Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY SUY NGHĨ KHI ĐỌC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA PHÙNG VĂN KHAI

PGS. Trần Thị Trâm
Chủ nhật ngày 16 tháng 8 năm 2020 8:18 AM


Bản sắc văn hóa Việt trong tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai - Hội Nhà Văn  Thành Phố Hồ Chí Minh

Đọc Phùng Vương (2015), Ngô Vương (2018), Nam Đế Vạn Xuân (2020), của nhà văn Phùng Văn Khai trong một hệ thống, ta có thể thấy đằng sau những trang sách là bức chân dung một cây bút văn xuôi đang độ chín với những đóng góp thật đáng trân trọng.

1. Phùng Văn Khai là cây bút văn xuôi chuyên tâm với đề tài lịch sử

Vẫn biết, hiện nay đề tài lịch sử đang được nhiều tác giả quan tâm khai thác, nhưng ít ai có thái độ tận hiến, dấn thân và cách làm việc chuyên nghiệp như nhà văn họ Phùng.

Có thể nói, anh là người chuyên tâm với đề tài lịch sử, vì số lượng trang viết, số đầu sách anh dành cho đề tài này rất lớn. Được biết, sau Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, sẽ là sê ri tiểu thuyết lịch sử cả chục cuốn. Riêng thời Tiền Lý (542-602) có hẳn một bộ 4 tập: Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Đào Lang Vương, Bá thuật vong quốc.

Ngoài tiểu thuyết, Phùng Văn Khai còn có ba quyển truyện lịch sử ở dạng chân dung: Trần Quốc Tuấn - vị Thánh tướng hiền minh (2009); Phạm Ngũ Lão - vị tướng xuất thân từ nông dân (2014); Lý Thường Kiệt - danh tướng phạt Tống bình Chiêm (2016). Và một loạt công trình khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử: Họ Phùng Việt Nam (4 tập); Việt sử giai thoại, Sử Việt 12 khúc tráng ca; Những vị vua các triều đại Việt Nam từ cổ đại đến triều Trần; Bố Cái đại vương Phùng Hưng thân thế và sự nghiệp (in chung)… Sự xuất hiện của hàng loạt tác phẩm viết về lịch sử tạo thành một vệt rất đậm đã cho thấy rõ ý thức chuyên tâm của người cầm bút.

Anh là người toàn tâm cho đề tài lịch sử. Phùng Văn Khai đã đặt cược vào dự án viết lịch sử dân tộc bằng văn chương rất nhiều thời gian, tâm huyết. Say sưa với nó, anh đã đầu tư biết bao công sức, tiền của,đã dành nhiều năm đi điền dã, dâng hương không biết bao nhiêu đình-đền-miếu-phủ, tìm hiểu kỹ nhiều giá trị văn hóa dân gian; đã dày công nghiên cứu chính sử, tích cực tham gia các hội thảo thuộc lĩnh vực lịch sử… Riêng để hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay Phùng Vương, anh đã phải bỏ ra tới 10 năm trời lao động nghệ thuật, đã đi tới 96 ngôi đền thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng ở 7 tỉnh khác nhau. Sự chuyên tâm còn được thể hiện ngay trên những ấn phẩm. Sách của anh được in rất đẹp: trang trọng, bìa cứng, dùng loại giấy tốt… Vì thế, có người gọi chúng là những “siêu phẩm” lịch sử.

Sự dấn thân ấy có cơ sở từ tình yêu, niềm đam mê, sự trân trọng lịch sử dân tộc của người cầm bút. Anh đã thổ lộ trên Văn nghệ quân đội rằng “càng đi vào đề tài lịch sử tôi càng thấy đam mê. Đó là kho đề tài rực rỡ về võ công và văn hóa.” Với anh, lịch sử dân tộc là nguồn đề tài thiêng liêng vô tận đang còn nhiều khoảng trống cần phải nhanh chóng được lấp đầy. Đồng thời anh còn thấy rõ được mối quan hệ gắn bó giữa hai loại hình văn - sử và ưu thế, hiệu quả tối ưu nếu sử dụng nghệ thuật ngôn từ để phản ánh lịch sử: “Lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải nhà sử học viết” (M. Gorki). Bởi nhờ hoá thân vào tác phẩm văn chương, những chất liệu lịch sử khô khan sẽ tỏa sáng, biến thành những thông điệp lấp lánh có thể neo đậu vào trái tim và trí nhớ con người.

Sự nhiệt huyết ấy còn do nhận thức của tác giả về vị trí của môn lịch sử trong quá trình hình thành nhân cách con người và vai trò của đề tài lịch sử (sử thi) trong đời sống văn học nước nhà. Là dòng mạch chính thống, ở Việt Nam, sử thi luôn là khuynh hướng chủ đạo, có sức mạnh chi phối những khuynh hướng khác.

Hiện nay, số tác phẩm viết về chiến tranh có xu hướng giảm đi, chất sử thi có vẻ nhạt dần, chất thế sự và đời tư được tăng cường, song nhà văn họ Phùng lại chọn đề tài lịch sử và thủy chung với nó. Điều này đâu phải ngẫu nhiên mà xuất phát từ cái tạng của nhà văn, từ quan niệm nghệ thuật, từ cái nhìn thế giới và con người của chủ thể sáng tạo. Nó hé lộ sở trường, ý thức công dân và ý thức thể loại của người cầm bút.

Như vậy, việc lựa chọn đề tài lịch sử và chuyên tâm với đề tài lịch sử là một quyết định thuộc tư tưởng của nhà văn và cũng là một sự khác biệt của tác giả so với những cây bút đương thời. Vẫn biết, việc xử lý đề tài mới là dấu hiệu quan trọng bộc lộ tài năng của người nghệ sỹ nhưng đề tài bao giờ cũng là khâu thứ nhất chi phối cách lựa chọn phương thức, phương tiện thể hiện cho mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật.

2. Những đóng góp đáng trân trọng của tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai

Ở một góc độ nào đó có thể coi Phùng Văn Khai là người có công phục sinh và làm mới tiểu thuyết chương hồi, đưa chúng lại gần với công chúng đương đại. Giữa lúc văn chương Việt vận động theo xu hướng hậu hiện đại, Phùng Văn Khai lại chuyên tâm với tiểu thuyết lịch sử kiểu chương hồi, một thể loại văn học Trung đại. Thực tế cho thấy, ba tác phẩm: Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân của anh đều là những tác phẩm nặng ký, được bạn đọc yêu thích, chứng tỏ tiểu thuyết chương hồi của anh đã sống được và việc lựa chọn tiểu thuyết chương hồi để phản ánh lịch sử xa xưa của dân tộc là một lựa chọn xác đáng, phù hợp với năng lực của chủ thể sáng tạo và cũng phù hợp với đối tượng phản ánh.

Bởi chỉ tiểu thuyết- thể loại chúa tể (chữ dùng của Bakhtin) mới có khả năng phản ánh một cách toàn vẹn, đầy đủ, sâu sắc một dung lượng hiện thực bộn bề diễn ra trong một khoảng thời gian dài, một không gian rộng lớn. Mà với đề tài lịch sử, không có thể loại nào tạo nên sức mạnh bằng tiểu thuyết lịch sử- một thể loại giao thoa giữa hai loại hình. Sử làm cho văn thêm chân thực, giàu tính tư tưởng, giàu tinh thần dân tộc, sang trọng và có khả năng giáo dục cao. Còn nhờ sự sáng tạo của văn chương mà những sự kiện lịch sử khô khan có thể trở thành những chỉ dấu nghệ thuật phản ánh được chiều sâu của lịch sử tâm hồn dân tộc.

Anh đã chọn tiểu thuyết chương hồi vì tiểu loại này cho phép nhà văn đảm bảo nguyên tắc vừa tôn trọng lịch sử, vừa thoát khỏi lịch sử để tự do sáng tạo; vừa bao quát được hiện thực lớn, vừa quản lý được nhân vật, vừa tường thuật một cách mạch lạc, vừa đảm bảo cho cốt truyện phát triển hợp lô gich.

Theo mô hình tiểu thuyết chương hồi, mỗi cuốn sách của Phùng Văn Khai gồm nhiều hồi (chương). Mỗi hồi thường kể về một truyện và có thể tách ra thành từng truyện độc lập nhưng phải được triển khai xoay quanh nhân vật trung tâm.

Cụ thể, Phùng Vương 32 hồi; Ngô vương 18 hồi, Nam Đế Vạn Xuân 15 hồi. Tên các hồi đăng đối, ngắn gọn, súc tích sao cho tóm lược được nội dung chính của chương. Ví dụ:

An Lộc Sơn động binh khởi loạn/ Phùng trại chủ nhân hội cầu hiền (Phùng Vương, hồi 2)

Rừng Hắc Lâm hổ vàng rơi giọt lệ/ Chùa Cổ Pháp Thiền sư nhận học trò (Nam Đế Vạn Xuân, hồi 1)

Các sự kiện được xâu chuỗi theo trật tự thời gian. Cốt truyện được xây dựng trên cơ sở một không gian vũ trụ không giới hạn, một thời gian khách quan rất dài. Nam Đế Vạn Xuân kể truyện 3 đời vua thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử) kéo dài tới 60 năm (542-602). Phùng Vương kể về cuộc khởi nghĩa của cha con Phùng Hạp Khanh, Phùng Hưng,trong khoảng thời gian 24 năm (766-791). Ngô Vương kể lại cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc suốt 16 năm (923-939) của Ngô Quyền- vị vua của những vị vua “công lao quả là cổ kim chưa từng thấy” (Ngô Vương, tr384).

Tính cách nhân vật thường nhất phiến (một mặt). Tâm lý nhân vật không được miêu tả trực tiếp mà thể hiện qua hành động. Cả ba nhân vật trung tâm đều là những anh hùng dân tộc: từ diện mạo, thần thái, tính cách đã sớm bộc lộ chí khí, uy đức và tài năng thiên bẩm. Lý Bí sinh ra đã có sẵn những dấu vết kỳ lạ, có nốt ruồi đỏ ở trên người (Nam Đế Vạn Xuân); Phùng Hưng khi sinh có điềm lành báo trước: “Trời không mưa gió mà có 3 tiếng sấm lớn (bà mẹ sinh 3), có một đôi rồng vàng rực bay qua vụng Tích Giang khí thế rất hùng dũng…” (Phùng Vương, tr12). Cậu bé ra đầu tiên tiếng khóc lớn dị thường, tướng mạo phi phàm, báo hiệu sau này ắt cầm đầu thiên hạ” (Phùng Vương, tr14) …

Nhân vật có dung mạo, khí chất phi phàm. Lý Bí: Thông minh dĩnh ngộ, học đâu biết đấy. Tuổi nhỏ nhưng suy nghĩ rộng khác thường (Nam Đế Vạn Xuân, tr58), thần thái đoan chính, tiếng vang ấm ngân như chuông, lưng thẳng tai to, tay dài miệng rộng, vầng trán thanh thoát, cặp mắt tinh anh (Nam Đế Vạn Xuân, tr105).

Phùng Hưng phong thái đĩnh đạc, khoan thai, sức khỏe phi thường, tay không đánh chết hổ dữ trên núi Cấm, lúc xung trận: Không khác gì Triệu Tử Long ở Thường Sơn (Phùng Vương, tr284), lại là bậc đại trượng phu suy nghĩ việc nước thật sâu xa, “đức sáng, ân dày cảm động đến trời đất (Phùng Vương, tr604).

Ngô Quyền: “trí tuệ, sức vóc quả là người nhà trời” (Ngô Vương, tr436). Khi vào trại giặc thương thuyết, bị chúng lôi rachém vẫn ha hả cười, không chút sợ hãi. Lúc ratrận:“Càng đánh càng hăng đường thương vun vút, khiến Lý Tri Thuận không khỏi kinh động trong lòng (Ngô Vương, tr32)… Hai ngàn kỵ binh phút chốc vỡ toang trận pháp, kẻ chết người bị thương la liệt (Ngô Vương, tr33).

Mang trong mình chân mệnh đế vương, lại được sinh ra trong những gia đình dòng dõi, ngay từ nhỏ Lý Bí, Phùng Hưng, Ngô Quyền đã được giáo huấn về lòng yêu nước, đã được nuôi dưỡng tinh thần độc lập dân tộc. Ngoài tài năng, các vị còn là người luôn nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, thân dân,coi trọng sinh mạng con người: “Đừng để hao tổn xương máu sỹ tốt mới là kế vẹn toàn” (Ngô Vương, tr42). Với kẻ thù, họ không chủ trương tuyệt diệt mà luôn tìm cách mở đường hiếu sinh: “Cốt sao hãm giặc để chúng tự thua mới là thượng sách” (Ngô Vương, tr53). Chính điều này đã giúp các ngài khẳng định uy tín, mau chóng tổ chức lực lượng để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Về nghệ thuật trần thuật: cả ba tiểu thuyết của Phùng Văn Khai đều là tiểu thuyết một điểm nhìn. Truyện được kể ở ngôi thứ ba. Người kể chuyện giấu mặt coi như đã bao quát hết mọi diễn biến của câu chuyện rồi tường thuật lại.

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Khai là thứ ngôn ngữ sống động nhưng lại dày đặc một lớp từ cổ kính: thất phu, Phùng mỗ, lão nạp, trí lự, vân vi, cường địch, can qua, lão hủ, hiền đệ, ngu huynh, khuông phò, diệu kế, điệt tử… (Phùng Vương); Đinh mỗ, hiền huynh, thường suất, giáo hóa, ngu ý, mạt tướng, Quyền nhi, Khúc chúa, nhạc phụ, vân vi, lão hủ … (Ngô Vương); Cái thế, ái tướng, mạt tướng, thủ đệ, biên viễn, liệt tổ, liệt tông, bạch lạp, bỉ chức, thế ỷ dốc, thiển ý, Bồ mỗ, giá lâm, thượng sách, quả đoán, khinh kỵ, đại quân, an tọa, chúa công, đại điện, lương tướng, thủ hiểm… (Nam Đế Vạn Xuân)

Và rất nhiều thành ngữ, tục ngữ: xưng hùng xưng bá, hổ ngồi bụi rậm, muôn tên ngàn giáo, sâu kế bền gốc, giả ngô giả ngọng, trí sơ tài mọn, vóc hạc mình mai, cùng hội cùng thuyền, ghi xương khắc cốt (Phùng Vương); Ve sầu thoát xác, thành cao hào sâu, mưu cao kế hiểm, quỷ khốc thần sầu, ngư ông đắc lợi, vuốt râu hùm, to gan lớn mật, hồn xiêu phách lạc (Ngô Vương); Núi đao biển lửa, tiên lễ hậu binh, ngọa hổ tàng long, gan hùm mật gấu, ăn tươi nuốt sống, kinh thiên động địa, khom lưng quỳ gối, huynh đệ tương tàn, gan óc lầy đất… (Nam Đế Vạn Xuân).

Lớp ngôn từ xưa cũ này không chỉ làm cho văn chương hàm súc mà còn góp phần quan trọng vào việc làm sống lại cả một thời kỳ lịch sử cách đây hàng ngàn năm.

Qua khảo sát, ta thấy, về hình thức, ba tác phẩm của Phùng Văn Khai là ba tiểu thuyết chương hồi. Với trữ lượng văn hóa lớn, chúng đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức về nhiều phương diện, giúp họ làm quen với một thể loại quan trọng vào bậc nhất của văn học phương Đông từ lâu đã bị quên lãng, giúp họ có thể làm giàu có vốn văn hóa của mình và được sống nhiều cuộc đời.

Mặt khác, từ góc nhìn đương đại, Phùng Văn Khai luôn có ý thức làm mới tiểu thuyết chương hồi. Đó là những đóng góp khác biệt của Phùng Văn Khai mà dường như trước đó và đương thời chưa ai làm được.

Thứ nhất, cách xây dựng nhân vật của Phùng Văn Khai có những điểm khác biệt so với tiểu thuyết chương hồi cổ điển. Nhân vật trong tiểu thuyết Phùng Văn Khai là những nhân vật hoàn mỹ. Còn trong Tam quốc, theo nguyên tắc tam tuyệt, mỗi nhân vật chỉ điển hình cho một phẩm chất: Lưu Bị đại nhân, Khổng Minh đại trí, Quan Công đại dũng. Tống Giang (Thủy hử), Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới (Tây du ký) cũng không có ai hoàn hảo. Chọn cách giải mã lịch sử dưới góc nhìn sử thi, nhân vật trong tiểu thuyết của anh là đại diện cho những phẩm chất tinh túy nhất của dân tộc, cộng đồng, vì thế họ không tỳ vết.

Thứ hai, tiểu thuyết chương hồi truyền thống chỉ đi theo mạch kể, mà không tả thì tiểu thuyết của Phùng Văn Khai có nhiều trang văn miêu tả rất hay. Với vốn kiến thức văn hóa đa dạng (văn học, văn hóa, lịch sử, quân sự, điện ảnh…) kết hợp ngôn ngữ văn học với ngôn ngữ điện ảnh, Phùng Văn Khai đã có được những trang văn đẹp, nhiều đoạn tả cảnh thiên nhiên diễm lệ kỳ thú, những trận săn voi (Phùng Vương, tr102), đả hổ (Phùng Vương, tr352) thật ngoạn mục, những trận chiến giữa các kỳ phùng địch thủ, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng (Ngô Vương, hồi 15) vô cùng hào sảng, đã truyền cho người đọc nguồn cảm hứng, niềm tự hào vô hạn về Việt Nam - đất nước con người. Những trang văn ấy đã được tách ra thành những truyện ngắn vô cùng lạ và độc.

Thứ ba, tiểu thuyết chương hồi truyền thống là tiểu thuyết một điểm nhìn. Người kể truyện giữ vai trò biết tuốt để tường thuật. Điểm nhìn trong tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai khá linh hoạt. Mỗi nhân vật được tiếp cận từ nhiều phía: qua con mắt nhân dân, qua nhận xét của các sư phụ, qua cái nhìn của tướng lĩnh, qua cách đánh giá của kẻ thù… Vì thế mà nhân vật trở nên sống động và đa diện hơn.

Điểm đổi mới thứ tư rất cần bàn đến là không dừng lại ở việc làm sáng danh lịch sử, ít nhiều tác giả đã vươn tới sự sáng tạo lịch sử. Tích hợp chặt chẽ ưu thế của chính sử và dã sử, truyền thống và hiện đại (mạch văn nhanh, đi thẳng vào cốt truyện, ngôn ngữ điện ảnh), với trí tưởng tượng phong phú, tác giả đã bồi đắp da thịt, thổi hồn thời đại, đã khám phá luận giải nhiều vấn đề của lịch sử. Không chỉ tập trung giải quyết vấn đề vai trò của anh hùng khi đất nước lâm nguy, không chỉ kể những truyện đã được lưu truyền, ghi chép, mà trong Nam Đế Vạn Xuân, tác giả đã để vị Hoàng đế đầu tiên của nước Nam dám đưa hàng trăm chiến thuyền sang tận Hợp Phố đất Trung Nguyên đốt giết thủy quân của Lương Vũ Đế để trừ hậu họa và khẳng định sự bình đẳng với cường quốc láng giềng. Cũng trong tác phẩm này, tác giả xác quyết rằng người Việt từng có dòng thiền Luy Lâu từ trên 1.500 năm trước. Dòng thiền này đã trở thành quốc đạo, mạnh đến mức tham gia lập quốc xưng đế, chế định triều nghi. Ngôi chùa Trấn Quốc do Lý Nam Đế xây dựng vẫn còn đó, là minh chứng khiến phương Bắc phải nể phục.

Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai còn góp phần lấp đầy không ít khoảng trống lịch sử ở thời kỳ tiền sử- một thời kỳ tư liệu còn lại thưa thớt, chủ yếu lưu giữ trong truyền thuyết dân gian. Đó là lý do mà thời kỳ này hầu như chưa được các tác giả quan tâm. Vì thế tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai đã góp phần soi sáng, bổ sung, đính chính, sàng lọc lại lịch sử. Với thái độ khách quan, kết hợp chặt chẽ ưu thế của văn học và lịch sử, tác giả đã làm sống lại một cách chân thật và sinh động tinh thần thời đại, dựng lại diện mạo lịch sử nước nhà hàng chục thế kỷ trước khi có chính sử, với những chiến công hào hùng “Âm vang… vô cùng lớn lao cổ kim chưa từng thấy” (Ngô Vương tr403).

Hơn nữa, thông qua cái đẹp, bằng cái đẹp, cố gắng đi sâu phản ánh nguyên nhân sự thật xảy ra trong trái tim con người, nhờ thế mà tiểu thuyết của Phùng Văn Khai đã làm tốt chức năng chân thiện mỹ của văn chương. Những trang văn tâm huyết, thấm đẫm hào khí dân tộc và tinh thần thời đại của anh làm thức dậy trong tâm hồn con người tình yêu cái đẹp, làm sống dậy những giá trị nhân văn, góp phần làm thay đổi quan niệm mỹ học và tư tưởng cho con người, gieo những hạt hoa, những mầm cây trong tâm hồn bạn đọc, làm mỗi chúng ta thêm yêu, thêm tự hào về lịch sử dân tộc.

Với anh, đề tài lịch sử và tiểu thuyết lịch sử chương hồi đã giúp Phùng Văn Khai như tìm thấy chính mình nên nhanh chóng có được một bút lực lớn. Với thái độ hiếu học và cầu thị, tiểu thuyết chương hồi của anh đang không ngừng đổi mới.

Hiện giờ, tiểu thuyết chương hồi đang là mặt mạnh của nhà văn họ Phùng. Nhưng vẫn rất cần một sự bứt phá ngoạn mục vì do tính cổ điển, mẫu mực của nó, thì từ mặt mạnh tiểu thuyết chương hồi cũng có thể trở thành giới hạn của người cầm bút.

Tuy có một số điểm cần bàn, nhưng nhìn chung ba tác phẩm Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân của nhà văn Phùng Văn Khai đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đề tài lịch sử và thể loại tiểu thuyết lịch sử kiểu chương hồi trong dòng chảy văn học đương đại.