Ngày 8-3 mới đây, Báo SGTT. VN có bài: Người khám phá hang động lớn nhất thế giới bị lãng quên. Người bị lãng quên mà báo chí nhắc đến ở đây là anh Hồ Khanh, 42 tuổi, một người từng là thợ rừng sống ở Phong Nha (Bố Trạch- Quảng Bình).
Nhưng Hồ Khanh là người thợ rừng đặc biệt. Anh có một năng khiếu và cả chút may mắn. Đó là rất giỏi phát hiện, nhận biết, phân loại được các loại hang động. Chính vì thế, anh cũng là người khám phá ra 12 hang động tuyệt đẹp tại Phong Nha - Kẻ Bàng; và vì thế, được các chuyên gia hang động thế giới ưu tiên quyền được đặt tên 12 hang động nói trên.
Trong đó, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới hiện nay, còn hang động Thiên Đường dài tới 31km. Số hang động còn lại được đánh giá là kỳ quan của lòng đất và các kiến tạo địa mạo. Cái tên Hồ Khanh vì thế từ lâu luôn được các chuyên gia nghiên cứu về địa mạo, địa chất và truyền thông thế giới như BBC, Daily Mail, The Sun... nhắc nhớ đến.
Thế nhưng, lạ thay, các quan chức địa phương nơi Hồ Khanh sinh sống, lại chỉ nhớ những hang động tuyệt đẹp, không lồ, làm vẻ vang cho địa bàn họ quản lý, còn quên bặt cái tên Hồ Khanh. Cho dù, với sự kiện Hồ Khanh phát hiện hang động Sơn Đoòng, gây sửng sốt thế giới về cả quy mô lẫn vẻ đẹp kỳ vĩ thì chính quyền- ở đây là UBND tỉnh Quảng Bình từng hứa sẽ tặng bằng khen và phần thưởng cho anh.
Chỉ là một người nông dân thân phận bé nhỏ, tần tảo 1 nắng 2 sương trên nương rẫy để mưu sinh, thì niềm vinh quang hứa hẹn- bằng khen và phần thưởng, chẳng là sự cổ vũ lớn lao với nhà thám hiểm chân đất Hồ Khanh ư? Thế nên Hồ Khanh cứ đợi, cứ đợi, đợi mãi.... mà quên mất rằng dân gian cũng từng có câu triết lý thâm thúy: Lời nói, gió bay
Cũng phải công bằng mà nói, UBND xã Sơn Trạch đã từng 2 lần đánh công văn gửi UBND huyện Bố Trạch, đề nghị tặng bằng khen cho Hồ Khanh. Nhưng trả lời cho xã, là sự im lặng...đáng sợ!
|
Đến ngày 9.3.2010 Hồ Khanh vẫn chưa nhận được khen thưởng từ năm 2009. Ảnh: Q.Nam - SGTT |
Hỏi vặn huyện, thì mới đây, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch huyện Bố Trạch giải thích: Năm 2009, có thể hồ sơ bị thất lạc, nên các cán bộ tham mưu thi đua khen thưởng của huyện chưa rốt ráo. Chả biết hồ sơ của Hồ Khanh đi lạc, hay cái tâm, cái trách nhiệm của các cán bộ này... đi lạc.
Vì cái sự đi lạc cũng rất dễ xảy ra.
Bởi mới đây thôi, nhân dân xã Yên Lạc (lại... lạc), huyện Yên Định (Thanh Hoá) rất bức xúc với cách chia gạo cứu trợ cho người nghèo ăn tết của cán bộ xã trong dịp tết Tân Mão. Số là, xã có 25% số hộ nghèo thuộc đối tượng được phân bổ 3150 kg gạo cứu trợ, mỗi người 15 kg.
Tuy nhiên thực tế, nhiều hộ nghèo không được cấp gạo, trong khi hàng loạt hộ không nghèo, không phải đối tượng chính sách lại được (?). Đặc biệt, có nhiều người thân của cán bộ xã đã được cấp phát gạo cứu trợ như: Mẹ đẻ của Chủ tịch UBND xã; mẹ đẻ của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc; mẹ đẻ của Chủ nhiệm HTX; mẹ đẻ của Phó Chủ tịch HĐND; mẹ đẻ của cán bộ Giao thông xã... Người dân nghèo Yên Lạc bất bình vì gạo chưa về với nhà mình, nhưng cũng nên mừng, vì xã Yên Lạc, toàn cán bộ có hiếu với mẹ.
Tiếp tục kiểm tra danh sách, người ta thấy vênh tới 67 trường hợp- không có tên trong danh sách hộ nghèo vẫn được cứu đói. Ông Trịnh Trung Duy, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc lý giải, 67 đối tượng không có trong danh sách hộ nghèo mà được nhận gạo đều thuộc đối tượng là người già(!!!). Thế nhưng khi được hỏi, tại sao những người già mà không có con làm cán bộ như gia đình ông Lại Đắc Tý 70 tuổi, Lê Đình Dết 68 tuổi... lại không được nhận gạo cứu trợ, thì lúng túng một hồi, cán bộ xã bảo, tại... trưởng thôn gửi danh sách.
Ôi chao, đồng tiền có chân nên biết chạy vào nhà cán bộ. Nay, hạt gạo cũng lại có chân biết chạy vào nhà người thân của cán bộ. Còn trách nhiệm của cán bộ cũng...có chân nốt, nên cứ chạy loanh quanh...
Chả trách, người ta bảo mấy ông cán bộ cơ sở sao khéo thế: Chỉ được cái quên dân, nhớ mỗi mình!
Nguồn : VNN.vn