà tôi không hề phản đối (như việc ông cho rằng chọn 50 câu thơ hay để đọc rồi thả lên trời là một cách làm hay. Trong bài viết, tôi cũng nói rằng đây là “một tiết mục độc đáo”). Bên cạnh đó, lại nêu những ý kiến mà tôi không hề... thể hiện trên bài viết. Ví như khi Trần Quang Đạo viết “Câu thơ của Thu Bồn cũng bị ý nghĩ không trong sáng, với những liên tưởng bệnh hoạn đã bóp méo nó”. Phải chăng, Trần Quang Đạo đã nghe được những ý kiến phản hồi hai câu thơ của Thu Bồn ở bên bàn nhậu nào đó, của những ai đó, rồi tiện đây nêu ý kiến phản bác? Bản thân tôi cũng từng nghe những nhận xét có phần “gai gợn” về câu thơ này, song khi viết, vì lý do tế nhị, tôi không đề cập tới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi: Một khi người sáng tác còn để người đọc có thể dựa vào một đôi câu chữ để suy diễn, liên tưởng không hay thì cũng cần xem lại. Một số câu thơ, khi trao đổi đã được Trần Quang Đạo dẫn ra, riêng câu này thì không. Phải chăng nói thì nói vậy, ông vẫn thấy nó có gì lấn bấn, không yên tâm?
 
          Như ở đầu bài đã nói, với việc chọn thơ bị xem là “nhiều sai lạc và ít thuyết phục”, Trần Quang Đạo đã có những cách biện hộ rất loanh quanh. Ngoài việc ông cho rằng có những câu thơ bị in sai là “do sai từ bản thảo, khâu đánh máy của Ban Tổ chức”, ông còn cho rằng “khi tiếp xúc với văn bản thì một điều khó khăn xảy ra là bài hay viết về Bác Hồ và về Đường Trường Sơn thì nhiều, nhưng câu thơ hay thì hơi ít”. Có thể nói, đây là một ý kiến rất thiếu sức thuyết phục, nếu không muốn nói là... ẩu tả. Vả chăng, bản thân Trần Quang Đạo cũng đã mâu thuẫn với chính mình khi chỉ cách đó mấy dòng, ông nói có những chuyên gia viết về Bác Hồ ông có thể trích được nhiều câu, nhưng “còn để dành cho các nhà thơ khác”. Chưa hết, cách đó một quãng, với trường hợp hai câu thơ của nhà thơ Liên Nam, ông viết “Khi chọn câu thơ này, trước tiên, chúng tôi chọn nhà thơ, bởi nhà thơ Liên Nam sống và chiến đấu ở Liên khu 5”. Chao ôi, đã gọi là chọn thơ hay, mà lại chọn... người trước tiên, thì làm gì mà thơ hay... chẳng hiếm! Trần Quang Đạo còn bộc bạch: “chúng tôi ưu tiên những câu thơ của các nhà thơ trằn mình trong cuộc chiến...”. Thật là một cách chọn thơ vô lối. Với những thành tích đóng góp cho kháng chiến, các tác giả nói trên đã và sẽ xứng đáng được tặng thưởng các Huân, Huy chương của Nhà nước, còn việc chọn thơ hay, sao lại lấy yếu tố này để “ưu tiên” cho họ. Nói vậy là vừa xúc phạm họ, vừa xúc phạm thơ, xúc phạm bạn đọc.
 
          Với trường hợp 2 câu thơ của Nguyễn Du, mặc dù tán thành ý kiến của người viết bài này là nó trùng với ý thơ Thôi Hộ, song ông Trần Quang Đạo lại biện hộ rằng “Truyện Kiều” mượn cốt truyện của Trung Quốc, nhiều câu mang tính điển tích, điển cố, mượn ý thơ của Trung Quốc, dân gian…” với hàm ý đó là lý do khiến nhóm của ông rất… khó chọn. Xin để các nhà nghiên cứu “Truyện Kiều” lên tiếng về vấn đề này, xem di sản của Nguyễn Du có “nghèo” đến vậy không?
 
            Nếu như ở bài viết đăng trên báo Công an nhân dân Cuối tuần số ra ngày 15- 2, tôi nhấn mạnh nhiều tới việc trích dẫn cẩu thả, nhiều sai lạc của nhóm tuyển chọn thơ trong Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng như ở một đôi năm trước, thì ở bài viết trao đổi lại của tác giả Trần Quang Đạo, chúng tôi nhận thấy việc trích dẫn sai dường như vẫn là “căn bệnh” của ông. Không chỉ sai trong việc trích dẫn lời của người ông cần trao đổi (cụ thể ở đây là tôi), mà ngay trong việc trích dẫn một câu thơ của Nguyễn Đức Mậu mà ông từng có lúc nhầm là của Vương Trọng, nếu như ở số Báo Văn nghệ ra ngày 7 - 2, ông đưa in là “Anh sẽ về cho đá lại là em” (nguyên văn câu thơ của Nguyễn Đức Mậu cũng là như vậy), thì ở số báo Văn nghệ ra ngày 28- 2 này, cả hai lần ông trích dẫn đều là “Anh lại về cho đá lại là em” (lặp đi lặp lại chữ... lại). Câu thơ của Tố Hữu viết về Bác Hồ “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” cũng được Trần Quang Đạo dẫn ra là “Trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”. Một câu thơ 8 chữ mà sai tới 2 chữ - thiết nghĩ cứ cái đà trích dẫn sai này thì việc tranh biện hay hay dở phỏng có ý nghĩa gì?
 
          Thú thật, sau khi Báo Văn nghệ cho in 50 câu thơ hay được chọn để thả trên sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VII, tôi rất buồn và bứt rứt, cảm thấy nếu không lên tiếng thể hiện chính kiến của mình thì có lỗi với những người yêu thơ. Sau khi Báo Công an nhân dân Cuối tuần đăng bài viết của tôi, ngay lập tức, một số tờ báo mạng và nhiều trang web của các nhà văn nhà thơ đã tải bài viết này. Từ đó, tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến hoan nghênh, tán đồng của bạn viết gần xa. Bởi vậy, khi đọc bài phản hồi của nhà thơ Trần Quang Đạo, tôi lại thêm một lần cảm thấy ... buồn. Bài viết của tôi bên cạnh việc phân tích 5 câu thơ (chứ không phải là tất cả 50 câu) mà tôi cho là “chưa hay” thì phần còn lại là để cải chính những gì người ta trích sai. Bản thân tác giả Trần Quang Đạo cũng ít nhiều ghi nhận điều đó và trong bài viết, ông cũng đã lên tiếng “xin lỗi tác giả và những người yêu thơ về việc đáng tiếc đó” (tức việc trích sai thơ - PK). Song xin lỗi thì xin lỗi vậy, ông không hề có một lời cảm ơn người đã chỉ ra lỗi ấy để ông có cơ hội biết mà xin lỗi các tác giả và bạn đọc. Không những thế, toát lên toàn bộ tinh thần bài viết của ông là một sự... oán trách. Đọc cái tít bài của ông Đạo “Thả thơ lên trời, tình người... xa xót” đã có người đặt câu hỏi: Người thấy “xa xót” ở đây phải là các bạn yêu thơ, các nhà thơ, chứ có đâu là ông Trần Quang Đạo?
 
          Trong phần kết bài viết của mình, ông Trần Quang Đạo có trích ý kiến của một nhà thơ rằng: “Để thơ tự nói lên tất cả, chứ không thể nói câu thơ này dở, câu thơ kia hay...”. Được biết ông Trần Quang Đạo đang làm luận án Tiến sĩ về văn học (trong đó chắc chắn phải có “phê” và “bình”, “khen” và “chê”). Vậy xin được miễn... bình luận về ý kiến này và cũng xin khép lại cuộc trao đổi với ông ở đây.
 Nguồn: Báo Công an nhân dân Cuối tuần