Trang chủ » Cùng vui

HỎI CHUYỆN NGƯỜI XỬ PHẠT

Vũ Quốc Tuý
Thứ bẩy ngày 27 tháng 11 năm 2010 3:24 PM

- Xin ông cho biết mục đích của việc xử phạt?
- Nhằm giáo dục, răn đe, ngăn chặn những vi phạm tương tự có thể xảy ra.
- Lấy giáo dục, răn đe, ngăn chặn làm mục tiêu thì tại sao lại có hiện tượng đề ra chỉ tiêu tiền mặt thu được do xử phạt hằng tháng, hằng quý để quyết tâm thực hiện?
- Vi phạm thì nhiều mà xử phạt thì ít nên phải có chỉ tiêu để đánh giá thành tích giao nộp “sản phẩm” góp phần tăng thu cho ngân sách .
- Vậy càng nhiều người vi phạm càng chóng hoàn thành chỉ tiêu, tháng sau cao hơn tháng trước?
- Đúng vậy mà không phải vậy! Chắc chẳng ai muốn thế, nhưng nghề nào thì cũng cần phải có thu nhập.
- Cho nên có hiện tượng cứ cố nặn ra các quy định trái khoáy nhằm vào người lao động?
- Đó chẳng qua do trình độ văn hoá, nhận thức, am tường luật pháp còn nhiều hạn chế và thói quan liêu của một vài cá nhân .Cho nên những văn bản vừa mới soạn thảo, định trình lên cấp trên đã bị dư luận kịch liệt phản đối và bác bỏ.
- Nghe nói người soạn thảo văn bản quy định phải là những bậc hiền tài, có học vị cao và chức sắc lớn?
- Thật giả bây giờ khó phân biệt lắm!
- Có phải ta đang lạm phát văn bản quy định trái khoáy không?
- Hình như vậy. Nên mới suýt nữa có quy định ngực lép không được tham gia giao thông bằng xe máy. Đã có quy định cùng một lỗi vi phạm, tại địa bàn thành phố phải nộp phạt cao hơn tại địa bàn nông thôn. Định “khai thác” chỗ nhiều tiền, nên đã làm trái pháp luật, đi ngược lại điều qui định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”! Nhằm giảm thiểu người dân quê đi lại vào thành phố (ngăn sông cấm chợ kiểu mới) càng không ổn. . Oái ăm quá!
- Vậy muốn đi vào nền nếp, công bằng, có khi phải xử phạt người soạn thảo ra những quy định trái khoáy, ông nghĩ  thế nào?
- Ấy chớ! Đừng có phạm thượng. Cái chính là phải nâng cao vai trò trách nhiệm, trình độ của bộ máy quản lý nhà nước
- Vâng, xin cảm ơn ông!