Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XIN THƯA LẠI VỚI ANH ĐỖ NGỌC THẠCH

Phạm Quang Trung
Chủ nhật ngày 13 tháng 3 năm 2011 5:21 AM

Đà Lạt, ngày 11/03/2011
 
Thưa anh,
Tôi vừa đọc xong hai bài công bố trong cùng một ngày của anh là TÍNH ĐA NGHĨA CỦA VĂN CHƯƠNG và VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH “MƯỢN ĐAO GIẾT NGƯỜI” trên mạng TNc (11/03/2011), thấy có một vài tiểu tiết liên quan đến tôi, có cái do nghi hoặc, lại có cái còn vu vơ, nên tôi phải cầm bút để viết thư cho anh đây.
 Trước hết, theo tôi, anh đã phản ứng, phải nói là hết sức chính đáng, về những ý kiến phản hồi từ cái gọi là “bạn đọc” về các bài có liên quan tới tôi, tức Phạm Quang Trung và anh, tức Đỗ Ngọc Thạch, chủ yếu trên http://nguyentrongtao.org mà Trần Mạnh Hảo đã dẫn ra liên tiếp, dồn dập trong bài viết TRẦN MẠNH HẢO CHƯA TỪNG TRANH LUẬN VỚI ÔNG PHẠM QUANG TRUNG” (TNc - 10/03/2011). Ở đó, như đã thấy, Trần Mạnh Hảo chủ yếu bày tỏ thái độ đối với tôi chứ không phải đối với anh. Mặc dầu, khi đọc những dòng chữ phải nói là vô cùng nhơ nhớp đó trên trang mạng của ông chủ Nguyễn Trọng Tạo, tôi cũng công phẫn như anh, nhưng lại khác anh ở chỗ: tôi chỉ “khinh bỉ - xin học cách nói của một nhà phê bình danh tiếng nọ - một cách sâu sắc” mà không cần và không thèm đối thoại với họ làm gì. Ơ hay, nếu họ là người đàng hoàng thì đã không ẩn danh, thậm chí không mạo danh một cách đớn hèn như vậy! Bởi thế, nếu anh đối thoại với họ thì chẳng khác gì hạ mình xuống thấp ngang với họ hay sao? Xin lỗi bạn đọc nếu tôi buộc phải bộc lộ thẳng thái độ của mình như vậy. Chẳng hạn, một chuyện chỉ mới xảy ra với tôi cách đây chừng mươi ngày để anh tham khảo thêm. Vào ngày 25/01/2011, tôi có nhờ mạng TNc post lên bài Hoan hô anh Trần Mạnh Hảo! để giúp đông đảo bạn đọc có điều kiện biết được thái độ của tôi trước thư xin lỗi chính thức của nhà thơ Trần Mạnh Hạo đối với nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Đặc biệt, trong bài đó, tôi có thẳng thắn đề nghị Trần Mạnh Hảo chỉ mặt vạch tên những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nào trước nay đã “chui” vào hội bằng “cửa sau”. Nhưng cho tới giờ, Trần Mạnh Hảo vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Trong suốt một tuần lễ, tôi thường xuyên nhận được nhiều ý kiến phản hồi chủ yếu qua thư điện tử. Phần nhiều ý kiến có nêu danh tính và địa chỉ rõ ràng, đề nghị tôi đã làm thì phải làm cương quyết, không nên và không thể đánh trống bỏ dùi, vì đây là một vấn đề nghiêm trọng, gắn chặt với uy tín đang bị thử thách gay gắt trước dư luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng cũng có vài lá thư điện tử thường ẩn danh theo một lối nhìn khác hẳn. Cụ thể, có một email đến từ Le Van (?!) vớ va vớ vẩn nào đó gửi tới tôi vào chiều tối ngày 02/03/2011 thế này: “Thưa ông Phạm Quang Trung! Ông nên khâm phục cái khí phách và tính ngay thẳng của Trần Mạnh Hảo, không nên cố chấp như thế và hãy nghĩ đến câu: nói người phải nghĩ đến thân, đừng để đến khi ‘người ta nói đến thì đần mặt ra’”. Đã quá quen với những phản ứng tầm thường kiểu ấy, anh Thạch biết tôi đã xử trí thế nào không? Tôi bèn nhấn chuột trả lời ngay:
 “18h30’, ngày 02/03/2011,
Gửi tới kẻ giấu mặt giấu tên!
 Xin cho tôi biết anh (chị) là ai, địa chỉ cụ thể, tôi mới trao đổi với anh (chị) được. Nguyên tắc ứng xử trước sau của tôi là vậy. Còn email thì như gió trên trời… ai biết đấy là đâu. Thành thực, tôi không thể ưa cái kiểu ném đá giấu tay hay ẩn danh một cách không chính trực, đàng hoàng. Hãy đấu kiếm một cách công khai vì danh dự có thể có của một người quân tử… Còn về vấn đề này, nếu cần, xin anh (chị) vào đọc bài chung quanh Thư ngỏ gửi Nhà văn Khuất Quang Thụy của Phạm Quang Trung trên mạng pqtrung.com của tôi. Có lẽ sau đó anh (chị) sẽ rõ hơn sự tình. Cũng cần nói thêm, anh (chị) lưu ý tôi có hơi “bị” thừa: Tôi đã đọc đoạn trích dẫn đểu cáng kia trên trang nguyentrongtao rồi - do TTXVH Basam.us điểm lại tin trong ngày. Làm ơn cho biết ớt cay là ai nhỉ? Thứ ớt ấy chắc chỉ dùng để ném vào mặt nhau trong đánh đấm một cách hèn hạ, chứ không ai dại dột đem ra làm gia vị cả. Phí phạm và vô nghĩa lắm! Có khi nó quay lại làm cay chính mắt kẻ ra tay đấy. Hãy đừng coi thường lưới trời và luật đời! Cuối cùng, xin lỗi, tôi không có bất cứ lý do gì để cảm ơn anh (chị) cả, mong bỏ qua cho! PQT”.
 Vậy đấy, anh Thạch ạ! Có lẽ ta nên học cách tỏ thái độ vừa điềm tĩnh vừa lịch lãm của TTXVH Basam trước những comment kiểu ấy, mà theo tôi, rất là thấm thía như thế này: “Cám ơn (các) anh đã phản hồi nhanh chóng. Nhưng có lẽ (các) anh nên tập lối tranh luận dân chủ, công khai mà những người ở các nước văn minh ngoài Việt Nam đã quen, cụ thể là gửi phản hồi trên trang, hoặc email ý kiến chi tiết. Còn chỉ đôi ba chữ quy kết “ác ý”, “võ đoán” thì không thuyết phục chút nào, và tệ hơn là lại càng chứng minh cho những bình luận của tôi rất đúng…”. Hết lời trích.  Basam ơi! Thật không gì khéo léo mà đích đáng bằng!
Bây giờ, tôi xin đi thẳng vào hai điểm mà tôi nhắc tới ở đầu thư.
1. Về cái sự hoài nghi của anh ở bài viết thứ nhất
Bài viết này, anh có bàn luận trong một sự hoài nghi về một cái tên Quang Trung nào đó (hoàn toàn trùng với vị anh hùng dân tộc mà bất cứ người Việt yêu nước nào trong chúng ta cũng đều hết lòng ngưỡng mộ!), cùng tên và lót với tôi, chỉ có họ là khác (Mà anh không cho cái họ là quan trọng trong sự phân biệt người này với người khác sao?!) - trong hàng loạt những ý kiến phản hồi nói trên như sau: “Trở lại vấn đề lịch sự tối thiểu: mình tôn trọng người thì sẽ nhận được sự tôn trọng trở lại, còn gieo gió thì sẽ gặt bão! Đó là quy luật của muôn đời. Tôi nói vậy không nhằm dạy khôn bạn đọc đáng kính nói chung mà chỉ muốn gửi tới ông Quang Trung bởi ông đã có những lời bất nhã sau:… “thì quả là ông đã chưa biết viết  để thể hiện ý mình. Viết rồi lại phải ‘giải mã’ lại bài viết của chính mình thì ông quả là nhà ‘ní nuận’ mà tôi chưa thấy bao giờ. Chúc ông gắng học tập chữ nghĩa, đặc biệt là cách lập câu, lập ý, cách tu từ nếu ông muốn đi theo nghề cầm bút”. Không biết đây có phải là ông Phạm Quang Trung đã xin rút khỏi tranh luận về “Hội thề” hay không - PQT nhấn mạnh - nên tôi chỉ nói đến thế mà thôi”. (Hết đoạn trích). Tôi xin lấy danh dự có thể có của một người trí thức ra để hoàn toàn khẳng định rằng: cái tay Quang Trung đó tuyệt nhiên không phải là tôi đâu. Tôi không có giọng điệu kiểu ấy cùng cái bút danh ấy. Càng không bao giờ tôi mạo danh ai cả. Mà sao anh không đủ bình tĩnh để nghĩ họ cũng đang chĩa mũi dùi phê phán vào tôi nhỉ? Bởi thế, xin thưa với anh Thạch, anh không nên viết như vậy, vì có lẽ nó vi phạm tới văn hóa tranh luận mà anh đang chủ ý rao giảng đấy. Anh không biết là tên người Việt chúng ta - cũng như các nước khác trên hành tinh này, thường trùng nhau lắm hay sao? Thậm chí còn trùng cả họ, tên và lót nữa kia. Tôi hoàn toàn có cơ sở để khẳng định là anh đã xúc phạm đến tôi đấy. Thêm nữa, anh Thạch ơi, tôi có bao giờ tranh luận về tiểu thuyết Hội thề đâu nhỉ? Tôi chỉ bàn luận về truyện ngắn Dị hương thôi mà, ở chỗ, tôi thì cho là hay còn một vài người khác, chủ yếu là Trần Mạnh Hảo, bảo là dở, hơn thế rất dở. Chỗ này không khéo anh lại phải trả lời giúp tôi câu hỏi mà tôi từng lớn tiếng chất vấn Trần Mạnh Hảo trong bài Tôi mòn mỏi trông chờ để rồi… thế đấy! (TNc, 06/03/2011) là: “Vậy mong Trần Mạnh Hảo (bây giờ thêm Đỗ Ngọc Thạch) hãy thực thi một cách thức khác thế: ‘đưa ra bằng chứng’ để xác minh tôi đã khen tiểu thuyết Hội thề ở đâu trong tất cả các bài viết đã công bố của mình?”.
 2. Và, nhất là về cái sự vu vơ trong hai bài viết của anh
Trong bài viết đầu, anh đưa ra một nhận xét mà theo tôi là rất “nhảm” (xin lỗi, không có chữ nào đúng hơn!) thế này: “Cho nên tôi lại phải nói ‘thêm’: mới thoạt nhìn thì có vẻ như tôi phản đối những người phản biện (mà cứ như hiện tình thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo đang lãnh ấn tiên phong) mà theo cách nghĩ này thì cũng sẽ thành bại tướng như TS Phạm Quang Trung mà thôi (Cũng xin có vài nhận xét về TS Phạm Quang Trung: Sở dĩ ông phải “khua chiêng thu quân” vì “Phạm Quang Trung phán một câu xanh rờn về màn trình diễn độc tôn, độc tấu, độc diễn ngợi ca kia như sau: “Thật nhảm hết sức” (Bài viết “Thật nhảm hết sức” của Trần Mạnh Hảo). Câu nói ấy đã bị nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhanh tay bắt lấy dùng làm “vũ khí” để chống lại những người khen Hội thề và đương nhiên ông Phạm Quang Trung từ người chống “phản biện” trở thành người “nối dáo” cho nhóm phản biện! Thật tiếc cho người có bằng cấp Tiến sĩ văn chương như ông Phạm Quang Trung mà thiếu đi sự bình tĩnh và thâm sâu!)”. Hết đoạn trích - Những chỗ in nghiêng là do tôi chủ tâm nhấn mạnh.
 Xin phép được trao đổi với anh Thạch một vài điểm thế này. Một là, tôi không được rõ lắm có phải dáo trong nối dáo để chỉ khí giới ngày trước có đặc điểm là “cán dài, mũi nhọn, bằng sắt, dùng để đâm” hay không? Nếu thế có lẽ nên viết theo chuẩn chính tả là giáo mới đúng kia. Theo ý đó thì xin thú thật với anh, tôi không có ý định “nối giáo” cho ai đâu! Phản ứng của tôi đến một cách tự nhiên. Còn kẻ lợi dụng nó ra sao thì không thể bắt tội phải chịu trách nhiệm được. Như thế thì vô lối và vô lý quá! Chẳng khác gì tôi đưa ra cái dao rọc giấy cho ngay ngắn, rồi một kẻ bất lương nọ dùng nó để chém người khác gây thương tích trầm trọng, tôi lại phải chịu tội thay cho kẻ ấy à? Sao thế được! Công lý ở chỗ nào? Trong trường hợp này, có lẽ lời nhắn nhủ của một bạn văn người Hà nội nhân sự việc xảy ra ngoài mong muốn của tôi vừa nêu là thấu đáo hơn cả: “Anh cũng đừng quá buồn đến mất ngủ về chuyện anh Lê Thành Nghị. Vì rằng: trước sau gì thì sự việc cũng xảy ra như thế. Không có bài của anh, không có truyền hình Việt Nam phát chương trình ấy để Trần Mạnh Hảo vin vào để chửi bới bác Lê Thành Nghị thì đến một lúc nào đó, vì nguyên cớ bất kì nào khác, anh ta cũng nhục mạ Lê Thành Nghị thôi. Chỉ có điều vừa rồi, nhân bài của anh, Trần Mạnh Hảo có cớ để “mượn đường lấy Quắc”, chửi sớm mà thôi, anh ạ”. Hết lời dẫn.
 Hai là, anh còn nhắc tới “nhóm phản biện” nào ấy nhỉ? Thôi, tha cho tôi, xin đừng kéo tôi vào một nhóm nào cả, tội nghiệp lắm! Mà cũng chẳng đúng đâu! Tôi chỉ viết như tôi nghĩ, với tư cách của một nhà trí thức độc lập, ấy mà! Thêm nữa, điểm này mới là quan trọng, sao anh cho rằng tôi là “bại tướng” nhỉ? Cách nhìn như vậy xưa cũ lắm, anh Thạch ạ! Trong tranh luận học thuật đúng nghĩa, theo tôi, làm gì có kẻ thắng người thua, chỉ có chân lý là luôn ngẩng cao đầu ngạo nghễ. Đấy mới là ý nghĩa đích thực của mọi cuộc tranh luận chân chính xưa nay. Bởi vậy, tôi mới bỏ không ít công sức và thì giờ vốn chẳng nhiều nhặt gì của mình vào đó mà không hề luyến tiếc chứ! Rất mong anh hiểu giùm cho!
Ba là, cái lời nhận xét đích đáng của tôi về chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật trên VTV1 phát sóng ngày 04/03/2011 ấy mà, mong anh đọc lại thật kỹ bài viết của tôi đăng trên TNc cùng ngày nhan đề Tôi hiểu ra rồi! thì khắc rõ. Khi ấy, nếu còn gì anh chưa rõ hay khác tôi, thì chúng ta sẽ tranh luận đường hoàng cùng nhau. Tôi cam kết với anh đấy! Chứ ở bài viết sau anh bảo lời nhận xét bao quát chương trình trên của tôi là một “câu nói hố, rất hớ hênh” là tôi không chịu đâu đấy. Nhân đây, tôi xin được khẳng định thêm một lần nữa rằng, cho đến giờ, tôi vẫn chưa hề thấy bất cứ một lý do chính đáng nào để thay đổi kết luận của mình về nội dung chương trình truyền hình hôm đó cả. “Thật nhảm hết sức!” - đúng là một câu buông ra chắc nịch như một năm đấm!
 Cuối cùng, trước khi kết thúc lá thư đã khá dài, tôi xin phép được “trở lại vấn đề lịch sự tối thiểu” trong lời nhắn gửi từ anh là: “Mình tôn trọng người thì sẽ nhận được sự tôn trọng trở lại, còn gieo gió thì sẽ gặt bão! Đó là qui luật của muôn đời”. “Ờ, mà sao cái ông Thạch này cứ ưa khái quát thành ‘quy luật muôn đời’ với ‘chân lý vĩnh cửu’ thế nhỉ?!” - Tôi tự nhiên thốt lên như vậy, vì nhớ lại lời kết của tác giả Đỗ Ngọc Thạch - chắc là anh, trong bài Bàn thêm về tiểu thuyết “Hội thề” (vanvn.net - cập nhật: 10:35 1/3/2011) thế này: “Song, các tác giả Hội thề và Dị hương đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo của Hội Nhà văn - Bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, - thì đó chỉ có thể nói là sự thành công lớn bước đầu. Liệu cái giá trị mà Hội thề và Dị hương đạt được qua giải thưởng đó có thật hay không và có sức sống như thế nào thì phải chờ Thời gian trả lời- “Thời gian là vị quan tòa công minh nhất!”. Đó là chân lý vĩnh cửu!”- Những chỗ in nghiêng và in đậm vốn có trong nguyên bản.
 Tôi đọc mà không nhịn được cười. Nếu có gì không nên không phải mong anh bỏ quá cho nhé!
 Bài viết của tôi vậy là đủ và rõ. Xin chào anh!
Nay kính!
Phạm Quang Trung