Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc ĐĂNG U CHÂU ĐÀI CA

Phùng Hồng Kổn
Thứ bẩy ngày 29 tháng 1 năm 2011 7:01 PM
 

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ
Trần Tử Ngang
Dịch nghĩa:
BÀI CA LÚC LÊN ĐÀI U CHÂU
Trước không thấy người xưa,
Sau không thấy kẻ sắp đến.
Ngẫm trời đất thật không cùng,
Một mình bùi ngùi nhỏ nước mắt.

   Thơ Đường “ý tại ngôn ngoại” xưa nay ai cũng biết! Tuy “Ý ở ngoài lời” nhưng nhiều bài thơ độc giả vẫn có thể có chung một cách hiểu, nếu có khác nhau chỉ ở mức độ sâu nặng của cảm xúc – bởi lẽ, ở các bài đó tác giả đã hé mở cho người đọc một trường liên tưởng, một trường suy ngẫm.
   Đăng U Châu đài ca không thuộc dòng thơ trên. Lên đài, tưởng rằng phong cảnh sẽ mở ra trước mắt, tức cảnh sinh tình, hay phong cảnh gợi lại những kí ức, những hoài niệm! Nhưng không, người xưa, kẻ nay – chẳng thấy ai? Người trèo lên đó cũng chẳng muốn nhìn xem phong cảnh xung quanh có gì đẹp!   Ngày mà Trần Tử Ngang lên đài U Châu  có lẽ thời tiết xấu lắm, trời âm u, mây đen vần vũ, nước nặng trĩu mà không roi xuống được! Vũ trụ mênh mông thăm thẳm, đầy bí ẩn, ngời lữ khách nhỏ nhoi, cô đơn, bùi ngùi rơi lệ. 
  
      Người xưa nói: “Thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), đọc Đăng U Châu đài ca mời các bạn thưởng ngoạn bức “Giang phàm lâu các đồ” của Lý Tư Huấn (651-716). Lý Tư Huấn là một họa gia đời Đường, giỏi vẽ sơn thủy, bút lực xung mãn, lột tả được muôn vẻ suối chảy thông reo, khói mây mù tỏa… Trần Tử Ngang và Lý Tư Huấn có lẽ hợp nhau lắm!
   “Nghệ thuật không có biên giới” ai đó đã nói thế. Thế kỉ XIX ở châu  Âu ra đời một loạt các họa phái : “Ấn tượng”; Biểu tượng; Trừu tượng; Dã thú; Lập thể; Siêu thực v.v… Wassily Kandinsky (1866-1944), họa sĩ Nga – một thủ lĩnh tầm cỡ, người khai sinh những trào lưu cách tân táo bạo nhất trong nghệ thuật. Ông từng vẽ hiện thực vào loại bậc thầy, sau đó lại trở thành chủ soái của hội họa trừu tượng. Bức tranh “Boat trip” là một tác phẩm xuất sắc của ông. Xem bức tranh này bạn sẽ có cảm xúc Thiên địa chi du du!. Con người dù tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là một hạt cát trong vũ trụ, cần phải biết như vậy.
 
     Người xưa còn nói “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Đọc Trần Tử Ngang , nhớ tới J.C.Bach – nhạc sĩ tiền cổ điển Đức, người khai sinh ra thể lọai Prelude (khúc dạo đầu). Đăng U Châu đài ca là một Prelude có giai điệu lạ, không mượt mà đằm thắm, không du dương êm ái, nhưng lại có sức gợi mở kì diệu: quá khứ, tương lai, con người, vũ trụ…cứ mông lung, bồng bềnh, khắc khoải…nó mở ra cho người ta trở về với “thế giới trong ta”, về với chính mình.