Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN NGỌC THIỆN – VĂN VÀ ĐỜI BỨC CHÂN DUNG TỔNG HỢP VỀ MỘT NHÀ LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH KỲ CỰU

Nguyễn Tự Lập
Thứ ba ngày 16 tháng 5 năm 2023 2:10 PM


Nguyễn Tự Lập

(Hội VHNT Bắc Ninh)


Với PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, chắc chắn đâu chỉ riêng tôi mà hẳn nhiều người là đồng nghiệp, bạn bè yêu mến văn học nghệ thuật (VHNT) trên mọi miền đất nước không khỏi ngạc nhiên, thán phục và thêm trân trọng trước niềm đam mê cháy bỏng, tinh thần lao động sáng tạo hết mình vì nghiệp văn chương đến mức không quản ngại thời gian, công sức và cũng chưa hề có dấu hiệu dừng lại… khi ông đã bước vào tuổi 75 - cái tuổi “xưa nay hiếm” để tiếp tục được học hỏi, cống hiến. Thật khó có thể hình dung chưa đầy 4 năm (từ 2018 đến năm 2021), vừa phải đảm nhiệm chức năng quản lý - Tổng biên tập của một tờ báo có tên tuổi, danh tiếng trên cả nước, đó là Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; vừa phải lo trị bệnh, giải quyết nhiều việc chung, riêng khác ở cơ quan cũng như gia đình, bản thân… vậy mà Nguyễn Ngọc Thiện đã cho ra đời liền một mạch 4 ấn phẩm dầy dặn, bề thế, mang tiếng nói riêng về lý luận phê bình VHNT, có dung lượng gần 3500 trang, số lượng 3000 bản . Tác phẩm gần đây nhất của nhiều tác giả với tên gọi: Nguyễn Ngọc Thiện - văn và đời do nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành, đến với độc giả vào đúng dịp đất nước bước vào mùa thu lịch sử - mùa thu của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Đây thực sự như bông hoa tươi sắc vừa trang trọng, vừa lan tỏa muôn ngàn hương thơm dịu mát, làm đắm say - quyến rũ lòng người... là món quà tình nghĩa, tiếng nói tri âm tri kỷ của bao bạn bè, người thân đã luôn đồng hành, tiếp sức, để cho ông có được những thành công thực sự toại nguyện, mĩ mãn như ngày hôm nay.

Tác phẩm của nhóm tác giả biên soạn: Nguyễn Ngọc Thiện - văn và đời với 1072 trang , được kết cấu thành IV phần. Phần thứ nhất: Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành; Phần thứ hai: Trong tình đồng nghiệp liên tài, tri kỷ; Phần thứ ba: Tự thuật - hồi ức - đối thoại và Phần Phụ lục. Theo tôi được biết, ngay từ khi tổ chức bản thảo với ý định, đặt tên, hình thành bố cục tổng thể, từng phần cho đến chi tiết hóa nội dung, hoàn chỉnh bản thảo để in ấn… nhóm biên soạn đã phải “lao tâm khổ tứ”, cân nhắc một cách cẩn trọng, đầu tư nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, nhằm cho ra đời ấn phẩm mới như khúc vĩ thanh hoan ca về một tác giả lão thực lý luận - phê bình VHNT trong hơn một nghìn trang, thực xứng tầm với sự nghiệp và con người ông. Để thực hiện ý nguyện, mục tiêu ấy, ngoài việc chọn lọc kinh nghiệm từ thực tiễn qua những năm trực tiếp biên soạn hay làm chủ biên, tham gia biên tập nhiều chục đầu sách có tầm cỡ, uy tín về nghiên cứu lý luận phê bình VHNT trong cả nước, nhóm biên soạn không quên tranh thủ tham khảo ý kiến bổ sung đóng góp của các bậc tiền nhân, đồng nghiệp có bề dày kinh nghiệm, đồng thời mời thêm một số bạn bè đồng môn đồng tuế, thân cận, gần gụi thuộc chuyên ngành hưởng ứng, cùng phối hợp, cộng tác.

Trước hết, cần khẳng định: Tác phẩm Nguyễn Ngọc Thiện - văn và đời không đơn thuần chỉ là “bản ghi nhận”, là “hồi ký” giới thiệu của các cây bút “liên tài - tri kỷ” tham gia bình về tác phẩm hay giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp văn chương của tác giả như nhiều ý kiến đã đề cập. Đọc Phần thứ nhất: Từ góc nhìn khoa học chuyên ngành và Phần thứ hai: Trong tình đồng nghiệp liên tài, tri kỷ (là hai phần cốt lõi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt, trọng tâm của tác phẩm), mỗi chúng ta đều nhận thấy rõ: Sự cộng hưởng trên120 bài của gần 100 cây bút chuyên nghiệp và không chuyên, có những nội dung đã được công bố cách đây khoảng 25 năm về trước cho đến gần đây. Trong đó, nhiều người từng là nhà khoa học nổi tiếng, nhà nghiên cứu VHNT có thâm niên về công tác quản lý, giảng dạy cũng như chuyên sâu chuyên ngành phê bình VHNT ở Trung ương như GS.VS Hoàng Trinh, GS.NGND Hà Minh Đức, GS.VS Hồ Sĩ Vịnh, GS.TSKH.NGND Phương Lựu, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS Vũ Nho hay nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, Ngô Vĩnh Bình, Phạm Xuân Nguyên… Song cũng có những cây bút là môn sinh trẻ của ông trong những năm gần đây, mới và đang quá trình tiếp cận, làm quen với khái niệm và học thuật chuyên ngành, thuộc các Hội VHNT ở địa phương nên kinh nghiệm, thực chứng và phương pháp tiếp cận chắc chắn còn rất khiêm tốn. Nhưng tựu trung, điểm nhấn và nổi bật nhất của hai phần này là: Sách muốn giới thiệu với công chúng khúc vĩ thanh đa giọng điệu, nhiều góc nhìn của đội ngũ lý luận - phê bình văn học nghệ thuật nửa thế kỷ gần đây của cả nước, dưới nhiều góc độ cảm nhận, cách đánh giá, xem xét khác nhau về Nguyễn Ngọc Thiện trên các phương diện: Nhà nghiên cứu - phê bình, nhà báo văn nghệ, nhà giáo sau đại học, cũng như con người đời thường của ông. Cũng có thể nói, từ các bài viết của nhiều tác giả trong tác phẩm này, đã thực sự là chuỗi tư liệu hết sức quý giá, một thứ hành trang khoa học, thiết thực giúp cho nhiều người nghiên cứu, tham khảo. Riêng với chúng tôi - những đối tượng trong giai đoạn đầu đặt chân vào nghiệp viết lý luận phê bình được trang bị thêm những kiến thức tự học hỏi, vận dụng; có thêm cách nhìn nhận, xem xét, đánh giá lại mình một cách đúng đắn, chính xác hơn, tạo đà cho các bước tiếp theo thêm vững vàng và tự tin. Xin chân thành cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - Nhà văn, Nhà báo, người Thầy, người anh mẫu mực, chỉnh chu tâm huyết… đã cho chúng tôi chiêm nghiệm, thức nhận thêm nhiều hành trang để vào nghề và thực hành ứng xử văn hóa trong đời sống.

Phần thứ ba: Tự thuật - hồi ức - đối thoại gồm 22 bài viết của tác giả tự thuật về mình, tự nhận xét về 7 công trình khoa học in riêng từ 1995 - 2020; về gia đình, bạn bè, những người anh, người thầy, trường cấp III Trần Phú (Vĩnh Yên) thân yêu - nơi ươm mầm văn chương và cuộc trao đổi ý kiến với Anh Chi xoay quanh về các tiểu luận cho là của Lê Tràng Kiều trong Văn chương & hành động... Phần thư mục cùng một tác giả gồm: Thư mục nghiên cứu; Hợp tác khoa học thầy - trò cùng một số bài thơ, câu đối, tranh, tượng, ảnh… mà đồng nghiệp, bạn bè tặng PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cùng gia đình từ trước đến nay. Tuy hai phần, nhưng dung lượng chỉ khoảng hơn 220 trang. Nếu chỉ lướt qua hoặc tư duy xuôi chiều rất dễ lầm tưởng cho rằng ngoài 22 bài viết, còn lại đều là những thông tin về nhân thân, gia đình, nhãn tiền… thì có gì “đáng bàn, đáng nói” (!). Thật sự, theo tôi chúng ta cần bình tâm, suy ngẫm cho tường mọi nhẽ mới thấy hết cái tinh túy, hàn lâm và trách nhiệm trước chỉnh thể cuốn sách, của nhóm biên soạn. Mỗi trang viết, câu thơ, câu đối; mỗi tấm ảnh, bút tích ký họa, tranh chân dung… ở đây đều có thân phận, tiếng nói riêng. Nó thể hiện rất rõ nhân cách, việc làm ý nhị, sâu sắc trong “đối nhân xử thế” chung - riêng của một người suốt đời chắt chiu từng con chữ; gạn lọc, cô đọng mỗi thông tin để phục vụ cho công tác nghiên cứu, viết sách, quản lý, cũng như thực hiện trọn vẹn đạo lý làm người của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Qua đó hiện ra ông là người luôn trọng nghĩa tình, sống có trước có sau. Sở dĩ có được như ngày hôm nay, Nguyễn Ngọc Thiện luôn tự nhủ không bao giờ được phép lãng quên những thế hệ đi trước đã tận tâm, tận lực, hết lòng giúp đỡ bảo ban ông trong mỗi bước đi. Ông biết ơn sâu sắc những người thầy, người đồng nghiệp đã nâng đỡ, dìu dắt mình ngay từ những ngày đầu làm việc ở Viện Văn học cho đến khi trưởng thành. Đó là GS.NGND Hoàng Xuân Nhị, GS.NGND Hà Minh Đức, GS.NGND Đinh Gia Khánh, GS.TSKH.NGND Phương Lựu, Nhà nghiên cứu LLPB - VHNT nổi danh Hoài Thanh; PGS Nam Mộc, GS. Phong Lê hay nhà giáo - nhà văn Ma Văn Kháng… Mặt khác, với anh em đồng nghiệp, bạn bè như Lớp 7A Trường cấp II Tô Hiệu, Trường cấp III Trần Phú (Vĩnh Yên); Lớp văn VIII Đại học Tổng hợp Hà Nội (nơi có Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cùng học lúc bấy giờ)… thậm chí là các lớp môn sinh là nghiên cứu sinh học viên cao học được ông bồi dưỡng giúp đỡ trở thành tiến sĩ, thạc sĩ hay là học viên qua các lớp bồi dưỡng viết lý luận - phê bình VHNT ngắn ngày… vừa chăm lo quan tâm hướng dẫn chỉ bảo tận tình như những người thân, ông vừa coi đó là những đối tượng tạo nên hứng khởi và động lực mới, giúp ông lạc quan yêu đời hơn để tiếp tục phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, có được như hôm nay, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện luôn thành kính, nhắc nhở con cháu phải “ghi tâm khắc cốt” nhớ tới công lao trời biển của các bậc sinh thành, của quê hương bản quán, dòng tộc. Ông luôn tự hào về truyền thống làng Nành - quê ông xưa từ thời Lê Trung Hưng đến nay đã có 05 tiến sĩ, 06 Quận công, 04 Hoàng Hậu và nhiều quan văn võ tướng. Nơi có những người phụ nữ vừa đẹp, vừa giỏi lại nết na thuộc nhất, nhì vùng Kinh Bắc xưa nên có tới 4 đời vua đã làm rể ở nơi đây. Ông luôn nhớ lời khuyên nhủ của các bậc tiền nhân là “…Hãy gắng giữ gìn gia phong, tu nhân tích đức với điều thiện, lập thân từ học hành để là người có chữ, có chí, sau này hành nghề lương thiện, lưu phúc đức cho đời”. Ông luôn tự hào về truyền thống 5 đời khuyến học của đại gia đình, việc thành đạt của người bạn hiền trăm năm thân thương và cô con gái yêu dấu của mình … Chẳng vậy mà ông đã lấy ngày 20 tháng 7 - ngày hoàn chỉnh bản thảo cuốn sách lần cuối để cắm mốc cho việc in ấn, đó là ngày sinh nhật con gái đầu lòng cũng là con gái út của hai vợ chồng, nhằm làm món quà tinh thần vô giá tặng con cháu. Thế mới thấy ông quý trọng tình thân mẫu, tình cảm gia đình nhỏ bé nhưng thiêng liêng, hạnh phúc biết nhường nào!

Chính những truyền thống nêu trên thực sự đã là chỗ dựa tinh thần, là chất xúc tác mạnh mẽ thôi thúc ông càng phải nỗ lực phấn đấu, làm việc nhiều, hiệu quả hơn nữa để xứng đáng với những gì mình đã nhận và có được. Đó cũng là thông điệp bất hủ mà PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn gửi gắm: - Thành công của mỗi người luôn có điểm tựa vững chắc là gia đình - xã hội.

Tạm gấp lại tác phẩm để đời - một món quà đặc biệt của đồng nghiệp, bạn bè thân hữu, môn sinh dành tặng Nguyễn ngọc Thiện. Đây là cuốn sách hiếm, có sức cuốn hút lớn người đọc. Đó là một bản hợp tấu, khúc vĩ thanh đẹp, trang trọng mà chan chứa ân tình, có hậu; xứng đáng với một cây bút tài hoa, lão thực, thân thiện và khả kính, suốt đời tận hiến cho văn chương và luôn nêu cao nhân cách kẻ sĩ hiền minh, tử tế… đúng như một vế đối trên gác chuông chùa Hà, gần nhà ông, đã khắc ghi: “Cao môn xuất nhập thiện lương nhân”, tức “Chốn thanh cao chỉ dành cho người tài giỏi, hiền minh đi về”!

Bắc Ninh, tháng 8.2021