Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIÊU QUỐC VƯƠNG TRẦN ÍCH TẮC, TRƯỚC SAU VẪN CHỈ LÀ MỘT TÊN BÁN NƯỚC.

Hoàng Quốc Hải
Thứ bẩy ngày 19 tháng 10 năm 2024 6:41 AM


Một cách nhìn lại tiểu sử Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc ?TNc: Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã đưa ra ý kiến giải mã nhân vật còn nhiều góc khuất Trần Ích Tắc. Nhà văn Hoàng Quốc Hải có ý kiến phản biện. Xin trân trọng giới thiều cùng bạn đọc để chúng ta cùng suy ngẫm.

Theo sách “VỪA ĐI VỪA NGHĨ” của nhà văn Vũ Bình Lục vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN in và phát hành vào tháng 5 năm 2024. Trong phần “Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc con người của lịch sư”, phần này từ mấy năm trước, nhà văn đã công bố trên Fb của mình, sau đó in trên Tạp chí Văn hiến. Và bây giờ in chung vào tập “Vừa đi vừa nghĩ”. Bài nghiên cứu của nhà văn Vũ Bình Lục về Trần Ích Tắc, tôi thấy gợn lên một số vấn đề cần được trao đổi với tác giả.

Có nhiều chuyện cũ, tức các chuyện thuộc về lịch sử cần phải được xem xét và đánh giá lại cho thỏa đáng. Việc đó, tưởng không có gì mới.

Tuy nhiên, những chuyện cũ do nhà văn Vũ Bình Lục khơi gợi ra lại rất mới, xoay quanh nhân vật Trần Ích Tắc và vài nhân vật, sự kiện khác có liên quan. Điều quan trọng nhất trong cuộc trao đổi này là làm rõ nội dung sự việc, để mọi vật nằm đúng vị trí của nó. Song, để cuộc trao đổi đi vào trọng tâm, đỡ mất thì giờ với những điều vụn vặt. Vì vậy, ta lấy tiêu chí khoa học làm thước đo. Đặc biệt những vấn đề thuộc phạm trù lịch sử đưa ra trao đổi, phải xuất phát từ một nguồn gốc đáng tin cậy và đã được kiểm chứng. Những tư liệu không có nguồn gốc và chưa được kiểm chứng, sẽ nằm ngoài nội dung trao đổi.

Và nữa không nên đi qua xa chủ đề của nhân vật, kéo lại mắc vào bẫy của “Thuyết âm mưu”.


Phương pháp luận của tôi là, mỗi nhân vật được nhà văn Vũ Bình Lục đề cập, tôi lược trình nhân thân của họ theo chính sử. Tiếp đó, tôi nêu những nét chủ đạo mà ông viết về chính nhân vật đớ để so sánh. Tôi không có nhận xét đúng sai ở đây. Phần phản biện của tôi nằm trong mục Tổng Luận.

Nhân đây xin trao đổi một chút về chuyện “giải mã”. Những cấu trúc mà các thông tin được nén lại, khi con người muốn tìm hiểu về nó, phải tìm được cách gỡ những nút thắt, những mối rối. Việc gỡ tìm các cấu trúc được nén lại đó, khoa học gọi là giải mã. Như các nhà khoa học đã giải mã được cấu trúc gien. Trong khoa học xã hội, muốn giải mã các vấn đề thuộc về xã hội học như triết học, lịch sử v. v... vẫn phải tuân theo qui luật tự nhiên này.

Một ví dụ về giải mã. Cách đây cả trăm năm, các nhà cổ sinh vật tìm được một chiếc xương ống chân một con vật nào đó đã hóa thạch. Sau giải mã ra, và dựng lại được cả một hệ động vật thời tiền sử, mang tên Ma-mut. Cũng như vậy, họ tìm được một chiếc răng hàm của một loài nào đấy đã hóa thạch, sau giải mã tìm ra được loài Khủng long đã tồn tại cách ta cả trăm triệu năm trước.

Vậy đó, nếu đi đúng hướng trên nền tảng khoa học, thì xã hội hay tự nhiên đều có chung một nguyên lí. Trái lại, nếu các nhà khoa học đi chệch hướng, chắc chắn họ chỉ tìm thấy “Ma” thôi chứ không phải Ma-mut. Với nhà văn, nếu giải mã lịch sử đúng mạch nguồn, sẽ tái hiện được gương mặt lịch sử như nó có. Nếu chệch hướng, chắc chắn sẽ triệu về được những hồn ma bóng quỉ để hù dọa thế gian thôi. Ích gì cho khoa học lịch sử và cho cộng đồng .

1/ VỀ NHÂN VẬT TRẦN ÍCH TẮC

*** Đại Việt sử kí toàn thư mô tả vào tháng 3 năm 1285, tình thế chiến trường bên ta rơi vào bế tắc thì:”Thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng đầu hàng với Thoát Hoan, rồi sau Chiêu Quốc vương là Ích Tắc, và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễm, Trịnh Long đều đem cả nhà đầu hàng nhà Nguyên.”

Phần về Ích Tắc:... “Trước kia khi Ích Tắc chưa sinh, Thái tôn nằm mộng...Khi 15 tuổi, thông minh hơn người, thông kinh sử và các kĩ thuật, vẫn ngầm có chí tranh ngôi trưởng, thường đem thư riêng gửi khách thương ở Vân Đồn, xin nhà Nguyên đem quân xuống Nam. Đến đây, quân Nguyên sang xâm lấn, Ích Tắc đầu hàng để mong được làm vua. Nhà Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam quốc vương. Đến sau quân Nguyên bị thua, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc...”(Toàn thư tr508-509 tập 1)


Sau cuộc kháng chiến đại thắng, triều đình bàn công, luận tội. Những kẻ phản bội Tổ quốc đều bị lên án và kết án, dù chúng đã cao chạy xa bay hoặc bị quân ta truy kích tiêu diệt trên đường theo giặc cũng đều bị kết án, đều được triều đình xác nhận là đồ bán nước, phản bội Tổ quốc. Kẻ phản bội Tổ quốc, dù là người trong hoàng tộc đều bị truất khỏi dòng họ. Riêng Trần Ích Tắc chiếu cố là con vua, nên đặc cách cho y cái danh hiệu là Ả Trần, hàm ý người này ươn hèn như đàn bà.

Từ đó dưới con mắt của người trong nước, Trần Ích Tắc là kẻ phản bội Tổ quốc. Bảy năm sau cuộc chiến (1285-1292), theo Đại Việt sử kí toàn thư cho biết:” Trần Đại Phạp được cử đi sứ nước Nguyên đến Ngạc châu, vào yết kiến các quan Bình chương ở hành sảnh. Lúc ấy Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc cũng ngồi ở đấy. Đại Phạp trừ Ích Tắc ra không chào hỏi.

Ích Tắc nói:” Ngươi có phải là kẻ biên chép ở nhà Chiêu Đạo vương không?” (Chiêu Đạo vương là anh cùng mẹ với Ích Tắc). Đại Phạp trả lời:”Thì sự đổi thay, tôi trước đây là kẻ biên chép ở nhà Chiêu Đạo vương, nay tôi là sứ giả, cũng như ông trước là con vua, nay lại là kẻ đầu hàng với giặc.” Ích Tắc có vẻ thẹn. Từ đấy về sau, có sứ nước ta sang, Ích Tắc không dám ngồi ở sảnh đường nữa. Vậy là danh dự của Ích Tắc đã bị vùi chôn vĩnh viễn. ( Các sự kiện nêu trên đều dẫn theo nguồn của Đại Việt sử kí toàn thư ).


+++ Quan điểm của nhà văn Vũ Bình Lục về Trần Ích Tắc:- Trần Ích Tắc là một người yêu nước, một nhà tình báo chiến lược vĩ đại, ông hi sinh tất cả để cứu nguy cho đất nước không chỉ một lần. Sự nghiệp của ông âm thầm nhưng to lớn. Vì vậy công trạng của ông cần được tôn vinh để cả dân tộc tri ân và dựng tượng cho hậu thế chiêm bái. Những kiến giải này, nhà văn Vũ Bình Lục dựa vào bài thơ “Xuất quốc” của Trần Ích Tắc để luận giải. Thơ này được Nhà bác học Lê Qúy Đôn tuyển chọn in trong ‘Toàn Việt thi lục”. ( Lê Qúy Đôn chọn của Trần Ích Tắc tới 15 bài). Ngoài ra ông còn dựa vào tài liệu của một người đàn bà gọi là “Huệ Túc phu nhân” thiếp của vua Trần Thái tôn.

Lần cứu nguy đất nước thứ hai là sau khi Hôt-tât-liệt qua đời, con ông ta lên ngôi, hiệu là Nguyên Thánh tổ. “Bằng cách nào đó, Trần Ích Tắc, tác động để Nguyên Thánh tổ bãi binh, tránh cho nước ta cuộc chiến tranh lần thứ tư, mà nếu nó diễn ra sẽ vô cùng thảm khốc”. (Sự kiện này không có nguồn dẫn.)

Về nhân vật Trần Ích Tắc, nhà văn Vũ Bình Lục mô tả các quá trình nhà Trần âm thầm trao công việc tình báo cho ông, và những chiến công vĩ đại ông đạt được hết sức li kì hấp dẫn. Tức là chia rẽ bộ phận đầu não nhà Nguyên, khiến họ đi từ thất bại này sang thất bại khác. Chính Trần Ích Tắc cứu khốn phò nguy giữ cho giang sơn Đại Việt trường tồn, riêng ông ngậm ngùi tai tiếng. Nay hậu thế phải khôi phục và vinh danh...

Ngoài ra ông còn đề cập đến nhiều sự kiện và nhân vật quan trọng khác, nhưng hầu hết là suy luận hoặc suy diễn chứ không có nguồn sử liệu nào được trích dẫn.


2/ VỀ TRẦN THỦ ĐỘ

***Nhân vật thứ hai là Trần Thủ Độ ( 1194-1264) ông đúng bằng tuổi Lý Huệ tông. Khi Huệ tông chạy loạn Quách Bốc về nương nhờ nhà Trần Lý, thì Trần Thủ Độ cũng đang ở nhà bác mình là Trần Lý. Thủ Độ thường theo anh họ là Trần Tự Khánh (con Trần Lý) đi đánh dẹp hoặc chinh phục các đối thủ. Từ khi Trần Thị Dung, con gái nhà Trần Lý được tiến cung ( làm vợ của Lý Huệ tông) thì anh em nhà Trần Tự Khánh được tiến triều. Khi Trần Tự Khánh chết, coi quản việc binh của nhà Trần thuộc về Trần Thủ Độ. Ông coi sóc việc nước hết sức chu đáo cho tới khi qua đời. (Nguồn ĐVSKTT).


+++ Theo nhà văn Vũ Bình Lục, lại có một Trần Thủ Độ hoàn toàn khác. Trần Thủ Độ sinh ra ở Mông Cổ. Thủ Độ chơi thân với Ngột Lương Hợp Thai, tên Mông cổ này làm chức Daguratri (Toàn quyền) nước Đại Lí, tức Vân Nam. Cuối năm 1257 đầu năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai cùng đoàn quân của y kéo vào xâm lược Đại Việt. Chúng bị bao vây tại Thăng Long, có nguy cơ bị tiêu diệt. Y lấy tình bạn cũ viết thư nhờ Trần Thủ Độ giải vây. Trần Thủ Độ nể bạn, nên đã mở vòng vây cho quân Mông Cổ chạy thoát... (Sự kiện này không có nguồn dẫn ).


3 / VỀ TRẦN QUỐC TOẢN

*** Trong trận truy kích quân giặc chạy trốn, vị tướng trẻ quyết tâm phải bắt sống hoặc tiêu diệt bằng được tên tội phạm Thoát-hoan. Khi đuổi giặc tới bờ nam sông Như Nguyệt, quân ta còn chưa kịp sang sông; tại phía bờ bắc, giặc hội các tay cung thủ thiện xạ, nhất tề bắn qua bờ nam, nhằm cản bước tiến của quân ta.

Chẳng may hổ tướng Trần Quốc Toản trúng tên độc của giặc mà thọ tử.( Nguồn ĐVSKTT).


+++ Sự kiện này, theo nhà văn Vũ Bình Lục: Quốc Toản chỉ bị thương, giặc bắt đưa về Yên Kinh, hoặc người bị chết ở bờ nam sông Như Nguyệt không phải Trần Quốc Toản.

Ở Trung Quốc, Trần Quốc Toản có một cuộc sống thành đạt, nối đời vinh hiển. Con cháu tiếp nối tận ngày nay.(Thông tin này không có nguồn dẫn).


4/ CÔNG CHÚA AN TƯ

***Theo Đại Việt sử kí toàn thư:” Tháng 2 năm Ất dậu (1285) sai đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh tôn) đến cho Thoát-hoan, là có ý muốn làm thư bớt tai nạn của nước vậy”.Từ đây đến hết kỉ nhà Trần, Toàn thư không hề nhắc tới công chúa An Tư.


+++Theo nhà văn Vũ Bình Lục, khi Thoat-hoan lâm bước đường cùng, An Tư đã cùng tướng giặc chạy trốn, sau bà có với y hai mặt con và yên bề gia thất.( Sự việc này không có nguồn dẫn)


PHẦN TỔNG LUẬN

Thưa nhà văn Vũ Bình Lục, trong bài viết của mình, ông dựa tối đa vào bài thơ “Xuất quốc” của Trần Ích Tắc để triển khai, việc trốn nước ra đi của người này là đi vì nước đấy. Đi trá hàng để làm tình báo, và trở thành nhà tình báo vĩ đại.

Trước hết phải nói, Lê Qúy Đôn là người có đầu óc phóng khoáng, thấy thơ hay thì ông tuyển. Không chỉ tuyển 1 bài, mà tuyển tới 15 bài của Trần Ích Tắc đưa vào “Toàn Việt thi lục’’. Theo tôi, bài thơ này, nói lên tâm địa xảo trá của Trần Ích Tắc, nhằm thanh minh việc hàng giặc, bị triều đình tuyên án và dân nước phỉ nhổ.

Chẳng riêng Trần Ích Tắc, mà Hồ Nguyên Trừng cũng có cả một cuốn văn xuôi với tựa đề:‘’Nam ông mộng lục ‘’ viết về tâm trạng nhớ cố hương, cố quốc lúc về già. Sau khi để cả cuộc đời phục vụ cho kẻ thù của dân tộc. Tuy nhiên, ‘’Nam ông mộng lục ‘’ có nội dung lành mạnh, vẫn được Nhà xuất bản thế giới dịch và in rất đẹp vào năm 1997. Đó là quan điểm phóng khoáng. Văn chương là văn chương. Còn nhân cách và hành xử, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về mình.

Nếu ta đọc thêm bài “Hồi quốc”, cho thấy việc trở về nước của Trần Ích Tắc năm 1288, nhằm lên ngôi nước. Từ Ngạc Châu được lệnh Hôt-tât-liệt cho về. Và nhận sắc phong An Nam quốc vương của vua nước giặc. Hí hửng, tưởng chuyến này là chắc ăn, nên cho cả thằng con mới 9 tuổi cùng theo về nước . Nhưng lần này giặc còn thảm bại hơn lần trước gấp bội. Việc chạy trốn quân ta truy sát, cha con mỗi kẻ mỗi nơi chui nhủi nhục nhã, thằng con suýt mất mạng. May nhờ giặc hết sức che chở. Trong bài ‘’Hồi quốc,’’ lại còn mở miệng thanh minh: “Cảm vọng Nam Môn nhập Trịnh xà’’. ( Đâu dám làm con rắn Trịnh để vào thành Nam Môn – ý nói không phải về nước để cướp ngôi nước) . Ta thường nói: Thanh minh là tự thú.


Như phần trên đã dẫn cuộc đối thoại giữa Sứ giả Trần Đại Phạp Và Trần Ích Tắc ở Ngạc Châu, đã làm Trần Ích Tắc bẽ mặt. Từ đấy, thấy sứ nước nhà sang, y đều tránh mặt. Đủ thấy trong lòng y đã chớm biết hổ thẹn. Còn như, nếu là sự trá hàng, thì hoàng thân quốc thích phải biết chứ, sao cả trăm năm sau, nhà Trần vẫn không hề xét lại án phản bội Tổ quốc của Trần Ích Tắc. Và hơn 700 năm, tới nay mới có nhà văn Vũ Bình Lục tôn vinh. Nhưng không đưa ra được bất cứ một bằng chứng lịch sử nào?

Và nữa việc Nguyên Thánh tổ buộc phải tuyên chiếu bãi binh, là bởi ông ta nhận ra cha mình đã dồn hết nguồn lực trong 3 năm liền vào hai cuộc chiến tranh, nhằm chinh phục Đại Việt nhưng bất thành. Bao nhiêu danh tướng chưa hề biết chiến bại trên bất cứ chiến trường nào như: Bolqadar, Ngột-lương-hợp-thai, Lý Hằng, Lý Quán, Trịnh Bằng Phi, Toa-đô, Ô-ma-nhi, Phàn Tiếp, Tích-lệ-cơ vương (em của Hôt-tât-liệt) v.v... tất cả những danh tướng này qua chiến trường Đại Việt đều trở thành bại tướng, kẻ bị chém đầu, kẻ bị bắn chết, kẻ bị bắt làm tù binh. Cho nên tướng lĩnh nhà Nguyên đều trải qua kỉ niệm kinh hoàng trên chiến trường Đại Việt, Nguyên Thánh tổ khó lòng huy động được họ.

Mặt khác, nhiều nơi nhân dân Trung Quốc đã nổi dậy đánh đuổi quân Mông Cổ thống trị. Nhiều tỉnh, chính quyền chiếm đóng không thu được thuế. Trước thực trạng xã hội nhà Nguyên lúc ấy là như vậy, buộc Nguyên Thánh tổ phải xuống chiếu bãi binh ở trong nước. Mặc dù, sau thất bại trong trận 1288, Hốt-tất-liệt sai lập ngay Hành sảnh Kinh Hồ làm tổng hành dinh cho Bộ chỉ huy quân sự viễn chinh, chuẩn bị đánh Đại Việt lần thứ tư.

Do thực tế trên, nhà Nguyên liền cho sứ giả qua Đại Việt tuyên cáo bãi binh, mà không có bất cứ điều kiện nào ràng buộc.

Có được kết quả đó, là do sức mạnh của Đại Việt đem lại, chứ không phải :”Bằng cách nào đó, Trần Ích Tắc đã thuyết phục được Nguyên Thánh tổ bãi binh. Tránh cho Đại Việt cuộc chiến tranh thứ tư. Mà nếu nó xảy ra thì thảm khốc vô cùng.”

Và nữa Trần Thủ Độ, được nhà văn Vũ Bình Lục cho biết, ông đã giải vây cho giặc. Tức là mở đường cho giặc an toàn chạy khỏi Thăng Long, trong khi nó có nguy cơ bị tiêu diệt. Hành vi ấy có khác gì việc tư thông với giặc để hại nước? Vả lại, nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Trần Thủ Độ đã bị chém đầu chứ sao còn đứng vững trước lịch sử tới ngày nay.

Sự thật này còn được ĐVSKTT chép rành rành. Trong khi mọi người dao động, Trần Thủ Độ đã khảng khái trả lời vua Trần Thái tông khi nhà vua có phần nao núng trước thế giặc mạnh:’’ Nếu đầu tôi còn chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ nói hàng’’.

Sự thật là, giặc tạm thắng trận Bình Lệ, chúng kéo quân về chiếm đóng kinh thành Thăng Long, ngày đêm yến tiệc. Yên chí chờ ngày vua tôi nhà Trần tới xin hàng.

Sau một tuần (10 ngày), quân ta củng cố lực lượng, rồi phản công bất ngờ, khiến giặc hốt hoảng tháo chạy. Giặc hoảng sợ bỏ lại tất cả những gì chúng cướp được. Và trên đường trốn chạy, gặp người gặp vật, chúng không dám dừng lại dù chỉ trong giây lát để gây tội ác.

Vì vậy người dân rất lấy làm ngạc nhiên và gọi chúng là “giặc Phật”. Việc này sử nhà Nguyên ghi:”Ở lại 9 ngày vì khí hậu nóng nực nên rút quân về” (ĐVSKTT tập 1 tr 470)

Về công chúa An Tư, có lẽ bà đã hi sinh trong trận quân ta đánh vào Thăng Long. Bởi từ sau khi triều đình đưa bà vào cống cho Thoát-hoan tháng 2/1285, tuyệt nhiên Toàn thư không còn nhắc đến bà.

Nhà văn Vũ Bình Lục nói bà chạy theo Thoát-hoan và sống với y được hai người con.

Đây là một sự nhầm lẫn đáng tiếc của nhiều người khi bàn hoặc viết về công chúa An Tư. Rất may là trong sách An Nam chí lược của Lê Tắc ghi lại rất mạch lạc. Vì Lê Tắc là người đương thời, ông ta làm gia thần cho Trần Kiện. Khi thế nước nguy nan cả chủ tớ cùng phản nước, theo giặc.

Quyển 13 của sách An Nam chí lược, phần Nội phụ hầu, vương. Tức là chép về thân thế của những kẻ hàng giặc vốn có tước vương, tước hầu. Phần này, Lê Tắc chép riêng từng người, đúng với phép làm sử.

Phần Trần Tú Viên có liên quan đến Thoát-hoan, Lê Tắc chép như sau:”Minh niên hoàn cư Bộc Dương, Trấn Nam vương sơ nạp kỉ muội Trần Thị vi thứ phi sinh tông tử nhị. Chí Nguyên Ất sửu hạ ngũ nguyệt tốt ư Túy Sơn. (Năm Bính tý (1336) trở về Hán Dương, Trấn Nam vương cưới người em gái làm thứ phi, sinh được hai con. Tháng 5 Ất sửu hiệu Chí Nguyên, Tú Viên mất ở Túy Sơn)”.

Sự việc rõ rành rành, em gái ở đây là em gái Tú Viên chứ không có thông tin nào dính dáng đến công chúa An Tư. Vả lại năm ấy là năm 1336 ( minh niên là chỉ năm này). Từ 1285 tới 1336 cách 51 năm, chưa kể tuổi năm 1285 của An Tư là bao nhiêu. Nếu lúc này mới kết hôn với Thoát-hoan liệu có hợp lí? Còn như Thoát Hoan dù ngoài 80 tuổi, y nạp phi cũng là chuyện bình thường.

Về những sự kiện và nhân vật do nhà văn Vũ Bình Lục đưa ra không hề có một chút căn cứ lịch sử nào thì ông cho biết:”Những tài liệu tôi vừa nói đây là nguồn từ bộ sách ghi chép về nội tộc nhà Trần, do bà Huệ Túc phu nhân (Hoàng Chu Linh), bà vợ người nước Tống của vua Trần Thái tông Trần Cảnh khởi thảo. Tiếp đó là Tể tướng Đoàn Nhữ Hài, đệ tử của Huệ Túc phu nhân, rồi Tư đồ Trần Nguyên Đán đồng tác giả.

Bà Vũ Khánh Ngọc, du học sinh Việt Nam tại Phúc Kiến tìm thấy và trao cho giáo sư Trần Đại Sĩ. Dựa trên các tư liệu vô cùng quí giá này, ông Trần Đại Sĩ đã bỏ ra rất nhiều tâm sức, để điền dã nhiều năm, rồi “gia công” thành tiểu thuyết “Đông A dị sử’’ mà chúng ta đang có trong tay... Tất nhiên “Đông A dị sử’’ cũng còn những hạn chế nhất định, nhưng tư liệu do giáo sư Trần Đại Sĩ đưa vào sách là rất trung thực.

Bà Huệ Túc phu nhân theo cha là ông Hoàng Bỉnh, một quan chức cao cấp của nhà Tống. Mùa xuân năm 1257, ông Hoàng Bỉnh xem thiên văn, đoán biết nhà Tống sắp bị Mông Cổ tiêu diệt, mà phương nam khí lành đang vượng, cho nên Hoàng Bỉnh đã đem theo cả gia quyến gồm 1200 người ( có tài liệu chép 2000 người )chạy sang nương nhờ Đại Việt. Bà Hoàng Chu Linh khi ấy mới 16 tuổi (1241), rất xinh đẹp, lại giỏi bói toán, xem tử vi.



Để kết luận, nhà văn Vũ Bình Lục viết:’’ Nhưng đến nay, hậu duệ Chiêu Quốc vương Trần Ich Tắc và cả Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản vẫn đang tồn tại rất đông đảo ở bên kia biên giới. Họ chính là công dân nước Đại Việt. Họ mang hai quốc tịch’’.

Những điều nhà văn Vũ Bình Lục khẳng định trên đây, nếu có thì đó là bảo vật quốc gia của người Tầu. Họ sẽ biến nó thành một trung tâm văn hóa du lịch để khoe khắp thế giới chứ làm gì đến tay ông Trần Đại Sĩ, và muộn mằn hơn là nhà văn Vũ Bình Lục. Bởi những chứng tích đó là bằng chứng thuyết phục nhất để làm yên lòng những kẻ phản bội Tổ quốc, hoặc đang lăm le làm tay sai cho giặc. Rằng cứ yên tâm phản bội Tổ quốc, yên tâm làm tay sai cho Trung Quốc, đã có nơi bảo đảm sinh mạng, nối đời vinh hiển. Và cuối cùng sẽ được gột rửa tội lỗi, được lưỡng quốc vinh danh...

Về những điều khẳng định của nhà văn Vũ Bình Lục hoàn toàn vô căn cứ, tất cả đều không có dẫn chứng, không có nguồn gốc, không một mảy may khả tín. Và như tôi đã ước định trong phần qui ước đối thoại. Rằng các sự kiện đưa ra, nếu không có nguồn trích dẫn bằng văn tự hoặc hiện vật, đương nhiên nó không có bất cứ giá trị lịch sử nào để trao đổi hoặc đối thoại.

Cuối cùng, tôi đề nghị ông Vũ Bình Lục cho biết nhân thân bà Vũ Khánh Ngọc và cuốn gia phả của nhà Trần Ích Tắc, Trần Quốc Toản mà bà tìm được tại Phúc Kiến cùng với địa danh của con cháu hai nhà kia tại Trung Hoa.

Tất cả các điều mà nhà văn Vũ Bình Lục nhằm chiêu tuyết cho kẻ phản quốc đều dựa vào một cuốn tiểu thuyết hết sức vu vơ về mặt tư liệu lịch sử, nó hoàn toàn không đáp ứng nguyên tắc khoa học như nó cần phải có. Đặc biệt về lịch sử, càng đòi hỏi khắt khe hơn.

Do đó các vấn đề nhà văn Vũ Bình Lục nêu trong các bài viết của ông đều là ngụy tạo,



Về cố nhà văn Trần Đại Sĩ, cuối thập niên 90 của Thế kỷ trước, tôi có đọc tiểu thuyết“Anh hùng Đông A” của ông. Trong lời nói đầu, ông cho biết, quê gốc Huế, sinh trong gia đình có truyền thống hiếu học. Ông tiếp nhận khá nhiều tài liệu lịch sử do các cụ để lại mà không ai có thể có được. Rồi những năm 70 của thế kỉ trước, ông là chuyên gia y tế của Liên Hiệp Quốc, nhiều lần vào làm việc tại Trung Hoa, ông đi điền dã, có tìm gặp được con cháu ông Trần Ich Tắc, được xem và ghi chép gia phả của dòng họ Trần này. Hầu hết con cháu Trần Ich Tắc đều thành đạt.v.v...( Ngày ấy, ông Trần Đại Sĩ chưa đề cập đến Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản...)

Đôi ba lần gặp ông Trần Đại Sĩ về Việt Nam, tiếp xúc với mọi người khá cởi mở. Mỗi lần gặp, tôi đều gợi ý ông, rằng những tư liệu lịch sử chỉ ông mới có ấy, nên công bố nguồn gốc, thì mới đem lại độ tin cậy cho người đọc. Lần nào ông cũng trả lời rất chắc nịch:”Đời nào tôi công bố”.(Bởi có gì đâu mà công bố).

Sau đó, ông công bố trong tiểu thuyết “Đông A dị sử”. “Đông A dị sử”có nguồn từ đâu, nếu nhà văn Vũ Bình Lục không giải đáp được, tôi sẽ công bố vào một thời điểm thích hơp.


Nhà văn Vũ Bình Lục dựa vào tiểu thuyết ‘’Đông A dị sử’’ của cố nhà văn Trần Đại Sĩ, lấy các tư liệu từ tiểu thuyết này để làm cứ liệu lịch sử, nhằm chiêu tuyết cho kẻ phản bội Tô quốc, điều đó nằm ngoài sức tưởng tượng của các nhà làm sử hoặc nghiên cứu lịch sử, nói chi đến giải mã.

Nên nhớ, trong lúc thế nước ngàn cân treo sợi tóc, mà bọn chúng nô nức kéo nhau ra hàng giặc. Trần Ích Tắc là kẻ đầu têu. Mỗi phủ binh có tới vài vạn quân. Quân của các vương hầu thuần tinh binh thiện chiến, hợp với quân của kẻ xâm lược nhằm tiêu diệt Tổ quốc mình. Ngày ấy toàn dân tộc phải gồng mình cứu nước. Nếu đất nước ta thuộc về tay nhà Nguyên, thử hỏi liệu có còn nước Việt Nam ngày nay không? Người có lương tri, không thể ngậm miệng làm thinh.

KẾT LUẬN

1/ Tất cả những vấn đề lớn có quan hệ đến một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc Đại Việt vào hậu bán thế kỷ 13, do nhà văn Vũ Bình Lục muốn đặt lại các giá trị. Gía trị đó tập trung vào nhân vật trung tâm là Trần Ích Tắc. Tuy nhiên, nhà văn Vũ Bình Lục không đưa ra được một dẫn chứng nào khả dĩ đáp ứng được tiêu chí khoa học, tức là nguồn gốc lịch sử, bằng thư tịch hoặc bằng hiện vật về những điều ông trình bầy trong tác phẩm “ Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc con người của lịch sử”. Do đó những gì gọi là “giải mã” về nhân vật này đều không có giá trị.

Vả lại, cũng nên biết nhân cách của nhân vật này trong suốt cuộc đời làm tôi tớ cho triều đình nhà Nguyên như thế nào?

Theo sách An Nam chí lược của Lê Tắc, phần các vương, hầu nội phụ. Phần Trần Ích Tắc, Lê Tắc cho biết, ông ta được ân hưởng của vua nước giặc như sau:”Tháng 3 năm 1285 đem cả gia quyến ra hàng, tháng 5 theo vương sư về Tầu. Vua Thế tổ thương Tắc có lòng trung hiếu, đặc ân phong cho tước An Nam vương, Quang lộc Đại phu ban cấp phù, ấn cho tiền 5 vạn quan. Trong khi đó tất cả những người tòng vong gộp lại cũng được ban thưởng 5 vạn quan. Năm Đinh hợi (1287) theo quân về nước, được phong An Nam quốc vương. Nhiều lần được cho tiền. Mỗi khi vào bệ kiến hoặc có biểu chúc tụng đều được vua Nguyên ban thưởng tiền bạc. Mỗi lần thường được ban 5 vạn quan, được cấp nguyệt bổng (lương tháng). Năm 1311, Nguyên Nhân tông lên ngôi, Ích Tắc vào bệ kiến được gia chức Kim tử Quang lộc Đại phu, cho tiền 50 vạn quan, đai vàng. Có lần được ban 150 lượng bac. Được cấp 200 khoảnh ruộng (thực ấp)...Năm 1318 vào bệ kiến được gia chức Nghi đồng tam ty. Năm 1329 Ích Tắc qua đời”.

Đây là chưa kể đến hàng loạt bài thơ Ích Tắc bợ đỡ các vua nhà Nguyên như thế nào.

Thử hỏi, nếu Trần Ích Tắc không phải là tay sai đắc lực, sao được thiên tử nhà đại Nguyên mông ân đến thế?

Tới đây, hồ sơ bán nước của Trần Ích Tăc đã khép lại trọn vẹn.


2/ Vẫn theo nhà văn Vũ Bình Lục, bà Huệ Túc sinh năm 1241. Theo ĐVSKTT Đoàn Nhữ Hài sinh năm 1280, Trần Nguyên Đán sinh năm 1325. Một người kém Huệ Túc 40 tuổi, một người kém Huệ Túc 84 tuổi mà gọi là đồng tác giả và đệ tử thân cận thì nó thuộc thể loại hoạt kê rồi, đâu còn là lịch sử nữa.

Sách đó không còn một li dấu tích gì. Ba người lại sinh vào những thời điểm cách nhau quá xa, mà nói là đồng tác giả của một câu chuyện lịch sử nghiêm túc, là điều hết sức khó hiểu và phi lí. Chúng ta có thể kết thúc câu chuyện mang tính liêu trai này, và coi nó như một truyện khôi hài không đáng có. Với các nhà nghiên cứu lịch sử, gặp loại tư liệu kiểu này, chắc chắn họ ném luôn nó vào...

3/ Người và sự vật có liên quan theo như nhà văn Vũ Bình Lục mô tả, đó là bà Vũ Khánh Ngọc, du học sinh Việt Nam tại Phúc kiến, người tìm ra gia phả của hậu duệ Trần Ich Tắc, Trần Quốc Toản. Tại sao không trưng ra hình ảnh của bà Vũ Khánh Ngọc cùng vài trang gia phả. Ngay cả nhà cửa, danh tính con cháu và nơi cư trú của các hậu duệ này, nếu là sự thật thì việc thông báo bằng hình ảnh sẽ không có gì khó khăn với công nghệ thông tin hiện có.

Nếu những nhân vật được coi là nhân chứng này, không chứng minh được nó là sự thật, thì toàn bộ những gì nói về hậu duệ của Trần Ích Tắc, Trần Quốc Toản, do du học sinh Vũ Khánh Ngọc tìm được tại Phúc Kiến chỉ là trò lừa dối.

4/ Tiểu thuyết “Đông A dị sử ” được khai thác tư liệu từ nguồn nào, mà các chất liệu của nó được nhà văn Vũ Bình Lục viện dẫn một cách chắc chắn như là trích ra từ chính sử? Nếu nhà văn Vũ Bình Lục không tường minh được nguồn gốc của Đông A dị sử, coi như những điều ông tường giải chỉ là một thứ chuyện khôi hài nguy hiểm.


Nói tóm lại, nhà văn Vũ Bình Lục không đưa ra được một bằng chứng lịch sử tối thiểu nào làm căn cứ để biện minh choTrần Ích Tắc. Vì vậy: TRƯỚC SAU TRẦN ÍCH TẮC VẪN CHỈ LÀ MỘT TÊN BÁN NƯỚC CẦU VINH !

Thị trấn Phú Thái ngày 23 tháng 5 năm 2024

Xóm vắng Pháo Đài Láng 12/10/2024