Trang chủ » Tin văn và...

Thông điệp đoàn kết và yêu nước

Nguyễn Khắc Phục
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:13 PM

Đúng vào đợt kỷ niệm 30 cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một vở cải lương mang tên Lễ mở Xiêm áo đang được công diễn với hai câu đối cực lớn ngay trên mặt tiền của Nhà hát, đập vào mắt khán giả và người qua đường:

Đại Việt Hòa Hiếu Thượng võ ngàn năm không chịu khuất
Thăng Long Hùng khí Tôn văn vạn kiếp chẳng hề phai”
 
Nội dung vở cải lương đề cập tới quan hệ Trung Hoa - Đại Việt, chủ đề tưởng như xa xưa nhưng không hề lỗi thời.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản của vở diễn, nói với BBC rằng thời điểm ra mắt vở cải lương chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng ý nghĩa.

Nghe phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Phục
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Lễ mở Xiêm áo không phải là một vở cải lương bình thường, vì ở đó các nghệ sỹ không chỉ bày tỏ khát vọng nghệ thuật của mình, mà còn bày tỏ cảm hứng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của công dân.
Vở diễn cũng hướng tới làm sao để cả dân tộc cùng đồng cam cộng khổ đứng bên nhau trong những giây phút khó khăn nhất.
Đây là thông điệp của một dân tộc tôn trọng các giá trị văn hóa và hòa bình, nhưng không cho phép ai lăng nhục mình.
BBC: Thưa ông đã khai thác một đề tài khá quen thuộc với người Việt Nam, là mối quan hệ Việt Nam - Trung Hoa. Liệu có sự khác biệt, chênh lệch nào trong quan hệ này giữa ngày hôm nay và trong quá khứ hay không?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Không, nó chỉ có khác ở tình thế cụ thể, ở tương quan lực lượng, bối cảnh bên ngoài.
Về bản chất, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không thay đổi.
Một đất nước có nền văn hóa lâu đời và rực rỡ như Trung Quốc thì đất nước ấy sẽ lan tỏa các giá trị văn hóa của mình sang cho các dân tộc khác. Đó là sự lan tỏa tích cực, đẩy thế giới tiến tới chủ nghĩa nhân đạo và sự đại đồng mà chính các triết gia lớn nhất của Trung Hoa đã từng mong muốn.
Thế nhưng, có những người lại không coi những giá trị nhân đạo của văn hóa Trung Hoa ấy là quan trọng, mà coi rằng việc bành trướng lãnh thổ và triển khai các tham vọng bất chính của mình mới là quan trọng.
Thế giới do vậy luôn phải đứng bên cạnh vực thẳm do các tham vọng bất chính, vô văn hóa này gây nên.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xưa nay vẫn thế, tức là hai dân tộc đều mong muốn hòa bình, sống với nhau bằng các giá trị văn hóa, chứ không phải vì các tham vọng, hay tương quan mạnh yếu.
BBC: Thưa ông vừa nói tới các tham vọng bành trướng. Trong quá khứ, không ít lần nhà nước phong kiến Trung Hoa đã muốn thôn tính Việt Nam và Việt Nam cũng có những đối sách phù hợp để đương đầu. Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam có thể học được gì từ quá khứ?
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Tôi là người dân bình thường nên không thể biết để nói về các chiến lược chiến thuật của nhà nước.
Nhưng tôi biết một điều rằng hàng ngàn năm nay Việt Nam có thể đứng vững được là nhờ khối đoàn kết dân tộc, hay còn gọi là thế trận Diên Hồng.
Mặt khác, người Việt Nam cũng hiểu rằng cái có sức mạnh quyết định thắng lợi là chính nghĩa và chủ nghĩa nhân đạo chứ không phải các tham vọng, nên luôn hướng tới các giá trị cao cả này.
 Nguồn BBC