(Thư ngỏ của Nguyễn Hữu Đính và Trần Huy Thuận
gửi một người cầm bút gốc Việt đang sống ở Mỹ)
Người Việt Nam ta có lẽ không ai không biết câu này: Biết thời thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe!. Vậy mà vẫn có người, được coi là trí thức hẳn hoi, lại vi phạm cái luân lý đơn giản đó. Chúng tôi đang muốn nói đến tác giả cuốn sách nhan đề: TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ. Đó là cuốn tiểu luận của Trần Nghi Hoàng, nhà xuất bản Kiến Văn, in tại Virginia, Hoa Kỳ, năm 2004 - Một cuốn sách ra đời đã khá lâu.
Vâng, cuốn sách nói trên, hơn 200 trang, xuất bản đã khá lâu, tại sao hôm nay mới nhắc đến và tại sao lại có chuyện thưa thốt với dựa cột ở đây? Xin được nói ngay: Nội dung cuốn sách của ông Trần Nghi Hoàng nhằm phê phán quyết liệt cuốn NẾU ĐI HẾT BIỂN (Thời Văn xuất bản 2003, tái bản 2004, California , Hoa Kỳ) trong đó có đề cập đến câu chuyện MỘT BỨC THƯ - một chương trong NẾU ĐI HẾT BIỂN của Trần Văn Thủy [1]. Theo đó, ông Trần Nghi Hoàng cho rằng: Trần Văn Thủy vì thực hiện nhiệm vụ bí mật của nhà nước Cộng Sản Việt Nam giao cho, qua Mỹ viết sách, đã bịa ra câu chuyện này (!) Còn trong NẾU ĐI HẾT BIỂN, ông Trần Văn Thủy cho biết người viết bức thư - Nguyễn Hữu Đính là một bạn học thuở niên thiếu của ông, xa nhau gần 50 năm bây giờ mới tìm được nhau, thư từ cho nhau. “Nhà văn kiêm nhà thơ, nhà báo, nhà viết tiểu luận và kịch bản phim” Trần Nghi Hoàng[2]đi đến kết luận: BỨC THƯ KHÔNG CÓ THẬT và NGUYỄN HỮU ĐÍNH LÀ MỘT NHÂN VẬT RẤT MÙ MỜ, KHÔNG CÓ THẬT. Trước sau Trần Văn Thủy cũng là người bịa đặt, thực hiện những nhiệm vụ của nhà nước CS Việt Nam giao cho. Đó là phần rất ấn tượng của tác phẩm TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ mà ông Trần Nghi Hoàng đã dày công để phản bác, bôi nhọ tác giả phim CHUYỆN TỬ TẾ[3].
Vâng! Chuyện thực ra cũng không đáng nói, vì trong đời một người cầm bút, đôi khi do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết cặn kẽ vấn đề mình muốn viết, thậm chí do một lúc không có thiện ý, có thể mắc sai lầm, viết những điều sai trái. Chuyện cũng không đáng nói còn vì bản thân người bị bôi nhọ cũng im lặng suốt bằng ấy năm, không tranh luận với người đã hồ đồ bôi nhọ mình - bởi ông cho rằng chuyện không đáng quan tâm, không đáng để độc giả phải bận lòng... Nhưng tình cờ gần đây, trời xui đất khiến người được đề cập đến là NGUYỄN HỮU ĐÍNH mới “bị đọc cuốn sách của ông Trần Nghi Hoàng, biết được chuyện bịa đặt dựng đứng của tác giả và rất bực mình. Nguyễn Hữu Đính quyết định viết thư (e-mail) và đã gửi riêng cho tác giả cuốn TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ với những lời lẽ khá lịch lãm, nguyên văn như sau:
----- Message transféré ----
De : Huu Dinh Nguyen <nguyenhuudinh75@yahoo.ca>
À : vietwikipedia@yahoo.comCc : aromahuynh@yahoo.com.vnEnvoyé le : Ven 31 décembre 2010, 22h 35min 26s
Objet : Thư Riêng.
Kính gửi ông Trần Nghi Hoàng.
Tình cờ tôi được đọc cuốn tiểu luận Trần Văn Thủy: Chuyện không tử tế do ông là tác giả. Trong cuốn tiểu luận đó ông mang tất cả những lý lẽ để chứng minh Một Lá Thư trong Nếu Đi Hết Biển là do ông Trần Văn Thủy bịa ra, và nhân vật Nguyễn Hữu Đính , người viết Một Bức Thư là không có thật. Hôm nay tôi viết thư này đến ông để xác nhận Một Bức Thư trong cuốn Nếu Đi Hết Biển do chính tôi viết, bản thảo của lá thư đó tôi còn giữ. Và tôi gửi kèm theo đây hình ảnh chụp giấy căn cước có ghi tên Nguyễn Hữu Đính, ngày sinh cùng địa chỉ thường trú, hình tôi chụp chung với bạn tôi- Trần Văn Thủy tại Boston sau bao nhiêu năm xa cách (với Photoshop ông có thể kiểm tra bức hình này chụp ngày nào.) Tôi cũng kèm theo đây bức hình bà xã tôi (lai Pháp, như đã nói trong bức thư). Tôi cũng gửi kèm theo đây địa chỉ e-mail của bạn tôi, ông Trần Văn Thêm, người đã cho tôi mướn xích lô trong những ngày tôi đi tù cải tạo về, khi đó tôi không có việc làm phải đạp xích lô tại Saigon. Ông có thể gửi e-mail để xác nhận: aromahuynh@yahoo.com.vn. Tôi cũng gủi kèm theo đây hình ảnh vợ con tôi để cho ông biết cháu Hồng Nhung, đứa bé đã khóc trong chuyến vượt biên, mà người tổ chức vượt biên sợ bị Công An phát hiện nên đã đuổi gia đình tôi về, không cho vượt biên mà nhờ đó gia đình tôi đã thoát chết, chị của cháu Hồng Nhung là Hồng Ngọc không có trong hình này. Sau cùng tôi cho ông biết địa chỉ, số phôn của tôi để ông liên lac nếu ông có điều gì thắc mắc cần xác minh:
Nguyễn Hữu Đính. 7512 Avenue Chateaubriand
Montreal QC. Canada
Telephone bàn : 514.270.0433
Telephone di động : 514.886.5601
Thưa ông Hoàng, mục đích tôi viết thư này đến ông để minh oan cho bạn tôi, ông Trần Văn Thủy không bịa ra Một Bức Thư mà Một Bức Thư là lá thư có thật do chính tôi viết cho bạn tôi. Khi tôi có ý định viết thư này, Thủy bạn tôi đã can ngăn: Hơi sức đâu mà làm cái chuyện mất thì giờ như vậy. Tôi đã định không viết thư cho ông, nhưng sao tôi cứ thấy ấm ức, buộc lòng tôi phải viết đến ông để nói lên một sự thật mà thôi.
Trước thềm năm mới, chúc ông cùng gia quyến MỘT NĂM MỚI 2011 AN LÀNH HẠNH PHÚC.
Nguyễn Hữu Đính
* Mong nhận được hồi âm của ông .
Nguyễn Hữu Đính gửi e-mail này cho ông Trần Nghi Hoàng ngày 31 tháng 12 năm 2010. Bằng vào những kỹ thuật thông thường trên mạng, có thể khẳng định một điều: Ông Trần Nghi Hoàng đã nhận được e-mail trên, nhưng cho đến nay, ông Trần Nghi Hoàng vẫn im lặng. Ở một xứ văn minh và tự do như nước Mỹ, sự im lặng đó không thể không làm chúng tôi băn khoăn. Nhưng ngẫm lại thì sự im lặng ấy cũng là dễ hiểu thôi, ông Trần Nghi Hoàng biết trả lời sao đây bởi tự nhiên từ trên trời rơi xuống một Nguyễn Hữu Đính bằng xương bằng thịt với tất cả các chứng cứ: Giấy căn cước, quốc tịch Canada, địa chỉ e-mail, số điện thoại, hình ảnh những thân nhân trong trong câu chuyện MỘT BỨC THƯ và nhất là bản lưu bức thư viết tay của Nguyễn Hữu Đính (in trong Nếu Đi Hết Biển) hiện vẫn còn.
Sự im lặng một cách bất nhã của ông Trần Nghi Hoàng buộc Nguyễn Hữu Đính phải nhờ bạn bè trong và ngoài nước công bố bức thư này theo hình thức THƯ NGỎ.
Hành xử của ông Trần Nghi Hoàng rất trái ngược với những lời hùng hồn ông đề tựa (riêng một trang - trang 5) đầu cuốn sách kể trên: MỘT CON NGƯỜI. MỘT DÂN TỘC ĐẤT NƯỚC MUỐN TIẾN BỘ VÀ HÙNG CƯỜNG VỀ MỌI MẶT, ĐIỀU TẤT YẾU LÀ PHẢI DÁM ĐỐI DIỆN VỚI TẤT CẢ NHỮNG SỰ THẬT - Trần Nghi Hoàng (Xin thưa với bạn đọc là các dấu chấm, phẩy trong đoạn trích này là nguyên văn trong cuốn sách của ông Trần Nghi Hoàng).
Quá hay! Quá hùng hồn! Hình như ông bắt chước nói theo cung cách của các vĩ nhân mà chúng tôi vẫn thường bị nghe. Sự im lặng đáng ngờ của ông trước bức thư của Nguyễn Hữu Đính không có lợi cho ông một tý nào vì nó đặt dấu hỏi về nhân cách của chính ông, khi cuối tác phẩm của ông, trang 189, ông khẳng định: DO ĐÓ, TÔI SẴN SÀNG TRANH LUẬN HAY ĐỐI THOẠI MỘT CÁCH CÔNG KHAI VỚI BẤT KỲ AI, TẤT NHIÊN KỂ CẢ NHỮNG TÊN TUỔI TRONG LOẠT BÀI TÔI ĐÃ VIẾT VỀ CUỐN NẾU ĐI HẾT BIỂN; NHẤT LÀ ÔNG TRẦN VĂN THỦY.
Thưa ông Trần Nghi Hoàng! Xin nói thật, với cung cách ứng xử kiểu múa gậy vườn hoang như ông, chúng tôi không tin rằng ông đủ tư cách để đối thoại với Trần Văn Thủy hay Nguyễn Hữu Đính. Nhưng điều này thì có thể khẳng định: chắc chắn ông có bổn phận phải hồi âm cho Nguyễn Hữu Đính một khi ông đã biết rõ sự thật với những chứng cứ cụ thể. Và con người đó - Nguyễn Hữu Đính, đích thực là người viết MỘT BỨC THƯ trong NẾU ĐI HẾT BIỂN. Còn ông Trần Văn Thủy trong những lần đi Mỹ, có bí mật nhận nhiệm vụ với nhà nước Cộng sản Việt nam hay không thì may ra chỉ có... ông Trần Nghi Hoàng biết (!)
Ông Trần Nghi Hoàng ạ! Có thể đối với một người thích đối diện với sự thật một cách nghiêm túc như ông, đây là một câu chuyện phiếm: Các bạn văn cho hay, bây giờ ông thường hào hứng đi về Việt Nam, lui tới Hà Nội. Thật quý hóa ngoài sức tưởng tượng! Liệu ông có nhiệm vụ bí mật nào không? - Ấy là tôi bắt chước cách suy diễn của ông đối với ông Trần Văn Thủy! Chúc ông thành công, giữ được bí mật (nếu có) và chớ có dại để đám đàn bà con gái xía vô, làm hỏng sự nghiệp chống Cộng vĩ đại của ông bấy nay.
Hẳn là ông Trần Nghi Hoàng tán thành với chúng tôi điều này: MUỐN LÀM NGƯỜI CẦM BÚT CHÂN CHÍNH, Ở ĐÂU CŨNG VẬY, TRƯỚC HẾT PHẢI TRUNG THỰC.
Có lẽ chỉ tàm tạm mấy lời như vậy thôi nhé! Chúng tôi đứng tên chung thư ngỏ này, vì chúng tôi, Trần Huy Thuận và Nguyễn Hữu Đính đã là bạn thân thiết của nhau từ gần 60 năm trước, ông Trần Nghi Hoàng ạ.
NGUYỄN HỮU ĐÍNH (e-mail: nguyenhuudinh75@yahoo.ca)
TRẦN HUY THUẬN (e-mail: tranthuan535@yahoo.com)
__________
[1] Tác giả một số phim nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó có CHUYỆN TỬ TẾ.
[2] theo http://www.nguyenhuuhongminh.com/tin-tuc/70.aspx.
[3] Chuyện tử tế (1985), giải Bồ câu Bạc LHP quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam”, được hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền và được chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ...
________________________
Ghi chú:
Kèm theo đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị:
1/ Phụ lục 1 Bìa cuốn NẾU ĐI HẾT BIỂN của Trần Văn Thủy.
2/ Phụ lục 2 Toàn văn MỘT BỨC THƯ trong NẾU ĐI HẾT BIỂN
3/ Phụ lục 3 Bìa cuốn TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ của Trần Nghi Hoàng.
4/ Phụ lục 4 Một số trích đoạn trong TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ (vì cuốn sách có trên 200 trang, cho nên chỉ trích một số đoạn có nội dung liên quan.)
5/ Phụ lục 5 Ảnh tư liệu về Nguyễn Hữu Đính và gia đình (đã gửi cho ông Trần Nghi Hoàng trong e-mail nói trên).
__________
PHỤ LỤC
1/ Phụ lục 1: Bìa cuốn NẾU ĐI HẾT BIỂN của Trần Văn Thủy.
2/ Phụ lục 2: Toàn văn MỘT BỨC THƯ trong NẾU ĐI HẾT BIỂN
Chương Ba
Một bức thư
Tại nơi đây, nước Mỹ, tôi muốn viết lại câu chuyện riêng tư như thế này. Câu chuyện có lẽ cũng không có gì đặc biệt, nhưng nó quan hệ đến quá khứ, hiện tại và cả tương lai trong cách nhìn nhận của tôi.
Tôi có một bức thư mà các con tôi khi đọc, chúng bảo rằng:Bố ơi, đây là kịch bản của một bộ phim truyện hay. Tôi vốn ít quan tâm đến phim truyện, đến sự hư cấu và đóng diễn. Tôi vốn quan tâm đến những chuyện thật trong cuộc đời (ghi chú: trong bản in lần đầu đã in: Tôi vốn ít quan tâm đến những chuyện thật trong cuộc đời…in thừa chữ “ít”), mà bức thư tôi có trên tay là một truyện thật, chuyện thật của một thằng bạn thuở học trò.
Lại phải kể lan man là vào niên khoá 1953-1954 chúng tôi học lớp Đệ thất B3 trường Nguyễn Khuyến, tiền thân của nó là trường Thành Chung Nam Định ngày xưa. Hình như trong đời mỗi con người, tuổi học trò thường là tuổi để lại những dấu ấn sâu đậm nhất, lung linh nhất. Tôi nhớ trong lớp có những đứa hát rất hay như Lưu Linh, Đào Thuý Lan, Nguyễn Thị Phương Khanh. Những tình khúc như Chiều, Thiên Thai, Sơn Nữ Ca, Thu, Đêm Đông.....Nhớ lắm.
Tôi ngồi cạnh một thằng bạn thân, học giỏi, tính tình điềm đạm tên là Nguyễn Hữu Đính. Nhà Đính buôn gạo. ngôi nhà to rộng, xây theo kiểu cổ nhưng có ban công, trên đề tên hiệu buôn là Linh Lợi, nét chữ mềm mại, ở số nhà 49 phố Bến Thóc, trước nhà có một cây phượng vĩ rất to.
Câu chuyện về Đính lại liên quan đến một thằng bạn khác trong lớp, tôi quên họ nhưng nhớ tên. Đó là Viễn. Gia đình Viễn ở quê và hoàn cảnh cũng túng bấn. Sức học của Viễn cũng chỉ trung bình nhưng ở cái tuổi 13, Viễn đã đọc và hầu như thuộc lầu toàn bộ tiểu thuyết Tàu có được lúc bấy giờ: Thuyết Đường, Chinh Đông, Chinh Tây, Tây Du, Tam Quốc, Thuỷ Hử, Hồng Lâu Mộng.....
Nhà tôi cũng chẳng rộng lắm, nhưng thầy mẹ tôi vốn chiều bạn bè của con cái nên Viễn tá túc ở nhà tôi. Thời buổi ấy không hẳn vì thóc cao, gạo kém mà vì thương bạn, Đính thường lấy trộm gạo ở nhà mang đến góp phần cho tôi nuôi Viễn. Mỗi lần đưa cho tôi túi gạo ở nhà sau giờ tan học, Đính chẳng nói năng gì nhiều mà chỉ dặn rằng: Nhớ đừng để thằng Viễn nó buồn.
Thế rồi sau 1954 bạn bè tan tác, một số vào Nam, một số về quê hoặc di chuyển đi tỉnh khác. Vào một đêm, lẽ ra đã lên giường đi ngủ, Đính gõ cửa nhà tôi. Đính vẫn không nói gì nhiều, sau một chút lưỡng lự, Đính chỉ bảo: Thuỷ ơi, gia đình tớ đi. Đừng quên nhau nhé, tớ sẽ viết thư.
Từ đêm ấy chúng tôi không gặp nhau. Đính cùng gia đình vào Nam và để lại cho tôi một cái ảnh màu nâu cỡ 6x9, chụp nghiêng, có ánh sáng ven trên khuôn mặt hơi ngước nhìn lên. Hồi đó sự liên lạc Bắc Nam chỉ được phép qua một cái carte in sẵn có đôi dòng vắn tắt thông báo sức khoẻ. Và cũng chỉ được đôi lần như vậy, tôi và Đính hoàn toàn mất liên lạc với nhau, tình bạn thân thương chỉ còn trong trí nhớ.
Kế đến là những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tôi được theo học một lớp đào tạo phóng viên quay phim và được điều dộng vào quay phim ở chiến trường miền Nam. Ba năm lặn lội trong bom đạn, với cái máy quay phim trên tay, nhiều lần cận kề với cái chết, tôi cứ lơ mơ hình dung ra ở phía bên kia, thằng bạn thân năm xưa đang cầm súng chĩa về phía tôi. Ơn Chúa, điều đó đã không xảy ra.
Tôi vào Sài Gòn năm 1978, rồi 1981, cất công tìm kiếm mà không thấy tin tức bạn tôi ở đâu. Những năm sau, nhiều lần tôi ra nước ngoài vì công việc nghề nghiệp, dự liên hoan phim, hội thảo. Lúc nào và ở đâu tôi cũng có ý thức và bằng mọi cách tìm bạn tôi. Mỗi lần báo chí hoặc truyền hình trong nước phỏng vấn, tôi không quên con cà con kê rằng: Niên khoá 1953-1954 tôi cùng nhiều bạn bè học với nhau lớp Đệ thất B3 trường Nguyễn Khuyến Nam Định.....cốt đánh tiếng để xem có thấy tăm hơi thằng bạn của mình ở đâu không. Nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Tôi đã về Nam Định nhiều lần, đến ngôi nhà cũ của Đính, lân la dò hỏi nhưng chẳng ai biết gì. ngôi nhà đã thay đổi chủ tới 3,4 lần. Tình cảnh giống như Từ Thức về làng. Tôi nghĩ rằng thế là hết, chắc nó chết rồi, số trời không thể cho tôi quá nhiều.
Thế rồi may hơn khôn, một dịp rất ngẫu nhiên, một người giúp tôi phát hiện ra người anh em gì đó của Đính còn sinh sống tại Sài Gòn. Tôi vội vã viết một bức thư. Chỉ mấy ngày sau tôi nhận được thư trả lời:
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 11 năm 2000
Kính gửi ông Trần Văn Thủy.
Thưa ông, tôi đã hân hạnh nhận được thư của ông và xin phép được tự giới thiệu: Nguyễn Hữu Thái, tôi là em trai của ông Nguyễn Hữu Đính. Anh em tôi đã sống tại hiệu bán gạo Linh Lợi, số 49 phố Bến Thóc, Thành Phố Nam Định vào những năm 1950-1954.
Ngày xưa anh Đính tôi chơi rất thân với ông (anh Thủy) và ông Sơn (anh Sơn DURAS). Các anh thường xem ciné tại rạp Văn hoa (phố Paul Bert) Majestic (phố Hàng Thao).....
Đọc lá thư ông, tôi thực sự xúc động. Lá thư có nội dung sâu sắc, được viết bởi tấm lòng tha thiết và chân thực về những cảm nghĩ của ông đối với những nổi trôi, đớn đau của kiếp người Việt Nam và những hoài niệm về thành phố Nam Định đáng yêu ngày xưa: Những hoa cỏ, bến sông, những phố cũ, hè xưa và những người bạn trong những năm tháng đẹp nhất của đời người nay đã cách xa.
Tôi còn nhớ rất rõ cái đêm hai anh Thuỷ -Đính chia ly, ông có tặng anh tôi một quyển lưu bút rất hay mà ngày nay anh Đính vẫn lưu giữ cẩn thận. Và đêm chia ly ấy anh tôi khi về nhà đã khóc!
Anh Đính tôi hiện đang sống tại Montréal. Tôi tin chắc anh tôi sẽ quá đỗi vui mừng khi gặp lại người bạn thân yêu thời niên thiếu.
Tôi cũng muốn vui lây với sự đoàn tụ quá đỗi bất ngờ này, và xin kính chuyển tới ông địa chỉ của anh Đính.
Từ Hà Nội, tôi viết thư sang Canada cho bạn tôi và chỉ một thời gian sau tôi đã nhận được hồi âm. Nguyên văn cái bức thư dài 16 trang viết tay ấy là như thế này:
Montréal ngày 7 tháng 12 năm 2000.
Thủy thân quý,
Mình vừa nhận được thư của cậu em từ Việt Nam gửi qua, trong đó kèm thư và địa chỉ của Thủy. Thật là vui mừng và ngạc nhiên hết sức!
Thế là người bạn thân đầu đời sau 45 năm mất tin tức, bây giờ mới tìm lại được!
Sau khi vào Nam, đôi khi coi cuốn album, thấy hình Thủy, mình nhớ lại những ngày hai đứa gần nhà nhau, hàng ngày qua lại chuyện trò. Và mình cũng nhớ Thuỷ có bà chị tên Muội, tụi mình đã mạo danh chị Muội viết thư chọc phá ông nhạc sỹ Hoàng Giác.
Vào Nam, tuy có những bạn khác, nhất là khi lớn lên, ra đời, mình thấy những người bạn này không giống như tình bạn của mình với Thủy, một tình bạn ngây thơ, trong sạch.
Có một lần ở bên Pháp mình ngồi xem cuốn phim Chuyện Tử Tế thấy đề người làm phim là Trần Văn Thủy. Mình nói với bà xã: Có lẽ người làm phim này là bạn cũ của anh.
Mình coi đi coi lại cuốn phim này nhiều lần. Mình rất thích. Bởi vì cuốn phim có chiều sâu, nó nói lên một cái gì đấy mà mọi người vẫn chờ đợi. Mình nghĩ bụng: ở thời điểm này, dám nói như vậy cho mọi người nghe, quả thật là gan dạ, phải nói là dũng cảm mới đúng.
Một hôm đi chợ Á Đông ở Quận 13 Paris, mình gặp một sinh viên từ Việt Nam mới qua, mình hỏi cậu sinh viên này về nhà làm phim Trần Văn Thủy. Cậu sinh viên cho biết nhà làm phim Trần Văn Thủy còn rất trẻ. Mình nghĩ người làm phim này không phải là Thuỷ. Vì lúc đó mình và Thủy đã trên 50 rồi, còn trẻ cái con khỉ gì nữa! Rồi mình lại nghĩ miên man bởi cái câu: Sinh Bắc tử Nam, với những trận mưa bom như thế, chắc gì Thủy còn sống?
Ấy vậy mà vẫn còn sống. Vẫn có tin tức. Bốn mươi lăm năm qua, gần nửa thế kỷ rồi đó, kinh khủng thật. Có điều làm mình hơi buồn là: năm nay mình đã 63, sống giỏi lắm là 10 năm nữa. Không biết trước khi nhắm mắt có còn được gặp lại Thủy hay không? Vì vậy mình đề nghị thế này: Nếu Thủy có dịp đi công tác ở Mỹ hoặc Canada thì ghé Montréal thăm mình, còn mình, nếu có dịp về Việt Nam, sẽ ra Hà Nội thăm Thuỷ.
Từ ngày qua đây đến giờ, mình về Việt Nam 3 lần, cả 3 lần đều do bà mẹ ốm nặng, lần cuối cùng về chịu tang cụ. Cả 3 lần về đều trong tình cảnh buồn phiền, nên không đi chơi đâu, chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn. Bà cụ mình mất vào tháng 1 năm 2000, thọ 91 tuổi.
Bây giờ mình kể cho Thủy nghe quãng đời của mình từ khi xa Thủy:
Mình rời Nam Định năm 1955 vào một buổi sáng tinh mơ, lúc trời còn mờ tối. Gia đình 6 người, đi làm 3 tốp, mỗi tốp 2 người. khi đi không mang theo hành trang gì cả, như đi Hà Nội thăm bà con vậy. Nhà cửa vẫn bật đèn sáng, mùng mền vẫn để nguyên.
Ở Hà Nội một ngày, ngày hôm sau gia đình mình đáp tàu hoả đi Hải Phòng, cũng đi làm 3 tốp, coi như không quen biết nhau. Ra đến Hải Phòng, mình ở đó 1 tuần, sau đó đáp tàu thuỷ vào Nam.
Vào Nam, mình học Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ trường Nguyễn Trãi Sài Gòn, Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất trường Chu Văn An Sài Gòn. Cùng học ở Sài Gòn có những bạn cũ của tụi mình như Lê Triều Vinh, Lâm Hữu Trãi, Trần Đình Chi, Nguyễn Thị Phương Khanh, Nguyễn Thị Vinh.
Sau này Lê Triều Vinh tốt nghiệp đại học môn Toán, làm Giáo sư Toán, Lâm Hữu Trãi tốt nghiệp Quốc gia hành chính làm Trưởng ty. Trần Đình Chi dạy học. Nguyễn Thị Phương Khanh làm y tá. Nguyễn Thị Vinh làm công chức.
Còn cô Băng Tâm trước dạy Anh văn tụi mình, sau khi vào Sài Gòn, cô đi dạy học trở lại và tự tử năm 59 vì gia cảnh cô có điều buồn chán.
Sau khi đậu Tú tài phần II, mình ghi tên vào học y khoa. Học đến năm thứ 2 thì bị nám phổi. Ông thầy dạy mình, khuyên mình nên chọn ngành khác, vì học y khoa rất cực, phải thức đêm ở bệnh viện, sợ không đủ sức khoẻ. Hồi ấy, năm 1961-1962 không có thuốc tốt như bây giờ nên có nhiều người bị nám phổi, chuyển bệnh lao và bị chết. Do đó mình nghe theo lời thầy, bỏ ngành y khoa ( đây là thất bại lần thứ nhất, sẽ kể cho Thủy nghe những thất bại kế tiếp ).
Rời bỏ trường Y khoa làm mình đau khổ và thất thần mất 1 năm. Năm sau, một ngày buồn chán ghé trường Luật thăm mấy thằng bạn, tụi nó rủ học Luật, mình cũng ghi tên học Luật. Học đến năm thứ ba thì đọc báo, thấy có kỳ thi tuyển Lục sự toà án, mình nộp đơn thi, may mắn đậu, mình được tuyển về làm việc tại tỉnh Bến Tre.
Làm tại toà án Bến Tre được 2 năm thì phải nhập ngũ. Lúc ấy chiến tranh leo thang, tất cả thanh niên phải gia nhập quân đội. Học trường Sĩ quan Thủ Đức 9 tháng, ra trường, vì nhờ có chứng chỉ Hành chính, Tài chính khi học trường Luật, nên được đổi về Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia Vũng Tàu, phụ trách về hành chính, tài chính của Trung tâm.
Làm việc tại đây đến năm 1970 thì gặp bà xã và năm 1972 thì cưới bà này, lúc đó mình đã 35 tuổi.
Sở dĩ mình lập gia đình trễ vì mình có ý định sống độc thân suốt đời. Lý do có ý định này là vì mình sống trong một gia đình mà ông cụ và bà cụ mình rất xung khắc với nhau. Sự xung khắc gần như không thể hàn gắn được và cả hai cùng không muốn mỗi người một nơi vì sợ tương lai của 6 đứa con. Thế là cả hai cùng sống bên nhau, nhưng ít khi nói chuyện với nhau, cả hai sống như hai cái bóng.
Hình ảnh này diễn ra cả mấy chục năm làm mình sợ đời sống lứa đôi. Thêm vào đó, khi làm ở Toà án Bến Tre, ông Chánh án cho mình phụ trách hồ sơ ly thân, ly hôn. Hàng tuần có những cặp vợ chồng, con cái khóc lóc trước toà vì cảnh chia ly. Điều ấy làm mình càng thêm chán ngán.
Do đó mình quyết định sống độc thân. Mình học làm bếp, học làm bánh, học cắt may. Nghĩa là làm tất cả những việc của người đàn bà, để sau này không cần người đàn bà phụ giúp. Bà mẹ mình có một tiệm buôn lớn ở quận 4 Sài Gòn. Bạn bè của cụ rất đông, bao nhiêu người mai mối. Ba cô em gái mình học trường Trưng Vương, bạn bè ra vào tấp nập, mình phớt lờ tất cả.
Có lần bà mẹ gọi mình vào phòng, cụ nói: Con bây giờ đã lớn rồi, phải lập gia đình đi cho mẹ yên lòng! Mình trả lời: Con quyết định sống độc thân rồi mẹ ạ! Mình thấy tự nhiên mặt cụ sa sầm xuống, rồi giọt nước mắt từ từ chảy ra. Điều này làm cho mình rất ân hận. Cho đến bây giờ vẫn còn ân hận.
Thế rồi cuộc chiến đấu nội tâm của mình, đến năm mình 35 tuổi, mình phải thua cuộc Thủy ạ! Mình phải thua luật trời đất!
Để mình kể cho Thuỷ nghe! Hồi làm ở Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Quốc gia Vũng Tàu, mình bị bệnh, nằm nhà thương. những ngày cuối tuần mấy đứa bạn cùng phòng có vợ con, bồ bịch tới thăm tíu tít. Còn mình thì ông cụ, bà cụ bận buôn bán, mấy đứa em bận học không xuống thăm được, mình nằm trơ thân cụ một mình. Buồn quá.
Sau khi khỏi bệnh, trên chuyến xe đò về Sài Gòn, ngồi băng ghế phía trước là một cặp vợ chồng với một đứa con nhỏ. Suốt lộ trình từ Vũng Tàu về Sài gòn, cặp vợ chồng và đứa nhỏ vui đùa rất hạnh phúc. Điều này làm chủ nghĩa sống độc thân của mình bị lung lay.
Một hôm mình chuẩn bị đi công tác với ông Chỉ huy trưởng của mình. Trong khi ngồi ở phòng khách chờ ông để đi cùng xe, cô con gái ông Chỉ huy trưởng ra gặp mình và hỏi:
-Chú đi đâu thế?
-Chú đi công tác Sài Gòn với ba cháu.
-Chú về thăm thím phải không?
-Không, chú đâu có thím.
-Chú nói thật không?
-Thật!
-Vậy thì cháu giới thiệu cô bạn thân của cháu cho chú.
Cô con gái ông Chỉ huy trưởng (tên là Lệ Tâm) cho mình cái hẹn chiều chủ nhật tuần tới ở quán cà phê Mây Hồng, bãi trước Vũng Tàu để giới thiệu cô bạn tên Hồng cho mình.
Nhưng tuần sau đó mình đi công tác ở Sài Gòn, lu bu quá nên quên béng đi mất. Thứ hai trở lại sở làm, Tâm phôn cho mình trách quá: Chú làm cháu và cô bạn chờ chú cả tiếng đồng hồ ở bãi trước Vũng Tàu, mà không thấy chú đâu.
Mình xin lỗi và xin cái hẹn chủ nhật tuần sau. Đúng ngày hẹn, hôm ấy mình bị cấm trại không ra được, mấy thằng bạn rủ nhậu nhẹt, quên không phôn, thế là hai cô bé lại chờ cả tiếng đồng hồ nữa. Lại trách móc. Lần này, mình xin cái hẹn lần thứ ba và hứa sẽ đến đúng hẹn.
Đến giờ hẹn, mình tới, Tâm giới thiệu cô bạn Hồng cho mình. Đó là một cô gái lai Pháp, sinh tại Nam Định, khá đẹp và có vẻ hiền. Mình nói có vẻ hiền vì sau hai lần hẹn, mình cho leo cây, mình tưởng lần này sẽ bị trách móc, nhưng không. Cô bé vẫn vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra cả. Mình nghĩ thầm, người con gái này đẹp, hiền, có thể lấy làm vợ được. Thế là mình quyết định lấy Hồng. Quyết định một cách tình cờ, dễ dàng, như khi mình quyết định đi học Luật vậy.
Hai năm sau mình làm đám cưới với Hồng, ngày 24 tháng 12 năm 1972. Ngày 4 tháng 11 năm 1973, Hồng cho mình đứa con đầu lòng (Hồng Ngọc). Lúc ấy Hồng dạy học ở Vũng Tàu, còn mình lương bổng cũng đỡ. Hai vợ chồng đời sống dễ chịu về vật chất cũng như tinh thần.
Thế rồi biến cố 30-4-1975 xảy tới. Trước đó, mình biết trước là chế độ miền Nam sẽ sụp đổ.Mình đã chuẩn bị đưa vợ con về Sài Gòn. Mình cũng về Sài Gòn ngày 1-4-1975 lấy cớ đi tu nghiệp nhưng thật ra mình đã xin được vé máy bay cho cả gia đình đi Pháp. Nhưng ngày 10-4-1975, bà xã mình xin về Vũng Tàu để hốt mấy bát họ. Mình có dặn bà xã chỉ ở Vũng tàu 1,2 ngày rồi phải về Sài Gòn ngay, nhưng bà xã không nghe, ở nấn ná thêm mấy ngày. Lúc trở về, chiến tranh xảy ra khắp nơi, kẹt đường, bà xã không về Sài Gòn được nữa. Tới giờ lên máy bay, mình không nỡ đi một mình, để vợ con ở lại. Lúc đó bà xã mình đang có mang đứa thứ hai (5 tháng).
Thế là mình quyết định ở lại. Khi đoàn xe tăng cách mạng vào thành phố, mình thấy có nhiều người lính chế độ cũ chạy vào mấy đường hẻm tự sát. Có khi một người, có khi hai người, có khi mấy người chạm đầu vào nhau rồi mở chốt lựu đạn.
Mình lúc đó cũng mất tinh thần, lo tù tội, nên ý định tự tử lởn vởn trong đầu. Chiều 30-4-1975, mình đến mấy người bạn bán thuốc Tây, mình nói dối là bị mất ngủ để xin thuốc ngủ. Mình xin được tổng cộng 40 viên (chỉ cần uống 20 viên là không cứu được ). Mình quyết định tự tử vào đêm 1-5-1975. Mình viết cho vợ con một lá thư dài để trình bày lý do ra đi của mình.
Con người ta lúc sắp chết kỳ lạ lắm Thủy ạ. Nhìn cảnh vật xung quanh, nhìn những người qua lại ngoài đường, mình có cảm tưởng là tất cả ở trong một thế giới nào khác, chứ không phải là thế giới của mình nữa. Và cũng kỳ lạ thay, mỗi khi cầm thuốc ngủ định đưa lên miệng là hình ảnh vợ con cứ hiện ra trước mắt mình. Rồi mình lại nghe như văng vẳng có tiếng khóc của con mình ở đâu đây. Rồi mình lại nhớ mỗi khi đi làm về, đứa con chạy đến ôm chân mình mừng rỡ. Thế rồi mình tự hỏi: Tại sao mình ra đi? Tại sao mình trốn tránh trách nhiệm? Tại sao mình trao hết gánh nặng lên vai Hồng?
Nghĩ đến đó, mình từ từ ngồi dậy, lấy lá thư xé nát bỏ vào cầu tiêu cùng với 40 viên thuốc ngủ, giật nước cho trôi đi (tự tử lần thứ nhất không thành).
Ngày 12-5-1975, mình trình diện học tập cải tạo. Những gì trong trại cải tạo mình xin miễn kể ra đây. Chỉ biết mình qua 4 trại cải tạo: Hóc Môn, Long Khánh, đảo Phú Quốc, Hàm Tân.
Có lần ở đảo Phú Quốc, mình buồn quá và tuyệt vọng nên có ý định tự tử lần thứ hai. Mình còn nhớ, đêm hôm đó trời sáng trăng mờ mờ. Nửa đêm, mình tháo sợi dây dù ở cái võng của mình ra, khe khẽ cầm sợi dây dù đi về phía cầu tiêu, cạnh cầu tiêu phía hàng rào là căn nhà đang xây cất dở dang, chỉ mới làm cái khung bằng sắt. Buổi chiều mình đã đi qua đi lại chỗ này mấy lần, ý định là đêm nay mình sẽ leo lên cái thang, buộc một đầu dây vào cổ và một đầu dây vào đà sắt.
Nhưng sống chết hình như có số cả Thủy ạ. Đêm hôm đó, sau khi mình cầm sợi dây dù, lẳng lặng đi về phía cầu tiêu, đến chân thang, mình bình tĩnh bước từng bước một lên bực thang, miệng lẩm bẩm đọc mấy câu kinh Phật, khi leo lên đến lưng chừng cái thang thì trên chòi canh cạnh hàng rào, một vệ binh quát to:
-Anh kia! Làm cái gì thế?
Mình vội tụt xuống và trở lại chỗ nằm cùa mình rồi lại nghĩ miên man đến vợ con như lần trước. Sáng hôm sau, định cắt vụn dây dù nhưng không có dao, bèn cuộn tròn hai sợi dây dù cho xuống hầm cầu tiêu.
Mình đi cải tạo được hơn 3 năm thì được về, vì mình tuy là quân đội nhưng biệt phái sang cơ quan dân sự không đánh đấm gì cả. Hơn nữa dân biệt phái cấp bậc chỉ lên đến cỡ trung uý là cùng. Thành ra về tội mình cũng nhẹ và về cấp bậc mình cũng nhẹ.
Mình ra khỏi trại cải tạo cuối năm 1978. Ông cụ mình mất đầu năm 1979.
Ra khỏi trại cải tạo, không kiếm được việc làm, mình tính chuyện vượt biên. Vuợt biên 5 lần không thoát, mất hết cả vàng bạc, nhưng cũng may là thoát chết 2 lần.
Lần đầu ngồi chờ ở bãi đáp (bãi sau Vũng Tàu) trong những lùm cây dại, để chờ tàu nhỏ đón ra tàu lớn. Lúc đó nửa đêm, trời mưa lâm râm. Mọi người đều quỳ gối trên cát đọc kinh, đạo Phật đọc kinh Phật, đạo Chúa đọc kinh Chúa. Hai đứa con của mình khóc ré lên. Mọi người sợ quá, bảo vợ chồng mình phải cho chúng uống thuốc ho để chúng nó ngủ. Uống một muỗng không ngủ. Uống 2, 3 muỗng vẫn không ngủ. Uống đến gần nửa chai thì chúng không khóc nữa, mà chúng cứ cười rú lên!. Mọi người sợ công an phát hiện nên đuổi gia đình mình về, không cho đi nữa. Thế là vợ chồng, con cái lại dắt díu nhau trốn theo đường mòn để tránh những trạm gác của công an. Vậy là mất toi 16 cây vàng.
Ngày hôm sau thì được tin thuyền nhỏ chỉ chở được khoảng 40 người mà thôi, mà số khách lại lên tới 70. Không ai chịu nhường ai, cả 70 người leo lên chiếc thuyền nhỏ. Thuyền ra tới ngoài khơi, gặp sóng lớn lật úp chết gần hết, chỉ còn sống sót vài người. Trong số người chết có Hùng, em ruột bà xã mình. Hùng là sinh viên đẹp trai, người cao và là tay bơi nổi tiếng của thị xã Vũng Tàu. Khi hành khách lên hết tàu nhỏ, bà chủ tàu thu vàng của khách cho vào ba-lô đưa cho Hùng đeo lên vai. Khi tàu chìm, mấy người tham vàng đã dìm chết Hùng để lấy ba-lô vàng đó. Bà chủ tàu và ba đứa con bị chết cùng với hành khách.
Mình kể cho Thủy nghe vụ thoát chết lần thứ hai. Cuộc vượt biên này do bạn của bà chị họ mình tổ chức. Mỗi người 4 cây, phút chót chủ tàu tăng thêm mỗi người 1 cây nữa. Mình bực quá không đi nữa. Chuyến tàu đó khởi hành như đã định, cho đến nay 20 năm rồi vẫn không thấy một lá thư nào của người trên tàu gửi về trong đó có chồng bà chị họ của mình. Bà chị họ đau khổ hoá điên, bà hiện vẫn còn nằm tại nhà thương điên Ottawa cách chỗ mình ở 200km.
Thủy thấy đấy, mình cũng cao số, 4 lần chạm trán với tử thần, mà tử thần không dắt đi.
Sau 5 lần vượt biên không thành, mất hết cả vàng bạc, việc làm cũng không kiếm ra, mình quyết định đạp xích lô ở Sài Gòn vào đầu năm 80. Cuộc đời đạp xích lô thì khỏi nói. Mình không quên được những bữa ăn ở vỉa hè với một đĩa cơm và một con cá khô. Nước mưa chảy từ cái mũ xuống ướt đẫm đĩa cơm như chan canh. Mình cũng không quên được những ngày đạp xích lô, quần áo tả tơi.
Khách mình chở đôi khi là bạn bè cũ, đôi khi là học trò của mình hoặc những người bạn gái của mình.
Trong khi đạp xích lô thì bà xã nạp đơn xin đi Pháp theo diện con lai hồi hương. Và may mắn thay đơn được chấp thuận.
Mình rời Sài Gòn đi Pháp ngày 19-8-1983. Mình nhớ hôm đó, khi máy bay cất cánh, mọi người ngồi xung quanh oà lên khóc, bà xã thì gục đầu vào mấy đứa con khóc nức nở. Mình cũng vậy, không cầm được nước mắt, nhìn qua khung cửa sổ, thấy thành phố Sài Gòn ở phía dưới, nơi mình đã sống hơn 20 năm, có những kỷ niệm vui và cũng có những kỷ niệm đau buồn.
Qua Pháp, mình làm việc trong một công ty hoá chất. Lương cũng đỡ, nhưng vật giá đắt đỏ, hơn nữa thất nghiệp nhiều, sinh viên ra trường khó kiếm việc làm, do đó mình xin di dân qua Canada vào tháng 7 năm 1992.
Mình còn cô em gái buôn bán ở đường Bàn Cờ Sài Gòn. Ông anh ruột của mình thì chết trong trại cải tạo.
Thôi, thư đã dài, hẹn thư sau mình viết tiếp. Chúc Thủy cùng toàn gia quyến hạnh phúc, vạn sự an lành.
Người bạn năm xưa của Thủy.
Nguyễn Hữu Đính.
Đầu tháng 10 năm 2002 tới Boston, tôi liền gọi điện thoại cho Đính và bạn tôi từ Montréal đã nhào sang. Ôm lấy nhau, nhìn vào mặt nhau, già rồi, già thật. Nhưng bạn tôi vẫn hiền lành điềm đạm như ngày xưa. Cái đêm hội ngộ hiếm hoi trong đời sau gần nửa thế kỷ chờ đợi ấy, một thằng Việt Cộng và một thằng Ngụy nằm chung một phòng, chuyện trò râm ran đến tận khuya.
Tôi không ngủ được. Chẳng hẳn vì những kỷ niệm xa xưa thời học trò với bạn tôi sống lại, dội về. Chẳng hẳn vì chuyện Đính tự tử hụt trong trại cải tạo. Cũng chẳng hẳn vì những lần tôi suýt chết trong các trận chiến ác liệt. Mà tôi cứ hình dung ra một sự hoán vị rất có thể xảy ra giữa hai chúng tôi. Tôi giả định rằng vào cái thời điểm 1954 ấy, thầy mẹ tôi không vì sự ràng buộc với quê cha đất tổ hoặc vì có sự rủ rê mà kéo bầy con cái di cư vào Nam thì tôi trở thành Ngụy là điều khó tránh khỏi. Còn gia đình bạn tôi, vì một lý do nào đó mà ở lại miền Bắc thì bạn tôi lại trở thành Việt Cộng là cái chắc.
Chúng tôi hoàn toàn không có ý tránh né chuyện chính trị, không có mảy may một sự gượng gạo nào mà tự nhiên đến hồn nhiên nối lại tình bạn thuở học trò thơ ngây ngày nào. Tự sâu trong đáy lòng tôi và bạn tôi rất yên ả, rất thanh thản và tôi còn nhận ra một điều may mắn rằng cuộc đời con người ta chỉ là một chớp mắt mà ông trời đã cho mình vậy là quá nhiều.
Tới khuya, Đính bỗng hỏi tôi:
-Này, không biết thằng Viễn nó còn hay mất nhỉ?
Tôi im lặng giả vờ đã ngủ.
3/ Phụ lục 3: Bìa cuốn TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ của Trần Nghi Hoàng.
4/ Phụ lục 4: Một số trích đoạn trong TRẦN VĂN THỦY: CHUYỆN KHÔNG TỬ TẾ (vì cuốn sách có trên 200 trang, cho nên chỉ trích một số đoạn có nội dung liên quan.)
5/ Phụ lục 5: Ảnh tư liệu về ông Nguyễn Hữu Đính và gia đình (đã gửi cho ông Trần Nghi Hoàng trong e-mail nói trên).
TRÍCH TỪ TÁC PHẨM CỦA TRẦN NGHI HOÀNG:
Trang 11:
Một điều tôi tin rất đích xác là mỗi nhà văn, nhà thơ, cán bộ văn hoá nào từ Việt Nam được nhà nước Việt Cộng “ cấp thông hành ” chô ra nước ngoài, đều phải mang theo một nhiệm vụ. Vậy khi “ hoàn tất nhiệm vụ ” trở về VN, tất nhiên phải viết ra một bản “ báo cáo, tường trình ”. “ Bản « báo cáo, tường trình” lần này của Trần Văn Thuỷ là một thành quả quá sức mong đợi của Nhà Nước Việt Cộng ! Công tác phí của Trần Văn Thủy, nhà nước Việt Cộng không tốn một đồng ! Bản “báo cáo tường trình” của Trần Văn Thủy, lại cũng do William Joiner Center bảo trợ, còn được phổ biến rộng rãi khắp thế giới trong cộng đồng Việt tị nạn...
Trang 12:
Đảng và Nhà nước đã cố công tài bồi cho Trần Văn Thuỷ thành một hiện tượng như vậy. Đừng bảo tôi đa nghi! Hãy làm ơn đơn cử ra cho tôi một con người “can đảm”, “dám nói thật” dưới chế độ Việt Cộng mà không hề bị một sự trừng trị răn đe nào (thực sự) áp đặt lên con người đó…Và nay lại được cho thong dong qua Mỹ để thực hiện những cuộc phỏng vấn “những nhà văn, nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính”… trong cộng đồng Việt tị nạn.
Trang 21:
Phần Ba, là một cuộc rào đón quy mô mà theo tôi, Trần Văn Thủy đã bỏ nhiều công sức nhất ! Phần này có tựa là “Một bức thư”. Đúng ra trong Phần Ba có tới hai bức thư. Một bức của Nguyễn Hữu Thái, em ruột người bạn thiếu thời “thân nhất” của Trần Văn Thủy là Nguyễn Hữu Đính. Bức thư của Nguyễn Hữu Thái chừng một trang sách. Nhưng bức thư của Nguyễn Hữu Đính mà theo Trần Văn Thủy là dài 16 trang viết tay. Tôi đếm trong “ Nếu đi hết biển ... ”, bức thư của Đính dài ngót nghét 12 trang sách ! Tôi sẽ lần lượt đưa ra những sơ sót của nhà đạo diễn Trần Văn Thủy !
Trang 22:
Thủy chỉ quan tâm đến “công tác ”, “ nhiệm vụ ” mà Đảng và Nhà Nước đã giao phó cho ông. Ông không cần biết đến những gì là “ hư cấu ” hay “chuyện thật ”. Công tác, nhiệm vụ là trên hết !!!
Trang 24:
Chẳng qua, Trần Văn Thủy vì quá cẩn trọng mà thành ra sơ hở. Những chi tiết nhỏ cố tạo để minh chứng tình bạn thắm thiết với Nguyễn Hữu Đính như đoạn trong cái gọi là thư của Nguyễn Hữu Thái mà tôi vừa trích dẫn, nó thừa và tố cáo... cho tôi biết tác giả “bức thư Nguyễn Hữu Thái ” chính là... Trần Văn Thủy !
Giọng văn của bưc thư Nguyễn Hữu Thái, giọng văn bức thư Nguyễn Hữu Đính mà tôi sẽ phân tích đưới đây, cùng với giọng văn Trần Văn Thủy là MỘT.
Trang 32:
Rõ ràng Trần Văn Thủy luôn đeo mang trong đầu cái tâm thức của một “ thằng Việt cộng ” ! Trần Văn Thủy đã không chờ đợi “ nửa thế kỷ ” để có một cuộc tái ngộ với người bạn thân nhất thuở thiếu thời Nguyễn Hữu Đính. Công trình dàn dựng “ Một Bức Thư ” là công trình của nhiệm vụ, của công tác. Trần Văn Thủy Việt cộng tìm gặp Nguyễn Hữu Đính không phải là tìm lại những kỷ niệm của thời thơ ấu. Mà cán bộ văn hoá Việt cộng Trần Văn Thủy đang làm công tác tìm “ thằng Nguỵ ” Nguyễn Hữu Đính đã từng học lớp đệ thất B3 trường Nguyễn Khuyến Nam Định ngày xưa, để hoàn tất công tác tuyên truyền “ nối lại tình anh em ” với cái đám Ngụy Việt kiều ở hải ngoại !
Trang 33
Nhưng, suy ra cho cũng chẳng việc gì để thương tâm, khi chúng ta ý thức được rằng Trần Văn Thủy thực hiện công trình “ Nếu Đi Hết Biển ... ”, chẳng qua cũng là một loại công tác mà Đảng và Nhà Nước Việt cộng đã giao phó cho ông ta ! Một “ thằng Việt cộng ”, dù có đi tìm cha mẹ, anh em, vợ con, người yêu gì gì đi nữa, cũng phải bằng một ý thức chính trị rõ ràng.
Trang 52:
TVT là ai ? Một người ham vui ? Một kẻ ham địa vị ? Tôi chỉ biết chắc chắn TVT là một cán bộ văn hoá của Nhà Nước và Đảng Việt Cộng đang thi hành công tác. Công tác “ giao lưu văn hoá ” với giới trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong. Công tác “lôi kéo khúc ruột ngàn năm” về lại với Đảng và “ Quê Nhà và Dân Tộc” !!!
Trang 189:
Do đó, tôi sẵn sàng tranh luận hay đối thoại một cách công khai với bất cứ ai, tất nhiên kể cả những tên tuổi trong loạt bài tôi đã viết về cuốn “Nếu Đi Hết Biển ” ; nhất là ông Trần Văn Thủy.