Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIẾNG VIỆT KỲ DIỆU (1)

Nguyễn Hải Hoành
Thứ năm ngày 13 tháng 8 năm 2020 6:42 AM




Hai dân tộc Kinh Việt Nam và Hán Trung Quốc (TQ) có nhiều điểm giống và khác nhau. Trong 1000 năm Bắc thuộc, nước ta bị Hán hóa toàn diện, các khác biệt bị xói mòn rất nhiều, kể cả về huyết thống. Không ít người Hán sang Việt Nam định cư, lập dòng tộc ở ta; dần dần họ đều bị người Việt đồng hóa, và đều chống lại sự xâm lược của TQ. Hiện nay một số dòng họ ở ta tự nhận có gốc TQ, như họ Hồ có thủy tổ là Hồ Hưng Dật quê Chiết Giang TQ (xem: Cổng Thông tin họ Hồ Việt Nam). Có ý kiến cho rằng những họ khoa bảng nổi tiếng giỏi chữ Hán là có gốc TQ. Dù thế nào đi nữa, dân tộc ta vẫn giữ được một khác biệt căn bản nhất với dân tộc Hán –– ngôn ngữ, trước tiên là tiếng nói, sau đó là chữ viết, như trình bày dưới đây.

Có thể nói ngôn ngữ là thế mạnh độc đáo của nòi giống Việt; không có ưu thế đó, dân tộc ta không thể nào thoát khỏi thảm họa bị Hán hóa sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Tiếng Việt tiềm ẩn những đặc điểm kỳ diệu nào đó mà chúng ta chưa thấy hết. Tiếc thay vẫn có người đơn giản cho rằng tiếng Việt có gốc tiếng Hán. Tâm lý tự ti ấy cản trở việc nghiên cứu các thành tựu ngôn ngữ của tổ tiên ta, khiến chúng ta chưa đánh giá đúng mức các thành tựu đó, dẫn đến cách dùng tiếng Việt tùy tiện cẩu thả, khác xa thái độ của tổ tiên ta đối với chữ Nho. Hãy xem người Hàn Quốc tôn sùng chữ Hangul biểu âm do họ tự sáng tạo (năm 1443) như thế nào: Nước họ có riêng một ngày hội kỷ niệm chữ Hangul. Chữ Quốc ngữ của ta tuyệt vời như thế mà cho tới nay chưa được tôn vinh xứng đáng. Nghĩ mà xấu hổ, trong khi ai cũng nói dân tộc ta có bốn nghìn năm văn hiến.

Sau 10 thế kỷ bị Hán hóa, dân tộc ta đã tiếp thu chữ Hán làm một công cụ ghi chép phần nào tiếng Việt (phần âm Hán-Việt), nhưng tuyệt nhiên không chấp nhận tiếng Hán.

Để làm được như vậy, người Việt đã nghĩ ra cách đọc chữ Hán bằng tiếng mẹ đẻ mà không đọc bằng tiếng Hán, tức Việt Nam hóa phần ngữ âm của chữ Hán, biến nó thành chữ của mình, gọi là chữ Nho với nghĩa “Chữ của người có học”. Kho từ vựng của người Hán có chữ “Nho” với nghĩa “Người có học”, nhưng không có từ “Chữ Nho” (Nho tự).

Về tự hình và tự nghĩa, chữ Nho chính là chữ Hán, nhưng đọc theo âm Việt có gốc Hán, tức âm Hán-Việt, cho nên chữ Nho còn gọi là chữ Hán-Việt. Nhờ vậy học chữ Nho dễ hơn học chữ Hán. Tổ tiên ta dùng chữ Nho bút đàm giao dịch với quan chức chính quyền chiếm đóng, đạt được yêu cầu bắt dân ta học chữ của chúng. Chữ Nho đã giúp dân tộc ta ra khỏi thời tiền sử, tiến sang thời đại văn minh có chữ viết ghi chép lịch sử, tiếp thu nền văn minh Trung Hoa, qua đó tổ chức hệ thống chính trị-xã hội-văn hóa theo mô hình TQ suốt mấy nghìn năm.

Rốt cuộc người Việt có chữ để ghi chép và giao tiếp nhưng vẫn đời đời nói tiếng mẹ đẻ, không nói tiếng Hán. Chữ Nho đã thầm lặng làm cho mưu toan đồng hóa ngôn ngữ hoàn toàn thất bại [xem: http://nghiencuuquocte.org/2015/09/07/viet-nam-khong-bi-dong-hoa-1000-nam-bac-thuoc/]

Giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ và nhờ đó giữ được nòi giống và đất nước mình --- đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Nói theo ngôn ngữ học hiện đại, là tổ tiên ta đã biết lợi dụng đặc điểm ghi ý (biểu ý) không ghi âm của chữ Hán để đọc chữ Hán bằng bản ngữ. Nghĩa là dùng tiếng Việt để phiên âm chữ Hán thành âm Hán-Việt. Có lẽ đây là lần đầu tiên chữ Hán được phiên âm ra một thứ tiếng nước ngoài.

Từ Hán-Việt do tổ tiên ta sáng tạo đã làm cho kho tàng từ vựng tiếng Việt phong phú thêm nhiều lần cả về số lượng và mỹ cảm. Cho dù đầu thế kỷ XX khoảng 60% từ vựng tiếng Việt có gốc Hán ngữ (thống kê mới đây là 36%) nhưng đó chỉ là hiện tượng giao thoa ngôn ngữ bình thường. Sẽ là sai lầm khi qua đó mà đánh giá tiếng Việt có gốc tiếng Hán. Hãy xem: khoảng 70% từ ngữ tiếng Hán hiện đại có gốc tiếng Nhật [mời đọc: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/29-nhin-ra-the-gioi/11723-dong-gop-cua-nguoi-nhat-vao-han-ngu-can-hien-dai], tuy rằng tiếng Hán hoàn toàn khác tiếng Nhật và chữ Nhật mượn dùng chữ Hán.

Chữ Nho là một sáng tạo độc đáo của người Việt trong cách tiếp nhận chữ Hán.

Thời xưa, người Triều Tiên/Hàn Quốc cũng mượn dùng chữ Hán nhưng bê nguyên xi cách đọc của người Hán, vì thế đem theo về rất nhiều từ đồng âm, hậu quả là sau khi đã dùng chữ Hangul biểu âm (từ năm 1443) hiện nay Hàn Quốc vẫn phải dùng kèm chữ Hán khi cần phân biệt các từ đồng âm quan trọng. Nếu bán đảo Triều Tiên bị người Hán thống trị cả nghìn năm thì chưa biết sẽ ngôn ngữ xứ này sẽ bị Hán hóa hay không..

Người Nhật mượn tự hình chữ Hán để đọc theo nghĩa của tiếng Nhật, vì thế phải dùng quá nhiều chữ Hán (tiếng Nhật gọi là Kanji), gây khó khăn cho người học chữ Nhật. Thế kỷ IX họ làm ra chữ Kana biểu âm (gồm chữ Katakana và chữ Hiragana), nhờ đó giảm được 5/6 lượng chữ Hán cần mượn nhưng nay vẫn còn dùng gần 2000 chữ Hán.

Duy nhất người Việt mượn tự hình, tự nghĩa của chữ Hán nhưng đọc chữ theo tiếng mẹ đẻ, một âm Hán có thể chuyển thành một hoặc cả chục âm Việt, nhờ thế giảm đáng kể lượng từ đồng âm. Kết quả không ngờ là làm được chữ viết có tính biểu âm, đầu tiên là chữ Nôm mượn tự hình chữ Hán, sau đó là chữ Quốc ngữ mượn chữ cái Latin. Trong khi Hàn Quốc và Nhật vẫn không bỏ được chữ Hán thì Việt Nam từ khi dùng chữ Quốc ngữ, đã dứt điểm “Thoát Hán” về ngôn ngữ. “Thoát Hán” tất nhiên sẽ dẫn đến “Thoát Khổng”. Thắng lợi này có ý nghĩa vô cùng lớn!

(còn nữa) Aug.7, 2020. FB của Nguyễn Hải Hoành