Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ BÀI THƠ TÌNH CỦA CỤ TÚ XƯƠNG

Đắc Trung
Thứ hai ngày 6 tháng 9 năm 2021 6:33 AM



Nhân kỷ niệm 151 năm ngày sinh nhà thơ Tú Xương (5/9/1870 - 5/9/2021)



Trong cánh "mày râu" chúng ta thử hỏi đã mấy ai yêu vợ, thương vợ bằng cụ Tú Xương? Xin hãy nghe bài văn tế của cụ ông làm tặng cụ bà ngay từ khi cụ bà còn đang sống thì rõ: "Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười. Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào rơi, nói thợ... Thế mà: mình bỏ mình đi, mình không chịu ở. Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai Phố Giấy mà bụng mình ghen...?". Hoặc như bài thơ cụ ông làm "nịnh" cụ bà: "Ngày ngày buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước lúc đò đông...". Thật hóm hỉnh mà chứa chan tình nghĩa. Tả được cả chân dung cả tính cách và đặc biệt vô cùng biết ơn công lao của cụ bà. Nghĩa là nhà thơ của chúng ta rất quý vợ, rất thương vợ, mang nặng ân nghĩa với vợ...

Ấy vậy mà cụ vẫn có một chút "tơ vương" nho nhỏ với một người bạn gái kia đấy. Một người bạn gái rất thân, tri âm, tri kỷ của nhà thơ và đã đem lại cho ông biết bao xúc cảm, biết bao thi hứng, trong sáng và thơ mộng. Người đó là bà Hai Đích. Bây giờ chúng ta thuộc lớp con cháu nên gọi là bà, chứ thời nhà thơ Tú Xương thì phải gọi là cô mới hợp. Cô Hai Đích mới chừng hăm sáu hăm bảy tuổi, người hiền thảo, nết na xinh đẹp, nhưng bất hạnh thay lại sớm goá chồng. Cô ở vậy nuôi một người con gái. Người con gái đó sau này lấy ông huyện Thuật sinh ra Vũ Hoàng Chương. (Vũ Hoàng Chương là nhà thơ nổi tiếng thời Tự Lực văn đoàn chắc chúng ta ai cũng biết). Cô Hai Đích vì có cái tình quyến luyến với thi tài Tú Xương, hai nhà lại ở cùng phố Hàng Nâu (Nam Định) nên thường đi chơi với nhau ở những đoạn đường đêm yên vắng đàm đạo chuyện đời, chuyện tình. Một buổi tối mùa xuân, hai người đang cùng sánh vai dạo bước thì bỗng dưng trời lắc rắc mưa rây. Mưa rất nhẹ thôi, như những bông hoa tuyết tinh khiết, ngọt ngào, ấm áp. Để khăn đầu người đẹp khỏi ướt và cũng là để tỏ lòng ái mộ tri âm, nhà thơ của chúng ta nhẹ nhàng, thận trọng ép mái đầu thoang thoảng hương bồ kết của nàng vào ngực mình, nơi trái tim đang thổn thức rồi nâng vạt áo dài tứ thân của mình lên che. Với một nhà thơ thì chỉ rất nhẹ nhàng trong sáng thế thôi cũng đủ thổi lên trong lòng những đợt sóng dập dồn xúc cảm. Để rồi ngay đêm ấy những dòng thơ tuôn trào hiện ra trên giấy và đã để lại cho hậu thế chúng ta thi phẩm tình yêu bất hủ sau đây :

"Ai ơi có nhớ ai không

Trời mưa một mảnh áo bông che đầu

Rạng ngày ai biết ai đâu

Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô

Ai đi Tam Đảo, Ngũ Hồ

Ai về khóc trúc Thương Ngô một mình

Non non nước nước tình tình

Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ?"

Cuộc du xuân của đôi trai tài gái sắc ấy mới thơ mộng làm sao. Đêm yên tĩnh, trời phất phơ mưa bụi, nàng âu yếm nép đầu bên ngực chàng. Say nhưng vẫn tỉnh. Bởi họ vẫn giữ gìn đúng bổn phận. Dù tối hôm trước gần gũi thân mật nhau như thế, nhưng "Rạng ngày ai biết ai đâu". Nghĩa là sớm hôm sau gặp nhau phải vờ như không hề quen, chẳng "ai biết ai" cả. Bởi sợ bà con cùng phố đàm tiếu, nhất là sợ "bà Tú"... ghen. Thì ra cụ Tú Xương của chúng ta cũng là người khôn ngoan, biết... sợ vợ. Ơ thì ở đời có mấy ai không sợ vợ, nhất là giới văn sĩ, cái giới mà đối với vợ có lần cụ Nguyễn Du đã từng dạy: "Nghĩ mình công ít, tội nhiều" ("Truyện kiều") nên phải biết sợ người ta, phải biết liệu đường mà ăn ở cho phải đạo...

Để có cảm hứng sáng tác, nhà thơ thường có những chuyến viễn du kỳ thú nay đây mai đó khi Tam Đảo, lúc Ngũ Hồ. Và, trong những ngày xa cách như thế lòng vẫn hướng về người đẹp, thương người đẹp ngậm ngùi nhung nhớ và biết đâu chẳng có lúc nàng đã "... khóc trúc Thương Ngô một mình". Nhà thơ mượn điển tích ngày xưa vua Thuấn (Trung Quốc) chẳng may qua đời khi tuổi còn trẻ, Hoàng hậu thương chồng quá khóc ròng khiến nước mắt hoá máu. Những giọt huyết lệ ấy rơi xuống bắn vào đốt cây trúc trồng trên đất Thương Ngô thành những lấm chấm màu sẫm. Những chấm máu đó cứ giữ lại mãi cho đến ngày nay. Vì thế trúc Thương Ngô được coi là biểu tượng của lòng chung thuỷ mà những người sành chơi cây cảnh vẫn thầm dùng để gửi gắm nỗi niềm sâu kín với cố nhân. Nhà thơ dùng đại từ "ai" mới giỏi làm sao: "Ai ơi có nhớ ai không... Nào ai có tiếc ai đâu. Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô...". Chỉ một từ "ai" thôi mà lúc chỉ ngôi thứ nhất (tác giả), lúc lại chỉ ngôi thứ hai (người đẹp), chung chung mà cụ thể, xa mà gần, sơ mà thân, dửng dưng mà da diết... Người khác đọc không biết được, chỉ có "Ai" của nhà thơ cảm thấu mà thôi. Chơi chữ như thế thì quả là tài! Phải là nhà thơ đa tình lắm mới làm được bài thơ tình hay như thế.

*

Đó là thời cụ Tú Xương. Còn sau này thì sao? Cũng có một nhà thơ uyên sâu Đông Tây kim cổ, rất đa tình, cùng họ, cùng quê làng Vị Xuyên, Nam Định với Tú Xương (1870 - 1907), mặc dù đã ở tuổi ngoài "Thất thập cổ lai hy", nhưng thơ tình của ông thì cánh trẻ còn thua xa. Đó là nhà thơ Trần Lê Văn (1923 - 2005). Đồng cảm với bài "Áo bông che đầu" của cụ Tú, ông làm bài "Bà Tú đừng ghen" ở dưới còn đề tựa: "Kính gửi bà Tú Xương nhân dịp ông Tú lấy vạt áo bông che đầu bạn gái một đêm mưa". Bài thơ đó như sau :

"Lỗi tại trời đêm qua mưa Xuân

Nên vạt áo ông phải che đầu người đẹp

Cũng lỗi bởi vạt áo ông không hẹp

Như cánh chim trời cứ thế vung lên

Bà Tú rộng lòng bà Tú đừng ghen

Thôi để mặc "khăn đầu ai khô ","áo bông ai ướt"

Dù đêm qua hai người sóng bước

Rồi "rạng ngày ai biết ai đâu"

Ôi bệnh nhà thơ mắc phải từ lâu

Trót mang nặng "Trái tim vô số"

Trao tặng bao nhiêu vẫn còn đầy ứ

Người ta không nhận vẫn cứ cho

Bà Tú đừng ghen, bà Tú đừng lo

Bà là mái nhà, bà là tổ ấm

Khi trời chuyển gió to mưa nặng

Mái đầu ông không vạt áo ai che

Dù muốn hay không ông phải quay về

Thơ biết ơn bà ông viết bằng máu lệ

Nhiều đêm chẳng"mưa nguồn chớp bể" (1)

Ông buồn nhớ buâng quơ bà cứ yên lòng"

Để biện hộ cho việc làm của cụ Tú cái đêm hôm ấy, bác Trần Lê Văn đến là khôn ngoan. Trước hết bác đổ lỗi... tại Trời (Lỗi tại Trời đêm qua mưa xuân. Nên vạt áo ông phải che đầu người đẹp). Vì trời mưa mà cụ Tú "phải" che đầu cho người ta thôi (!). Đổ lỗi tại Trời thì chắc bà Tú chịu rồi. Thứ đến bác đổ tại cái... "vạt áo ông không hẹp" (ngầm ý muốn nói rằng tấm lòng cụ Tú không hẹp, rất nhân văn nhân ái dễ thương người lắm, hơn thế, đây lại là người đẹp thì...). Thứ nữa bác đổ tại cái..." bệnh nhà thơ mắc phải từ lâu. Trót mang nặng "Một trái tim vô số". Đó là căn bệnh trầm kha của các văn nhân mặc khách - bệnh đa tình. (Thật ra chẳng riêng các văn nhân mắc căn bệnh đó). Để tăng sức thuyết phục bác còn mượn tên tập thơ: "Một trái tim vô số" (Le coeur innombrable) của nữ thi sĩ Pháp Đờ Nô-ay-ơ (De Noailles) làm minh chứng. Nghĩa là tại Trời, tại cái vạt áo bông, tại bệnh... tật chứ cụ Tú không có lỗi gì cả, mong bà Tú cảm thương mà lượng thứ. Sau đó bác khéo léo, nhẹ nhàng khuyên nhủ "bà Tú" (thật ra là tất cả các "bà xã" trong thiên hạ) rằng: xin "đừng ghen", "đừng lo". Bởi "ông Tú" (thật ra là các "ông xã") dẫu có chút tơ vương nho nhỏ thoáng qua như mưa xuân nhè nhẹ thôi nhưng bao giờ cũng rất sợ bà. Bởi biết rằng có lúc nào đó lén lút "che đầu" cho ai thì đến "khi trời chuyển gió to mưa nặng" cũng chẳng có ai che cho mình bằng "bà xã" cả. Đó mới thật sự "là mái nhà", "là tổ ấm" là tình sâu nghĩa nặng. Thơ viết tặng các "bà xã" không phải bằng mực, mà "bằng máu lệ". Chỉ những thằng cha nào dù chức to quyền lớn thậm chí đứng đầu xã tắc hay phú gia địch quốc mà "vì mới nới cũ", vì "bồ nhí" dù "bồ nhí" đó chỉ là loại đàn bà phẩm giá chẳng ra gì mà tình phụ người vợ đã từng kết tóc xe tơ từ thuở hàn vi thì đó mới là loài bất nhân thất đức đáng phỉ nhổ. Còn những cái việc tương tự như cụ Tú nhà ta hơi vương vấn tý tỉnh thôi, thì, nghiêm cứ nghiêm, cảnh cáo cứ cảnh cáo, nhưng những người phụ nữ Việt Nam như bà Tú vốn "rộng lòng" độ lượng thì "đóng cửa bảo nhau" thôi đừng có làm ầm ỹ lên "xấu chàng thì hổ ai", đem dao mổ trâu cắt tiết gà chỉ tổ tan cửa nát nhà chứ ích gì, phải không thưa bà? Lý luận như thế thì các "bà xã" dù cả trăm phần trăm "máu Hoạn Thư" trong huyết quản cũng nghe ra, cơn tam bành dù đã dâng lên chẹn lấy cổ cũng từ từ hạ xuống, nguôi ngoai đi. Còn các "đấng mày râu" đọc xong cũng thấm, nếu đã trót "che đầu cho ai" rồi thì hãy mau dừng lại lấy công chuộc tội liệu đường ăn ở sao cho đúng nghĩa "Tao khang chi thê bất hạ đường"...

Bác Trần Lê Văn quả là một "luật gia" tài năng, bằng bài "Bà Tú đừng ghen" có thể cứu cho biết bao kẻ vi phạm "Luật tình yêu" đang run rẩy trước vị "quan toà" đầy quyền uy nhưng cũng rất nhân từ là các "bà xã" có thể xử án treo, tha bổng, cho giáo dục tại gia, hoặc nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm, nặng nhất là cách mọi chức vụ trong quá khứ...

Bài "Áo bông che đầu" của cụ Tú Xương và bài "Bà Tú đừng ghen" của bác Trần Lê Văn chắc sẽ được cánh "mày râu" chép, học thuộc làu để "làm bùa hộ mệnh".