Tôi không thể hiểu nổi mấy ông quan trên còn quan liêu đến bao giờ nữa. Cải cách hành chính gì mà cứ gây khó dễ cho dân, làm khổ dân. Tại sao cứ phải “xin” thì mới “cho”?
Luật Người cao tuổi đã được thông qua, người đủ 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được trợ cấp xã hội hàng tháng, đóng bảo hiểm y tế theo quy định, hỗ trợ chi phí mai táng vv...
Vậy mà tại sao các cụ (tạm gọi là may mắn, chưa về chầu tiên tổ) vẫn phải làm đơn, làm sơ yếu lý lịch? Đây là một thủ tục hết sức rườm rà, thậm chí còn “lạc hậu” trong khi nhà nước đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Chúng ta quản lý con người (các hộ dân) ở địa phương bằng sổ hộ khẩu, mỗi cá nhân có giấy Chứng minh nhân dân. Tại sao cơ quan chuyên môn giải quyết việc này lại không tin mấy ông trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, tin vào chi bộ Đảng, tin chính quyền xã phường để họ lập danh sách, có ảnh chụp, có bản sao hộ khẩu của người được hưởng trợ cấp xã hội gửi lên cho mấy ông xét duyệt?
Tôi được biết nhiều cụ, vì không biết chữ, vì sức tàn lực kiệt phải nhờ người khác (thậm chí đi thuê) để làm đơn và sơ yếu lý lịch. Thôi thì các cụ nghĩ sao viết vậy cho đủ thủ tục và nhờ họ ...ký luôn thể!
Lạ thật, cái tuổi gần đất xa trời mà còn phải làm cái lý lịch. Một thứ lý lịch bán ngoài chợ, dùng chung cho đủ loại thành phần. Cha mẹ các cụ “ngẻo” từ đời nảo đời nào vẫn phải khai. Mà cho dù lý lịch các cụ có “vết”, bản thân các cụ có “theo Tây đánh Ta” đi chăng nữa, thì vẫn cứ nghiễm nhiên được hưởng trợ cấp xã hội theo luật định. Vậy mà cái thủ tục vô lý ấy vẫn cứ phải làm để cho ông trưởng thôn, ông chủ tịch UBND xã nơi các cụ có hộ khẩu thường trú xác nhận. Thật vô lý hết sức!
Cụ già 80 đã vậy, lại nghĩ đến con trẻ. Luật quy định 7 tuổi là chúng được cắp sách đến trường. Chúng có “Quyền được đi học”. Ấy thế mà bố mẹ chúng vẫn cứ phải làm đơn xin học. Một thủ tục “truyền đời” đầy bất công và vô lý!
Được quyền hưởng hẳn hoi sao cứ phải “xin” thì “cho”?
Nhân đây, tôi cũng xin nêu một chuyện cũng vô lý không kém.
Tết Tân Mão này, lần đầu tiên các cụ tròn 90 tuổi, tròn 100 tuổi được “quà tết của trên”. Những cụ trên 90, trên 100 thì...nghỉ nhé!
Dân ta có câu: “kính lão đắc thọ; kính già già để tuổi cho!”. Cái tuổi trời cho ấy đâu phải dễ mà có được. Thế mà chẳng biết ông quan nào vẽ ra quà tết chỉ cho các cụ tròn 90, tròn 100 tuổi? Thà rằng “của ít lòng nhiều”, “của cho không bằng cách cho” để các cụ... cứ gọi là “ơn Đảng, ơn chính phủ” còn hơn là sự phân biệt đối xử bất công như vậy. Có thể năm sau, năm Nhâm Thìn “con rồng” thì hãy làm tròn. Nhưng thực ra, nếu íâp trên quan tâm nghĩ đến các bậc đại lão từ 90 trở lên, nhân dịp tết đến xuân về biếu các cụ chút quà thì có thấm tháp vào đâu.
Mong sao các ông quan đừng vô tình, đừng quan liêu, bớt chút thì giờ nghĩ lại cung cách quản lý hành chính, đừng hành dân nữa...
Các ông nên nghĩ lại cách “kính già”và ứng xử có văn hoá để khỏi mủi lòng các cụ.