Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THI NẠI AM VIẾT THỦY HỬ PHẦN II ĐỂ CỨU MÌNH?

Trần Quốc Thường
Thứ năm ngày 6 tháng 8 năm 2020 3:13 PM
THI NẠI AM VIẾT THỦY HỬ PHẦN II ĐỂ CỨU MÌNH?
Chu Nguyên Chương lúc dấy binh ở Từ Châu, xưng Ngô Vương, khởi lập nhà Minh, biết tài hai ông Tiến sĩ Lưu Cơ và Thi Nại Am, nên cho người mời hai ông làm quân sư cho mình. Hai ông này lại là bạn thân của nhau.
Không hiểu vì sao chỉ có Lưu Cơ nhận lời, còn Thi Nại Am thì thác chuyện từ chối, rồi về mở trường dạy học.
Trong đám học trò này, có một học trò yêu của ông là La Quán Trung. Sau đó cũng vì thời thế bắt buộc, ông bỏ dạy học ở ẩn vào một vùng đầm lầy không khác mấy với Lương Sơn Bạc, không quên mang theo trò cưng là La Quán Trung. Chính nơi đây ông viết bộ Thủy Hử nổi tiếng.
Có lẽ vì còn tức Thi Nại Am không nhận lời làm quân sư cho mình, khi đã trở thành Minh Thái Tổ (1368), Chu Nguyên Chương bèn ra lệnh bắt tống giam Thi Nại Am vào đại lao vì dám viết sách Thủy Hử “xúi dục nổi loạn” chống lại triều đình.
Đang ở trong thiên lao thì Lưu Bá Ôn, lúc này đương là quân sư của Chu Nguyên Chương vào thăm. Thi Nại Am hỏi Lưu Bá Ôn làm sao để ra khỏi nhà lao? Lưu Bá Ôn nói: Ông làm như thế nào mà phải vào đây thì hãy làm như thế sẽ ra khỏi đây. Hiểu ý bạn, Thi Nại Am xin giấy bút và viết tiếp bộ Thủy Hử, bắt đầu từ việc hình thành ý định “quy thuận triều đình” của Trại chủ Tống Giang cho đến kết thúc rồi gửi cho Lưu Bá Ôn.
Đọc xong, Lưu Bá Ôn liền tâu với Minh Thái Tổ rằng Hoàng thượng đã bắt giam oan người. Thi Nại Am mới viết được một nửa, nay ông ấy viết tiếp nửa còn lại, xin Hoàng thượng xem rồi minh giám. Chu Nguyên Chương đọc xong gật đầu hài lòng, bèn tha cho Thi Nại Am.
Còn chúng ta, đọc đến đoạn Tống Giang và các anh hùng Lương Sơn Bạc quy hàng thì vô cùng chán ngán. Để bảo toàn mạng sống chiều lòng Chu Nguyên Chương, làm nản lòng hậu thế Thi Nại Am đã bắt buộc phải uốn cong ngòi bút phục vụ theo ý cường quyền.
Cũng trong thời gian Thi Nại Am bị giam cầm, cậu học trò yêu của ông là La Quán Trung thuê trọ ở gần nhà lao để thăm nom chăm sóc thầy lúc đấy đã già yếu. Không để lãng phí thời gian, La Quán Trung vừa dạy học kiếm sống, vừa tìm đọc sách Tam Quốc Chí và các tài liệu liên quan rồi viết ra bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa còn lừng danh hơn cả sách của thầy học.
Câu chuyện xưa đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
- Ảnh 1 Thi Nại Am, A2 Lưu Bá Ôn, A3 La Quán Trung.