Ghi chép
Cơn bão số 3 vừa mới đi qua.
Nhận được giấy triệu tập của Hội nhà văn, tôi và nhà văn Dương Hướng bỏ lại phía sau còn những ngổn ngang đổ nát của một miền quê nằm trong mắt bão, đến với trại viết.
Đã có hẹn, nhà văn Dương Hướng cho xe rẽ vào sân bay Nội Bài đón nhà thơ Bùi Minh Vũ từ Đắc Lắc ra.
Đại Lải. Nhà sáng tác như lọt thỏm trong thâm u tĩnh lặng ngàn xanh. Đang tiết cuối thu, cơn gió mùa đông bắc đầu mùa mang theo cơn mưa vừa ngớt. Bầu trời miền trung du vẫn còn lớp lớp tầng vân. Cái lạnh se se đầu mùa cùng với bầu không gian tĩnh lặng khi bước vào Đại Lải, làm cho chúng tôi, những người quen với không gian bao la thoáng đãng của Hạ Long không khỏi bâng lâng xao xuyến nỗi niềm.
Chị Nguyễn Hạnh Lâm đại diện Ban tổ chức trại ra tận cổng nhà sáng tác đón chúng tôi đưa vào ổn định phòng ốc.
Mới mười một giờ hơn - Trưa ngày 29/9/2024, tưởng mình là người đến sớm, nhưng không. Con số trại viên được triệu tập 15 người, thì gần như đã đến đủ.
Ba trại viên ở xa nhất, họ đến từ các tỉnh phía Nam. Nhà văn Phạm Đức Long – đến từ Gia Lai. Nhà thơ Bùi Minh Vũ - đến từ Đắc Lắc, nữ nhà thơ Cát Du - Thủ Dầu Một - Bình Dương. Duy chỉ thiếu Cát Du (trưa ngày hôm sau chị mới ra nhập trại).
Phía Bắc, người ở xa nhất là nhà văn Đoàn Hữu Nam, đến từ Lào Cai. Ông là tác giả viết nên những tác phẩm nổi đình nổi đám như: Thổ Phỉ; Rễ Người; Trên đỉnh đèo giông bão. Những tác phẩm văn học của ông nhiều lần được Hội Nhà văn, được Bộ Công an trao giải. Được chuyển thể thành kịch bản phim, kịch bản sân khấu. Ông xuống được với trại chậm mất nửa ngày.
Còn những lão trượng, không những lão trượng về tuổi tác, mà cả với bề dày tác phẩm, có sức bền giá trị, đóng góp cho kho tàng văn học của Hội. Đó là, các nhà văn lão thành: Nhà thơ Trần Nhương. Một người đa tài, chất nặng trên vai ba bốn danh: Nhà thơ, nhà báo, nhà văn, họa sĩ, …
Chỉ điểm riêng về sáng tác văn học ông đã có cả chục đầu sách được xuất bản, trong đó nhiều tác phẩm được trao giải:
- Bài thơ tình của đất - Tập thơ. Bộ Quốc phòng trao giải.
- Gió tháng ba - Tập thơ. Giải thưởng liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
- Gió bát ngát đầu rừng - Thơ. Giải thưởng văn học thiểu số.
- Bến đỗ đời anh - Tiểu thuyết. Giải thưởng văn học Sông Mê Công.
Ông mang đến trại viết năm nay bản thảo tập thơ: Mùa thu vừa chạm ngõ.
Nhà văn - Doanh nhân Nguyễn Đắc Như. Ông đi nhiều biết lắm. Mỗi vùng miền đặt chân đến, ông đều để lại những dòng lưu bút thành những trang bút lý mang đậm dấu ấn tình đất, tình người. Ông đã viết nên ba cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, một tập tản văn và một tập thơ. Gần đây nhất ông vừa cho in một tập bút ký với khổ sách 14 x 16cm dày dặn tới ngót 300 trang in. Với tựa đề Đồng Vọng Mùa Xuân. Trong số tác phẩm đã được công bố của ông, đã có hai cuốn tiểu thuyết được Hội Nhà văn trao giải.
Đến với trại, lão nhà văn Đắc Như đăng ký hoàn thành bản thảo tiểu thuyết: Tiếng chuông nhà thờ cửa Bắc.
Phó Giáo sư tiến sĩ - Nhà lý luận phê bình Vũ Nho. Một người rất vô tư, cởi mở, luôn vui vẻ hài hước. Với công việc của người làm lý luận phê bình, ông không nề hà toan tính, khi nhận sự ủy thác của bạn viết, để có những trang phê bình đúng mực. Không nâng tầm, không tùy tiện - cảm tính.
Ông đã cho xuất bản trên một trăm đầu sách (cả in chung và in riêng, cả lĩnh vực văn chương và giáo dục).
Ông đã được trao các giải thưởng:
- Truyện ngắn: Ông Đội trưởng - Hội VHNT Việt Bắc trao giải.
- Truyện ngắn: Anh ấy tôi có biết - Hội VHNT Bắc Thái trao giải.
- Bình thơ: Thế giới trong ta - Tạp chí Thế giới trong ta trao giải.
- Tập sách bình thơ - Hội đồng lý luận phê bình Hội VHNT Việt Nam trao giải.
Cùng làm công việc lý luận phê bình Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyên An cũng dự trại. Nhắc đến ông, tôi xin tẽ ngang một chút để nhớ về một buổi sáng cách nay đã bảy tám năm, mới năm giờ sáng, thấy chuông điện thoại reo, tôi bấm phím lắng nghe. Thấy một giọng miền Trung nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ: Anh là tác giả bản thảo tiểu thuyết Đất Làng Bồi, dự thi cuộc thi do Bộ Công an tổ chức đề tài vì An ninh nhân dân và bình yên cuộc sống? Vâng. Tôi trả lời xác nhận. Nguyên An tự giới thiệu về mình và cho biết anh đang trong ban giám khảo các tác phẩm dự thi, khi ráp phách lại mới rõ tên tác giả, tác phẩm đã chấm. Xong anh hỏi lại tôi: Trong hai cuốn tiểu thuyết anh viết: Chiến tranh qua rồi và Đất Làng Bồi, thì anh tâm huyết cuốn nào hơn (Chiến tranh qua rồi, đã được vinh danh trong cuộc trao giải đề tài chiến tranh cách mạng, năm năm xét một lần). Tôi đã thực lòng bày tỏ quan điểm của mình với Nguyên An.
Vâng. Điều tôi muốn nói ở đây về Nguyên An, là sự cặn kẽ, cẩn trọng, tìm đến ngọn nguồn để đánh giá, để hiểu đúng về một tác phẩm, tác giả khi viết phê bình một tác phẩm văn học.
Và tại trại viết này đã tạo nên sự bất ngờ để tôi được gặp Nguyên An. Anh đã có cả chục đầu sách về lý luận phê bình văn học. Trong đó có những tập đã được Hội Nhà văn trao giải. Anh sẽ nộp cho trại bản thảo: Chân dung văn học trong trại sáng tác này.
Với nhà văn Dương Hướng. Chỉ nói sơ về ông thế này. Trước khi trở thành nhà văn, ông từng là lính chiến. Ông có thời gian năm năm chiến đấu ở địa bàn Quảng Ngãi, Quảng Nam máu lửa. Sau giải phóng miền Nam, ông chuyển ngành sang làm cán bộ Hải quan. Có lẽ không cần nói thêm về ông, vì thành tựu văn học của ông thì ai cũng biết. Nên, chỉ phô thêm mấy thông tin về ông: Ông được giao nhiệm vụ đến trại làm trại trưởng thì đã là một nhẽ. Còn với bổn phận trại viên, ông đến trại để chỉnh sửa bản thảo cuốn tiểu thuyết: Lời người gác đèn, dài dặc những trên 500 trang in, và cũng xin thông báo thêm về ông một tin vui: Cuốn tiểu thuuyết: Dưới chín tầng trời của ông từng bị hạn chế tái bản mười mấy năm trường, nay đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn vào kế hoạch tái bản trong thời gian tới.
Tiến sĩ nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Trưởng chi hội Nhà văn Công nhân. Đến trại, ông được Hội Nhà văn giao nhiệm vụ phó trưởng trại. Ông đã làm rất tốt, rất nhiệt tình vai trò của người chăm lo ổn định sinh hoạt, đời sống hàng ngày cho trại viên. Ông là một nhà thơ đa năng đa tài. Với thơ, ông không chỉ nặng tình với người thợ mỏ, với giai cấp công nhân, mà còn thả tâm hồn trong trẻo về cùng thế giới tuổi thơ. Từ những năm 1970, ông đã có thơ in trên báo. Với bề dày cuộc sống và hoạt động văn học nghệ thuật, đến nay ông đã có tới gần ba mươi tập thơ và văn ra mắt bạn đọc.
Những tác phẩm điểm của ông như: Đi tìm vàng - Thơ; Thơ và thợ - Thơ… Được người yêu thơ đánh giá cao. Vì vậy ông đã ba lần được Hội Nhà văn trao giải. Và còn đạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi thơ khác nữa.
Ông đến trại để khởi viết trường ca: Bay trên bầu trời Trung Hoa.
Còn với nhà giáo - Nhà văn Mai Tiến Nghị. Ông đến từ Thành Nam, miền đất của thành phố dệt, một miền đất còn lưu lại nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử. Trước khi trở thành nhà giáo, ông đã nhập ngũ rồi đi B, chiến đấu trong chiến trường Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định … Nơi chiến trường gian nan, khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hoàn thành nhiệm vụ người lính, sau năm 1975 ông mới quay về trường Đại học Sư phạm học tiếp để trở thành nhà giáo. Để sau này đảm nhận vai trò Hiệu trưởng một trường cấp II.
Trong quá trình sáng tác văn học, ông đã như con tằm rút ruột mình viết nên những truyện ngắn, tiểu thuyết với những xót xa thân phận, đời người: Kiếp người; Mùa cua rận; Đông trùng hạ thảo; Nợ nhân gian; Mía đắng, chỉ những cái tên, đọc lên đã xói vào tâm can người đọc.
Tác phẩm văn học của ông được đánh giá cao trong dư luận bạn đọc, được vinh danh trao giải trong các cuộc thi từ Trung ương tới địa các địa phương:
- Mặt trời chói lóa - Hội Nhà văn trao giải - Truyện ngắn.
- Đông trùng hạ thảo - Tiểu thuyết - Hội Nhà văn trao giải.
- Nợ nhân gian - Tập truyện ngắn - Hội Nhà văn - Bộ Nông nghiệp đồng trao giải.
Ông đang hoàn thiện bản thảo: “Trong lòng thuyền lõng” để nộp trại.
Trong hai trại viên nữ, trước hết hãy nhắc đến Cát Du, tên thường gọi của chị là Phan Kim Dung. Chị đến từ Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Thoạt nghe qua cái tên Cát Du, cứ ngỡ đây phải là một đấng nam nhân mày râu nào đấy. Nào đâu biét, đấy lại là nữ sĩ thi nhân. Cát Du về trại với vẻ mặt mệt mỏi, phong thái khiêm nhường, nhã nhặn. Thật khác với những phụ nữ cùng trang lứa. Họ thường lợi dụng tối đa khả năng mĩ phẩm để níu kéo lại dung nhan. Đây, Cát Du, không. Chị vẫn để nguyên dáng vẻ mộc mạc nguyên bản của mình. Vừa dung dị, vừa gần gũi chân tình.
Đến trại, vừa ổn định chỗ ăn, chỗ ở xong thì hai ngày sau, chị đã “bắt” nhà thơ Bùi Minh Vũ đưa mình lên Tam Đảo để thưởng ngoạn, để được cảm nhận bầu không khí ôn đới nơi đỉnh cao trên ngàn mét so với mặt biển. Để thả Play cam lên bầu trời thâu lấy, ghi lại hình ảnh miền danh thắng nổi tiếng này.
Vẫn chưa muốn dừng ở đây, ngay buổi chiều quay về trại, chị lại xin phép ban quản lý trại, rồi đeo lỉnh kỉnh những đồ nghề. Nào máy quay, máy chụp, ra quốc lộ thuê taxi chở lên Thanh Sơn, Phú Thọ để sáng hôm sau kịp ghi lại cảnh bình minh miền quê rừng cọ, đồi chè - chẳng quản chi đất khách, thân gái dặm trường.
Vậy là câu mà xưa nay người đời vẫn nói: “Trông mặt mà bắt hình dong” thì chắc gì đã chuẩn. Như với Cát Du, nhìn bề ngoài chưa đánh giá được gì. Chị cứ đi suốt, nên đến giờ phút này cũng chưa biết chị đến trại sẽ có tác phẩm gì.
Kỹ sư nông nghiệp, nhà văn Phạm Đức Long. Ông quê gốc Nghệ An. Vào Buôn Mê Thuột công tác rồi định cư tại đấy.
Quá trình tham gia sáng tác văn học, ông đã cho xuất bản được trên chục đầu sách. Tác phẩm văn học của ông được đánh giá cao, được ghi nhận trong nhiều cuộc thi từ địa phương đến Trung ương.
Sống giữa Tây Nguyên với một vùng đa sắc tộc, nơi thiên nhiên kỳ thú, lại hoang hoải nguyên sơ. Với nền văn hóa bản sắc, còn được lưu giữ khá nguyên vẹn trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, nhưng ông không khai thác để đưa vào các tác phẩm văn học của mình, mà chỉ muốn viết về miền đất đã tạo ra máu thịt đời mình và miền đất đồng bằng phía Bắc…
Dẫu vậy, ông cũng rất thành công và giành được nhiều giải thưởng.
Những tác phẩm chính của ông đã đoạt giải:
- Gái nông trường - Tập tiểu thuyết - Hội Nhà văn Việt Nam và Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tổ chức cuộc thi và trao giải.
- Hoa hồng nở muộn - Tiểu thuyết - Bộ Công an tổ chức cuộc thi và trao giải…
Ông sẽ hoàn thành tác phẩm: Ó Ma Lai để nộp trại.
Đến với trại viết Đại Lải năm nay, còn có trường hợp rất đặc biệt, có thể là hi hữu. Hai cha con nhà thơ Nguyễn Hưng Hải và nữ nhà thơ trẻ Nguyễn Hải Yến cùng tham gia dự trại.
Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải đến từ Tam Nông, Phú Thọ. Với ba mươi đầu sách đã xuất bản - Thơ và Trường ca. Phần lớn những sáng tác của ông dành ca ngợi về cuộc đời thanh tao, sống trọn tình vì dân vì nước của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Trong số đó có năm tập thơ ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải thưởng. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giải thưởng khác cho các tác phẩm thơ:
- Bước ra từ cuộc chiến - Trường ca - Bộ Văn hóa thông tin trao giải;
- Đêm thị Mầu - Tập thơ - Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải.
- Hai lần được tặng thưởng thơ hay của Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 2019 và 2023.
Còn với nhà thơ Nguyễn Hải Yến. Đang tuổi thanh nữ trẻ trung, vậy mà chị đã có năm tập thơ để giới thiệu, ra mắt với độc giả. Và chị cũng đã có bốn lần đoạt giải thơ từ các cuộc thi.
Thơ Nguyễn Hải Yến khoáng đạt, cách tân, hiện đại đúng như sức trẻ của chị đang muốn bứt lên. Với sức sáng tạo, bứt phá ấy. Tin rằng chị sẽ còn tiến xa trên con đường thơ.
Đến với trại, Hải Yến có tập thơ Kiệt tác.
Đến từ Gia Lai, Công Tum, một người thơ sống rất hồn nhiên, yêu đời, vui nhộn. Lại đang còn rất sung sức. Đó là nhà thơ Bùi Minh Vũ. Anh là người đa năng đa tài, không chỉ có thơ mà Bùi Minh Vũ còn viết cả tiểu thuyết và nhiều công trình sưu tầm khảo cứu.
Là người con của dân tộc Kinh, sẵn có tư duy, nhiệt huyết và khả năng sáng tạo, Bùi Minh Vũ lại đang được sống giữa một vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc còn đầy đặn nguyên sơ với những tráng ca huyền bí, những bản trường ca bất hủ, sử thi hào sảng của một cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nếu chỉ thế là độc quyền, thì anh cũng tha hồ thả sức mà vẫy vùng sáng tạo. Nên quá trình hoạt động văn học nghệ thuật, anh đã đóng góp một phần quan trọng vào việc sáng tác và lưu giữ các giá trị phi vật thể cho một vùng đất đặc sắc ấy. Với số lượng hàng trăm công trình và tác phẩm. Và anh đã làm với bầu nhiệt huyết và trách nhiệm. Như thể sứ mệnh và trách nhiệm đã chọn anh làm bổn phận cho một miền đất vậy.
Với thơ, Bùi Minh Vũ đã hóa thân thoát xác để nhập vào cỏ cây hoa lá, con người Tây Nguyên. Để thốt lên tiếng nói, hơi thở đại ngàn, với trời Tây vời vợi.
Anh cũng đã nhận được giải thưởng văn học của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Màu thổ cẩm”.
Và Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập thơ “Lão ngư Kỳ tân”.
Anh sẽ nộp trại: Mười bài thơ viết về biển đảo.
Nhà văn Thế Đức cũng đến từ Hà Nội. Thế Đức đang còn rất sung sức, nên cũng rất nhiệt tình, năng động sôi nổi.
Thế Đức đã cho xuất bản: Lời nguyên thủa ấy - Tập truyện; Người đời - Tập truyện; Bão đỏ - Tập truyện và tiểu thuyết Trăng lên…
Anh nói, anh chưa gặp may với các cuộc thi. Phải vậy mà đã hai lần có tác phẩm được lọt vào chung khảo của Hội Nhà văn mà chưa được giải.
Đến với trại, Thế Đức đăng ký hoàn thành truyện ngắn - Chớp.
* *
*
Đến với trại đợt này, duy có nhà thơ Hải Yến là đương tuổi trẻ trung thanh nữ, và nhà thơ Minh Vũ; Thanh Hải là còn đương ở độ tuổi trung niên, còn tráng kiện. Số còn lại đều đã lên lão, cao niên nhất có cụ Trần Nhương đã tám mươi tư. Thứ xuống là cụ Đắc Như cũng đã tám mươi hai tuổi trời. Xếp sau nữa là tôi, nhà lý luận phê bình Vũ Nho. Rồi đến Dương Hướng và Tuấn Lọc … Nhưng được cái tính hồn nhiên trong trẻo nơi tâm hồn nghệ sĩ trong mỗi người thì vẫn trẻ trung sôi nổi. Nên không khí của trại viết luôn ồn ào sôi động.
Buổi sáng ngày thứ năm, tính từ hôm mở trại. Mọi người đang tập trung dưới nhà ăn, ăn điểm tâm thì cụ Vũ Nho xuống sau, thông báo một cái tin bất thường: Nhà thơ Lê Tuấn Lộc đi bơi ngoài hồ chưa thấy về.
Chẳng là, từ hôm “nhập trại”, tuy đã ở độ tuổi bảy nhăm, bảy sáu, nhưng nhà thơ Tuấn Lộc còn ham bơi lội lắm. Sáng nào cụ cũng dậy từ năm giờ, ra hồ bơi lội. Mà cụ thường đi chỉ có một mình - Vì cả trại, chả ai ham cái môn thể thao thường có những tình huống rủi ro bất chợt ấy.
Như thường ngày, cụ Lộc chỉ ra hồ bơi lặn trong một giờ đồng hồ rồi về ăn sáng với mọi người. Hôm nay đã 7h30’ mà không thấy cụ về. Đang ăn, mọi người buông thìa đũa, ngưng hết cả lại. Các cụ Trần Nhương, cụ Đắc Như cùng thốt lên:
- Vậy, hẳn có chuyện gì rồi.
Trại trưởng Dương Hướng, rồi tiếp đến là nhà thơ Bùi Minh Vũ đứng phắt dậy lao ra cổng trại. Tôi cũng hớt hải theo sau.
Chúng tôi ra đến bờ hồ, thấy bà chủ nhà hàng tay cầm điện thoại, mặt mũi tái xanh tái xám, giọng hốt hoảng rung run nói với chúng tôi:
- Ông Lộc thuê áo phao của tôi mặc vào, bơi ra giữa hồ, giờ không thấy quay về nữa.
Ở nhà, mọi người kéo tủa cả xuống sân, ra cổng trại ngóng tin. Hàng loạt cuộc điện thoại tới tấp gọi đi gọi về. Nhà thơ Minh Vũ muốn tìm tàu thuyền thuê mướn chở mình ra hồ tìm kiếm. Nhưng nào có ai trực trên tàu đâu để mà thuê, mà mướn, nên đành bất lực đứng nhìn.
Bao tình huống được tưởng tượng, đặt ra: Cụ Lê Tuấn Lộc bị chuột rút, hay bị ngưng tim đột ngột khi đang bơi giữa hồ??? Mặt hồ thì mênh mông bao la luôn bập bềnh những thứ nổi trôi. Ai cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất đã đến với nhà thơ Lê Tuấn Lộc.
Đúng là “một con ngựa đau cả tàu nhịn cỏ”, nếu có tình huống xấu xẩy ra thật thì biết bao là hệ lụy sẽ xẩy ra theo…
Đúng lúc căng thẳng ấy, thì con xe Honda ôm chạy vào cổng trại đỗ xịch lại. Cụ Lộc tụt xuống khỏi xe, trên người chỉ mặc độc một mảnh quần con…
Thì ra, đang bơi giữa hồ, cụ Lộc sực nhớ ra, hôm nay mình ham bơi quá, đã vượt xa thời gian thường ngày, cụ liền vời con tàu du lịch chạy qua nhờ nhà tàu đưa mình vào bờ. Thủy thủ nhà tàu kéo cụ lên tàu, rồi chở tuột cụ sang bờ bên kia hồ, rồi cụ phải làm một cuốc xe ôm quay về với trại. Thấy cụ về bình an, lúc ấy mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Chàng trai xe ôm là người tốt bụng. Biết cụ Lộc là nhà thơ, nhà văn đang dự trại sáng tác Đại Lải, nên xin được “khuyến mại” cụ cuốc xe ôm. Cụ Lộc liền quay vội vào phòng lấy ra một tập thơ viết cho tuổi nhi đồng mà mình vừa xuất bản tặng cho chàng trai. Anh ta đưa hai tay đón nhận rồi rối rít cảm ơn.
Câu chuyện này được phát tán ngay lên Facebook. Hẳn rồi nó sẽ là một giai thoại hay a.
* *
*
Phần tôi, trại viên thứ 15, xin tự nói về mình đôi nét. Năm 1966, đang là chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Quảng Ninh, tôi xin chuyển sang bên Quân đội để năm 1968 đi B vào chiến trường B2, làm chiến sĩ giải phóng quân. Giải phóng miền Nam xong, năm 1976 ra quân về tại quê hương Thái Bình, tham gia công việc quản lý chính quyền cấp xã.
Chiến tranh biên giới xẩy ra - 1979, tôi xuống tàu làm nhiệm vụ vận tải đường sông, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc. Rồi sau đó chuyển gia đình ra Cẩm Phả định cư. Khi quản lý một doanh nghiệp tập thể, khi mở một doanh nghiệp tư nhân. Nhưng không mấy thành công, thành đạt.
Tôi tham gia sáng tác văn học muộn. Năm 2007 mới có tác phẩm đầu tay: “Những người đồng đội” - bút ký; “Đêm rừng” - truyện ngắn; Nhưng gặp may, đều nhận được giải Hội Nhà văn trao -2009. Tiếp đến là tiểu thuyết “Chiến tranh qua rồi”, cũng gặp may. Cuốn tiểu thuyết đầu tay cũng được Quân ủy Trung ương trao giải (đề tài chiến tranh cách mạng năm năm xét một lần 2010-2015). Sau đó là các tiểu thuyết “Đêm rừng”; “Đất làng Bồi”; “Hoa sóng”. Đều được đưa vào các chương trình đầu tư tiểu thuyết, chương trình bảo tồn giá trị văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, đều được trao giải tại các cuộc thi của Bộ Công an, của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh…
Trong những năm gần đây, tôi có truyện ngắn “Nước mắt thời gian”, được Hội Nhà văn trao giải. Tiếp đến là thiên bút ký “Được và mất” - được trao giải Cây bút vàng lần thứ IV - Bộ Công an trao giải…
Đến với trại viết lần này, tôi đăng ký nộp bản thảo tiểu thuyết “Điệp vụ hoa anh túc” - Tiểu thuyết trinh thám.
* *
*
Thời gian trôi qua nhanh như bóng chiều lướt qua cửa sổ. Tưởng như mới đây thôi, Đại tá nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và các vị khách mời: Nhà văn Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm II; Nhà thơ Thanh Hải - Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc; Anh Phan Thanh Bình - Giám đốc nhà sáng tác Đại Lải … đến dự buổi lễ khai mạc trại. Vậy mà đã gần trọn mười ngày. Thời gian trôi thì khó gì níu giữ. Song tình người, tình nghệ sĩ - tình cảm trân trọng giữa những người cầm bút sáng tạo văn học dành cho nhau thì hẳn sẽ còn đọng mãi trong nhau.
Cũng ơn nhờ phúc trạch của miền đất và anh linh của các cố nghệ sĩ tiền nhân của Hội chở che. Nhờ sự chăm lo của ban tổ chức trại. Nhờ các chị, các anh trong ban quản lý và nhân viên phục vụ nhà trại, mà sức khỏe và tinh thần của mười lăm trại viên vẫn được mạnh giỏi, an nhiên.
Ngày mai, mỗi người sẽ lại trở về với từng tổ ấm riêng mình. Nhưng, chúng tôi những trại viên trại sáng tác văn học Đại Lải được mở đầu quý tư năm 2024 của Hội, hẳn ai nấy chẳng thể sao nhãng bổn phận để hoàn tất phần việc in ấn sản phẩm văn học của mình đã đăng ký với trại. Để gửi về Hội những ấn phẩm hoàn thiện, chất lượng.
Đại Lải, ngày 9 tháng 10 năm 2024.