Trang chủ » Tin văn và...

30 năm ngày cuộc chiến tranh 17-02-1979

Nguyễn Trung
Thứ hai ngày 16 tháng 2 năm 2009 3:36 PM
Thêm bớt hay viết lại lịch sử chỉ nuôi dưỡng hiềm khích, khoét sâu thêm quá khứ. Trí nhớ có thể phai mờ, lịch sử thì không. Còn muốn khép lại quá khứ và hướng về tương lai, nhất thiết phải sòng phẳng với lịch sử, tất cả để vượt qua mọi bất đồng và để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau – nền tảng cho mối quan hệ láng giềng giữa hai nước
 
Từ nhiều tháng nay không hiếm trên nhiều mạng Trung Quốc các bài về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung tháng 2 năm 1979. Đương nhiên mỗi bài một cách nhìn về sự kiện đen tối nhất này trong lịch sử ngoại giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Qua lời dịch của bạn bè, tôi được biết những bài này có nhiều nội dung, ý tứ khác nhau. Nếu hỏi tôi nghĩ gì về những bài này, câu trả lời của tôi sẽ là: Rất cần có những nỗ lực nghiêm túc để cả hai bên cùng nhau thực sự khép lại quá khứ, hướng về tương lai.
Mọi người còn nhớ, vào ngày 17 tháng hai cách đây 30 năm, đại binh Trung Quốc gồm 9 quân đoàn chủ lực và 3 sư đoàn độc lập ầm ầm tiến vào đánh phá đồng loạt toàn bộ 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta – cuộc chiến tranh quy mô lớn nhất của Trung Quốc kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Tham chiến cùng với đạo quân 60 vạn bộ binh Trung Quốc này có hàng trăm xe tăng, hàng nghìn pháo, súng cối, dàn hỏa tiễn – ngoài ra hạm đội Nam Hải trực ngoài biển và không quân Trung Quốc sẵn sàng ứng phó.
Chiến sự diễn ra đẫm máu vào sâu 6 tỉnh nói trên, giao tranh ác liệt với phía Việt Nam cho đến ngày 18 tháng ba năm 1979; sau đó quân Trung Quốc rút về chốt các điểm trên biên giới hai nước để tiếp tục các cuộc bắn phá tranh giành biên giới. Xung đột biên giới kéo dài cho đến gần hết năm 1988 mới chấm dứt, sau đó là thời kỳ thương lượng bình thường hóa quan hệ.
Đạo quân Trung Quốc tàn sát và gây thương vong lớn tại chỗ, phá hủy nặng nề tại các nơi có chiến sự. Các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và một số thị trấn khác bị san phẳng. Các cuộc bắn phá tranh giành biên giới tiếp theo rộ lên ác liệt nhất trong các năm 1984-1985 - điển hình là các cuộc chiến xảy ra tại Núi Đất thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, nơi quân hai bên có nhiều trận huyết chiến giáp lá cà, có trận quân số mỗi bên tham gia là hàng nghìn người, phía Trung Quốc có những trận pháo kích ròng rã ngày đêm vào trận địa này, có khi suốt cả tuần lễ không nghỉ.
Nguyên nhân xa gần về cuộc chiến tranh trên đất Việt Nam này có rất nhiều. Phía Trung Quốc hồi đó tuyên bố công khai với lời lẽ vô tiền khoáng hậu trong lịch sử quan hệ quốc tế là nhằm “Dậy cho Việt Nam bài học”. Ngoài ra năm này qua năm khác Trung Quốc giải thích trong nội bộ: đây là cuộc chiến tranh tự vệ, chống Việt Nam phản bội.
Rồi đây các thế hệ thiện chí hiện nay và sau này của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ còn phải mất nhiều công sức tìm hiểu rạch ròi các nguyên nhân dẫn tới việc Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh này và rút ra những kết luận xác đáng, có lợi cho việc phát triển quan hệ tốt giữa hai nước. Lẽ đơn giản là muốn tránh những sự cố đau đớn cho hiện tại và trong tương lai, muốn duy trì và phát triển những thành quả của mối quan hệ láng giềng tốt mà nhân dân hai nước đang cố gắng khép lại quá khứ để hướng tới, thì không được quay lưng lại với lịch sử.
Hãy để cho các công trình nghiên cứu khoa học dẫn đến các đánh giá, kết luận đúng đắn. Tuy nhiên, phải nói 30 năm đã trôi qua, nhưng vẫn nóng bỏng câu hỏi: Vì sao từ chỗ ủng hộ và viện trợ to lớn cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung Quốc lại phát động cuộc chiến tranh quy mô lớn và tàn bạo như vậy?
Nhìn lại các chuỗi sự kiện rối rắm, ai cũng thấy quan hệ núi liền núi sông liền sông Việt – Trung rạn nứt từ những năm đầu thập kỷ 1960, đổ vỡ từ sự kiện Kissinger đi thăm Trung Quốc, Thông cáo chung Thượng Hải hai nước Trung Quốc và Mỹ năm 1972, sau đó là bình thường hóa quan hệ Trung – Mỹ. Giữa lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đi vào thời kỳ quyết định. Trong thời kỳ này quan điểm của Trung Quốc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta có sự thay đổi, đại ý là: chổi ngắn không quét được rác xa, Việt Nam nên coi thống nhất đất nước là sự nghiệp hàng trăm năm.
Sau ngày giải phóng miền Nam Việt Nam 30 tháng tư năm 1975 quan hệ Việt – Trung tiếp tục xấu đi, nhất là từ khi lực lượng Khmer đỏ triển khai hàng loạt cuộc tấn công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam, mở đầu là cuộc đột kích và đảo Phú Quốc ngày 4-7-1975, rồi vào đảo Thổ Chu ngày 10-7-1975... Rồi đến các cuộc tấn công mang tính tàn sát man rợ của Khmer đỏ tháng 4 và tháng 7 năm 1977 vào sâu 10 km trong lãnh thổ Việt Nam tại các tỉnh An Giang và Tây Ninh.
Nhớ lại, hồi đó không ít người đặt câu hỏi: Vì sao Khmer đỏ dám liều lĩnh tấn công kẻ đã thắng Mỹ - sự hận thù quá sâu sắc? được khích lệ? hay là vì cả hai?... Những câu hỏi này cộm lên, bởi vì sau ngày 30-04-1975 những cuộc đánh phá, giết chóc của Khmer đỏ ở phía Nam Việt Nam diễn ra rất sớm và ngày càng tăng. Đồng thời tình hình trên biên giới Việt – Trung trở nên căng thẳng, nhất là tại khu vực 300 mét nối ray đoạn đường sắt Hữu nghị quan. Một vài năm sau đó xảy ra vấn đề “nạn kiều” trong toàn Việt Nam - tương tự như “vấn đề người Hoa” ở Indonesia trước đó...
Quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng tột độ khi quân đội Việt Nam sau 12 tháng 7 ngày đã quét sạch Khmer đỏ ra khỏi Phnompenh ngày 7-1-1979 và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. 40 ngày sau đó là cuộc chiến tranh quy mô lớn của Trung Quốc vào toàn bộ biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Quãng thời gian 1972 -1979 cũng là thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh và đồng thời cũng là thời kỳ tranh giành ảnh hưởng quyết liệt với nhau giữa 3 nước lớn chi phối bàn cờ thế giới hồi ấy là Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ, tác động đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sau đó là một chặng đường dài gian khổ không ít máu và nước mắt, kể từ cuộc chiến tranh này đi tới bình thường trở lại quan hệ giữa hai nước Việt – Trung, và hôm nay là quá trình gian khổ xây dựng lại mối quan hệ hòa bình, hợp tác, hữu nghị, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Thực tế chặng đường này cho thấy: Hướng về tương lai có nghĩa là phải làm mọi việc hàn gắn những đổ vỡ trong quá khứ, càng không thể tái diễn những sai lầm cũ, và trên hết cả là phải làm mọi việc xây dựng sự hợp tác hữu nghị trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Thế giới hôm nay đã hoàn toàn thay đổi so với cách đây 30 năm, vừa tạo ra cho hai nước những thuận lợi to lớn cho xây dựng mối quan hệ láng giềng cả nhân dân hai nước đều mong muốn, vừa đặt ra cho hai nước nghĩa vụ thông qua sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ này góp phần mình vào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thêm bớt hay viết lại lịch sử chỉ nuôi dưỡng hiềm khích, khoét sâu thêm quá khứ. Trí nhớ có thể phai mờ, lịch sử thì không. Còn muốn khép lại quá khứ và hướng về tương lai, nhất thiết phải sòng phẳng với lịch sử, tất cả để vượt qua mọi bất đồng và để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau – nền tảng cho mối quan hệ láng giềng giữa hai nước. Hơn nữa Lịch sử có thể và luôn luôn là người thầy tốt cho thiện chí. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu của hai quốc gia nên gặp gỡ nhau hội thảo khoa học, trao đổi ý kiến cởi mở, tiếp tục cổ vũ cho những nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền vững giữa hai nước./.

Nguồn: đienan.org