Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẸ ƠI ! XUÂN NÀY CON VẮNG MẸ !

Phùng Hoàng Anh
Chủ nhật ngày 30 tháng 1 năm 2011 6:39 PM

    Mùa xuân lại đang về trên khắp mọi nẻo đường,người đi xa vô Bắc ,vô Nam,dù đi đâu vẫn nhớ về gia đình,người thân…,và tôi lại nhớ về mẹ…
         Chẳng biết duyên cớ gì mà đón xuân 2009 – Kỷ Sửu,cố nhà văn Băng Sơn tặng tôi cuốn sách Thú ăn chơi nhân dịp Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội tổng kết năm và chúc thọ các hội viên cao tuổi.Trong cuốn sách đó có in tuỳ bút : Mẹ tôi ! của nhà văn Băng Sơn viết về mẹ nhân dịp Tết đến Xuân về.Trong khói hương bảng lảng của ngày Tết, nhà văn như thấy mẹ hiện về cùng con cháu trên ban thờ tổ tiên.Mẹ nhà văn Băng Sơn mất khi ấy mới năm mươi ba tuổi đời.Cái tuổi mà dân gian coi là hạn của đời người,ai vượt qua tuổi bốn mươi chín,thì phải tiếp tục vượt qua một cột mốc quan trọng nữa,đó là tuổi năm mươi ba.Qua được hai cái hạn ấy,thì giống như cá chép đã vượt vũ môn!Nhà văn thương tiếc mà viết về mẹ thật cảm động,cho dù chúng con đã trở thành những ông lão, bà lão,tóc đã trắng phau nhưng chúng con vẫn là con của mẹ!Nhà văn Băng Sơn qua đời ngày 03 tháng 09 năm 2010,tại Hà Nội,thọ 79 tuổi.Vậy là tuổi của ông thọ hơn mẹ!
             Tôi viết đến đây là muốn kể lại câu chuyện cảm động trong thời khắc giao thừa năm 2009 mà tôi coi nó như là định mệnh của số phận mỗi con người.Đúng thời khắc giao thừa,tôi thắp ba nén hương lên cây hương ở giữa sân nhà,rồi vào bàn thờ gia tiên thắp ba nén hương để tâm hồn tĩnh tại mà tưởng nhớ về ông bà tổ tiên nhân Tết về.Mẹ tôi cũng ra giữa sân,trời mưa bay bay,mẹ thành kính thắp hương rồi chắp tay cầu trời khấn phật cầu sự an lành cho một năm mới đến với toàn gia đình,rồi mẹ đi vào ngồi ở bàn uống nước,tôi giở cuốn sách mà nhà văn Băng Sơn tặng tôi và tìm đúng bài viết : Mẹ tôi! Rồi tôi đọc từ đầu đến cuối cho mẹ tôi nghe,khi ấy mẹ tôi vẫn còn mà tôi đã dưng dưng lệ khi đọc bài viết đó.Đọc nên tôi thấy rõ tâm trạng của nhà văn,  một lòng thành kính tưởng nhớ về người mẹ hiền đã tần tảo cả đời để nuôi đàn con ,khôn lớn trưởng thành,nhưng rồi mẹ không ở lại và ra đi ở tuổi năm mươi ba…
      Và cái số nó vận vào tôi thật,coi như mùa xuân Kỷ Sửu là mùa xuân cuối cùng tôi được sống bên mẹ.Tháng mười một năm Canh Dần mẹ tôi lâm bệnh phải vào viện.Các bác sỹ bệnh viện K – Trung ương đã kết luận : Mẹ tôi bị ung thư phổi.Nghe xong lời kết luận về bệnh án của mẹ ,tôi bàng hoàng,sửng sốt,không còn tin vào tai mình nữa.Tôi không ngờ rằng bệnh của mẹ lại đến nhanh như vậy.Mặc dù,bản án đã tuyên,nhưng người Việt Nam luôn tâm niệm “ còn nước còn tát ”,và mẹ tôi nhập viện điều trị hơn một tháng thì về nghỉ ăn Tết Canh Dần,ra Xuân xuống điều trị tiếp.Không ngờ rằng,mẹ về nhà chuẩn bị đón xuân cùng con cháu sau khi ở viện về,chưa được mười ngày thì mẹ đã ra đi vĩnh viễn vào rạng sáng ngày 30 Tết năm Canh Dần ,để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng con cháu,họ hàng nội ngoại và bà con làng xóm.Tôi đau đớn vô cùng,và càng thấy cái thời khắc đêm giao thừa sang xuân Kỷ Sửu nó quan trọng như thế nào trong tiềm thức của tôi.Tôi đọc bài viết : Mẹ tôi của nhà văn Băng Sơn như có cái gì đó mà xưa nay ta cứ coi là “điềm báo”.Giờ ngẫm lại hai mùa xuân sắp đi qua ,tôi càng thấy rõ sự sắp đặt của tạo hoá đối với cuộc đời tôi.Cả cuốn sách nhà văn Băng Sơn tặng tôi,tôi tâm đắc nhất bài viết ấy,tôi lẩn thẩn thế nào mà lại lôi ra đọc cho mẹ nghe trong thời khắc giao thừa xuân Kỷ Sửu,vậy mà nó vận ngay vào cuộc đời tôi.Mẹ tôi ra đi trước nhà văn Băng Sơn chín tháng.Nhưng nhà văn lâm bệnh trọng từ hôm Tết ông Táo năm ngoái,khi tôi điện hỏi thăm thì phu nhân của nhà văn,bà Mai Phương cho biết như vậy!Vậy mà mẹ tôi đã đi trước tác giả bài tuỳ bút Mẹ tôi,ở tuổi năm mươi bảy,tức là hơn tuổi của mẹ nhà văn Băng Sơn bốn mùa xuân.
    Sắp đến ngày giỗ đầu mẹ,con buồn mà ngẫm ngợi những gì đã qua,con không ngủ được thức giấc,mở lap tốp mà viết những dòng này, thật đau xót khi con viết bài này lúc 2 giờ sáng ngày 27 tháng Chạp năm Canh Dần,khi mùa xuân sắp về,chỉ còn ba ngày nữa,tức là ngày này năm ngoái con vẫn được ngồi bên mẹ,vậy mà năm nay chúng con đã trở thành những đứa con mồ côi,mồ côi khổ lắm ai ơi!
    Trên thế giới này có bao nhiêu người con đã mất mẹ vào rạng sáng ngày ba mươi Tết,khi mà thời gian chỉ còn tính bằng giờ.Tôi không bao giờ cảm thấy lòng mình vui được mỗi độ Tết đến xuân về,bởi cái giờ phút thiêng liêng ấy,là lúc mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng để từ giã cõi trần đi vào cõi vĩnh hằng,nghĩa trang làng Phương Khê ngày ba mươi Tết năm ngoái đã đón mẹ tôi là người cuối cùng của năm về với đất Mẹ.Các bạn văn của tôi chắc chẳng bao giờ quên cái ngày lịch sử ấy,họ đã phải bớt chút thời gian vàng ngọc để đến viếng mẹ tôi vào sáng ngày ba mươi Tết,đó là hoạ sỹ Nguyễn Văn Chuốt – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội,kiêm Phó tổng biên tập tạp chí Tản Viên Sơn đại diện cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội có vòng hoa đến viếng,nhà thơ Yên Giang – đại diện của Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội và nhà nghiên cứu văn hoá Đoàn Công Hoạt cùng đến viếng.Ở Sơn Tây có nhà văn Hà Nguyên Huyến công tác ở báo Văn nghệ,Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện công tác ở Viện nghiên cứu Hán Nôm,nhà văn Đỗ Doãn Quát thân phụ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng,nhà thơ Nguyễn Khải Hưng,nhà thơ Quốc Toản cùng về viếng mẹ tôi,những tình cảm của người thân,họ hàng,bạn bè có mặt thời khắc ấy như giúp tôi làm vơi bớt đi nỗi mất mát to lớn trong cuộc đời.Ngày 17 tháng 2 năm 2010,trên báo Hà Nội mới ,số Tân Xuân,tôi chỉ kịp đăng tin Lời cảm ơn!
    Thời gian tựa thoi đưa,dân gian có câu “sống thì lâu,chết giỗ đầu nay,mai!”Những ngày này tôi đã nhận được tin nhắn,điện thoại động viên chia sẻ từ bạn bè,họ muốn tôi vơi bớt đi nỗi buồn mất mát to lớn không  gì bù đắp nổi trong cuộc đời mình.
  Ôi! Cuộc đời mỗi con người,nói như nhà văn hoá Vương Hồng Sển :“Sống là gửi,thác là vĩnh hằng”.Tôi biết mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng,nhưng những hình ảnh về mẹ đối với con cháu,người thân,giờ kể lại nghe như chuyện cổ tích!
           Mùa xuân lại về theo vòng quay của lẽ tự nhiên,chúng con luôn hướng về mẹ,mẹ kính yêu ơi!Một đời người tần tảo,hy sinh,nuôi các con khôn lớn,trưởng thành…
Phùng Hoàng Anh
Hội viên Hội Văn  nghệ Dân gian Hà Nội