Trang chủ » Tin văn và...

Chọn thơ sai để... thả trong ngày thơ Việt Nam

Phạm Khải
Thứ tư ngày 18 tháng 2 năm 2009 5:38 AM

Việc trích sai thơ không phải là căn bệnh mới khởi phát trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VII này, mà ngay từ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IV: 53 trường hợp được trích dẫn (và được đính lên những quả bóng bay sau đó) thì có tới hàng chục trường hợp bị trích sai.

Mặc dù đã có không ít nhà thơ thổ lộ rằng, trong mấy năm trở lại đây, họ dường như không còn để mắt tới những câu thơ được gọi là hay và được chọn để thả lên trời cao trong Ngày Thơ Việt Nam tổ chức vào Rằm Tháng Giêng hàng năm tại Văn Miếu, Hà Nội, song không thể phủ nhận một thực tế: Tiết mục thả thơ hiện vẫn được xem là một tiết mục độc đáo của Ngày Thơ. Và, trong bầu không khí thành kính, trang nghiêm, đông đảo bạn yêu thơ vẫn dõi theo hình ảnh 50 quả bóng bay mang theo 50 tấm lụa đỏ có in thơ được thả vào khoảng không vô tận.
 
Bản thân người viết bài này cũng từng nhiều lần ngước mắt nhìn lên tầng cao với một sự xốn xang xúc động. Và rồi, những câu hỏi cứ vẩn vơ hiện ra: Liệu khi những quả bóng bay tan vỡ, những tấm lụa thơ kia sẽ rớt xuống đâu? Liệu những người dân khi vô tình lượm được chúng, họ có nghĩ rằng đó là những câu thơ hay được tích cóp từ bao đời của cả một dân tộc với hàng triệu người làm thơ không? Hay chỉ xem đó là những câu chữ cung quăng, vô duyên, vớ vẩn...? Bất chợt, liên hệ tới những câu thơ được in dưới dòng phụ đề 50 câu thơ hay thả tại sân thơ Văn Miếu, Hà Nội trên số Báo Văn Nghệ ra ngày 7/2/2009, tôi không khỏi có cảm giác... bứt rứt.
 
 
.
Đã có những câu thơ ít thuyết phục và có cả trường hợp bị trích dẫn... sai!
Trước tiên, xin hãy đề cập tới những câu thơ mà theo tôi, chưa xứng với tên gọi thơ hay.
Chúng ta đều biết, hiện cả nước phải có tới vài nghìn nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Trung ương và các tỉnh, thành. Như vậy, bình quân mỗi năm cũng phải có tới hàng chục ngàn bài thơ, hàng chục vạn câu thơ của các tác giả này ra mắt công chúng. Ấy là chưa kể tới đội ngũ đông đảo những người làm thơ không chuyên trong cả nước. Nói vậy để thấy, tuy chỉ chọn 50 câu thơ, lại không giới hạn thời gian, song những người tuyển chọn vẫn để lọt lưới không ít những câu chất lượng non, lép, thì quả là điều rất đáng ngạc nhiên.
 
Vẫn biết văn chương tự cổ vô bằng cớ, song với những câu thơ:
Con mang cả trái tim Người
Đi vào trận đánh sáng ngời lòng tin
nhiều người đã phải đặt câu hỏi: Có gì đặc sắc trong mấy câu thơ này? Có tác giả còn cho rằng, với sự sơ lược, mòn sáo của nó, bình thường ra, ở vào thời điểm hiện nay, cũng khó mà được... đăng, huống hồ lại còn được xếp vào hạng... thơ hay. Ấy là chưa kể sự khập khiễng về ý tưởng: Người ta có thể nói mang ý chí, mang tinh thần của Bác vào trận đánh, chứ sao lại mang cả trái tim Người/ Đi vào trận đánh…? Cách nói tưởng là khái quát song thực chất lại không thơ một chút nào!
 
Hai câu thơ:
Em, tóc hay cỏ mà thơm
Bay rối bời giữa gió

cũng khiến không ít nhà thơ phải lấy làm thắc mắc. Rõ ràng, ngoài sự trúc trắc về cấu trúc vần điệu, người ta chẳng thấy nó có gì đặc sắc về ý tưởng. Ví tóc em như cỏ - một liên tưởng không có gì mới, và cũng không hay. Dân gian chẳng đặt tên cho một loài cỏ là cỏ tóc tiên đấy sao? Còn tóc... bay rối bời giữa gió, cái ý ấy thì có gì đặc biệt?
 
Người ta có thể tìm thấy những câu tương tự trong các bài... bút ký, các truyện ngắn, tiểu thuyết được in ra từ nhiều năm trước. Điều ấy nói lên rằng, câu thơ chẳng những không đem tới cho độc giả một ý gì mới, mà về cách diễn đạt, nó lại như thể một câu... văn xuôi. Được biết, tác giả của hai câu thơ được trích dẫn trên là một nghệ sĩ đa tài. Sẽ chẳng khó khăn gì để tìm ra trong sự nghiệp thi ca của ông những câu thơ trên tầm những câu thơ này. Tiếc là người tuyển chọn đã làm việc có phần hời hợt. Yêu nhau như thế hóa bằng hại nhau.
Tương tự trường hợp trên, hai câu thơ:
 
Những cọc tiêu là những cô em gái
Thanh thản đứng bên đường trọng điểm - xe lên
 
về cách diễn đạt cũng... trúc trắc, mà về ý tưởng cũng không có gì mới. Người đọc hoàn toàn có thể tìm thấy cách liên tưởng này (Những cọc tiêu là những cô em gái) trong khá nhiều bài bút ký, ghi chép viết về những cô gái Thanh niên xung phong thời chống Mỹ.
 
Thi hào Nga Maiacốpxki từng viết: Có những điều chỉ có thể nói được bằng thơ. Vậy có cần đến thơ không khi mà những câu như thế, người ta có thể bắt gặp một cách dễ dàng trong các bài... báo.
Mặc dù được dẫn ra từ một bài thơ khá hay về đề tài lãnh tụ, song hai câu:
 
Bác gieo giống bốn phương trời
Một ngòi bút cũng sáng ngời lưỡi lê
lại khiến không ít nhà thơ cảm thấy... phân vân. Theo ý họ, đó là những câu thơ có cách dùng chữ khá... vụng. Người viết bài này cũng nhận thấy như vậy. Vả chăng, Một ngòi bút cũng sáng ngời lưỡi lê là một cách nói chưa thật chuẩn xác, thấu đáo về giá trị nhân văn của các trang viết của Bác.
 
Nhà thơ Hoàng Trung Thông nhân đọc thơ Bác đã có hai câu: Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông bát ngát tình. Thế đó, cũng nói về chất thép trong thơ Bác, song nhận định của Hoàng Trung Thông tầm vóc và thấu tình hơn nhiều. Giá như người tuyển chọn thay hai câu thơ nói trên bằng hai câu của Hoàng Trung Thông thì độc giả dễ ưng thuận hơn.
 
Trong các thi gia cổ điển, tác giả Truyện Kiều được chọn hai câu:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
 
Thật là không đắc địa khi người tuyển chọn đã chọn của cụ Nguyễn hai câu này, bởi nó dễ dàng gợi cho người yêu thơ nhớ tới câu Đào hoa y cựu tiếu đông phong của thi sĩ Thôi Hộ (đời Đường - Trung Quốc) mà cụ Nguyễn đã mượn ý. Có người không kìm được, đã thốt lên: Cụ Nguyễn Du đâu có thiếu thơ hay đến độ phải chọn thế kia....
 
Bây giờ, xin được nói một chút về việc trích sai thơ.
Đọc hai câu thơ của Hàn Mặc Tử được in trên lụa và thả lên trời:
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Tôi với hồn hoa cứ lặng thinh
 
tôi không khỏi... ngỡ ngàng. Đọc Tuyển tập Hàn Mặc Tử (NXB Văn học ấn hành năm 1987), không thấy có cặp câu nào được sắp xếp theo trình tự như trên cả, mà chỉ thấy (trong bài Huyền ảo), câu Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh (vẫn nín chứ không phải cứ lặng) đứng ở vị trí thứ 9 trong bài, và câu ánh trăng mỏng quá không che nổi thì đứng mãi ở tận vị trí thứ... 17. Điều ấy có nghĩa là, hai câu trên được ghép một cách hết sức lộn xộn: Câu thứ 17 được ghép liền với câu thứ 9, và được xếp ở vị trí... trên. Thảo nào mà đọc hai câu thơ, người đọc không hiểu mô tê gì cả, không hiểu ánh trăng mỏng quá không che nổi là không che nổi cái gì.
Thì ra, nguyên văn của đoạn thơ này là: Ánh trăng mỏng quá không che nổi/ Những vẻ xanh xao của mặt hồ/ Những nét buồn buồn tơ liễu rủ/ Những lời năn nỉ của hư vô. Một khổ thơ hay đến thế mà bị cắt vụn đến cụt cả câu, lạc cả ý, thật tiếc. Có thể nói, nếu không phải là vì lý do trí nhớ suy tàn, dẫn đến nhớ nối, nhớ lộn xộn, thì đó là sự cắt xén, gán ghép thơ hết sức vô lối, tùy tiện, và phải nói là... thô bạo.
 
Câu thơ Anh sẽ về cho đá lại là em cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đúng ra nó phải được trích dẫn cả cặp: Người hóa đá trọn đời nhan sắc/ Anh sẽ về cho đá lại là em, như vậy mới trọn nghĩa, mới đủ sức khái quát. Và, một điều rất đáng chê trách những người tuyển chọn là: ở số báo Văn nghệ đã dẫn, họ ghi tên tác giả câu thơ này là Vương Trọng, trong khi đó đích thị  là thơ Nguyễn Đức Mậu (trong Trường ca sư đoàn).
Người viết những dòng này, cách đây 20 năm đã có bài viết về nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, trong đó có một đoạn bình khá dài về cái hay của hai câu thơ trên, cho nên có thể khẳng định mười mươi như vậy.
 
Hai câu:
Chiều đắng lặng nghe tiếng cười cuối bãi
Trăng lại treo mơ mộng trước hiên nhà
vốn dĩ là 2 câu kết trong bài thơ Dấu vết tháng ngày của nhà thơ Hoàng Trần Cương, song nếu ghi chính xác phải là: Chiều đứng lặng nghe tiếng người cuối bãi (đứng lặng chứ không phải đắng lặng; tiếng người chứ không phải tiếng cười). Có thể câu thơ nhớ sai kia chưa hẳn đã kém hay hơn so với câu thơ gốc, song đơn giản nó không đúng với những gì mà Hoàng Trần Cương đã viết. Trước sau cần phải tôn trọng tác giả.
Hai câu:
 
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình
cũng có thể khiến người yêu thơ Lưu Quang Vũ ngạc nhiên, bởi bấy nay, họ chỉ quen với câu thơ Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình (xin xem các cuốn Lưu Quang Vũ - thơ tình , NXB Văn học, 2002; Lưu Quang Vũ - tài năng và lao động nghệ thuật - NXB Văn hóa Thông tin, 2001, do chính nhà phê bình văn học, TS Lưu Khánh Thơ - em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ biên soạn). Phải chăng, câu thơ Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình được dẫn theo bản viết tay ban đầu của tác giả như có người đã thông tin cho tôi? Theo quan điểm của tôi, khi chọn thơ, chúng ta nên căn cứ vào văn bản chính thức mà sinh thời, tác giả đã cho công bố và trở nên phổ biến với bạn đọc, như vậy là chúng ta vừa tôn trọng tác giả, vừa tôn trọng độc giả.
 
Hai câu:
Nào ai là kẻ tìm ai đó
Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà
 
vốn dĩ là hai câu kết của bài Đêm dài của Tú Xương, và chữ tìm ai đó đúng ra phải là tìm ta đó (Xem Tú Xương - Thơ và đời , NXB Văn học, 1996, trang 127). Chỉ vì sai một chữ mà câu thơ thành ra... tối nghĩa.
Như vậy, chỉ đối chiếu sơ sơ đã thấy nhóm tuyển chọn mắc sai sót khá nhiều. Nhân đây cũng phải nói thêm: Việc trích sai thơ không phải là căn bệnh mới khởi phát trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VII này, mà ngay từ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IV, đối chiếu với những câu thơ được chọn và được công bố trên Báo Văn Nghệ số ra ngày 18/2/2006, chúng tôi cũng nhận thấy, trong số 53 trường hợp được trích dẫn (và được đính lên những quả bóng bay sau đó) thì có tới hàng chục trường hợp bị trích sai.
 
Ví như câu thơ Núi vẫn đôi mà anh mất em của Vũ Cao được nhớ ra thành: Núi vẫn đây mà anh mất em; câu Người hóa đá trọn đời nhan sắc/ Anh sẽ về cho đá lại là em của Nguyễn Đức Mậu thành Người hóa đá trọn thời nhan sắc; câu Tài cao, phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương của Tản Đà thành Trời cao, phận thấp, chí khí uất; câu Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi của Ngân Giang thành Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi vv và vv.
 
Không thể muộn hơn được nữa, đã đến lúc lãnh đạo Hội Nhà văn phải đặc biệt chú trọng tới khâu chọn thơ cho Ngày Thơ Việt Nam, không thể khoán trắng cho một nhóm nào đó mà không có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia am tường về thơ và cả những bạn đọc yêu thơ... Bởi, chỉ có vậy thì Ngày Thơ Việt Nam mới thực sự trở nên có ý nghĩa, mới thực sự là dịp để tôn vinh thơ - tôn vinh những giá trị đích thực
 
Nguồn:CAND