Trang chủ » Tin văn và...

Tin buồn: Nhà văn-dịch giả Lê Bầu đã ra đi

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 8 tháng 2 năm 2009 6:19 AM
Tôi đang trên quê Thạch Sơn Lâm Thao Phú Thọ để làm giỗ Tổ họ Trần nhà tôi. Sáng sớm nay 8-2 vào nét nhận được thư của nhà thơ Vũ Từ Trang báo tin dữ Nhà văn Lê Bầu đã tạ thế. Không có điều kiện đưa tin chu đáo, Trannhuong.com xin loan tin để đồng nghiệp, bạn đọc biết tin buồn này.
 
 Nhà văn Lê Bầu đã ra đi lúc 15 giờ 15 phút  ngày 7 tháng 2 năm 2009, sau mấy tháng chống chọi kịch liệt với căn bệnh hiểm nghèo



LÊ BẦU

Bút danh khác: Phan Hà

Họ và tên khai sinh: Lê Văn Bầu. Sinh ngày 23 tháng 6 năm 1930. Quê quán: Quan Xuyên, Khoái Châu, Hưng Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 257 Thanh Nhàn, nhà A6 , phòng 206 quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Vào Hội năm 1988.

 Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tốt nghiệp ĐH Trung văn tại Trung Quốc, làm phiên dịch ở Việt Nam và Trung Quốc, dạy học. Từ 1961 biên tập viên văn học ở Sở Văn hoá Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội và Nxb Hà Nội, về hưu năm 1993.

 Tác phẩm chính đã xuất bản: Truyện ngắn, ký: Thông reo (1962); Đi thực tập (1961); Những năm tháng trôi qua (1984); Hoàng hậu vàng anh (1983); Hai người buồng bên kia (1993); Dòng sữa trắng (1976); 60 ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân (1988); Ngã ba cô đơn (tiểu thuyết, 1993); Độc hành (2004); Dịch văn học: Quỷ Thành, Hoài niệm sói, Thị trấn Phù Dung, Tể tướng Lưu Gù, Oshin, Trở về, Hoạn quan Trung Hoa, Nỗi hoài hương dằng dặc, Đội vi trùng 731, Hồn hoa đào, Truyện Mạc Ngôn, Truyện ngắn của ba nhà văn nổi tiếng, Phố cửa Giấy …

 Giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tập truyện ngắn Hai người buồng bên kia. Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết dịch Trở về. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tập truyện dịch  Quỷ thành.

 Suy nghĩ về nghề văn: Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với nhà văn là lòng yêu nghề, yêu từ ruột yêu ra, nếu không sẽ không duy trì được nghề nghiệp, dù dùng nghề nghiệp của mình vào việc làm báo kiếm sống. Lòng yêu nghề có thể chưa là yếu tố để có văn hay, nhưng trước nhất, cần nhất vẫn là lòng yêu nghề.