Trang chủ » Tin văn và...

Có thể chất vấn Bộ Chính trị, Tổng Bí thư

TS Lê Văn Giảng
Thứ tư ngày 18 tháng 2 năm 2009 9:00 AM
 
TP - Sau bài trả lời phỏng vấn Tiền Phong của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, hôm qua, 16/2, Tiến sỹ Lê Văn Giảng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trả lời phỏng vấn Tiền Phong. Ông nói: “Quy chế cho phép chất vấn cả Bộ Chính trị, Tổng Bí thư...”.
 
Chất vấn là quyền của đảng viên
 
Thưa ông, vì sao đến tháng 5/2008 mới có Quy chế Chất vấn trong Đảng, dù việc chất vấn được quy định trong Điều lệ Đảng từ lâu?
Đúng là như vậy! Chất vấn còn là quyền của đảng viên. Lâu nay thường thì những quy định trong Điều lệ Đảng đều được giao cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư hướng dẫn nhưng, không hiểu sao, quy định về chất vấn chưa có cơ quan nào tham mưu, xây dựng quy chế cụ thể.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chưa giao cho một cơ quan nào tham mưu. Đến năm 2002 (nhiệm kỳ ĐH IX), mới có quy chế về chất vấn trong Hội nghị Ban chấp hành T.Ư, quy định rõ về mục đích, yêu cầu, đối tượng được chất vấn, nội dung, phương pháp chất vấn.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sơ kết, đánh giá nào về việc chất vấn trong Ban Chấp hành Trung ương. Đến đầu nhiệm kỳ ĐH X, Điều lệ Đảng giao thêm cho Ủy ban kiểm tra các cấp chức năng giám sát. Mà muốn giám sát thì phải chất vấn, chất vấn cũng là hình thức giám sát.
Trong chương trình hội nghị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tùy thuộc vào số lượng và nội dung chất vấn mà dành thời gian thích hợp để chất vấn và trả lời chất vấn
(Điều 7, Hướng dẫn thực hiện Quy chế Chất vấn, ngày 14/7/2008 của Ủy ban KTTƯ)
 
Chính vì vậy, Ủy ban Kiểm tra T.Ư mới tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị, ban hành Quy chế Chất vấn trong Đảng, để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát.
Thưa ông, theo Quy chế Chất vấn trong Đảng, việc chất vấn được giới hạn trong hội nghị cấp ủy và Ban Thường vụ. Hội nghị cấp ủy  ở đây được hiểu như thế nào?
Chúng tôi nghĩ đơn giản chất vấn là có người hỏi và người trả lời. Hội nghị cấp ủy ở đây là hội nghị của cấp ủy Đảng từ chi bộ tới Ban Chấp hành Trung ương. Là hội nghị mà có các ủy viên của tổ chức Đảng đó tham dự.
Ví dụ tỉnh ủy viên tham dự hội nghị ban chấp hành tỉnh ủy có quyền chất vấn ban thường vụ, thường vụ tỉnh ủy, bí thư tỉnh ủy. Trong hội nghị Ban Chấp hành T.Ư, các ủy viên có quyền chất vấn Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Chỉ có điều, ủy viên ở cấp nào thì chỉ được chất vấn ở cấp đó, chứ không được chất vấn vượt cấp.
Ngại chất vấn?
Như ông nói, năm 2002 đã có quy định về chất vấn trong Hội nghị BCH T.Ư. Khi đó, việc chất vấn tại Hội nghị của BCH T.Ư có chuyển biến gì so với trước khi có quy chế chất vấn?
Đúng là năm 2002 đã có quy định nhưng vẫn chưa tổ chức bài bản được. Tôi là Ủy viên Ủy ban KTT.Ư Đại hội IX, X thì thấy việc chất vấn cũng chưa có chuyển biến rõ nét.
Theo tôi biết, có lần đồng chí Tổng Bí thư nói, điểm lại từ năm 2002, khi ban hành quy chế đến hết nhiệm kỳ (2006), cũng chỉ có ba ý kiến chất vấn trong hội trường. Nên việc chất vấn thời gian đó cũng chưa thành nếp.
Theo ông, vì sao ít ý kiến chất vấn như vậy?
Có thực tế là khi thảo luận tổ thì có rất nhiều ý kiến thảo luận, thậm chí là trái ngược nhau. Theo tôi thì việc hỏi, trả lời khi thảo luận tổ cũng là chất vấn. Nhưng khi ra hội trường thì, có thể do thời gian ít, ai có ý kiến cũng đã nói ở thảo luận tổ rồi, nên ra hội trường không chất vấn nữa. Mặt khác, vấn đề chất vấn trong Đảng cũng là mới; lại mới có hướng dẫn nên mọi người cũng chưa quen.
Việc chất vấn còn ít có phải do ban tổ chức không bố trí nội dung chất vấn trong lịch làm việc, kiểu như Quốc hội dành hẳn ba ngày chất vấn trong mỗi kỳ họp, thưa ông?
Cũng không hẳn. Tại Hội nghị lần 9 (ĐH X) vừa rồi, ban tổ chức dành hẳn một ngày để chất vấn nhưng không có ai chất vấn, nên phải đẩy chương trình làm việc lên.
Quy chế Chất vấn ban hành từ tháng 5/2008 nhưng, với các cấp ủy Đảng, còn rất mới, gần như chưa thực hiện được. Theo ông, làm thế nào để Quy chế được triển khai sâu, rộng, tạo thành nếp sinh họat dân chủ trong Đảng?
Trước hết phải quán triệt quy chế này trong các tổ chức Đảng, đảng viên. Phải hiểu mục đích yêu cầu, chủ thể, đối tượng, nội dung, quyền của người chất vấn và người được chất vấn. Đã là quy chế thì đảng viên phải hiểu, và phải tổ chức thật khéo, làm thế nào để đảng viên hiểu rõ.
Chất vấn là hỏi và trả lời, nếu thấy vấn đề chưa rõ thì có thể hỏi tiếp, chưa tâm phục khẩu phục thì hỏi thêm. Nếu chưa trả lời được trong hội nghị, sau 15 ngày có thể trả lời bằng văn bản.
Quán triệt quy chế, dẫn tới đảng viên có nhận thức vấn đề này, là cần thiết để tạo nếp sinh họat dân chủ trong Đảng. Các cấp ủy Đảng cũng phải khéo tổ chức. Và có quan niệm chất vấn để xây dựng, không nên bới móc, đi sâu vào đời tư cá nhân, ảnh hưởng uy tín cá nhân. Người chất vấn không nên lợi dụng chất vấn để phục vụ động cơ cá nhân, không chính đáng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức.
Tôi nghĩ, một số người còn ngại chất vấn vì sợ trù dập, định kiến, thậm chí sợ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo. Cho nên tôi nhấn mạnh chất vấn phải mang tính xây dựng, không gắn với động cơ cá nhân.
Chất vấn đến cùng
Theo ông, chất vấn trong Đảng có gì khác so với chất vấn trong Quốc hội?
Tôi chưa được chứng kiến chất vấn trực tiếp trong Quốc hội, chỉ xem qua ti vi nhưng thấy hình thức chất vấn gần giống nhau. Đại biểu quốc hội hỏi và người được hỏi trả lời, chất vấn trong Đảng cũng vậy thôi.
Ở Quốc hội, đại biểu có thể chất vấn đến cùng một vấn đề. Còn trong Đảng việc chất vấn tới cùng có được khuyến khích?
Quy chế đã quy định rõ, khi trả lời mà người chất vấn chưa thấy rõ, có thể chất vấn thêm tại hội nghị hoặc bằng văn bản.
Sau khi Quy chế được ban hành, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kiểm tra việc thực hiện quy chế chưa, thưa ông?
Chưa có tổng kết đánh giá lại việc thực hiện ở các cấp ủy Đảng. Trong sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có đồng chí Bí thư Huyện ủy ở một huyện tại Phú Yên nói đã  thực hiện chất vấn trong hội nghị huyện ủy. Sắp tới chúng tôi sẽ đi kiểm tra thực tế, để đẩy mạnh việc thực hiện quy chế.
Theo ông, việc chất vấn trong Đảng có nên truyền hình trực tiếp. Ví dụ có thể truyền hình trực tiếp Hội nghị Ban chấp hành T.Ư Đảng?
Có những nội dung chất vấn công khai được nhưng cũng có những nội dung không công khai được. Vì vậy, tôi nghĩ không nên.
Cảm ơn ông.
Người trả lời chất vấn có quyền từ chối trả lời chất vấn những vấn đề thuộc bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước, những vấn đề không có nội dung và địa chỉ cụ thể, không thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
Ngoài ra, những vấn đề thuộc bí mật đời tư của cá nhân cấp ủy viên mà bí mật đó không vi phạm tư cách đảng viên, tư cách cấp ủy viên thì cấp ủy viên là đối tượng chất vấn cũng có quyền từ chối trả lời.
(Điều 9, Hướng dẫn thực hiện Quy chế Chất vấn ngày 14/7/2008 của Ủy ban KTTƯ)

 Nguồn TPo