Trang chủ » Tin văn và...

THẢ THƠ LÊN TRỜI, TÌNH NGƯỜI ... XA XÓT

Trần Quang Đạo
Chủ nhật ngày 1 tháng 3 năm 2009 7:37 PM
 

(Nhân đọc bài Chọn thơ sai để ... thả
 trong ngày thơ Việt Nam)
 
         Chúng tôi đọc được bài viết của Phạm Khải trên Website Công an nhân dân với tiêu đề: Chọn thơ sai để thả... trong ngày thơ Việt Nam. Bài báo của Phạm Khải, với tiêu đề chỉ đưa ra một nội dung, nhưng trong bài viết có đến ba ý: a/ chọn thơ sai; b/ thơ được chọn dở; c/ kiến nghị nên có cách chọn khác trong các ngày thơ tiếp theo.
 
Là những người được Ban tổ chức Hội thơ năm nay mời chọn 50 câu thơ hay để đọc rồi thả lên trời, chúng tôi định không trả lời bằng bài báo này, vì nó không đáng, song để cho đọc giả hiểu rõ và sòng phẳng hơn, chúng tôi bàn bạc và xin được nói rõ những điều sau về vấn đề bài báo Phạm Khải đã nêu.
 
Thứ nhất, chúng tôi và nhiều Hội viên Hội nhà văn, cũng như công chúng đều thừa nhận rằng, việc chọn 50 câu thơ hay để đọc rồi thả lên trời là một cách làm hay và ấn tượng, không những để tôn vinh thơ, mà còn làm cho ngày Hội thơ thêm hứng thú, đẹp mắt và thăng hoa. Năm nay là lần thứ VII, 50 câu thơ đã được thả lên trời, như vậy, qua VII lần Hội thơ diễn ra, đã có 350 câu thơ hay được tôn vinh và thả lên trời. Đó là một con số có ý nghĩa!
 
Năm nay, theo sáng kiến của Ban tổ chức, ngày thơ có đổi mới về nội dung là tổ chức có chủ đề: Kỉ niệm 40 năm Bác Hồ đã đi xa; 50 năm Đường Trường Sơn; Hướng tới 1000 năm Thăng Long. Vì vậy, có đến 20 bài thơ về Trường Sơn được in trang trọng trên poster dựng ở Văn Miếu, những bài hát, bài thơ viết về Bác Hồ, về Trường Sơn được trình bày trong Hội thơ, những câu thơ hay về Bác Hồ, về Trường Sơn được chọn để thả thơ gây được xúc động mạnh trong lòng người đến dự là một thành công mà ai cũng ghi nhận. Xuất phát từ cách làm mới Hội thơ năm nay, chắc chắn trong những năm sau, Hội thơ sẽ có đà khởi sắc!
 
Chính từ cách tổ chức có thay đổi như năm nay, nên việc chọn 50 câu thơ để thả lên trời cũng phải theo chủ đề đó. Vì vậy, chúng tôi đã bất ngờ và khá vất vả để chọn thơ. Trước hết là khâu tìm tư liệu. Thơ viết về Bác Hồ và về Đường Trường Sơn nằm rải rác trong nhiều tập thơ, những ngày sát Tết với bao lo toan bề bộn chúng tôi đã phải lục chọn và bê về hàng chồng sách để đọc, rồi cân nhắc chọn ra, quả thật vừa tốn thời gian, vừa tất bật. Không những thế, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ những ngày đó có người anh ruột bị nhồi máu cơ tim, phải thường xuyên vào viện chăm sóc, nên cuống cuồng cả lên. Rồi tất cả cũng được thực hiện, 50 câu thơ năm nay cũng được thả lên trời.
 
Thứ hai, việc được Ban tổ chức chỉ định chọn thơ là một vinh dự và trách nhiệm, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm. Tôi nhớ, năm ngoái, PGS. TS NĐĐ đã từ chối, năm nay nhà thơ ĐHG cũng không nhận lời... Những người như chúng tôi, một phần do yêu thơ, một phần do trách nhiệm của Hội viên, một phần do... cả nể, nên nhận lời chọn 50 câu thơ năm nay. Theo chúng tôi được biết, những lần chọn 50 câu thơ trước đây, có nhiều nhà thơ, nhà phê bình cũng hết sức ấm ức khi bị một vài người tỏ ý chê bai. Và để yên thân, họ từ chối không nhận lời chọn thơ các năm sau khi được Ban tổ chức yêu cầu. Bởi vì, việc chọn thơ này khó hơn làm dâu trăm họ. Nguyên do, ngay cả cách hiểu và tiêu chí thế nào là câu thơ hay, nếu đưa ra trong giới hạn Hội viên thơ Hội nhà văn Việt Nam đã khó có sự đồng nhất. Do đó, hầu như không năm nào không có những lời ì xèo về việc chọn 50 câu thơ hay, mang nhiều động cơ khác nhau.
 
Thứ ba, chúng tôi trao đổi trực tiếp với Phạm Khải về bài viết trên với hai nội dung chính là chọn thơ sai và thơ dở để thả lên trời mà nhà thơ trẻ này đã đưa ra.
 
Phạm Khải là một người làm thơ và thỉnh thoảng có giới thiệu sách, bình thơ. Tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du, đi làm báo được một số năm, nên khi đọc bài viết của tác giả này đăng trên báo, chúng tôi coi đây là một bài báo được viết với mục đích trong sáng, mang tính chất xây dựng. Quả thật, có 1 câu thơ chúng tôi chọn, và khi thả lên trời bị sai, chứ không phải 5 câu như Phạm Khải đưa ra. Chúng tôi sẽ chỉ rõ ở phần sau. Dù vậy, khi những câu thơ được thả lên trời sai ở khâu nào đi chăng nữa, thì chúng tôi - những người đứng ở đầu sóng ngọn gió cũng thành thật xin lỗi tác giả và những người yêu thơ về sự việc đáng tiếc đó.
 
Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin được nói lại cho rõ là có câu thơ sai không phải do lỗi của những người tuyển chọn. Đó là câu thơ của TúXương:
                                               Nào ai là kẻ tìm ta đó

Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà. 
Đây là câu tôi chọn từ tập thơ của Tú Xương. Nhưng không hiểu sao khi in ra trên báo Văn Nghệ, chữ ta lại là chữ ai. Tôi không biết sai ở khâu biên tập lại của Ban tổ chức, hay lỗi mo - rát (bởi vì sau chúng tôi chọn còn phải qua một đôi khâu nữa, thơ mới được duyệt thả lên trời).
Câu:
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình
 
của Lưu Quang Vũ do em ruột nhà thơ chọn. Đây là câu thơ được đưa ra đúng bản gốc chép tay của nhà thơ; và nhân Hội thơ này, câu thơ được đưa ra theo đúng ý nguyện của tác giả và của gia đình. Bản gốc dùng chữ xót xa tình hay hơn chữ ân tình đã in trước đây. Do vậy, câu thơ này Phạm Khải cho là sai, chúng tôi cho là ngược lại!
Câu thơ của Hoàng Trần Cương:
Chiều đắng lặng nghe tiếng cười cuối bãi
                       Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà.
 
Câu thơ này khi Lưu Khánh Thơ chọn, tôi đã gọi điện cho nhà thơ, và được ông nói bằng giọng Nghệ An xoáy và sắc vào tai tôi: Đắng lặng chứ không phải đứng lặng, nghe rõ chưa! Vì đứng lặng vừa không hay hơn, vừa không phải là của Hoàng Trần Cương. Quả đúng như vậy! Đắng lặng là một sáng tạo, nó giống cách Phạm Tiến Duật dùng chữ đắng trong Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng, nhưng nghĩa ở hai câu thơ của hai nhà thơ tài danh này dùng không cùng nghĩa với nhau. Còn chữ tiếng cười trong câu thơ trên theo Phạm Khải là sai, thì chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Song trong bản gốc chúng tôi chọn là chữ người, nhưng không hiểu sao khi in ra trên báo lại thành... cười. Như vậy, ở đây không phải lỗi của nhóm tuyển chọn.
 
Câu Anh lại về cho đá lại là em khi Lưu Khánh Thơ chọn, tôi thấy ngờ ngợ. Nhưng tôi đã đọc bài thơ Về thôi, nàng Vọng Phu của Vương Trọng, nên nghĩ chắc đó là câu thơ của nhà thơ xứ Nghệ này. Một hôm Vương Trọng đến chỗ tôi chơi cờ, tôi liền nói: Năm nay chúng em chọn câu thơ Anh lại về cho đá lại là em của anh để thả ở ngày Hội thơ ở Văn Miếu. Nhà thơ Vương Trọng bảo ngay: Đó không phải là thơ mình. Nó của Nguyễn Đức Mậu hay Phạm Ngọc Cảnh.... Tôi liền gọi điện cho nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và được ông xác nhận đó là thơ của mình. Sau đó chúng tôi xin lỗi ông và sửa chữa để in trên vải hồng để đọc và thả lên trời đều mang tên Nguyễn Đức Mậu. Chắc Phạm Khải vắng mặt ở ngày Hội thơ nên không đọc và không nghe tên Nguyễn Đức Mậu được đọc trang trọng hôm đó.
 
Như vậy, trong 5 câu thơ Phạm Khải cho là chọn sai, thì thực chất nhóm tuyển chọn chỉ chọn sai 1 câu của Hàn Mạc Tử, do tâm trí của người đi chăm nuôi người ốm nặng trích theo trí nhớ. Còn câu của Nguyễn Đức Mậu trích không sai, chỉ nhầm tên tác giả, chúng tôi đã kịp thời xin lỗi và sửa lại trong ngày Hội thơ. Những sai sót khác, nằm ngoài sự chủ quan của chúng tôi.

Bây giờ chúng tôi bàn với Phạm Khải, khi tác giả này đã chê những câu thơ chúng tôi chọn là dở, với chữ được dùng là non, lép.

       Trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng tôi nói rõ quan điểm tuyển chọn và nội dung tuyển chọn của mình để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn. Về quan điểm tuyển chọn, đương nhiên là chọn những câu thơ hay với 4 tiêu chí cụ thể: hay về ý tưởng, tư tưởng; hay về câu chữ, hình ảnh; hay về cái tình trong những câu thơ; hay về sự mới lạ. Có câu thơ hay chỉ đạt được một, hoặc hai tiêu chí đó thôi, còn câu thơ hay đạt cả bốn tiêu chí trên, theo chúng tôi là không nhiều. Bởi vì, đạt được cả bốn tiêu chí, thì câu thơ đó là câu thơ của muôn đời! Về nội dung tuyển chọn, năm nay chọn thơ theo ba chủ đề nên nó khá cụ thể. Phần thứ ba là những câu thơ hay nói chung thì không cần phải bàn gì nhiều, song phần chọn những câu thơ hay viết về Bác Hồ và về Đường Trường Sơn thì quả là một vấn đề không dễ giải quyết. Bởi vì, phải chọn làm sao để những câu thơ đó là những câu thơ hay, nhưng còn, và hết sức quan trọng là phải chọn làm sao để thơ phải toát lên được đầy đủ phẩm chất của cao đẹp của Bác và tình cảm của các nhà thơ khắp cả nước, đặc biệt là các nhà thơ sống ở Miền Nam, nơi Bác hằng mong ước được vào thăm khi Người còn sống. Rồi còn phải có thơ của các cháu viết về Bác, tình cảm của Bác đối với thiếu nhi... Đối với thơ viết về Đường Trường Sơn cũng tương tự như vậy, nghĩa là chúng tôi ưu tiên những câu thơ của các nhà thơ trằn mình trong cuộc chiến, đã sống chết trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Quan điểm và nội dung tuyển chọn của chúng tôi vừa một phần lĩnh hội từ Ban tổ chức, một phần chúng tôi tự định hướng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với văn bản thì một điều khó khăn xảy ra là bài hay viết vế Bác Hồ và về Đường Trường Sơn thì nhiều, nhưng câu thơ hay thì hơi ít. Có những câu thơ trong bài viết về Bác Hồ rất hay, nhưng nếu chọn ra để đọc mà không có chữ BÁC thì người nghe sẽ không biết là câu đó viết về ai, nên chúng tôi gác lại không chọn. Những câu thơ viết về Đường Trường Sơn cũng vậy. Do đó, chúng tôi phải lật đi lật lại, cân nhắc rồi thống nhất tuyển chọn. Thành thử, khi nghe đọc trong Hội thơ, nếu những người yêu thơ bình thường không biết ý đồ của chúng tôi thì không sao, song những người già đời với thơ, với sự tuyển chọn mà không biết điều này thì thật đáng buồn! Và cũng xin nói thêm là có những chuyên gia viết về Bác Hồ hay như Tố Hữu, Việt Phương, Hải Như... chúng tôi cũng không thể  trích nhiều câu, vì còn để dành cho các nhà thơ khác. Hay bài thơ Đêm nay Bác không ngủ hay là thế, mà tìm một câu để trích quá khó...
 
Từ quan điểm đó, soi rọi vào những câu thơ mà Phạm Khải cho là dở, non, lép, chúng tôi thấy, những nhà thơ có thơ được chọn bị xúc phạm. Cụ thể, câu thơ của nhà thơ Liên Nam:

Con mang cả trái tim người
Đi vào trận đánh sáng ngời lòng tin,

Phạm Khải cho rằng nó sơ lược, mòn sáo..., ở thời điểm hiện nay khó mà được đăng, huống hồ lại còn được xếp vào hạng... thơ hay. Và khập khiểng ý tưởng..., thực chất lại không thơ một chút nào. Chúng tôi chọn câu thơ này vì không nghĩ như Phạm Khải. Đây là một câu thơ hay ở cái tình. Khi chọn câu thơ này, trước tiên, chúng tôi chọn nhà thơ, bởi nhà thơ Liên Nam sống và chiến đấu ở Liên khu 5. Cái tình trong thơ của Liên Nam là cái tình đại diện cho những người chiến sĩ, đồng bào ở đó đối với Bác Hồ; đặc biệt nó được xuất phát trước trận đánh để giải phóng Miền Nam, sớm được rước Bác vào thăm. Khi nhà thơ và những con người ở Liên khu 5 mang trái tim Người bước vào trận đánh thì ở họ có niềm tin của thắng lợi, là một điều hết sức dễ hiểu, bởi trái tim Bác Hồ là trái tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ, trái tim mang dòng máu cộng sản, trái tim không chỉ đơn thuần thuộc phạm vi  tình cảm như Phạm Khải nói, mà Liên Nam, và đồng bào Miền Trung thấy được trong trái tim của Bác có cả ý chí, tinh thần của Bác! Vì thế, cách thể hiện câu thơ của Liên Nam mang một phong vị  dân gian, với lời lẽ giản dị, gần gũi mà đồng bào đồng chí thường sử dụng. Phạm Khải không nên dùng con dao mổ để chặt thịt động vật quí hiếm!
 
Đối với câu thơ của nhà thơ Lê Huy Quang: Em, tóc hay cỏ mà thơm/ Bay rối bời giữa gió, Phạm Khải cho là trúc trắc về vần điệu..., chẳng thấy nó có gì đặc sắc về ý tưởng, ... liên tưởng không có gì mới, và cũng không hay... Người ta có thể tìm thấy những câu tương tự trong các bài... bút ký, các truyện ngắn, tiểu thuyết được in ra nhiều năm trước. Điều ấy nói lên rằng, câu thơ chẳng những không đem tới cho độc giả một ý gì mới, mà về cách diễn đạt, nó lại như một câu văn xuôi...
 
Trước khi trao đổi với Phạm Khải, chúng tôi xin nói rõ thêm, câu thơ trên là một trong những câu thơ mà chúng tôi đã đề nghị nhà thơ tự ứng cử để chúng tôi chọn. Đọc khoảng 5 câu của nhà thơ tự ứng cử, chúng tôi chọn câu này, và ông rất khoái, vì biết chúng tôi đã cảm được câu thơ yêu thích của ông. Thế mà Phạm Khải đã chê câu thơ này ở ba khía cạnh: a/ vần điệu trúc trắc, b/ không có ý tưởng, liên tưởng cũ; c/ không phải là thơ (giống câu văn xuôi). Đọc những câu chê bai của Phạm Khải về câu thơ trên của Lê Huy Quang, chúng tôi thấy tác giả này có cách đọc thơ, thẩm thơ rất cũ. Sao lại gọi cách nhà thơ thể hiện câu thơ là diễn đạt được? Chính từ quan niệm và cách gọi như vậy mà không ít người làm thơ đã dễ dãi hóa khi làm những câu thơ của mình như học sinh trung học cơ sở làm bài văn ở lớp, vì thế nó nhạt, cũ. Những người làm thơ có đầu óc sáng tạo không làm như vậy, họ luôn thể hiện câu thơ của mình bằng những hình thức tu từ độc đáo, bằng cách xây dựng hình ảnh, nhịp điệu trong việc chọn từ ngữ để làm cho nó mới mẻ, sống động, tạo được ấn tượng mạnh nơi tâm hồn người đọc. Đối với câu thơ trên, nhà thơ Lê Huy Quang đã làm như vậy. Chúng tôi đi cụ thể vào từng ý chê của Phạm Khải để phân tích. 
 
Thứ nhất, Phạm Khải cho câu thơ đó trúc trắc, theo chúng tôi thì chính sự trúc trắc đó làm nên cái hay của câu thơ. Đó là sự phát hiện bất ngờ của nhà thơ về một người đẹp có mái tóc ấn tượng. Vì vậy ông thốt lên: Em/ tóc hay cỏ/ mà thơm? Sự thảng thốt này xuất phát từ vẻ đẹp hình thức: tươi trẻ và tự nhiên (cỏ), và nội dung: thơm. Chính vì vậy mà nó làm đảo lộn cả không gian: bay rối bời/ giữa gió; đảo lộn tâm tư, cảm thức của thi nhân: tâm trạng cũng rối bời như cơn gió kia... Vì vậy sự trúc trắc ở đây là một sự trúc trắc có dụng ý nghệ thuật, vừa hợp với tự nhiên, vừa hợp với tâm trạng nhà thơ. Nếu hai câu thơ này nếu làm theo cách Phạm Khải để không còn trúc trắc thì nó sẽ nằm trong sọt rác tâm hồn của người đọc!
 
Thứ hai, theo Phạm Khải, câu thơ trên không có ý tưởng, liên tưởng cũ, bởi vì ví tóc như cỏ, mà dân gian vốn đã đặt tên cho một loài cỏ là cỏ tóc tiên. Phạm Khải đã nhầm, dân gian không gọi một loài cỏ nào là cỏ tóc tiên cả. Chỉ có cây tóc tiên thôi. Theo Đại từ điển Tiếng Việt Nxb Văn hóa Thông tin, H. 1998, thì tóc tiên là cây mọc chỗ ẩm ướt trong rừng, sống dai nhờ một thân dễ đâm chồi, rễ phụ dạng sợi, lá mọc từ rễ, hoa màu hồng tím, xếp 3 - 5 cái thành xim nhỏ, nước lá sắc uống mát bổ phổi, dịu ho, và dùng chữa sốt, lị (trang 1.658). Sở dĩ người ta gọi nó là cây tóc tiên là do những chùm rễ phụ buông xuống như tóc. Vì thế, khi Lê Huy Quang ví cỏ như tóc, tôi rất thích; thích vì chưa ai viết như thế! Thế thì ví tóc như cỏ đích thị là mới và hay, là một sự liên tưởng thú vị tạo nên sự gần gũi, thân thương do mái tóc của người con gái tác động đến nhà thơ và trong lòng nhà thơ toát lên sự thiện cảm trước vẻ đẹp đó. Đây là một ý tưởng khá mới mẽ mà Lê Huy Quang đem lại, tại sao Phạm Khải vô tình không động não, động tâm để bôi bẩn lên nó?
 
Thứ ba, hai câu trên Phạm Khải cho là không phải thơ, mà nó là văn xuôi. Theo chúng tôi, nó hội đủ tất cả các yếu tố của một câu thơ. Về hình ảnh: tóc - cỏ, rối bời tạo ấn tượng mạnh. Về nhịp điệu: mới, hiện đại, không theo nhịp thông thường của thơ truyền thống chẵn trước lẽ sau, phù hợp với nhịp tâm hồn của nhà thơ khi bất chợt cảm thức được mái tóc mang sự sống của một người con gái: 1/ 3/ 2; 3/ 2. Vì vậy, nhạc điệu của câu thơ này là nhạc điệu của nhịp tâm hồn, chứ không phải nhạc điệu do vần tạo nên, nên nó không ồn ào, hời hợt trước một đối tượng là người đẹp như đám người nhạt nhẽo hay tụng ca bằng tiếng kêu của chiếc đàn hỏng đã vá lại không đúng cách! Về ngôn ngữ, nhà thơ sử dụng những ngôn ngữ dễ hiểu, không đánh đố độc giả. Còn về tu từ thì khỏi phải nói, Lê Huy Quang đã đồng thời sử dụng cả thủ pháp so sánh và nghi vấn với một thái độ rất trân trọng người phụ nữ. Cái cao tay của nhà thơ ở đây là đảo ngữ, đưa chủ thể là Em lên đầu câu, sau đó ngắt nhịp để tạo độ ngân tâm hồn trong sự thưởng thức, chiêm ngưỡng cao vọng. Chính đó cũng là cái tình trong câu thơ này!

Tóm lại, với những gì chúng tôi đã phân tích, độc giả có thể thấy được sự hời hợt của Phạm Khải trong cách cảm nhận câu thơ Lê Huy Quang.
 
Còn ba câu thơ nữa Phạm Khải cho là chưa hay, diễn đạt trúc trắc; vụng; chọn chưa đắc địa, tôi cũng xin được không phân tích thêm vì chỉ cần phân tích hai câu như thế là đủ. Chúng tôi chỉ xin nói thêm rằng, câu thơ của Trần Nhật Thu phát hiện ra những cô thanh niên xung phong làm cọc tiêu cho xe lên được viết đầu năm 1971, nghĩa là những người làm thơ và viết báo sau này đều cóppy ý thơ của Trần Nhật Thu - một người đã sống, chiến đấu trên Đường Trường Sơn năm xưa. Và bài thơ có hai câu đó đã được in trên cây thơ, đặt trang trọng trong Hội thơ năm nay. Câu thơ của Thu Bồn cũng bị ý nghĩ không trong sáng, với những liên tưởng bệnh hoạn đã bóp méo nó. Người đọc thơ, trước hết phải để cho cái tâm trong sáng, tró tuệ tỉnh táo, tư thế đàng hoàng mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp chân chính mà câu thơ, bài thơ mang lại; chứ đọc thơ theo kiểu hình sự thì e rằng nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Riêng câu thơ của Nguyễn Du, Phạm Khải cho là chưa đắc địa, vì lấy ý của câu thơ Thôi Hộ. Đúng vậy, nhưng thử nghĩ lại coi, Truyện Kiều mượn cốt truyện của Trung Quốc, nhiều câu mang tính điển tích, điển cố, mượn ý thơ của Trung Quốc, dân gian, nhưng tất cả đều là Nguyễn Du. Nguyễn Du đã làm mới, đã Việt hóa rất gần gũi với người Việt... Riêng tôi, tôi rất thích câu thơ đó!
 
Nhân đây cũng xin được nói ngoài lề một chút. Số là khi tôi đang viết dỡ bài báo này thì nhà thơ Hoàng Hưng và nhà thơ Nguyễn Đỗ (từ Mỹ về) đến chơi. Hoàng Hưng nói: Để thơ tự nói lên tất cả, chứ không thể nói câu thơ này dở, câu thơ kia hay và ép người nọ theo sở thích của mình. Nguyễn Đỗ lại nói: Ở bên Mỹ, người chọn thơ là quan trọng nhất. Người đọc thơ phải nắm được tiêu chí, mục đích của người tuyển chọn mới hiểu được ý đồ của họ... Trong một cuộc khác, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: Thơ tôi câu nào cũng hay, chọn trích câu nào cũng được. Vì nó là thơ của Nguyễn Trọng Tạo, nó được chọn thả, đều hay cả. Còn Mai Linh thì nói: Năm ngoái chọn thơ hay hơn, vì tôi có câu thơ được chọn!. Tôi biết có người phát biểu nghiêm túc, có người nói vui, song đều toát lên một ý là: Chọn thơ hay là việc khó hơn làm dâu trăm họ. 
 
Là những người chọn 50 câu thơ hay để thả trong Hội thơ năm nay, nhân đọc bài viết của Phạm Khải chúng tôi có vài điều trao đổi lại như vậy. Và chúng tôi có thể nói rằng: Chúng tôi biết câu thơ nào là câu thơ hay, chứ không trông cuốc hóa gà. Nhưng việc chọn thơ theo chủ đề thì người đọc cần phải đọc theo tiêu chí của người tuyển chọn, mới tìm được tiếng nói chung!
 
    Nhân đây chúng tôi cũng xin đề xuất việc chọn 50 câu thơ cho ngày Hội thơ sang năm như sau để tránh được sự xì xèo không đáng có: 1. Các nhà thơ tự chọn câu thơ hay của mình gửi cho Ban tổ chức, 2. Độc giả, các nhà văn, nhà thơ... đề cử những câu thơ hay tự cổ chí kim gửi Ban tổ chức. 3. Sau đó Ban tổ chức thành lập Ban tuyển chọn, chọn trong số những câu thơ hay 50 câu thơ để thả lên trời, còn những câu thơ còn lại thì in vào các cây thơ trồng ở Văn Miếu, để mọi người cùng đọc.
 
                                                                                                      Trần Quang Đạo
                                (Thay mặt nhóm tuyển chọn gồm Lưu Khánh Thơ, Trương Nam Hương)
 
Nguồn: Trần Quang Đạo 
(bài đã đăng trên Văn nghệ nhưng có biên tập vài chỗ. Phongdiep.net xin đăng tải đầy đủ bài viết của nhà thơ Trần Quang Đạo)
In lại từ phongdiep.net