Trang chủ » Cùng vui

THẢM HỌA

Vũ Quốc Túy
Thứ bẩy ngày 27 tháng 11 năm 2010 3:09 PM

- Dường như dân mình bây giờ luôn luôn bị đe dọa bởi các thảm họa.
- Gì mà ghê thế ?
- Nói ra thì nhiều lắm. Nào thiên tai, nào thay đổi khí hậu. Nào an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhiều lắm, nói nghe đến nhàm tai, nói cả ngày chả hết. Nhưng vấn đề  đáng nói có lẽ là thảm họa do quá ham…vui !
- Vui chơi mà dẫn đến thảm họa?
- Đúng. Bây giờ, ngoài các nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến tranh v.v, có thể nói đã có thêm loại nạn nhân nữa. Nạn nhân…vui chơi. Vui chơi tự phát, vui chơi do chính quyền tổ chức. Đời sống kinh tế mới kha khá một tí đã vội phởn lên, ăn chơi xả láng, lễ hội triền miên, tiêu tiền tấn, lãng phí rồi…gây họa. Tuy nghìn năm mới có lần đầu, vụ nổ xe pháo hoa chết người hại của trong dịp đại lễ Thăng Long vừa rồi cũng là thảm họa điển hình về ham chơi. Rồi xả rác vô tội vạ phá hoại môi trường là thảm họa thứ hai trông thấy nhỡn tiền Chưa biết trong tương lai, quanh năm lễ hội rùm beng phô trương hình thức sẽ còn gây họa gì nữa đây ? Thảm họa ở nước bạn Khơ Me hôm 22-11-2010 đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh. Đi trẩy hội, cầu phúc, cầu tài, cầu cho quốc thái dân an… rồi dẫm đạp lên nhau mà chết  Kính chẳng bõ phiền.. Hai thảm họa ở hai nước  tuy khác nhau về quy mô, mức độ thiệt hại nhưng nguyên do thì giống nhau. Chết vì lễ hội. Đó là nhân tai
- Dường như cả thế giới chả nước nào lắm lễ hội như nước mình. Mở lịch ra thấy 365 ngày dày đặc các lễ hội, chưa kể đến những lễ hội trùng ngày. Làm lịch để quảng bá, lấy đó làm tự hào về truyền thống văn hóa nghi lễ tốn kém vô bổ. Miền Bắc nhiều hơn miền Trung và miền Nam. Những nước phương tây ít lễ hội, chứng tỏ họ văn minh hơn mình nhiều. Sao không học cái hay của người ta nhỉ?
- Thế mới là văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nước mình chứ. Dân mình duy tình mà
- Duy tình để rồi ăn xổi ở thì chắc? Đậm đà đến mức di tích tùng tu kiểu… phá ra xây lại hoặc vẽ vời bôi trát nhố nhăng kệch cỡm. Rồi chùa mới mọc lên như nấm, hô thần nhập tượng rầm rầm, quanh năm lễ bái, đốt vàng mã khói um mù trời, đồng cô bóng cậu, bói toán bịp bợm lấy chỗ dựa kiếm ăn. Chả biết đời sống văn hóa, tự do tín ngưỡng kiểu gì
- Hiện tượng trên có thể do đầu tư vào lĩnh vực văn hóa không hiệu quả, dàn trải. Chỗ đáng được đầu tư thì không đầu tư. Cứ để thả nổi mặc dân, lại còn đậy điệm nó bằng cái  mĩ từ “xã hội hóa”.Nghe sao mà…rặm tai. Văn hóa “ăn chơi không ngại tốn kém” có khi đã trở thành …quốc sách
- Theo thời gian, tất cả mọi cái đều mất đi, chỉ còn lại văn hóa . Thế mà lại bị coi nhẹ. Có thể nói thảm họa từ văn hóa ăn chơi đang treo lơ lửng trên đầu dân mình!
- Ấy, đừng bi quan thế! Có bộ máy quản lý nhà nước sáng suốt, có ngành văn hóa anh minh  Khiếm khuyết kia chỉ là tạm thời. Sợ cóc gì!