Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI VÀ TÔI- MỘT TÌNH YÊU VỚI THĂNG TRẦM HÀ THÀNH

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 2020 5:31 PM




Với tư cách là một nhà văn Hà Nội, khi nghe tin Vũ Ngọc Tiến- nhà văn kẻ Bưởi xấp xỉ lứa tuổi tôi, cùng từng là học trò trường cấp 3 Xuân Đỉnh nổi tiếng một thời- úp mở trên trang mạng thông báo cuốn sách về Hà Nội có cái tên được viết theo đầu đề một ca khúc hay về Hà Nội sắp ra đời tôi rất mong đợi.

Nguyên nhân mong đợi của tôi có mấy lý do. Trong số hơn một chục tác phẩm đã xuất bản của Vũ Ngọc Tiến tôi đã tiếp xúc với hai tiểu thuyết lịch sử in gần đây nhất của ông. Đó là cuốn “Quỷ vương” tôi đọc một mạch, và cuốn ”Kẻ sĩ thời loạn” thì đọc hơi chậm và cũng không hết. Duyên do của sự nửa chừng khi đọc “Kẻ sĩ…” bởi thấy thủ pháp đồng hiện trong tiểu thuyết này có phần lập lại cuốn “Quỷ Vương” ( trong tiềm thức nghệ thuật, tôi ưa sự sáng tạo, làm mới ở từng tác phẩm) và tốc độ văn của cuốn này do Vũ Ngọc Tiến viết kĩ- một cách viết cẩn trọng, chỉnh chu đã thành nếp của ông- chậm không còn hấp dẫn tôi như ở “ Quỷ vương”. Bởi thế nên tôi rất chờ ”Hà Nội và tôi” xem có sức lôi kéo kẻ đọc có đôi chút nghề như tôi không? Điều thứ hai, chỉ nghe tên cuốn sách phiếm chỉ đích danh nội dung tác phẩm chỉ khoanh lại về thành phố quê hương, tôi đã háo hức bởi lẽ. Có dễ trên dưới hai thập niên qua tác phẩm văn học nghệ thuật về Hà Nội đích thực quá vắng bóng trên văn đàn, sân khấu và cả điện ảnh. Trong văn học có lẽ sau cuốn “Lặng Lẽ cuối cùng” của tôi được Nhà XB Lao Động phát hành năm 2007 mà cố nhà văn Xuân Đức trong bài viết “Thấp thoáng Nguyễn Hiếu” đã ghi nhận “ Với tiểu thuyết Lặng lẽ cuối cùng Nguyễn Hiếu đã phơi bày giữa ban ngày những khát vọng có thật…Với chất văn của Nguyễn Hiếu…Anh vẫn là một con người Hà Nội không pha trộn. Cái chất tinh tế Hà Thành đã trở thành máu của anh, không lẫn được”.Còn tiểu thuyết “Tình nhân” của tôi được Nhà XB Hà Nội in năm 2009 mà Nhà thơ Lê Huy Quang trong lời tựa cho rằng ”đây là một phòng triển lãm các tính cách con người Hà Nội một thủa “ thì tôi chưa được đọc một tác phẩm nào đích thực về Hà Thành đương đại. Chính vì thế nên tôi phải thốt lên câu hỏi trong một bài báo in trên ấn phẩm Tinh Hoa của Báo Đại Đoàn kết xuân Canh Tý vừa rồi “ Vì sao chất Hà Thành gần đây nhạt trong sáng tác văn học ?”

Trở lại cuốn “Hà Nội và tôi” đọc gần như liền một mạch bởi sự cuốn hút khó cưỡng của nó tôi chợt nhận ra. Đây là tác phẩm kén người đọc.

Trong cả ba phần của cuốn sách từ “ “Hoài niệm Thăng Long” ,”Muốn quên một thủa” đến “Trăn trở hôm nay được tác giả xếp đặt khá hợp lý theo đề tựa từng phần và qua mỗi bài, mỗi chương mục có sự bổ xung cho nhau tạo ra một thể thống nhất cho một tác phẩm truyện và kí đủ sức lôi cuốn người đọc ở lứa tuổi chỉ ít từ ngoại ngũ thập trở lên, và chí ít đã sống ở Hà Nội trên dưới nửa thế kỉ. Tiêu chuẩn người đọc nếu được phiếm chỉ như vậy thì tôi hội tụ đủ. Chính vì vậy “Hà Nội và tôi” đã khiến tôi mê mải đọc tác phẩm này từ khi mở trang cho đến hết.

Đọc “Hà Nội và tôi”, những độc giả kiểu như tôi sẽ thấy lại một khung cảnh, những loại người Hà Nội, những đức tính, tập tục làm nên cốt cách hào hoa, thanh lịch, tự tại và an nhiên của một Hà Nội nền nã, có học vấn, biết thương yêu và hòa đồng, thông cảm giữa người với người, giữa cá nhân với làng xóm, phố phường. Nhà văn Vũ Ngọc Tiến là người kẻ Bưởi- Nơi mà có tuyến tàu điện trong năm tuyến tàu điện người Pháp mở ra khi định biến Hà Nội thành thủ đô Đông Dương từ đầu thế kỉ 20 đã khiến đất Bưởi trở thành gạch nối hữu cơ giữa Nội thành là những phố phường, buôn bán xầm uất cùng đủ thứ nhộn nhạo, loại người làm nên một đô thị với vùng quê tuy chỉ cách phố phường một con đường cấp phối ( không phải là đường nhựa như trong sách Vũ Ngọc Tiến) là làng quê vẫn ngưng đọng như nghìn năm xưa với những tập tục, lễ nghĩa và cách sống nghĩa tình của vùng quê yên bình ngưng đọng âm vang của làng nghề chậm chạp cổ lỗ, nên thơ “Tiếng chày Yên Thái , măt gương Tây Hồ”. Ở phần Hoài Niệm Thăng Long Vũ Ngọc Tiến cố khắc họa theo cách viết gia phả được văn chương hóa qua những kỉ niệm để lộ ra một cách hoài vọng bùi nguì và không dấu được sự tiếc nuối quá khứ kiểu của người đã ngoại thất thập.

Hà Nội trong “Hoài niệm” đó đẹp một cách buồn bã để rồi bỗng chốc được làm đà cho sự hài hước và đôi lúc không dấu sự phẫn nộ khi bước sang phần II “ Muốn quên một thủa” khi ông kể lại qua kỉ niệm của ông thời ấu trĩ trong quản lý khi Hà Nội bị cuốn vào cơn lốc nghiệt ngã của chiến dịch cải tạo thành thị, nông thôn…Sự xuống dốc của những con người Hà Thành chân chính, thông thái và thạo nghề, thạo sống đối nghịch với những kẻ ngu xi, ô trọc gặp thời. Những cảnh đời trớ trêu, sự khốn khó của Hà Thành trong thời bao cấp nghiệt ngã “Tự lấy giây buộc chân tay mình” bằng những chính sách duy ý chí, bất chấp tự nhiên, bất chấp lẽ sống, lẽ làm người. Những “bà Nguyễn Du”, “Thằng Tâm sứt”, “Bôn tây”… hiển hiện lên những lớp người Hà Nội vẫn mang nặng lối sống cổ truyền Hà Nội buộc lòng phải vứt bỏ dần để tìm cho mình một cách sống, cách xử thế phù hợp với sự thay đổi của thời thế.

Đọc hết phần hai với kinh nghiệm của kẻ cầm bút tôi nghĩ tưởng cuốn sách về Hà Nội này Vủ Ngọc Tiến sẽ kết cấu theo cấu trúc bốn chương của một bản giao hưởng, nhưng tôi đã lầm. Tiến đã chuyển ngay sang phần ba với những lắng đọng của hai phần trước được ông khôn khéo dìm sâu vào những “Trăn trở hôm nay”. Vẫn những con người Hà Nội cố mang cốt cách Hà Thành một thủa như nàng Mỹ Linh –Việt Kiều, Hải “Chichomẽ”, nhà văn Lê Mai…Nhưng môi trường của một Hà Nội sau thời bao cấp hà khắc và phi lý đã chuyển sang thời kì từng bước vắt sang cơ chế mang nặng cơ cấu thị trường với tất cả sự xấu tốt đã nhào nặn, rèn rũa họ. Đáng buồn thêm bản tính giai đoạn này, cái xấu đang dần lấn át cái đẹp của người Hà Nội nguyên sơ.

Ở hai phần trên tôi đã lờ mờ nhận ra chủ ý của Vũ Ngọc Tiến muốn trách móc ai đó vì mục tiêu nào đấy đã làm mất đi một Hà Nội thanh bình, thanh lịch với những lớp người Hà Thành duyên dáng lịch sự, để sống phù hợp đã tự thay đổi theo chiều hướng tồi tệ. Đến phần ba này với sự trăn trở thì chủ ý này đã hiện lên một cách rõ rệt không né tránh. Sự băng hoại, xuống dốc trong nhân cách của Ba toác, Đại Gia Đại Vĩ, hay sự nổi loạn bất ưng của cô Việt Kiều Mỹ Linh…là sự lên án tuy thầm lặng mà rất nghiêm khắc, quyết liệt thủ phạm không được đặt tên đã tạo ra sự băng hoại đó.

Vũ Ngọc Tiến có sở trường viết tiểu thuyết lịch sử bằng sự uyên bác và trí tưởng tượng phong phú. Còn với “Hà Nội và tôi” ông lại nổi lên ngón nghề khá thành thạo của một nhà báo sắc sảo và một tay viết ký có chiều sâu. Nhưng kể cả viết tiểu thuyết lịch sử hay viết báo thì một điểm mạnh trong tư duy và bút pháp của nhà văn kẻ Bưởi này là sự chỉn chu, cẩn trọng trong từng câu chữ, từng tư liệu. Khi tung hoành với bản ngã của một nhà báo, Vũ Ngọc Tiến phát huy được lợi thế lấy tài liệu kĩ, trên cơ sở đó ông nhào nặn và điều tiết tư liệu theo cách nghĩ, cách nhận định của mình. Tôi rất chịu sự lành nghề trong các lấy tài liệu và cách thể hiện mang tính phát hiện báo chí ở bài viết “Làm gì cho Hà Nội mở rộng”. “Hà Nội và tôi” thuyết phục được lý trí người đọc ở tư liệu báo chí, lại gợi mở và tạo suy tư cho người đọc ở chất hồi kí cùng tư duy với tác giả khi ông viết về những kí ực, kỉ niệm. Chỉ duy “Ngoại tình ở tuổi năm mười” thì là sự hòa trộn của lối viết kĩ, sự nhuyễn trong cách thể hiện bởi tư liệu nắm bắt đã nằm lòng cùng cách viết tiểu thuyết đã biến bài viết này giống như một truyện ngắn mang tính ngôn tình dễ đọc. Lời cuối của kẻ viết bài này cảm thấy hơi lạ bởi một chi tiết trong câu chữ. Vũ Ngọc Tiến là nhà văn Hà Nội cẩn trọng vậy mà khi viết về mẹ lúc mang thai ông lại dùng từ “mang bầu” khiến một kẻ viết văn Hà Nội như tôi không ưa viết tiếng địa phương thay cho tiếng Hà Nội- tiếng phổ thông chuẩn trong khi nói, khi viết cảm thấy như đang ăn cốm vòng chuẩn điếng răng vì viên sỏi ( trang 30)

Quỳnh Mai 6/8/2010

Nhà văn Nguyễn Hiếu