Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Cả tin, trả giá nhưng vẫn luôn tin yêu

Tố Lan
Thứ năm ngày 12 tháng 2 năm 2009 6:49 PM


Đảm trách công việc của một hội mà luôn là nơi xuất phát những vấn đề tranh luận sôi nổi trên văn đàn, ước vọng muốn được dông dài cùng vị chủ tịch bên ly cà phê chuyện đời, chuyện nghề thật khó. Vì vậy cuộc gặp với nhà thơ chỉ được thực hiện chớp nhoáng xen vào giữa bộn bề, tất bật của những ngày cuối năm.
 
2008 - Hội Nhà văn được mùa hội thảo
 
- Thưa anh, có thể phác ra những hoạt động lớn trong năm 2008 của Hội Nhà văn Việt Nam thế nào?
- Năm 2008 được xác định là năm nâng cao chất lượng toàn diện của Hội Nhà văn Việt Nam với rất nhiều hoạt động, trong đó có việc xét giải thưởng văn học và kết nạp hội viên mới. Về lĩnh vực lý luận phê bình, Hội mở lớp bồi dưỡng cho những người làm công tác lý luận phê bình văn học. Đây là một bước ngoặt đánh dấu quá trình bồi dưỡng đào tạo đội ngũ các cây lý luận phê bình văn học trẻ. Lần đầu tiên mở lớp lý luận phê bình nên nhiều khó khăn. Nhưng quyết tâm và có giải pháp, lớp học đã thu được kết quả tốt đẹp với 49 người được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Bên cạnh đó Hội tiến hành đầu tư chiều sâu cho gần 20 công trình với mức từ 20 - 25 triệu.
Nhằm triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Hội chúng tôi đã tổ chức các cuộc hội thảo: Nhà văn và cuộc sống (tổ chức ở Quảng Nam - Đà Nẵng) đặt ra 2 vấn đề lớn: nhà văn phải gắn bó với đời sống và nhà văn phải có trách nhiệm công dân trước đời sống; Nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học (tổ chức ở Ninh Bình) gồm 25 tỉnh phía Bắc tham gia. Tinh thần của hội thảo là nâng cao trình độ sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của lao động nhà văn; Văn học trong xu thế hội nhập (tổ chức tại Thanh Hóa). Sau đó sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tổ chức tại An Giang). Đây là đề tài lớn bởi bước chuyển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì khu vực chuyển động nhất là nông nghiệp, nông thôn; Nhà văn với chủ đề Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (tổ chức tại Đồng Nai) cho các tỉnh Đông Nam Bộ - vùng tam giác kinh tế; Nâng cao tính chuyên nghiệp của văn học (tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh); Xây dựng tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp (tổ chức tại Hà Nội); Văn học với đề tài doanh nghiệp doanh nhân (tổ chức tại Vĩnh Phú cũ).
- Các cuộc hội thảo ấy giải quyết được vấn đề gì đang đặt ra trong đời sống văn học hôm nay?
- Nó giải đáp được 2 vấn đề lớn: thứ nhất là gắn nhà văn với đời sống. Một trong những nguyên nhân mà lâu nay chúng ta chưa có tác phẩm hay là vốn sống, vốn hiểu biết của nhà văn về cuộc sống hiện tại còn nhiều hạn chế. Hội phải giúp đỡ nhà văn đi, hiểu đời sống, thường xuyên bổ sung vốn sống mới có thể viết hay được. Mỗi nhà văn cũng phải có ý thức đầy đủ về việc này.
 
Nếu chưa làm được con tính nhân thì phải làm con tính cộng
 
- So với tình hình văn học một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây, văn học ta thế nào?
- Tôi đã nghe nói từ lâu, những tài năng có tầm ảnh hưởng bao trùm toàn thế giới bây giờ rất hiếm. Có nhiều nơi người ta có ý thức nuôi dưỡng những con khủng long về văn học. Ý muốn là như thế, còn thực tài mới là cái quyết định. Ta phải chờ đợi thôi. Một số nước xã hội chủ nghĩa cũ mà tôi đến nói chung các Hội Nhà văn đều phân liệt, hoạt động rời rạc, tượng trưng. Họ không được nhà nước cấp kinh phí. Nhà văn phải tự mình bươn chải, khó khăn lắm. Cả đất nước có 43 triệu dân như Rumani mà tờ báo văn học của họ mỗi số chỉ 2.000 bản. Ba Lan là đất nước đã từng có 4 giải Nobel Văn học và có Hội Nhà văn khá mạnh, bây giờ sinh hoạt văn học do từng nhóm nhỏ hoạt động là chính. Cái ưu việt của ta là có mô hình tổ chức VHNT ổn định, có sự tài trợ lớn của Nhà nước, nhà văn được chăm sóc nhiều quyền lợi. VHNT của ta phát triển đa dạng, cởi mở, thông thoáng trong sáng tác, quảng bá tác phẩm và giao lưu văn học. Ngay cả một số cây bút ở hải ngoại, bây giờ chúng ta cũng đăng tải tác phẩm của họ hướng về dân tộc. Nếu chưa làm được con tính nhân thì phải làm con tính cộng, cộng tài năng, cộng tâm huyết, cộng những năng lượng của dân tộc. Những yếu tố này sẽ hứa hẹn những mùa phát triển mới.
 
Không có gì thành kiến với thơ
 
- Năm 2008, Hội Nhà văn không trao giải thưởng cho thơ. Với tư cách là một nhà thơ, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà văn, anh đánh giá tình hình thơ hiện nay thế nào?
- Trong nhiệm kỳ này, Ban chấp hành muốn nâng cao chất lượng của giải thưởng. Theo quy chế mới, chỉ có một loại là giải thưởng, không có loại tặng thưởng và cũng không chia ra nhiều loại A, B, C như trước. Tác phẩm nào xứng đáng thì trao, không hạn chế về số lượng. Năm nay không chỉ thơ mà lý luận phê bình cũng không có tác phẩm được giải thưởng. Riêng thơ, Hội đồng sơ khảo giới thiệu lên 2 cuốn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Thị Như Thúy. Ban chung khảo bổ sung thêm cuốn của Lê Đạt. Mỗi tác phẩm có ưu điểm riêng. Hội đồng chung khảo đã thảo luận, cân nhắc rất nhiều. Có người ủng hộ thơ trẻ của Như Thúy, có người nghiêng về sự tìm tòi của Lê Đạt, lại có người ủng hộ cách viết truyền thống sâu lắng của Nguyễn Khoa Điềm. Cái được của thơ vào chung khảo là đa dạng, nhưng kết quả bỏ phiếu thì tập trung không cao. Tập của anh Lê Đạt được nhiều phiếu hơn cả, nhưng cũng không quá bán số phiếu bầu. Tâm trạng chung của những người xét giải là muốn thơ phải nhuần nhuyễn, sâu sắc, nhưng phải mang được giọng điệu mới của thơ hôm nay.
- Hiện nay thơ trên mạng rất nhiều và thường là của người trẻ. Anh có quan tâm không và theo anh dòng thơ đó có tương lai gì?
- Nói chung nền thơ của ta được nâng cao lên, đề tài được mở rộng, tình cảm cá nhân khá đậm, nhưng có 2 xu hướng đáng quan tâm: có cái trì trệ, lặp lại mình, lặp lại người khác, cứ véo von mãi một điệu cũ, không đáp ứng được yêu cầu của ngày hôm nay; Có một xu hướng khác nghiêng về đổi mới hình thức. Câu văn dài ra, văn xuôi hóa, quên mất nhân tố hàm xúc, cô đọng, vang vọng nội tâm là yếu tố hàng đầu của thơ. Thơ cần đổi mới, nhưng cái đổi mới khó nhất là cách nhìn, điệu cảm, tâm hồn và tư tưởng của nhà thơ. Cuộc cách tân nào cũng cần kết hợp nhuần nhuyễn cả hình thức và nội dung. Cứ để mọi người tìm tòi rồi tự điều chỉnh, vốn sống, tình cảm, sự chín chắn sẽ giúp họ có những tác phẩm hay.
 
Thật lòng tôi thích nhất là thơ
 
- Dấu ấn về anh là những bài thơ trữ tình, câu thơ đầy ấn tượng và ý tứ thì sâu xa. Ngoài thơ, anh còn có sở thích gì?
- Tôi thích nhiều thứ. Thích viết kịch, diễn kịch, thích âm nhạc, hồi trẻ tôi đã tham gia viết và diễn kịch ở trung đoàn. Thơ thích nhất. Thơ có lợi thế là biểu cảm, nhưng bao nhiêu vốn sống tích lũy thì không nói hết được bằng thơ. Hơn chục năm ở Binh chủng Xe tăng, tôi quan sát, ghi chép nhiều lắm, nhưng dung lượng chuyển tải được bằng thơ rất ít.
- Và anh sẽ viết văn xuôi chứ?
- Tôi đã từng viết ký và truyện ngắn, sau này có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục viết văn xuôi.
 
Tôi hơi tự ti trước phụ nữ
 
- Trong những cuộc trò chuyện, tôi thấy nhiều phụ nữ ngưỡng mộ anh. Anh có cảm nhận được điều đó không?
- Không, không có đâu, không thấy. Tôi hơi tự ti trước phụ nữ, vì mình ở lính lâu ngày, ít tiếp xúc nên ngại.
- Ai mà tin được điều đó. Vậy theo anh, người đàn ông cần tố chất gì nhất?
- Điều tôi quan tâm đầu tiên là sự phát triển về trí tuệ. Vì trí tuệ làm nên nhân cách, bản lĩnh con người. Bản lĩnh để luôn vững vàng trước mọi biến động của cuộc sống. Điều đó đòi hỏi sự dũng cảm để giữ được mình, có khi phải chấp nhận là thiểu số trong đám đông, có khi bị va đập ghê gớm, nhưng mình phải là mình.
 
Bị trả giá quá nhiều vì sự cả tin
 
- Anh có tin vào tướng số không?
- Đó là một lĩnh vực thú vị đấy chứ.
- Thầy phán anh thế nào?
- Cả tin. Mà thấy đúng thật, bình thường mình có thể đủ lý lẽ, nhưng thực tế lại rất cả tin. Sự trả giá nhiều khi quá đắt. Cố rút kinh nghiệm mà vẫn chưa sửa được. Bây giờ tuổi nhiều rồi, nhưng nếu cho tôi bắt đầu lại từ thời trẻ thì tôi vẫn tiếp tục cả tin như thế. Nhìn vào người nào mình cũng thấy phần tốt, phần sáng, ít đề phòng. Người làm thơ phải luôn nuôi dưỡng niềm tin vào con người, lúc nào cũng đề phòng, cảnh giác thì cuộc sống còn ý nghĩa gì. Vì thế tôi đã làm bài thơ Tự thú có hai câu mở đầu thế này: Ta đâu có đề phòng từ phía người yêu/Cây đổ về nơi không có vết rìu.
 
Tết - Tôi thích trở về chốn tuổi thơ
 
- Nghỉ Tết anh thường làm gì?
- Về quê. Hằng ngày chúng ta phải dấn thân, nhập cuộc, quá tải. Sự yên bình ở làng quê làm cân bằng trạng thái tâm hồn. Cái bình dị ở làng quê, những con người chân chất ở làng quê mang lại cho ta sợi dây gắn kết với đời sống khiến nó không bao giờ bị gián đoạn. Vì thế, tôi thích về quê, về nơi tuổi thơ mình gắn bó, sướng lắm. Đó là biển của hồi ức.
- Anh có thói quen khai bút ngày xuân?
- Tôi không hay sáng tác thơ bằng bút mà làm trong đầu, khi nào hoàn chỉnh mới ghi ra giấy. Nhưng không lúc nào ngừng nung nấu. Có những bài trở đi trở lại trong đầu mấy năm liền mới ghi ra giấy được. Trong đầu bao giờ cũng bị ám ảnh những câu thơ nên đi đường thường không tập trung, dễ nguy hiểm lắm. Đã có lần mải thơ thẩn mà lạc vào làng không biết đường ra. Thơ đã vận vào người là khó thoát được lắm. Nhưng làm sao được, nó là cái nghiệp rồi.
 
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống
Tố Lan (thực hiện )