Trang chủ » Tin văn và...

THƯ NGỎ GỬI CÁC VĂN NHÂN NAM ĐỊNH VÀ NHÀ THƠ LÊ HỒNG THIỆN

Đinh Phương – Hoài Ngọc Anh
Thứ sáu ngày 18 tháng 3 năm 2011 9:54 AM
TNc: Chúng tôi nhận được thư ngỏ này của một số anh em văn nghệ Nam Định.  Chúng tôi coi đây là việc không chỉ của Nam Định mà là việc chung cần cho phong trào VHNT. Vì vậy chúng tôi cho thư lên trang nhà. Tiện đây tôi đưa cả đoạn thư mà các tác giả gửi riêng cho tôi để bạn đọc thông cảm việc làm của chủ web.

Kính gửi ông Trần Nhương.

Chúng tôi đã gửi thư nhưng có lẽ chúng tôi đánh sai địa chỉ, hoặc trục trặc kỹ thuật nên có thể ông chưa nhận được. Chúng tôi đã rà soát lại một lần cuối và chỉnh sửa bài viết như dưới đây, rất mong được ông chiếu cố đưa lên trannhuong.com. Chúng tôi chân thành cảm ơn ông. Nếu ông sử dụng bài viết của chúng tôi thì xin ông dùng bài đã chỉnh sửa này. Nếu ông còn lăn tăn thì xin ông tham khảo chính ông Chủ tịch Hội VHNT Nam Định, hoặc ông Lê Hoài Nam, Phạm Ngọc Khảnh đang sinh sống tại Hà Nội. Trường hợp ông không sử dụng bài viết này, xin ông hồi âm, chúng tôi biết ơn và kính chúc ông sức khỏe. Thật xin lỗi vì làm phiền ông nhiều quá.


THƯ NGỎ GỬI CÁC VĂN NHÂN NAM ĐỊNH VÀ NHÀ THƠ LÊ HỒNG THIỆN

1 - Văn nhân Nam Định đâu rồi?
          Là bạn đọc yêu mến văn chương quê hương văn hiến Nam Định, đất Tú Xương, Nguyễn Bính... Chúng tôi rất buồn là tạp chí Văn Nhân – đặc trưng bộ mặt văn nghệ của Nam Định, một tờ tạp chí từ lâu đã có thương hiệu mạnh, là niềm tự hào của nhân dân Nam Định – từ năm 2006 đến nay ngày càng đi... xuống. Các bài vở trong Văn Nhân nhợt nhạt, làng nhàng, nhiều sai sót, rất ít bài hay và thiết thực. Đó cũng là nhận xét của nhiều bạn đọc yêu mến Văn Nhân. Chúng tôi xin được nêu một vài hiện tượng xảy ra ở Văn Nhân để chứng minh cho nhận xét trên:
Liệu có phải vì thiếu bài nên Văn Nhân phải lấy bài trong sách ra in lại? Chỉ đơn cử trường hợp gần đây nhất là bài “Trên đèo ly biệt” của tác giả Phạm Trường Thi trong sách “1000 năm Thăng Long – Hà Nội Thiên Trường – Nam Định” được lấy ra in lại trong Văn Nhân số 74. 
 Liệu có phải vì thiếu cộng tác viên mà Văn Nhân phải đăng đi đăng lại, đăng cả bản nháp bài của một tác giả? Xin lấy một ví vụ minh họa: Bài “Ơn thầy” của tác giả Trần Trọng Nghiêm đăng trong Văn Nhân số 60, đến số 74 lại được đăng cả bản nháp bài này. Bài “Hồ Tây chiều” cũng của Trần Trọng Nghiêm được đăng ở Văn Nhân số 72 thì ngay số sau là số 73 lại đăng lại bài đó. Vì bài đăng lại có sửa chữa hai ba từ so với bài đăng trước nên rõ ràng đây chính là các bản nháp của tác giả. Xin đọc nguyên tác các bản nháp đó trong Văn Nhân, chúng tôi không chép ra đây các bài thơ đó để tránh bài viết quá dài. Có thể có người cãi rằng vì bài thơ của ông Trần Trọng Nghiêm là tuyệt tác. Xin để  các văn nhân và bạn đọc thẩm định và đánh giá.
          Liệu có phải vì thiếu bài vở mà Văn Nhân phải đăng cả những bài bôi nhọ danh nhân. Chẳng hạn, tạp chí Văn Nhân số 54 có đăng bài “Nguyễn Bính thăm Nam Cao” của tác giả Mai Thanh bịa ra chuyện Nhà văn Nam Cao ăn cắp gà của hàng xóm để đãi bạn. Trong thực tế hai ông chưa từng có chuyện gặp nhau như vậy. Xin trích một đoạn trong bài viết này: “Chủ nhân (tức Nam Cao) rót rượu ra đầy bát thúc giục: “Uống mau lên! Bữa tiệc này không thể kéo dài, cho mình nói thật nhé!... đúng lúc các cậu rời thuyền ngoài bến, tớ đã trông thấy rồi. Đang mừng gặp bạn lại lo chuyện đãi khách thì vừa hay chú gà trống khốn kiếp này từ đâu đến bếp gio nhà mình. Thế là tớ tóm ngay được nó, ấn đầu vào đống gio chết tươi. Nghĩa là gà này là gà bắt trộm của hàng xóm quanh đây.” Nghe chủ nhà giãi bày, đám khách ngơ ngác cầm bát rượu, hớp rượu khó trôi vào cổ, vừa uống vừa thương cho gia cảnh của tác giả “Chí Phèo”, vừa thương cho những kẻ sĩ thời ấy. Đám khách thơ bước ra thuyền. Hai tay sào Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân đẩy đi nhanh nhẹ đẩy con thuyền nan thoát bến Đại Hoàng hoảng sợ như Tào Tháo chạy giặc Ngô trên dòng Trường Giang Xích Bích”... (Hết trích). Đoạn trích này chúng tôi lấy từ Văn Nhân số 54 năm 2007, trang 48. Do phản ứng mạnh của bạn đọc, ông Chủ tịch Hội VHNT Nam Định buộc phải ra quyết định thu hồi và hủy bỏ số này và thay bằng bài khác. 
Liệu có phải vì thiếu bài mà Văn Nhân phải đăng cả những bài viết chất lượng quá kém? Ví như bài “Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng hay tết Nguyên tiêu” của Đỗ Đình Thọ trên Văn Nhân số Xuân Tân Mão 2011 làm méo mó dị dạng thơ Bác Hồ và thơ Nguyễn Bính. Bài viết kém đến mức bạn đọc phổ thông cũng không thể chấp nhận được. Ông Phạm Ngọc Khảnh vừa có bài “Viết sai bài thơ Nguyên tiêu của Bác trên tạp chí Văn Nhân” đăng trên trannhuong.com đã trích lại một đoạn bài “Ý nghĩa của ngày rằm tháng Giêng hay tết Nguyên tiêu” của Đỗ Đình Thọ như sau:  “Phần nói về bài thơ Nguyên tiêu của Bác: Chúng ta đều biết đêm Rằm tháng Giêng năm Đinh Hợi (1947) Bác Hồ và các vị lãnh đạo Trung ương Đảng hội họp bàn kế hoạch kháng chiến chống Pháp trên một chiếc thuyền ở thượng nguồn chiến khu Việt Bắc. Hội họp xong thuyền của Bác Hồ ra về trong đêm Rằm, trăng tỏa sáng. Bác đã làm bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán để kỷ niệm cuộc họp lịch sử đó.
    ... Toàn văn như sau:
     Xuân dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên
     Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên
     Âm ba, thâm sứ đàm quân sự
     Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền (Hết trích)
     Sau đó ông Phạm Ngọc Khảnh uốn nắn: “Thực ra bài thơ Nguyên Tiêu của Bác viết vào Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948) trên dòng sông Phó Đáy, tỉnh Tuyên Quang nơi có những di tích lịch sử Tân Trào, lán Nà Lừa Bác ở, chứ không phải chung chung chiến khu Việt Bắc năm Đinh Hợi 1947.
     Để tiện bàn luận xin trích dẫn bài thơ của Bác:
     Phiên âm:
     Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên
     Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
     Yên ba thâm xứ đàm quân sự
     Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
     Dịch nghĩa:
     Đêm nay, Rằm tháng Giêng, trăng vừa tròn
     Sông xuân, nước xuân liền với trời xuân
     Sâu trong khói sóng, bàn việc quân
     Nửa đêm trở về ánh trăng đầy thuyền.
     Ở đây trong bài thơ Đỗ Đình Thọ đã viết sai ba từ:
     Xuân dạ - Nguyên bản là Kim dạ. Kim dạ mới có nghĩa là đêm nay; còn xuân dạ chỉ là đêm xuân.
     Âm ba - Nguyên bản là Yên ba, yên là khói, ba là sóng - khói sóng. Còn chữ âm ba là âm thanh phát ra làm rung động không khí như làn sóng nước. Một đằng là hình tượng, một đằng là âm thanh, khác nhau một trời một vực.
     Thâm sứ - Nguyên bản là thâm xứ. Cặp từ thâm sứ thì chẳng biết dịch thế nào, vì sứ có nghĩa chỉ người đi sứ - sứ giả, sứ đoàn, sứ bộ, sứ quân... mà đem ghép với thâm (sâu) thì chẳng ăn nhập gì.
      Ba từ sai lầm dẫn trên đã làm méo mó, dị dạng, sai lạc bài thơ, hồn thơ của lãnh tụ, không thể xem thường được.
      Trước nhất Tạp chí Văn Nhân phải có ngay lời xin lỗi độc giả cả nước và nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc làm sai trái này”. (Hết trích).
Còn ông Hoàng Ngọc Trúc thì kêu lên ai oán bằng bài viết “Một bài viết có quá nhiều sai sót” trên blog Tranmygiong. Xin trích một đoạn bài viết của ông Hoàng Ngọc Trúc: “Kết thúc bài báo của mình, ông Thọ có chép bốn câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính như sau:
          ...“Trong bụng mẹ ai cũng mê tiếng hát
          Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
          Dù trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng
          Sớm hay chiều đều mượn cánh cò đưa...”
                   (Trích “Quê hương tôi” – Nguyễn Bính)
          Để bạn đọc dễ so sánh, tôi xin chép nguyên tác khổ thơ của thi sĩ Nguyễn Bính:
          ...”Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát
          Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ
          Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng
          Sớm hay chiều đều mượn cánh cò đưa...”
          (Trích “Bài thơ quê hương” – Trang 132 Thơ Nguyễn Bính NXB Văn học và Hội VHNT Hà Nam Ninh, Hà Nội 1986).
          Khổ thơ ông Thọ chép ra so với nguyên tác có ba chỗ sai:
          1 – Ông đã đổi tên “Bài thơ quê hương” của Nguyễn Bính thành bài có tên mới là “Quê hương tôi”.
          2 - Ở câu đầu khổ thơ có 2 tiếng “đã từng” ông thay bằng 2 tiếng “ai cũng”
          3 – Từ “những” ở câu 3 ông thay bằng từ “dù”.
          Một khổ thơ bốn câu ông Thọ chép sai tới 3 chỗ, hỏi còn gì là thơ? Còn đâu là uy tín của tác giả nữa?
          Còn về hành văn thì sao? Xin được nêu một câu điển hình về sự lủng củng mà ông Thọ mắc phải: “Vì vậy ý nghĩa của ngày lễ Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) có một ý nghĩa hết sức sâu sắc về mặt văn hóa tâm linh về ý nghĩa nhân văn” (trang 42 tạp chí trên). Một câu ngắn ông dùng tới 3 lần từ “ý nghĩa”?
          Một điều rất khó hiểu là đã nhiều năm nay, theo sự chỉ đạo của Nhà nước các Hội VHNT từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức ngày thơ Việt Nam vào dịp Rằm tháng Giêng long trọng và hoành tráng. Bài thơ Nguyên tiêu của Bác bao giờ cũng được trình bày đầu tiên của chương trình ngày thơ Việt Nam dưới nhiều hình thức nghệ thuật như bình, ngâm, đọc diễn cảm... Được nghe nhiều lần bài thơ, người có trí nhớ ở mức độ bình thường cũng thuộc lòng, vậy mà tác giả bài báo, biên tập tạp chí Văn Nhân vẫn không thuộc?
          Phải thẳng thắn mà nói rằng đây là một bài viết quá ẩu, dày đặc những sai sót làm méo mó thơ của lãnh tụ và nhà thơ nổi tiếng quốc gia vậy mà không rõ lý do gì bài báo vẫn được đăng trên tạp chí số Xuân (số được coi là giá trị và sang trọng nhất so với các số tạp chí xuất bản định kỳ hàng tháng trong năm?)” (Hết trích)
          Ông Hoàng Ngọc Trúc cũng chỉ ra nguyên nhân những sai sót liên tục của tạp chí Văn Nhân như sau: “Hiện nay nhóm làm tạp chí theo chúng tôi biết gồm 4 người, trong đó có 2 lãnh đạo (tổng và phó tổng), còn lại 2 người (một mỹ thuật và một sửa bản in), đây là hiện tượng hết sức chủ quan, xem nhẹ tính khoa học của Hội VHNT tỉnh Nam Định. Vì vậy mà những sai sót liên tục xảy ra trên tạp chí Văn Nhân là điều khó tránh khỏi”. (Hết trích)
Trong hội nghị cộng tác viên Văn Nhân, lý giải vì sao chất lượng Văn Nhân thấp kém, ông Tổng Biên tập nói rằng do các tác giả trẻ thì chưa tới tầm, còn các tác giả cao tuổi thì đã chững lại không còn sức sáng tạo nữa.
Có thật là văn nhân Nam Định đã hết người tài? Văn nhân Nam Định đâu rồi? Sao lại để tạp chí Văn Nhân xuống cấp đến mức làm mất danh dự của tỉnh văn hiến như vậy? Nghe tin Hội VHNT Nam Định vừa kết hợp với Câu lạc bộ VTV1 làm chương trình tôn vinh ông Tổng biên tập Văn Nhân. Nếu sự việc đúng như vậy, xin hỏi các văn nhân Nam Định: Chẳng lẽ văn nhân Nam Định làm ngơ cho người ta tha hồ đảo lộn các giá trị?! Chẳng lẽ văn nhân Nam Định làm ngơ mặc cho tạp chí Văn Nhân – bộ mặt VHNT của tỉnh nhem nhuốc mãi sao?

          2 – Thư ngỏ gửi nhà thơ Lê Hồng Thiện (Hưng Yên):
         
Hiện trong công chúng yêu thơ Nam Định lưu truyền một văn bản có tên là “Tôi đã bị ông Phạm Trường Thi đạo văn” gửi báo Văn nghệ trẻ, ký tên Nhà thơ Lê Hồng Thiện. Văn bản này có đoạn viết:
          “Tôi là: Lê Hống Thiện, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện đang sinh sống tại thị xã Hưng Yên – tỉnh Hưng Yên. Tôi kính đề nghị Báo Văn nghệ trẻ một việc như sau:
          Cách đây 30 năm, Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có in bài thơ “Hoa sen” của tôi viết cho thiếu nhi. Sau này bài “Hoa sen” còn được các tuyển thơ chọn in lại. Tôi cũng đưa bài này vào tập “Nắng trong vườn” của mình. Bài thơ ấy như sau:

HOA SEN
Lấy thân làm bấc
Lấy nước làm dầu
Hoa thành ngọn lửa
Đỏ hồng bên nhau
 
Bông vươn lên trời
Bông in mặt nước
Bông chìm, bông nổi
Trông đẹp cả đôi
 
Mặc mưa, mặc nắng
Không gì chở che
Thắp suốt mùa hè
Thơm tròn ba tháng.

Thời gian gần đây vô tình tôi có trong tay tập thơ “Cây mùa hè, cây mùa đông” của ông Phạm Trường Thi hiện đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định. Tôi đọc thì bỗng giật mình phát hiện ra bài “Đèn sen” trong tập của ông Thi rất giống bài “Hoa sen” của tôi. Nó giống cả về ý tưởng, hình ảnh, hình tượng, cách ví von. Ông Phạm Trường Thi chỉ khôn khéo làm cho nó có vẻ khác đi về hình thức: Bài “Hoa sen” của tôi viết theo thể thơ bốn chữ, bài “Đèn sen” của ông Thi viết theo thể lục bát. Hai câu cuối ông Thi thêm hình ảnh đàn cá đua bơi, mở hội dưới trời đèn sao thì nó cũng không che đậy được sự giống nhau giữa hai bài thơ. Bài “Đèn sen” của ông Phạm Trường Thi như sau:

ĐÈN SEN
Hoa sen như thể ngọn đèn
Cuống sen là bấc, buông trên mặt hồ
Đèn sen ngọn nhỏ, nhọn to
Dầu là nước, chẳng bao giờ cạn vơi
Trong hồ đàn cá đua bơi
Ngày ngày mở hội dưới trời đèn sao.

Tôi rất mong báo công bố  bài viết này của tôi để bạn đọc thấy được một kiểu đạo thơ rất tinh vi đang thịnh hành. Qua báo Văn nghệ trẻ tôi muốn Hãng bảo hộ quyền tác giả của Hội Nhà văn Việt Nam vào cuộc phân định giúp. Với ông Phạm Trường Thi tôi mong một lời xin lỗi của ông trên báo và đề nghị ông kể từ nay không đưa bài “Đèn sen” vào bất cứ tập thơ nào nữa. (Hết trích).
          Trước văn bản trên, bạn đọc hoang mang không biết sự thật là thế nào. Một số người thì căn cứ vào nội dung văn bản nêu trên và sự giống nhau của hai bài thơ, cứ đổ riệt cho Phạm Trường Thi đạo văn. Một số người lại cho rằng cái “đơn” của Nhà thơ Lê Hồng Thiện chẳng qua cũng chỉ là vớ vẩn như những thư nặc danh hoặc mượn danh, chả có giá trị gì. Theo Phạm Trường Thi thì anh viết bài “Đèn sen” lấy tứ và ý trong ca dao.  Ông Trần Mỹ Giống – Hội viên bộ môn Nghiên cứu sưu tầm Hội VHNT Nam Định có lần khoe với bạn đọc bản thảo một bài bình thơ “Đèn sen” của Phạm Trường Thi, nhưng sau đó không thấy in ở đâu. Khi chúng tôi cung cấp bài “Hoa sen”  và đơn kiện ông Thi đạo thơ của Lê Hồng Thiện, ông Trần Mỹ Giống lấp lửng: “Biết đâu Phạm Trường Thi công bố bài “Đèn sen” trên báo trước Lê Hồng Thiện thì sao?” Nói vậy, chả hóa ra là ông Lê Hồng Thiện vu oan giáng họa cho ông Phạm Trường Thi? Và chính ông Lê Hồng Thiện đạo thơ ông Phạm Trường Thi chứ không phải ngược lại?
          Vì danh dự uy tín của một Nhà văn Việt Nam, vì những băn khoăn của bạn đọc Nam Định, chúng tôi đề nghị Nhà thơ Lê Hồng Thiện và Nhà thơ Phạm Trường Thi lên tiếng trên trannhuong.com hoặc trên công luận giúp bạn

Đinh Phương – Hoài Ngọc Anh