Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bên cột mốc - chùm thơ Bùi Minh Quốc

Bùi Minh Quốc
Chủ nhật ngày 15 tháng 2 năm 2009 9:42 PM

Đà Lạt ngày 09.02.2009
Kính gửi trang nhà trannhuong.com,
Tôi trân trọng nhờ trannhuong.com công bố giùm chùm thơ của tôi.Chùm thơ này tôi đã gửi báo Văn Nghệ và đang chờ đăng, nhưng tôi muốn được sớm góp tiếng nói với đồng đội đồng nghiệp trong dịp này qua trannhuong.com.Xin cứ công bố luôn cả thư tôi gửi tổng biên tập báo Văn Nghệ để bạn đọc tiện theo dõi thái độ của tờ báo có in bài hay không.
 
Đà Lạt ngày 18.01.2009
          Kính gửi anh Nguyễn Trí Huân, phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam , tổng biên tập báo Văn Nghệ,
          Bữa trước đã gửi anh bài phát biểu của tôi tại hội thảo Biên Hòa ngày 8/01/2009, tôi vẫn chờ và vẫn tin nhất định Văn Nghệ sẽ đăng bài ấy.
Sắp đến ngày 17/02/2009, năm nay là vừa tròn 30 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới, ngày mà nhân dân và quân đội ta sau mấy chục năm chiến tranh lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mới (bao gồm cả cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam) gây ra bởi thế lực bành trướng .Nhiều năm qua chúng ta không tổ chức kỷ niệm các ngày này, 07 tháng 01.1979 và 17 tháng 02.1979, để cùng nhau ôn lại những đau thương mất mát, những hy sinh cao cả, chiêm nghiệm những bài học chính diện và phản diện, những chiến tích và sai lầm; sách báo hầu như không hề nhắc nhở, một mảng lịch sử hiện đại đẫm máu của dân tộc đang bị chìm dần vào quên lãng, đó là một thiếu sót lớn, thậm chí là một tội lớn đối với các cựu chiến binh và với vong linh các liệt sĩ, với Tổ Quốc Việt Nam.
Tôi hy vọng báo Văn Nghệ, với tổng biên tập Nguyễn Trí Huân là một nhà văn yêu nước, một cựu chiến binh, sẽ không để tờ báo cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam – một Hội yêu nước, tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của những thiếu sót và tội lỗi nói trên.Vì vậy, tôi trân trọng gửi đến báo chùm thơ của tôi để góp tiếng nói của mình vào công việc bảo tồn trí nhớ của dân tộc, rất mong được đăng vào số sớm nhất( 3 trong số bài này đã công bố ngay khi tôi mới viết, nay yêu cầu đăng lại).
 
 
BÙI MINH QUỐC
 
 
          BÊN CỘT MỐC
 
          Tim thắt lại trong buổi chiều lúa non
          Bản Nùng xa khói bếp
          Hoa phượng đỏ đầy trời xứ Lạng
          Đỏ lên từng tấc đất tôi thương
 
          Máu đồng đội đỏ cho màu lúa ấy
          Ôi màu khói màu hoa tự bao giờ cứ vậy
          Dù ai để ý hay không
          Sao lòng ta run rẩy
          Tiếng xe ngựa qua cầu Kỳ Lừa
          Lóc cóc dưới chiều mưa
          Tấm bạt rách trên mui gió lật
          Che mái đầu mấy người đàn bà
          Nói những chuyện cuốc cày mua bán
          Em bé Nùng ngồi trong quang mẹ gánh đi sơ tán
          Như chính tôi thuở nào
          Mắt em nhìn thăm thẳm làm sao!
 
          Thăm thẳm một đời bao thứ giặc
          Chưa giặc nào như giặc này
          Quân ăn cướp quân phản trắc
          Đã từng vào nhà ta
          Như một người bạn thân một người đồng chí
          Thăm hỏi vợ ta
          Bồng bế con ta
          Siết tay ta rất chặt
          Cùng nhau ngồi ở góc phòng kia
          Quanh bộ bàn ghế trúc
          Bữa ăn tươi có nem rán bún bò
          Bánh bao nhân thập cẩm…
 
          Nhưng phút chốc bỗng tan tành tổ ấm
          Ta đâu có thể ngờ
          Phút chốc đã tan tành tổ ấm
          Cái tổ ấm vừa nhen sau cuộc chiến tranh dài
          Chính bàn tay đã cùng ta chúc rượu
          Lại đến đây bắn pháo giật mìn.
 
 
 
          Ta xin hiến đời ta làm cột mốc
          Phân rõ ranh giới này
          Người cộng sản và lũ bạo chúa giương cờ cộng sản
          Đứng trên Thiên An Môn hô những lời cách mạng
          Được tụng niệm như kinh
          Đánh cắp niềm tin của triệu người lao động ngay lành
 
          Ta xin hiến đời ta làm cột mốc
          Mẹ Việt Nam cắm chắc ở nơi này
          Gan góc
          Thẳng ngay
          Đến cái chết cũng chẳng hòng đánh bật
                  
          Ôi màu hoa lặng lẽ đỏ trong chiều
          Lặng lẽ nói tình yêu
          Những người lính đêm ngày trên điểm tựa.
 
                                      Lạng Sơn, tháng 5-1981.
 
 
          PHO TƯỢNG Ở PHNOM PÊNH
 
          Bây giờ thì lão nằm trơ đó
          Làm bẩn cỏ và bùn
          Dưới cái nhìn ghê tởm
          Của những người trở về sau thảm hoạ
         
          Lão nằm, mặt ngửa lên trời, vẫn tự huyễn hoặc mình trong vẻ uy nghi
          Ngỡ đâu đây còn lô xô một biển người mê muội
          Vĩ vĩ đại
          Muôn muôn năm
          Họ hét đến khàn hơi - đâu có hay lịch sử xót thương thầm
 
          Lão nằm, cái mặt phệ như còn luyến tiếc ngẩn ngơ
          Đời bạo chúa được tôn xưng như thánh
          Bao nhơ nhớp cung đình cũng toả hào quang
          Cái khịt mũi cũng thành chân lý
          Cuốc đập nát cái đầu nào biết nghĩ
          Cuốc đập đầu không gây tiếng vang
 
          Tôi đến Phnom-pênh ngày giải phóng
          Gặp lại Úc-xun
          Người bạn cũ một thời đánh Mỹ
          Nghẹn ngào ôm nhau
          Sung sướng
          Nhìn dưới chân đổ kềnh pho tượng
          Chợt thấy lòng tởm lợm
          Nhớ lại thời học sinh
          Sao cái cục đồng kia từng chễm chệ giữa đầu mình?
 
                             Phnom-pênh 7-1-1979
                             Bát-đom-boong  tháng 5-1982    
 
          ĐÊM VỀ BÊN EM
 
Tặng các đồng đội tôi trên biên giới phía Bắc và biên giới Cam -pu-chia- Thái Lan
 
 
 
          I
          Đêm nay về bên em, bên em
          Biên giới xa đồng đội giờ này thức ngủ?
          Ôm em hôn em lòng vẫn bồn chồn một chân trời súng nổ
          Một cánh rừng máu loang
 
          Anh muốn lịm trong vòng tay cuồng nhiệt
          Cái hơi thở quen mà như lần đầu được biết
          Anh uống đến hụt hơi
          Đến có thể quên đi mọi sự trên đời…
          Nhưng không thể - xin ẹm đừng trách
          Không thể không thể - xin em đừng trách
          Ngay khoảnh khắc này, dẫu khoảnh khắc này thôi
          Anh vẫn nghe bỏng rát một bên người
          Súng nổ.
 
          II
          Anh đã về tận đây, bên em
          Cồn cào biển vỗ trăng lên nồng nàn
          Trong nhau thức ngủ mơ màng
          Ta bay với gió sông Hàn bao la
         
          Chợt nghe lảnh lót gần xa
          Tiếng rao tự tuổi thơ ta vọng về
          Tiếng rao động cả trời khuya
          Bước chân ai suốt phố hè không yên
         
          Bao giờ
          Bao giờ hết tiếng rao đêm
          Đời anh mới trọn bên em giấc nồng.
 
                                      1982