Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH “MƯỢN ĐAO GIẾT NGƯỜI”

Đỗ Ngọc Thạch
Chủ nhật ngày 13 tháng 3 năm 2011 9:15 AM

 

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bài viết “THẬT NHẢM HẾT SỨC !” (đăng trên trieuxuan.info, trannhuong.com, nguyentrongtao.org) và  bài viết TRẦN MẠNH HẢO CHƯA TỪNG TRANH LUẬN VỚI ÔNG PHẠM QUANG TRUNG trên web http://trannhuong.com ngày 10-3-2011. Hai bài viết này của nhà thơ Trần Mạnh Hảo rất đáng chú ý bởi tác giả đã sử dụng kế sách “Mượn đao giết người”. Vì thế cũng có thể nói phương pháp phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo là Phương pháp phê bình “Mượn đao giết người”. Phương pháp đó được nhà thơ Trần Mạnh Hảo thể hiện như sau.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết về bài viết của PGS TS Phạm Quang Trung: THƯA NHÀ THƠ TRẦN MẠNH HẢO! TÔI XIN NGỪNG CUỘC TRANH LUẬN rằng:

 

“Ơ hay, sao PGS.TS Phạm Quang Trung lại tuyên bố chia tay với một cuộc tranh luận trong tưởng tượng, một cuộc tranh luận nếu có cũng chỉ là cuộc tranh luận đơn phương, độc thoại do ông Trung tung ra mà không hề có đối thủ, có hồi đáp, một cuộc tranh luận không có thật. Cũng giống như khi ông Trung một mình lao ra võ trường đấm đá vào không khí đến toát mồ hôi, đoạn ông tuyên bố: ta không đấu võ với nhà người nữa, rồi ông cúi đầu chào khán giả lui vào trong, mặc cho đối thủ khoảng không vẫn im như thóc”[hết trích dẫn 1].

 Động tác này của ông Hảo vừa là kế “Ve sầu thoát xác” vừa cười nhạo ông Trung, đầy tính “bút chiến”. Tính “bút chiến” của ông Hảo có ngay từ lần đầu tiên khi đối thoại với ông Trung có hàm ý mỉa mai bằng cấp Tiến sĩ và danh hiệu P.Giáo sư của ông Trung đã khiến ông Trung rất bất bình: “Trước nhất, tôi không hề thích cái việc anh chủ tâm lồng cả học vị và chức danh khoa học của tôi vào cái tiêu đề bài viết vốn bao giờ cũng đòi hỏi hết sức nghiêm nhặt về sự súc tích, ngắn gọn. Nhằm mục đích gì vậy anh? Không lấy gì khó hiểu đâu. Chỉ cần một trí lự bình bình thôi, anh ạ, cũng đủ sáng tỏ hết! Thái độ ấy, theo tôi, là không thật đứng đắn. Cố nhiên, trong sinh hoạt trí thức, khi cần, người ta cũng có thể “xưng danh” hoặc “xướng danh” này nọ. Đó là khi cần xác định thật rõ trách nhiệm nghề nghiệp, chuyên môn trước công việc cá nhân phải đảm trách. Như việc nhận xét luận văn thạc sỹ hay luận án tiến sỹ chẳng hạn. Còn trong trường hợp này liệu có cần thiết không anh nhỉ? Riêng tôi thì cho là không cần. Còn nếu anh cứ bảo là cần thì chắc chỉ cần để anh bộc lộ sự chế nhạo, cợt diễu của mình đối với tôi mà thôi. Tôi không cảm nhận sai đâu. Điều này trở nên rõ ràng hơn ở đoạn sau khi anh nhắc tới giáo sư Ngô Bảo Châu mà không quên đóng mở ngoặc đơn từ “thứ thiệt” liền ngay sau đó. Không nên thế, anh Hảo ạ! Tôi biết rõ, có nhiều danh hiệu, chức danh không hoặc thiếu thực chất, thậm chí giả mạo, đã và đang lan tràn trong xã hội chúng ta đến mức khó lòng kiểm soát nổi. Biết được điều đó mà phải bó tay đứng nhìn, cùng là nhà văn, cả anh và tôi đều hết sức đau lòng. Nhưng tuyệt nhiên không vì thế mà cho phép mình luôn hoài nghi tất cả. Điều đó, tôi cho là không chính đính, thậm chí không được phép”( Xin thưa lại với anh Trần Mạnh Hảo: trong web Phạm Quang Trung). Như thế, ông Hảo sao lại nói đó là “một cuộc tranh luận trong tưởng tượng, một cuộc tranh luận nếu có cũng chỉ là cuộc tranh luận đơn phương, độc thoại do ông Trung tung ra mà không hề có đối thủ, có hồi đáp, một cuộc tranh luận không có thật”.

 

Ông Hảo mượn lời của Nguyễn Hữu Quý để biện minh cho “chiêu thức” tiếp của mình:“Việc nhà thơ Trần Mạnh Hảo xin phép ông Phạm Quang Trung mượn câu cảm thán “Thật nhảm hết sức!”để  làm tiêu đề bài viết của mình; âu cũng là chuyện bình thường”. Xin thưa với cả hai ông Hảo và ông Quý, việc “mượn câu cảm thán” này không hề là chuyện bình thường mà là một kế sách rất nham hiểm và tàn độc có tên gọi là “Mượn đao giết người”. Câu nói nông nổi của ông Trung đã bị ông Hảo nhanh tay chộp lấy để làm “vũ khí” đánh vào tất cả những gì ủng hộ “Hội thề”. Hãy xem cái cách ông Hảo mượn câu nói hố, rất hớ hênh của ông Trung như thế nào:

 

“Xin xem ông Phạm Quang Trung viết:

 

“Trong bài viết Tôi hiểu ra rồi! (pqtrung.com và trannhuong.com ngày 04/03/2011), tôi đã thẳng thắn chỉ trích nội dung chương trình Diễn đàn văn học nghệ thuật VTV1 phát vào buổi sáng cùng ngày, tập trung ở chỗ, chỉ phản ánh dư luận một chiều về giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, bỏ qua những ý kiến sôi động trái chiều trên diễn đàn văn chương mạng, gây cảm giác xem thường khán - thính giả truyền hình nhất là đối với những người quan tâm lại có hiểu biết vấn đề như chúng tôi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, bài viết của tôi đã vô tình làm tổn thương tới hai người bạn văn tốt bấy lâu của mình là nhà phê bình Lê Thành Nghị và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân. Rất có thể hai bạn văn trẻ Hoài Nam và Phong Điệp cũng rơi vào tâm trạng u buồn tương tự. Một người bạn của tôi sống ở Hà Nội đã nhận xét rất đúng rằng, bước vào “trường văn trận bút”, đôi khi chữ nghĩa trong mỗi hoàn cảnh cụ thể rất dễ từ chỗ quang minh chính đại bị vô tình đẩy sang chỗ lệch lạc, rời xa khỏi tay mình, cứ như con ngựa bất kham không thể ghìm cương nổi. Đấy là chưa nói tới bao kẻ bất lương cứ luôn rình rập để nhanh chóng chớp lấy thời cơ xuyên tạc đôi khi rất trắng trợn vì những mục đích đen tối của họ”.

 

Chúng tôi xin bổ sung đoạn tường trình trên chưa đầy đủ của ông Phạm Quang Trung trong bài “Tôi hiểu ra rồi” của ông; rằng ông đã “mắng” cuộc hội thảo “Ca ngợi tiểu thuyết “Hội thề” trên truyền hình (VTV1) của bốn vị Lê Thành Nghị - chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn Việt Nam - HNVVN, Nguyễn Văn Dân - chủ tịch hội đồng dịch thuật văn học HNVVN, Phong Điệp - trưởng ban Văn Nghệ Trẻ báo Văn Nghệ, Hoài Nam (phụ trách mục diễn đàn văn học nghệ thuật của VTV1, người hình như đang hoàn tất thủ tục để trở thành Hội viên Hội nhà văn VN thuộc ngành lý luận phê bình?) là “THẬT NHẢM HẾT SỨC !”.

 

Câu mắng cuộc hội thảo trên truyền hình: “THẬT NHẢM HẾT SỨC” của ông Phạm Quang Trung quả là nặng hết mức.

 

Xin quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu ngữ nghĩa từ “nhảm”:[”NHẢM”: bậy bạ, linh tinh, không theo khuôn phép, không có căn cứ hoặc trái với sự thật. Tin đồn nhảm, nằm mơ nói nhảm”- Đại từ điển Tiếng Việt của Bộ GD&ĐT biên soạn. NXB Văn hóa & Thông tin trang 1230].

 

Với tư cách là một giáo sư đại học, lại là Ủy viên hội đồng lý luận phê bình văn học của HNVVN, chính ra ông Trung cần phải có thái độ khoan hòa, chín chắn, điềm đạm, ung dung tự tại, cân nhắc thật kỹ, thận trọng vì một lời nói phóng ra bốn ngựa không đuổi kịp, đắn đo trông trước nhìn sau mới phê phán cuộc hội thảo quan trọng kia là thế này, thế nọ. Đằng này, ông Trung chỉ dùng cảm tính, không cho lý tính tham dự nên mới phóng ra một lời mắng chửi ghê gớm nhường nào với các “phương diện quốc gia” (chữ của Nguyễn Du) mà ông đang yêu quý, đang cúc cung phục vụ và bảo vệ. Ông Phạm Quang Trung chỉ cần phê bình cuộc hội thảo trên là chưa thật đầy đủ, chưa thật công bằng, đã là một lời trách cứ ý nhị, đằm sâu.

 

Đằng này, đài truyền hình quốc gia Việt Nam, kênh quan trọng nhất là VTV1 (kênh chủ yếu của các vấn đề chính trị) đường đường một “phương diện quốc gia”, Hội nhà văn Việt Nam cũng đường đường là một “phương diện quốc gia” cùng nhau phối hợp, long trọng mở một cuộc hội thảo hết sức hoành tráng ca ngợi cuốn tiểu thuyết vừa được giải nhất “Hội thề”, lại là cuốn tiểu thuyết phục vụ cho chiến lược 16 chữ vàng trong quan hệ nhạy cảm với anh Hai Hoa Hạ mang thông điệp “tứ hải giai huynh”(bốn biển đều là của anh Hai cả) là NHẢM, thậm chí được nhấn mạnh thêm một cấp số nhân “NHẢM HẾT SỨC”, thì chúng tôi bái phục ông Trung, gan ông to nhất nước rồi đó. Nhiều người đọc các bài phản biện của chúng tôi bảo ông này gan cùng mình; nhưng xem ra gan của chúng tôi chỉ là gan con kiến so với lá gan con voi ma mút của ông Phạm Quang Trung mà thôi.

 

Khác nào ông Trung dám mắng các vị Lê Thành Nghị, Nguyễn Văn Dân, Hoài Nam và cô Phong Điệp… cũng “nhảm hết sức”, mà nhảm tức là bậy bạ, giả dối, linh tinh, vượt ra ngoài khuôn phép… Như thế, e rằng người ta có thể ngầm hiểu ông Trung đang vơ đũa cả nắm mà mắng VTV1, mắng HNVVN, mắng cuốn “Hội thề” là bậy bạ, linh tinh, giả dối, vượt qua mọi khuôn phép hay sao ?

 

Cho nên khi ông Phạm Quang Trung ngầm bảo chúng tôi (TMH) là “BỌN BẤT LƯƠNG- RÌNH RẬP - XUYÊN TẠC- TRẮNG TRỢN- MỤC ĐÍCH ĐEN TỐI” âu cũng là điều dễ hiểu:

 

 “Một người bạn của tôi sống ở Hà Nội đã nhận xét rất đúng rằng, bước vào ‘trường văn trận bút’, đôi khi chữ nghĩa trong mỗi hoàn cảnh cụ thể rất dễ từ chỗ quang minh chính đại bị vô tình đẩy sang chỗ lệch lạc, rời xa khỏi tay mình, cứ như con ngựa bất kham không thể ghìm cương nổi. Đấy là chưa nói tới bao kẻ bất lương cứ luôn rình rập để nhanh chóng chớp lấy thời cơ xuyên tạc đôi khi rất trắng trợn vì những mục đích đen tối của họ” .

 

Chả lẽ vì chúng tôi đã xin phép mượn lời ông Trung làm tiêu đề cho bài phê bình bài “Hội thề-lịch sử và tiểu thuyết”(in trên báo Văn Nghệ & web HNVVN) của Lê Thành Nghị: “Thật là nhảm hết sức”, khiến ông Trung nổi giận mắng chúng tôi là “bất lương” như vừa dẫn chăng ?

 

Việc làm này của chúng tôi rất danh chính ngôn thuận, ngay thẳng, có gì khuất tất gian tà đâu mà ông Trung lại vu cho chúng tôi là “bất lương”?

 

Trong các bài viết công bố trên mạng, ông Trung luôn tự cho mình là trí thức. Vâng, một người trí thức đích thực có thể mắng đài truyền hình VN, mắng HNVVN là bậy bạ, linh tinh, gian dối, nhưng tuyệt nhiên không nên mắng đồng nghiệp là kẻ “bất lương”(!)”[hết trích dẫn 2].

 

Đó là trong bài viết TRẦN MẠNH HẢO CHƯA TỪNG TRANH LUẬN VỚI ÔNG PHẠM QUANG TRUNG trên web http://trannhuong.com ngày 10-3-2011 của ông Trần Mạnh Hảo.

Trong bài viết trước đó, ngày 4-3-2011 trên các Web trannhuong.com và nguyentrongtao.org với nhan đề “THẬT NHẢM HẾT SỨC!” của ông Trần Mạnh Hảo, ông cũng đã nói đến câu nói hớ hênh đó của ông Trung và cái sự “mượn” này:

 

“Trong bài: “Ý KIẾN CỦA DÂN MẠNG KHÔNG LÀ “ CÁI ĐINH “ ĐỐI VỚI VTV VÀ CÁC “ ÔNG NHỚN “ CÓ NHÃN MÁC CỦA HỘI NHÀ VĂN?”  của PGS.TS. Phạm Quang Trung (người hết lòng bênh vực “Dị Hương” và “ Hội thề”)  in trên website http://phamvietdaonv.blogspot.com ngày 04-03-2011 kể về màn trình diễn một chiều của VTV1 ( Đài truyền hình Việt Nam) ca ngợi hết lời giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2010 trong sáng nay, tức sáng 04-03-2011.

Trong bài viết, tác giả Phạm Quang Trung tỏ ra trách cứ anh Hoài Nam (người dẫn chương trình mục “ Diễn Đàn văn học nghệ thuật” kiêm nhà phê bình), trách cứ ông Lê Thành Nghị, chủ tịch hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn Việt Nam, trách cứ ông PGS  Nguyễn Văn Dân - chủ tịch hội đồng dịch thuật Hội Nhà Văn, rằng các vị sao lại làm ngơ trước bao nhiêu tiếng nói phản biện bấy lâu nay trên các báo mạng (Internet), cùng hè nhau độc tấu bản giao hưởng ngợi ca một chiều như thế mà nghe đặng ư? Tranh luận thì phải có hai chiều khen và chê mới khách quan, mới thuyết phục chứ ?

Cuối cùng, tác giả Phạm Quang Trung phán một câu xanh rờn về màn trình diễn độc tôn, độc tấu, độc diễn ngợi ca kia như sau : “ Thật nhảm hết sức” :

“Tôi cũng không nghĩ họ không từng đọc hay nghe nói về những ý kiến khác nhau chung quanh giải thưởng quan trọng của Hội Nhà văn trên mạng. Vậy thì chỉ có thể bảo là họ có biết, hơn thế, biết rất kỹ, rất rõ mà cố tính lờ đi do ngại đụng chạm chăng? Hay họ quan niệm công chúng rộng rãi chỉ nên biết đến mức như họ nói, thế là đủ? Hoặc họ cho là chỉ nên xem là công luận văn chương trên các mặt báo viết chính thống của Nhà nước? Nghĩ vậy, theo tôi, là lỗi thời, thậm chí là không đúng! Nói chung, bởi bất cứ lý do nào cũng đều rất khó biện minh cho được. Vậy nên, tôi rất lấy làm thất vọng trước lời kết chung chung như thường thấy của biên tập viên chương trình, rằng hy vọng các nhà văn có nhiều sáng tạo vươn ngang tầm thời đại, và rằng, trên cơ sở đó, hy vọng Hội Nhà văn ngày càng chọn được những tác phẩm thật xứng đáng, về mọi thể loại, góp phần định hướng thẩm mỹ, thúc đẩy nền văn chương nghệ thuật của dân tộc đi về phía trước. Rằng… vân vân và vân vân. Nghĩa là rất chi… vô vị và vô bổ. Thật nhảm hết sức!


Xin phép nhà phê bình Phạm Quang Trung cho chúng tôi được mượn câu nói (sẽ nổi tiếng mãi) của ông: “Thật nhảm hết sức” làm tiêu đề bài báo mọn này.

Xin thưa với ông Phạm Quang Trung, chuyện “Nhảm hết sức !” ấy không chỉ xảy ra trên truyền hình trong mục độc tấu ca ngợi giải thưởng của Hội nhà văn VN trong mục “ Diễn đàn VHNT” sáng nay như ông vừa kể đâu, mà nó còn nằm trong hầu hết các bài ca ngợi “Dị hương” và “Hội thề” in trên báo chí chính thống và trong các mục tin sách của truyền hình nữa. Chúng tôi xin chứng minh.

Đó là bài viết có tính bản lề, tính định hướng cho các bài ca ngợi “Hội thề” của ông nhà thơ kiêm chủ tịch hội đồng lý luận phê bình văn học Hội Nhà văn VN, đại tá Lê Thành Nghị in trên website của Hội Nhà Văn VN : http://hoinhavanvietnam.vn ngày 20-01-2011 có tên : “ Hội thề - Lịch sử và tiểu thuyết”.

Ngay cả ông Phạm Quang Trung khi tranh biện bảo vệ cái hay tuyệt vời của giải thưởng Hội nhà văn VN ( HNVVN) cũng từng trích bài này của ông chủ tịch Lê Thành Nghị làm căn cứ, làm nền tảng triển khai cuộc bút chiến đó thôi”. [Hết trích dẫn 3].

 

Xin bạn đọc chú ý, dường như “quá đã” khi nhanh tay chộp được mấy chữ “Thật nhảm hết sức” của ông Trung nên ông Hảo đã gần chục lần hét lên bốn chữ đó trong cả hai bài viết của mình! Thái độ đó của ông Hảo còn bình luận gì thêm được nữa?

 

Như thế, có thể kết luận, ông Hảo đã hai lần “mượn đao giết người” thế mà ông nói mình trong sạch: “tôi rất danh chính ngôn thuận, ngay thẳng, có gì khuất tất gian tà đâu” thì quả là “vừa ăn cướp vừa la làng”!  Một lần nữa, tôi xin nhắc lại ý tôi đã nói về ông Hảo:  ông Hảo nói “chuyện phê bình văn chương là chuyện tao nhã của giới học thuật” nhưng ông không hề “tao nhã” chút nào. Nguyễn Trọng Bình đã xin lỗi ông Hảo và rút hai chữ “Dị hợm” khỏi bài viết về phương pháp phê bình của ông Hảo. Nhưng tôi thấy như là ông đang tự lấy lại hai chữ “Dị hợm” ấy. Ông Phạm Quang Trung trong bài viết xin thôi “bút chiến” đã rất có thiện chí khi khuyên nhà thơ Trần Mạnh Hảo rằng “…theo tôi, anh nên ngừng việc công kích Hội Nhà văn của chúng ta qua việc chê trách giải thưởng 2011 của Hội lại. Vì thực tình, động cơ phía sau những gì anh viết xem ra đều rõ cả.


Xem ra lời khuyên chân tình này không có tác dụng bởi ông Hảo hẳn là đang rất đắc chí với những “kế sách” tuyệt hảo của mình, một mũi tên mà “xuyên táo” hàng loạt nhân mạng đều là cỡ “phương diện quốc gia”!...Ông Trung đã xin “giã từ vũ khí” mà ông Hảo còn “đuổi cùng diệt tận” như thế thì xin hỏi hai chữ “Bất lương” mà ông Trung đã vu cho ông có phù hợp không?

 

Nhân việc PGS TS Phạm Quang Trung tuyên bố rút khỏi cuộc tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi thấy cũng cần phải tuyên bố tương tự: không thể tiếp tục “bút chiến” với một người có phương pháp phê bình “Bất lương” bởi cuối cùng thì cũng phải sử dụng một phương pháp phê bình “Bất lương” tương đương, mà như thế thì làm sao mà nói được “chuyện phê bình văn chương là chuyện tao nhã của giới học thuật” nữa!

Sài Gòn, 11-3-2011

Đỗ Ngọc Thạch