|
Nhà thơ Mai Liễu - Ảnh: Thái Hà |
Rồi những con đường mòn men theo những triền núi đầy cỏ may và hoa dại, buổi sớm sương treo cong ngọn cỏ làm ướt cả chân quần đưa ta tới một bản Tày thấp thoáng trong sương, một bản Tày chan hòa dưới nắng, một bản Tày mịt mù mưa gõ đều đều vào mái cọ… Hay một lũng núi lặn vào đêm sớm hơn khi mặt trời buông, tiếng con chim tu hú hoang hoải suốt đêm mùa vải chín.
Và mỗi lần về quê, dọc con đường làng chứa đầy kỷ niệm, gặp những gương mặt thân quen mộc mạc, chân chất hỏi thăm, «Ngám mà! Dú đây dá? ». Vừa về à? bình yên chứ?. Tôi dịch “bình yên” là chưa đủ nghĩa, «dú đây» không chỉ nói về tình trạng sức khỏe mà có cả nét nghĩa về trạng thái tinh thần.
Thì cùng là dân Tày nên tôi cứ mường tượng ra thế! hình dung ra thế bởi tôi thấy rằng tất cả không gian ấy, thời gian ấy, lọc qua tâm hồn Mai Liễu sẽ thành thơ. Có những điều quen lắm, thân thiết lắm nhưng không phải ai cũng nói ra được, nói được thành thơ thì càng khó.
Hà! phải chăng đó là sự khác khác biệt giữa nhà văn, nhà thơ và mọi người khác, hay cụ thể là ông và tôi. Tôi cũng ngắm hằng ngày chiếc kiềng vuông, kiềng tròn trên bếp lửa nhà sàn, cũng ngẩn ngơ nhìn mái cọ thân quen, cũng thấy hoa bìm quanh lối, cũng khỏa chân trong dòng suối xanh mát rượi, từng nghe tiếng hoãng tác đêm đêm mà có ra thơ đâu!
Tôi có ấn tượng về ông bắt đầu khi đọc bút ký Trở lại Mèo Vạc của nhà văn Nguyên Ngọc… «Cùng lên Đồng Văn còn có Ma Liễu, Phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, người Tày mà viết thơ tiếng Kinh thật nhuyễn:
"... Sự đời chẳng khéo lo toan / Xòe bàn tay biết là oan nỗi gì!”
Ông còn bình “(Ô hay, cái anh sinh viên Tổng hợp văn Hà Nội, rồi sĩ quan tên lửa, trắng trẻo, trẻ trung này lại đã sớm có nỗi oan khiên nào để mà viết hai câu thơ đau đáu, ngơ ngác vậy?)… »
Đọc hai câu thơ đau đáu ấy, tôi đã tiên lượng ông này chắc rồi cũng phải tha hương! Linh cảm của tôi còn bắt nguồn từ những lý do khác mà qua bè bạn trong các cuộc gặp gỡ trà, bia, rằng mảnh đất này nhiều người tài lắm, có người làm to to là chê cánh văn nghệ «toi cơm», ăn lương chỉ có đi làm thơ, viết văn mà ì ạch, lại còn hơi tý là cãi bướng.
Với họ, làm thơ đâu có khó gì. «Tôi ấy à! một buổi sáng, vừa chủ trì hội nghị, lắng nghe đại biểu phát biểu để còn kết luận mà vẫn tranh thủ sáng tác được ba bài thơ, đăng báo hẳn hoi nhá!». Ôi, người tài, nhất là những anh tài cầm bút thường muốn tách nhau ra tạo khoảng trời riêng để tìm cảm hứng mà sáng tạo.
Hình như tôi với anh có chung một thần tượng, đó là ông đồ xứ Nghệ Đặng Quang Tiết, cựu Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Tuyên, sau này là Tuyên Quang. Tôi tiếp xúc với ông Tiết không nhiều, nhưng cảm nhận được chất đồ nho trong ông. Thâm trầm, nhẹ nhàng, uyên bác, giải quyết việc gì cũng thấu tình đạt lý.
|
Mai Liễu và đồng nghiệp trong một chuyến đi cơ sở. Ảnh TH |
Đệ tử của tôi, cử nhân Triết học Đỗ Minh Tuấn hiện là thư ký tòa soạn báo Hà Giang một người khá thông minh nhưng buồn vì hai chân bị bại liệt từ nhỏ nên không thể đi lại bình thường để tung hoành; mặc cảm với đời, hễ rượu vào là Tuấn chửi «tuốt mo», ông không ghét, mà còn động viên mọi người giúp đỡ Tuấn hoàn thành công việc, và, Tuấn đã làm được nhiều việc người bình thường có làm được cũng phải cố. Hai tay hai nạng, cọc cà cọc cạch mà anh đi khắp các huyện biên giới để lấy tư liệu viết sử.
Sau này, cả tôi và Mai Liễu về Hà Nội «khai hoang», có dịp gặp nhau nhiều, thậm chí có chuyến đi với nhau vài ngày, cảm nhận của tôi là Mai Liễu thật thà, chân chất hơn tôi tưởng, ông giữ được bản sắc Tày nhiều hơn tôi. Tìm hiểu thêm, biết ông tên thật là Ma Văn Liễu; bút danh Mai Liễu, Hoàng Lâm; sinh 1950, nếu đúng tuổi chắc ông hơn tôi vài tháng; quê Yên Sơn Tuyên Quang; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Trưởng ban Văn nghệ địa phương Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ, kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam.
Ông đã xuất bản 8 tập thơ, Suối làng (1994) Mây vẫn bay về núi (1995) Lời then ai buộc (1996) Tìm tuổi (1998) Giấc mơ của núi (2001)... ông đã giành giải B Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho các tập: “Vẫn còn mùa thổ cẩm” năm 2001; “Giấc mơ của núi” năm 2002; “Bếp lửa nhà sàn” năm 2005; “Hương sắc miền rừng” năm 2008; “Núi vẫn còn mưa” năm 2013. Và một số tập sách biên khảo…
Gần đây, ông xuất bản tập “Thơ Mai Liễu”, tập hợp các bài thơ ông sáng tác từ thời còn trai trẻ đến nay, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách hơn 320 trang với 200 bài thơ, kết quả những năm tháng say sưa cấy hái trên những vạt nương nghệ thuật của ông.