Trang chủ » Tin văn và...

Văn học mạng là giấc mơ có thực tại Trung Quốc

Thanh Huyền
Thứ sáu ngày 20 tháng 2 năm 2009 9:47 PM
 
Nếu không nhờ có Internet, Mộ Dung Tuyết Thôn có thể vẫn là giám đốc bán hàng cho một công ty xe hơi tại Thành Đô. Đó là công việc anh làm trước khi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong những lúc tranh thủ lên mạng tại văn phòng của công ty, từ năm 2001.
 
Tuần này qua tuần khác, Mộ Dung lần lượt tung những mẩu truyện mới lên mạng, để dần dà dựng nên bức tranh sinh hoạt nơi đô thị mà anh sống. Câu chuyện về tình dục, tình yêu, ma túy cờ bạc của anh hấp dẫn đến độ chúng được lan truyền từ diễn đàn này sang diễn đàn khác.

Đến nay, nhà văn 35 tuổi được đánh giá là một trong những tác giả nổi tiếng trong nền văn học đương đại Trung Quốc. Tác phẩm đầu tay của anh - Thành Đô, hãy quên tôi đêm nay - đã được hàng triệu cư dân mạng đón nhận, được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình và dịch sang tiếng Đức, Pháp, Anh. Anh được coi là một trong những người tiên phong của loại hình văn học mạng ngày càng trở nên phổ biến đối với các cây bút trẻ ở Trung Quốc. Họ coi Internet là sân ga để khởi hành cho các tác phẩm của mình - nơi mà chế độ kiểm duyệt của nhà nước còn chưa đụng tới. Thay vì im lặng, một thế hệ nhà văn trẻ Trung Quốc đã khẳng định được tiếng nói của mình trên các trang web.
 
 
Văn học cũng trở thành một loại hình giải trí trên mạng. Ảnh: CNN.

Đó là một cuộc cách mạng lớn. Khi bạn viết ra một tác phẩm nào đó trên mạng vì không thể xuất bản thành sách, thì nghĩa là bạn đã tạo ra sự thay đổi, nhà văn Dương Hằng Quân - người cũng giới thiệu sáng tác đầu tay trên Internet - nhận xét.

Thập kỷ qua là thời gian bùng nổ các website và các diễn đàn văn học mạng tập hợp hàng nghìn sáng tác của các tác giả chưa từng có tên tuổi trước đó. Tác phẩm của họ được hàng triệu người sử dụng Internet đón đọc. Hiện tượng đó đã làm dấy lên những đoán định rằng, trong tương lai, công việc sáng tác, cũng như thưởng thức văn học ở Trung Quốc sẽ diễn ra trong không gian ảo.

Đó là xu hướng tất yếu xảy ra trong thời đại Internet phát triển chóng mặt. Những con người bình thường bỗng nhận ra rằng, họ hoàn toàn có thể làm chủ thế giới tốt hơn là một bộ phận truyền thông hoặc những tầng lớp tinh hoa trước đây vẫn nắm giữ báo chí và văn học nghệ thuật, Hou Xiaoqiang - giám đốc Shanda Literature - một bộ phận của tập đoàn giải trí Shanda cho biết.
Shanda sở hữu bản quyền của hơn 200.000 tác phẩm online và lần lượt chuyển nhượng cho các công ty giải trí khác.

Văn học là điểm xuất phát của tất cả các loại hình giải trí. Nó cung cấp vô số gợi ý cho các trò chơi, sáng tác âm nhạc, kịch và điện ảnh. Sự thiếu hụt các tác phẩm văn học có chất lượng là nguyên nhân làm nghèo nàn các hình thức giải trí ở Trung Quốc, Hou nói thêm.

Rất nhiều tác giả trẻ Trung Quốc, đặc biệt là các cây bút nữ kiên nhẫn tung tác phẩm của mình lên mạng với hy vọng may mắn được hàng triệu người đón đọc như Mộ Dung. Các cửa hàng sách ngày nay cũng dành những ưu tiên nhất định cho các đầu sách có nguồn gốc từ văn học mạng, trong đó An Ni Bảo Bối là tác giả ăn khách nhất.
Người Mỹ có giấc mơ Mỹ, người Trung Quốc có giấc mơ về văn học mạng, cô sinh viên Dai Yingniao nhận xét. Yingniao cho biết, bạn bè cô rất thích đọc những tác phẩm văn học giả tưởng, lãng mạn được tung lên Internet.

Sâu xa hơn, người ta cho rằng, điều này làm giảm áp lực của người viết về chính sách kiểm duyệt. Nếu gặp khó khăn gì về thủ tục ấn hành, họ có thể đưa tác phẩm của mình công khai lên mạng. Đó là điều trước đây chưa từng có.
(Nguồn: CNN)

 
Nguồn:Evăn