Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CON RÁI CÁ LÀNG NGUYỆT LÃNG

Lê Bá Thự
Thứ hai ngày 27 tháng 7 năm 2020 9:27 AM

CON RÁI CÁ LÀNG NGUYỆT LÃNG

Lê Bá Thự

Lần này, Lê Bá Thự đến với chúng ta không phải bằng những công trình dịch thuật, mà là một cuốn sách sáng tác. Cuốn hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi.

Đây là một cuốn sách qúi. Rất qúi. Nó như một bảo tàng nho nhỏ… Ai cũng như gặp lại làng quê mình, tuổi thơ mình…

Trần Đăng Khoa

Những năm 50 của thế kỷ trước cánh đồng làng tôi chẳng những là nơi trồng lúa và các loại hoa màu để lấy lương thực mà còn là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thức ăn “sạch”, cho cả làng, vì hồi đó chưa hề sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, chưa có thuốc trừ sâu. Nước đồng làng tôi sạch đến nỗi, khi đang làm đồng trời nắng chang chang mà khát nước thì tôi chỉ cần ra chỗ nước trong ở góc ruộng, khum hai bàn tay múc nước uống một cách ngon lành, không hề sợ bị đau bụng. Và thực tế chưa bao giờ tôi bị đau bụng vì uống nước ruộng. Hầu như suốt ngày tôi ở ngoài cánh đồng, không làm ruộng thì tôi kiếm cá, bắt cua, bắt ốc. Không kiếm cá, bắt cua, bắt ốc thì tôi thả diều, chơi khẳng. Cho nên tôi mới bảo, cánh đồng làng Nguyệt Lãng là cánh đồng tuổi thơ tôi.

So với các bạn cùng trang lứa tôi có biệt tài kiếm cá. Chả thế mà bọn chúng gọi tôi là “Con Rái Cá làng Nguyệt Lãng”. Tôi kiếm cá ban ngày, tôi kiếm cá ban đêm, tôi kiếm cá khi trời mưa, tôi kiếm cá lúc trời nắng. Tôi có thể kể cho các bạn nghe hàng chục kiểu, cách, kiếm cá, bắt cá, bắt cua, bắt ốc… của tôi hồi nhỏ. Tuy nhiên, dưới đây tôi chỉ xin kể một số câu chuyện kiếm cá mà tôi đã trải nghiệm.

Câu cặm

Câu cặm là thuật ngữ làng tôi. Các nơi khác người ta gọi là câu cắm – loại cần câu cắm xuống đất. Cần câu cặm làm bằng một que tre già, to bằng ngón tay, dài chừng 80cm, một đầu vót nhọn để cắm vào đất cho dễ, đầu kia vót mỏng, hầu như toàn cật, vừa dẻo vừa dai (cá trúng câu tha hồ vùng vẫy không bao giờ gẫy) nối vào đó đoạn dây cước (hay dây nhợ) dài chừng 50 cm được buộc vào một lưỡi câu có ngạnh. Lưỡi câu tôi thường mua ở chợ quê, tại quầy hàng xén.

Nhái là mồi câu của tôi. Hồi trước đường làng tôi, đồng ruộng làng tôi có khá nhiều bụi rậm, bờ rậm, môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm, cho nên ếch nhái rất nhiều. Ban đêm đi trong làng hay ngoài đồng ruộng ếch nhái kêu inh tai, cho cảm giác, đó là màn đồng ca của lũ côn trùng làng tôi. Chiều tối mỗi ngày, nhái con kéo nhau ra mặt đường kiếm ăn. Chúng rất thích ăn muỗi, đớp muỗi. Cho nên, trên đường đồng, nhan nhản những nhái là nhái. Chỗ nào có đống cứt bò thì nhái ngồi chầu rìa dày đặc chung quanh, chờ đớp muỗi. Tụa hồ chúng đang ngồi chung quanh “mâm cỗ muỗi” vậy. Hễ có con muỗi nào lao vào đống cứt bò là ngay lập tức bị các chú nhái háu ăn đớp luôn, nuốt chửng. Tôi đeo chiếc giỏ đi bắt nhái, không phải bắt để nấu ăn, mà là để làm mồi câu cặm. Mỗi bãi cứt bò như tôi vừa kể là một “ổ nhái” béo bở cho tôi. Có khi chỉ một phát vung tay tôi chộp được mấy con liền. Tôi có tài bắt nhái bằng tay không, trăm phát trăm trúng. Nói vậy nhưng không đơn giản đâu, phải có kỹ năng, phải có kinh nghiệm thì mới “thành tài” được. Khi phát hiện một con nhái tôi muốn bắt thì tôi phải lật sấp bàn tay phải, nghiêng bàn tay chừng 45 độ, phía trước đầu con nhái, rồi bất thình lình vòng bàn tay úp nhanh, mạnh vào con nhái dưới đất. Con nhái sẽ hoàn toàn nằm lọt trong lòng bàn tay tôi. Chỉ việc cho nó vào giỏ là xong. Chú ý, phải úp bàn tay đang khum khum vào con nhái từ hướng đối diện với đầu của nó. Vì, nếu theo phản xạ, nó nhảy đi, thì bao giờ nó cũng lao về phía trước, nhảy về phía bàn tay đang lao tới của ta, vô tình nó lọt vào đúng bàn tay đang khum khum của ta để nộp mạng, ta úp ngay bàn tay xuống đất, và chộp được con nhái. Mỗi lần đi bắt nhái như vậy tôi phải bắt vài trăm con thì mới đủ mồi câu cho một đêm.

Cũng có thể dùng cá nhỏ, hoặc đào giun đất làm mồi câu. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là nhái, và tôi thường làm như vậy. Cá quả thích mồi nhái, còn cá trê và lươn thích mồi giun.

Khi cần câu đã được cắm sâu xuống đất, tôi bắt đầu móc mồi vào lưỡi câu, theo cách, đầu lưỡi câu móc thật nhẹ nhàng vào đít con nhái, cố gắng không để cho con mồi bị thương, để cho nó vẫn khoẻ, có thể thoải mái nhảy đung đưa trên mặt nước, trở thành miếng mồi hấp dẫn, lôi cuốn, thậm chí khiêu khích đối với những con cá phàm ăn.

Tôi thường tự chế khoảng 70 cần câu cặm. Những cần câu do tôi tự làm, làm theo ý và yêu cầu của tôi. Bụi tre rất to ngoài bờ ao trước nhà là nguồn cung cấp tre già cho tôi vót cần câu chất lượng cao – bền, chắc, dẻo, dai. Giữa mỗi cần câu tôi làm một cái móc, bằng dây nhợ, dây cước hoặc đoạn dây thép nhỏ, để móc lưỡi câu vào đó cho gọn, khi không sử dụng cần câu. Vì hàng chục cần câu, dây câu, lưỡi câu, nếu không xếp gọn thì lưỡi và dây câu sẽ quấn vào nhau, rối tung rối mù, khó gỡ.

Tôi đi cắm câu, hay đi “đánh câu” như dân làng tôi vẫn nói (trong Nam Bộ người ta có thuật ngữ “giăng câu”). Lúc chiều tà, tôi bắt đầu đi cắm câu tại các bờ ao và bờ ruộng, nơi có nhiều cá, nhất là cá quả (cá chuối). Khoảng cách giữa các cần câu chừng 10 – 15m. Thoạt tiên tôi cắm chuôi nhọn của cần câu xuống đất, sao cho cần câu bám chắc vào đất. Độ nghiêng của cần câu tuỳ theo địa hình, nhưng thường 45 độ. Thò tay vào giỏ bắt ra một con nhái rồi chọc lưỡi câu thật nhẹ nhàng vào lỗ đít con nhái, sao cho con nhái không bị thương. Thả con nhái ra. Con nhái chạy lên rồi lại tụt xuống trên mặt nước, theo tầm khống chế của dây câu. Nó trở thành miếng mồi hấp dẫn, lôi cuốn lũ cá, nhất là cá quả, cá trê. Tôi lần lượt cắm từng cần câu và mắc mồi vào từng cần câu theo cách như vậy. Tôi phải mất chừng tiếng rưỡi đồng hồ để có thể cắm xong và mắc mồi vào 70 mươi cần câu của tôi. Lúc này trời nhá nhem.

Cứ độ một giờ đồng hồ tôi đi thăm câu, bắt cá mắc câu và thay mồi một lần, mỗi đêm độ 5 – 6 lần. Lần thăm câu cuối cùng vào sáng sớm hôm sau, cũng là lần nhổ câu, mang câu về nhà. Khi đi thăm câu tôi đeo bên hông chiếc giỏ đựng cá, tay cầm chiếc vợt để bắt cá mắc câu, cùng chiếc gậy diệt rắn khi cần. Khi phát hiện thấy dây câu chuyển động loằng ngoằng dưới nước là tôi biết có con cá đã bị mắc câu. Tôi chỉ việc dùng vợt, hớt con cá lên, và cho cá vào giỏ. Thường là cá quả, cá trê hoặc lươn. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng ngon ăn như vậy, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió như vậy đâu. Có khi thấy dây câu quay tròn dưới nước, tôi hí hửng, tưởng đó là một con cá quả to đùng, thì lại vớt lên một con rắn dài ngoẵng. Thường là rắn nước nên nói chung không đáng ngại. Tôi chỉ việc dùng chiếc gậy tre mang theo người, kết liễu đời con rắn dám cả gan làm tôi “mừng hụt”. Cũng có khi bắt được một con lươn to. Nếu lươn cắn câu thì phải phát hiện nhanh, để chậm là nó cắn đứt dây câu, mất luôn lưỡi câu. Lắm khi nhấc cần câu lên, tôi chưng hửng, vì chỉ còn lại mỗi dây câu, không còn lưỡi câu. Dám chắc một con lươn to đã là thủ phạm của vụ “cướp của” này. Có những con cá quả “từng trải” “kinh nghiệm đầy mình”, không chịu bị mắc lừa. Thấy con nhái đung đưa trên mặt nước, hấp dẫn đấy, ngon lành đấy, thậm chí khiêu khích đấy, nhưng con cá ranh ma này không vội lao vào đớp con nhái. Nó lảng vảng ở bên ngoài, bơi vòng quanh bên ngoài, quan sát kỹ con mồi đang cử động như một “nghệ sĩ đu bay thạo nghề”, đặc biệt nó quan sát đôi chân đạp nước của con mồi, nó ước lượng chính xác cự ly từ miệng nó đến đôi chân bé xíu nhưng mập mạp và ngon lành của con mồi, rồi nó lao về phía trước, nhằm trúng và cắn chặt lấy đôi chân con mồi, bứt con mồi khỏi lưỡi câu. Bằng cách như vậy con cá quả đã đoạt được con nhái giữa đêm đen. Nó đã thắng và tôi đã thua. Nó không bị mắc câu. Không ít trường hợp như vậy đâu. Lắm khi thăm câu tôi không thấy con nhái ở lưỡi câu nữa mà chẳng thấy có cá bị mắc câu. Ức ghê lắm. Nhưng tôi tự an ủi: “mình đi câu mà!”. Mỗi đêm câu cặm như vậy tôi thường kiếm được gần chục con cá – chủ yếu là cá quả, cá trê, đôi khi có cả lươn. Hôm nào “trúng số” vớ được con cá quả to nhất ao, nấu đầy một nồi đất, tôi thích lắm. Mẹ tôi khen: “Mi đúng là một con rái cá”.

Câu cá rạo

Nhìn thấy tôi ngồi câu cá ở bờ ao, nhiều người thắc mắc. Câu cá gì mà một tay cầm cần câu nâng lên nâng xuống, còn tay kia cầm cái roi bằng cành tre, dài, dẻo, quất xuống nước liên tục, đều đều, tạo nên tiếng kêu “tỏm, tỏm”, tạo bọt nước trắng xóa. Tôi đang ngồi câu cá hay tôi đang xua đuổi cá vậy? Tôi đang ngồi câu cá rạo (còn gọi là cá ngạo, có nơi gọi là cá ngão, cá thiểu) đó. Nói chung câu cá là phải yên tĩnh, mặt nước phải phẳng lặng, nhưng câu cá rạo thì không phải vậy, mà ngược lại. Cho nên người ta thắc mắc và ngạc nhiên là có lý khi nhìn thấy tôi ngồi câu cá rạo. Cá rạo thân dài, lườn lưng dày và hơi gù, mình dẹt dần về phía cuối bụng, vảy trắng bạc. Miệng cá rạo rộng và sâu, môi mỏng và hơi vểnh lên phía trên. Món ăn ưa thích nhất của cá rạo là loài tép. Cho nên tôi thường móc vào lưỡi câu một con tép trắng. Vào mùa xuân, khi các ấu trùng của tép nở thành tép con, cá ngạo đi từng đàn để săn tìm. Đây là thời điểm thích hợp nhất để câu cá rạo. Hễ thấy có nhiều bọt nước là cá rạo lao tới đớp bọt, gặp mồi tép thì đớp luôn và bị mắc câu. Lại nữa, khi đẻ trứng cá cái kích thích sinh dục, uốn mình vật vã gây xao động mặt nước (chúng tôi gọi là cá vật tổ), làm cho trứng phọt ra ngoài. Thấy vậy cá ngạo lao tới để đớp trứng cá vừa mới đẻ. Tôi dùng roi tre đập nước gây tiếng động chính là để đánh lừa cá rạo, rằng chỗ này có cá cái đang “vật tổ” đẻ trứng. Cá rạo xông tới, bắt gặp mồi tép ngon lành của tôi và ngay lập tức bị mắc câu. Cá rạo rất phàm ăn cho nên câu rất dễ. Thường chỉ khoảng một giờ đồng hồ ngồi câu như vậy là tôi kiếm được trên chục con cá rạo loại to, đủ một bữa rán nhắm rượu và kho đầy một nồi đất. Thịt cá rạo thơm ngon, nhất là cái lườn lưng dày của nó rất nhiều thịt. Cá rạo nấu dấm (canh chua) cực ngon. Người làng tôi, trong đó có mẹ tôi, dùng mẻ tự gây để nấu dấm cá rạo. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn thèm cá rạo quê mà một thời từng rất thân thuộc đối với tôi. Nhưng buồn thay, món cá ngon lành này cũng chỉ còn là một kỷ niệm.

Úp nơm

Một trong những sở trường kiếm cá của tôi là úp nơm. Có nhiều cách úp nơm, nhưng “úp nơm khoát” là cách tôi ưa thích nhất, tôi thường làm.

Sau vụ gặt tháng mười, sau khi cắt rạ, cánh đồng làng tôi nom mênh mông như một hồ nước cạn. Ở đó có rất nhiều cá, cá quả, cá diếc, cá rô vv… Đấy là thời vụ lý tưởng cho tôi đi úp nơm kiếm cá. Sáng ngủ dậy, ăn qua loa vài củ khoai lang luộc, tức ăn sáng kiểu làng quê, đeo chiếc giỏ bên hông, một tay cầm chiếc nơm tre, tôi đi ra cánh đồng. Tôi lội xuống ruộng. Buổi úp nơm khoát của tôi bắt đầu. Tôi nghiêng bàn chân phải, khoát nước ruộng, khoát mạnh, sao cho nước tóe ra xoè hình quạt, văng thật xa, thật mạnh để dọa nạt cá. Mắt tôi chăm chú quan sát vùng nước trước mặt. Tôi phải thật sự tập trung. Hễ phát hiện thấy một vẩn đục nổi lên, dù là nhỏ, là ngay lập tức tôi úp nơm vào đó. Trong nơm đang có không con diếc thì con rô, không con rô thì con cá quả là cái chắc. Tôi chỉ cần thò tay vào bên trong, khoắng tay cho nước xoay tròn, là bắt được con cá bị “trúng nơm”. Người đi úp nơm kiểu này phải có kỹ năng, phải khoẻ chân và dẻo bàn chân, phải nhanh mắt, tinh mắt và giỏi nhận biết, phải có nghề, phải nhiều kinh nghiệm. Các loài cá thường có phản xạ chui ngay xuống bùn lủi trốn khi mặt nước bỗng nhiên bị xao động mạnh và khi chui xuống bùn như vậy cá sẽ tạo ra vẩn đục, hoặc sủi tăm trên mặt nước, giúp ta phát hiện ra chúng. Dựa vào đặc điểm này người ta đã nghĩ ra cách úp nơm ruộng mà ở quê tôi gọi là “úp nơm khoát” (khoát nước bằng bàn chân). Không sốt ruột, không vội vàng, giỏ đeo bên hông, tay cầm chiếc nơm, chân khoát nước, tôi khoan thai “lãng du” khắp cánh đồng làng, kiếm cá. Sau khoảng ba giờ đồng hồ úp nơm khoát như vậy, tôi có đầy giỏ cá mang về. Dẫu có khiêm tốn tôi vẫn phải công nhận, tôi là thằng “sát cá”, cho nên người ta gọi tôi là “con rái cá làng Nguyệt Lãng” kể cũng không ngoa.

Úp nơm hội đồng. Đây là hình thức úp nơm có tổ chức với sự tham gia của nhiều tay nơm. Định bắt cá tại một cái ao nào đó thì chủ ao chủ động đi gọi chừng 15 tay nơm trong làng tham dự. 15 tay nơm thạo nghề này lội xuống ao, nước thường ngập đến bụng, dàn thành hàng ngang và bắt đầu trận càn bắt cá. Cả hội, tay úp nơm, chân lội hướng về phía trước. Các tay nơm phải ken thật dày để cho cá không lối thoát. Đây là cách úp nơm hoàn toàn “hú hoạ”, vì tay nơm không nhìn thấy cá, không biết chỗ nào có cá, cứ đều tay, kéo nơm lên mặt nước rồi lại úp mạnh nơm xuống đáy ao. Tuy nhiên, người úp nơm phải hết sức tập trung, tỉnh táo, tinh tế và nhạy cảm. Hễ cảm nhận có tiếng “kịch” làm rung nơm là phải biết ngay trong nơm đang có cá, chỉ việc thò tay vào trong nơm, khoắng nước thật mạnh, cho nước xoay tròn và con cá “trúng nơm” cũng xoay tròn trong đó cho ta dễ bắt. Bắt xong con cá trong nơm, người úp nơm, hay tay nơm, lại tiếp tục nhập bọn với đội hình đang hành tiến dưới ao. Khi đội hình 15 tay nơm tiến đến sát bờ ao đối diện thì họ quay ngược trở lại, tiếp tục dàn trận hàng ngang và lại úp nơm, lại tiến về phía trước, về phía bờ đối diện. Đội hình này cứ lập đi lập lại vài lần, cho đến khi trong ao gần như hết cá. Sau mỗi trận úp nơm hội đồng như vậy mỗi tay nơm thường bắt được chừng nửa giỏ cá diếc, cá rô, cá quả… mà ở làng tôi gọi là cá mạt, cá tự nhiên, nghĩa là không phải cá giống, cá nuôi. Theo lệ làng, cá mè, cá trắm, cá chép, cá trôi được coi là cá giống, cá nuôi, cho nên tay nơm nào bắt được các loại cá này thì phải chủ động nộp lại cho chủ ao. Nói chung các tay nơm làng tôi rất sòng phẳng trong chuyện này. Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, nói thật lòng, tôi vẫn thích úp nơm ruộng hơn úp nơm ao, vì úp nơm ruộng hiệu quả hơn và lãng mạn hơn, khi một mình tôi tha hồ lang thang trên cánh đồng làng phóng khoáng, mênh mông. Hình ảnh ngoạn mục này bây giờ chỉ còn trong ký ức của tôi.

Kéo khẳng

Kéo khẳng bắt cá ao. Đây là một cách bắt cá khá độc đáo mà hồi nhỏ tôi thường làm, nhất là mùa hè nóng nực. Cách bắt cá này đòi hỏi phải có hai người, một sợi dây thừng và hai chiếc cán dài, tôi thường sử dụng cán nạo tre. Sợi dây thừng được buộc vào hai đầu cán nạo, cách đầu cán chừng 20cm. Hai người lội xuống ao, tay cầm nơm, mỗi người giữ một cán nạo, đầu có đây thừng chúc xuống dưới và bắt đầu rê dây thừng dọc theo đáy ao, mắt quan sát kỹ mặt nước nơi dây thừng rê qua, hễ phát hiện thấy tăm sủi lên thì dừng “kéo khẳng” và ngay lập tức một người lao tới úp nơm vào chính giữa điểm sủi tăm này. Chắc chắn trong nơm đang có một chú cá quả, hoặc cá diếc hoặc cá rô, thậm chí cá chép, chui dưới bùn. Chỉ còn việc thò tay vào trong nơm, khoắng thật mạnh, cho con cá đang bị nhốt cũng xoay tròn quanh nơm, là bắt được con cá. Cách bắt cá này dựa theo đặc tính, theo đó trên đường bơi hễ bất thình lình vấp phải chướng ngại vật là cá chui ngay xuống bùn để trốn tránh nguy hiểm và làm sủi tăm mặt nước. Những năm sống ở làng, mùa hè chúng tôi hay tắm ao, (toàn tắm truồng, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ, nhưng hồi đó tắm truồng ngụp lặn dưới ao là “cái khoái” của lũ trẻ con nhà quê chúng tôi), trước khi tắm tôi và thằng bạn cùng xóm thường rủ nhau “kéo khẳng” kiếm vài con cá để rán, hoặc nấu canh chua mà ở quê tôi gọi là “nấu dấm cá” (ở làng tôi không có sấu, toàn nấu dấm cá bằng mẻ tự gây).

Soi cá ban đêm (quê tôi gọi là đi man cá)

Soi cá ban đêm là dùng đuốc sáng, làm bằng nứa và tre khô, để soi cá, tìm cá và bắt cá.

Ngoài bó đuốc ra tôi phải trang bị một con dao sắc, cán dài chừng một mét. Những ruộng nước trong, sâu không quá đầu gối, là địa bàn lý tưởng cho tôi man cá. Nước càng trong càng thuận lợi, vì dễ nhìn, dễ quan sát, dễ phát hiện ra cá. Cho nên mùa đông là mùa thích hợp cho tôi đi soi cá, còn mùa hè trời hay mưa, nước đục, khó thực hiện hoạt động “tìm diệt” này. Tất nhiên nói đến đi soi, dù là soi ếch hay soi cá, là ta phải hiểu đây là công việc làm ban đêm.

Khoảng 8 – 9 giờ tối. Tôi đeo giỏ vào hông, đốt đuốc, tay cầm con dao cán dài, sắc như nước, đi ra ruộng soi cá. Tôi tìm ruộng nước trong để mắt có thể quan sát đáy ruộng. Tôi bước xuống ruộng, tay cầm dao, tay cầm đuốc, lội rón rén, hết sức nhẹ nhàng, không làm khuấy động mặt nước, tập trung cao độ, hai mắt quan sát thật kỹ để phát hiện cá đang bơi ăn đêm dưới đáy ruộng. Khi phát hiện thấy một con cá, tay phải cầm dao của tôi ngay lập tức chém mạnh xuống nước, nhát chém phải ngọt xớt và trúng thân con cá, gây sát thương ngay tại chỗ. Rồi tôi nhẹ nhàng thò tay xuống nước vớt con cá lên, cho vào giỏ. Sau đó tôi lại rón rén, lại nhẹ nhàng bước tiếp, soi đuốc “tìm diệt” cá ở chỗ khác. Tuyệt nhiên không được làm xao động mặt nước, cá thấy động, bỏ chạy ngay lập tức. Tôi như một bóng ma trơi trên cánh đồng làng tối om, với ngọn lửa đang chầm chậm di chuyển. Lũ cá đồng mà biết nghĩ, chắc chúng căm thù tôi lắm, vì tôi chẳng những phá tan cuộc sống yên bình của chúng mà lại còn giết chúng bằng “chiếc máy chém tự tạo ngọt xớt” của tôi. Con thì bị chém đứt đầu, con thì bị chém đứt bụng, con thì bị chém đứt đuôi. Vô cùng tang thương. Đầu rơi máu chảy. Hãn hữu lắm mới có con cá thoát chết, khi tay dao của tôi chém chệch mục tiêu, do tôi bị hoa mắt, hoặc tại trời xúi?!

Mỗi cuộc soi cá của tôi thường kéo dài gần hai giờ đồng hồ. Vì bó đuốc cũng chỉ cháy được ngần ấy thời gian là tắt. Hồi trước mà như bây giờ, có đèn pin soi sáng, thì chắc tôi đi man cả đêm. Chỉ có điều, không bao giờ trời cho ta tất cả. Bây giờ, thời hiện đại, có đèn pin ngon lành thì ruộng lại chẳng có cá để mà đi soi. Tại vì dùng nhiều hóa chất, nhiều thuốc trừ sâu, cho nên chẳng có tôm cá nào sống nổi trên cánh đồng bị nhiễm độc nặng.

Đi soi cá ban đêm tôi thường bắt được cá quả, cá diếc, cá rô, thậm chí cả lươn, chừng nửa giỏ. Mớ cá đồng này dùng để nhà ăn, chứ không bán, vì nom rất xấu mã, khi con nào cũng “sứt đầu mẻ trán”. Hồi đó, ở làng tôi nước mắm còn rất hiếm, mẹ tôi thường đem kho tương mớ cá tôi kiếm được sau đêm soi cá. Tại vì ở góc sân nhà tôi lúc nào cũng có hũ tương do mẹ tôi tự chế biến. Cá kho tương ăn ngon đáo để.

Đơm trứm (có nơi gọi là trúm).

Trứm là thuật ngữ của làng tôi. Trứm thực ra là một loại đó, lờ, nhưng hình dạng, cấu tạo có khác.

Trứm là dụng cụ đơm tép, bắt tép, đan bằng tre, hình ống, thon dần về phía đuôi, dài chừng 50 – 60cm, một đầu có hom, một đầu rỗng. Đầu có hom đường kính 10cm, đường kính đuôi trứm khoảng 6cm. Khi đơm trứm bắt tép tôi dùng rơm khô làm nút, bịt kín đuôi trứm lại và chỉ tháo rơm ra khi “đổ trứm”, tức đổ tép trong trứm ra dành hoặc rổ.

Như tôi đã kể, cánh đồng làng tôi gồm đồng sâu và đồng cạn. Đồng sâu có vùng nước sâu, và vùng nước nông. Ngoài lương thực, cánh đồng làng tôi còn là nguồn cung cấp thức ăn – cá, tôm, tép, cua, ốc, ếch… cho cả làng. Đồng sâu làng tôi có rất nhiều tôm tép. Để bắt tép đồng, tôi có nhiều cách, chẳng hạn đánh dặm, kéo vó te hoặc đơm trứm. Tép đồng sống cả ở vùng nước sâu lẫn vùng nước nông. Tuy nhiên, mùa hè, tháng năm tháng sáu, trời nắng chang chang, có hôm nóng đến mức vùng nước nông của cánh đồng làng tôi nước nóng như đun, lội bỏng chân (Y như cánh đồng làng của Trần Đăng Khoa – “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ”). Nắng nóng như vậy cho nên ban ngày toàn bộ cá, tôm tép ở vùng nước nông (nước sâu đến gần đầu gối) rút xuống vùng nước sâu để tránh nắng. Và chiều tà, khi gió nồm nam mát rượi thổi, nước ở vùng nước nông mát trở lại, cá và tôm tép lại đua nhau bơi lên vùng nước nông ăn đêm. Để rồi sau nửa đêm và sáng hôm sau chúng lại rủ nhau rút xuống vùng nước sâu để tránh nắng. Dựa theo thói quen và đặc điểm đó của loài tép đồng, tôi “hành nghề đơm trứm”.

Tôi be bờ những ruộng nước nông, phía tiếp giáp với vùng nước sâu, và cứ mười mét chiều dài của bờ này tôi mở một cửa rộng chừng 40 cm cho nước thông thương giữa ruộng nông và ruộng sâu, gọi là “cửa ruộng”. Đó là những cửa mở lối cho tôm tép vào ruộng nước nông kiếm ăn khi chiều tà, lúc gió nồm nam làm nước mát. Khoảng 12 giờ đêm, khi tôm tép vẫn còn “hiện diện” trong ruộng kiếm ăn, tôi mang 50 cái trứm đi đơm tép. Trước khi đi tôi dùng rơm làm nút, bịt kín đầu đuôi từng cái trứm. Đến ruộng, tôi bới bùn đắp, bịt kín từng “cửa ruộng”, chừa một đoạn nhỏ vừa vặn đầu trứm có hom, tức là cửa trứm, rồi đặt trứm hay đơm trứm vào đó. Sao cho cửa trứm hướng về phía “nước nông”, lõm vào bờ một chút càng tốt, dùng tay xoa nhẹ cho đất hai bên miệng trứm trơn nhẵn, tạo điều kiện thuận lợi cho tép bơi qua hom, vào trong trứm. Như vậy là trứm đã được “đơm” vào vị trí. Từ đầu sáng, theo thói quen, tép bắt đầu tìm lối rút xuống vùng nước sâu. Tuy nhiên, vì bờ ruộng đã bị bịt kín, để làm được như vậy chúng buộc phải chui qua hom trứm (cấu tạo hình phễu, vào mà không ra được) của tôi. Chúng rút từ từ, từng đàn, đến khoảng 10 giờ sáng hôm sau thì rút hết, hoàn thành “cuộc di tản” trước khi trời nắng gắt. Khoảng 11 – 12 giờ cùng ngày, tôi ra ruộng, nhấc từng cái trứm xếp vào chiếc giắng mang theo, sau đó làm cái việc bới bùn, mở lại “cửa ruộng” để đón tép đi ăn tối hôm sau.

Về nhà, tôi tháo “nút rơm” ra khỏi đuôi từng cái trứm, đổ tép ra giành. Toàn bộ thành quả đơm trứm đêm hôm qua được thể hiện qua số tép trong giành. Có hôm được gần một giành tép, có hôm hơn nửa giành, có hôm nửa giành và cũng có hôm ít hơn. Kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, trời càng nắng to thì hiệu quả càng cao. Trời mát và nhất là trời mưa thì hiệu quả cực thấp. Thậm chí bằng không. Vì lũ tép vẫn có thể ở lại ruộng mà không sợ bị chết nóng, không nhất thiết chúng phải chui qua hom trứm của tôi để xuống vùng nước sâu.

Tôi chỉ “đơm trứm” trong mấy tháng hè, khi trời nóng, ruộng quang (sau vụ gặt). Làng tôi chỉ có tôi và một hai người nữa đi bắt tép bằng cách này thôi. Vì khá vất vả, phải thức khuya, phải lội ruộng lúc đêm thâu, lắm hôm đỉa bám đầy chân mà không biết, vì không để ý hoặc tại tối không nhìn thấy. Có hôm về đến nhà tôi mới phát hiện ra ba bốn con đỉa căng phồng, no máu, đang bám chặt vào chân tôi. Tôi thò tay bứt ra từng con rồi ném đi, như chẳng có chuyện gì xảy ra. Rồi tôi thản nhiên leo lên giường đi ngủ, thây kệ máu chảy đầy chân, chảy cả xuống giường chiếu.

Có nhiều cách xử lý tép đơm trứm. Đem rang, hoặc kho tương – “đẹp như cái tép kho tương”, đem bán (ít khi mẹ tôi mang ra chợ bán, trong làng nếu có ai muốn mua thì mẹ tôi bán, thế thôi), đem phơi khô rồi đựng vào be, vào lọ, để ăn dần. Đây là cách mẹ tôi thường làm. Thỉnh thoảng, hôm nào “thắng lớn”, được gần giành tép thì mẹ tôi đem chỗ tép tươi đó làm mắm tép. Trộn thính, một số gia vị cần thiết và muối ăn lẫn với tép rồi cho vào lọ mà ở quê tôi gọi là be, bịt kín, để ngoài góc sân, chờ một thời gian cho tép thật ngấu, là có món mắm tép sạch, chất lượng cao, cực đậm, cực ngọt, cực thơm và cực ngon, được gọi là loại mắm tép “nồi bảy quăng ra nồi ba quăng vào”. Đây là thứ mắm tép mà bây giờ chỉ còn là một “kỷ niệm thèm” của tôi.

Hốc lăn (Hố lăn)

Hốc lăn (hố lăn, làng tôi gọi hố là “hốc”) là một loại bẫy cá, chủ yếu là cá quả và cá rô.

Ao nhà tôi có một “cửa” thông ra cánh đồng sâu, nhiều cá. Qua cửa này cá ruộng có thể vào trong ao và ngược lại. Tại cửa ao này tôi đào một cái hố sâu, rồi chôn xuống đó một cái vại sành thành đứng, cao 60cm, đường kính 40cm. Tôi đắp đất quanh miệng vại, làm thành một cái bờ cao hơn miệng vại chút xíu, bờ dốc xuống lòng vại. Tôi bôi bùn cho bờ thật trơn, nhẵn, để cá dễ bò, dễ trườn. Thế là xong.

Lũ cá quen vào ao và ra ngoài đồng theo cửa này, nay cửa bị bịt lại, chúng không chịu đầu hàng, nhất là cá quả vốn thông thạo “cái nghề” bò, trườn và nhảy cao. Chúng bèn nhảy hoặc trườn qua bờ để vào trong ao hay ra ngoài ruộng. Và chúng bị sập bẫy không kịp ngáp, rơi vào vại. Thành vại cao, lại dựng đứng, chẳng thể nhảy ra ngoài, cho dù, như tôi vừa nói, việc nhảy cao, thậm chí nhảy qua bờ, là sở trường của cá quả mà không một loài cá nước ngọt nào có thể địch nổi. Sau vài lần ráng nhảy một cách vô vọng ở trong vại, chúng đành nằm im, chờ chết.

Sau một đêm, sáng sớm hôm sau tôi mang giỏ ra bờ ao, nơi có “hốc lăn” để “thu hoạch”. Thường thu được bốn năm con cá quả, thi thoảng có cả cá rô. Cá quả trúng hốc lăn thường là cá to (vì cá to mới đủ sức và có gan nhảy hoặc trườn qua bờ), con nào ra con nấy, cho nên nhìn sướng mắt, ăn sướng miệng – nạc, ít xương, thịt thơm, chắc (chứ không bồm bộp, nhạt phèo, như cá nuôi công nghiệp bây giờ). Tuy nhiên, phải có Trời phù hộ thì mới được ăn ngon như tôi vừa kể. Nghĩa là trời phải không mưa. Trời mà mưa, nước mưa tràn vại, thì cá có thể trườn vào vại, rồi từ vại lại trườn ra ngoài ngon lành. Có khi chúng còn “cười mũi” tôi là đằng khác.

Kéo vó te

Kéo vó te là một cách bắt tôm và tép ở làng quê. Việc này thường dành cho con gái, vì nó nhẹ nhàng, không phải lội bùn, lội nước, chỉ đi lại trên bờ ao, bờ ruộng. Tuy không phải là con gái nhưng tôi vẫn đi kéo te. Vì đã mang danh là “rái cá” thì tôi chẳng nề hà bất kỳ việc kiếm cá kiếm tôm, kiếm tép nào. Cho dù mấy đứa bạn trong xóm luôn mồm chế diễu: “Thằng Cu mà lại kéo te/ Cho nên “con hĩm” nó chê ngược đời”.

Cấu tạo của vó te: Hai đoạn tre già để vót gọng te, dài chừng 2m, gọng tròn, to hơn chiếc đũa chút xíu, đoạn giữa vót mỏng gần cật, để có thể uốn cong. Một vuông vải te, mỗi chiều 50cm, dệt thưa như vải màn. Vuông vải nói trên, tức là vó te, được buộc cố định vào bốn chân gọng bắt chéo nhau, buộc cố định ở giữa. Te có thể mở gọng ra khi sử dụng và gập gọng vào cho gọn khi không sử dụng.

Trước khi mang te đi kéo tép tôi phải làm công việc gọi là “hồ te”. Tôi phải nấu một nồi hồ, gạo pha nước vôi, ninh cho gạo nhừ nhuyễn, như ninh cháo, khi nào hồ đặc sệt là được. Tôi cắt một miếng mo cau to bằng lòng bàn tay làm “chổi hồ”. Mở vó te ra. Đặt một góc te lên chiếc thớt, quyệt chổi hồ vào nồi lấy hồ, rồi lại quệt hồ vào góc te, miết chổi thật mạnh vào mặt te, cho hồ bám thật chặt vào vải te. Lập lại động tác này với ba góc còn lại của vớ te. Ta đã hồ xong te. Hồ bám chặt bốn góc te chính là mồi nhử tôm và tép. Đem chiếc te đã hồ xong này ra phơi ngoài nắng cho đến khi hồ khô, bám chặt vào vó te là được. Chiếc vó te đã sẵn sàng cho tôi sử dụng. Tôi phải hồ và phơi khô hồ tất cả 50 chiếc te mà tôi có trước khi đem đi sử dụng chúng.

Tôi chuẩn bị một “cần kéo te” to và dài gần bằng cán nạo, đầu có móc, hay ngạnh (có thể bằng chiếc đinh đóng chặt vào đó). Chiếc cần này dùng để nâng te từ dưới ao hay dưới ruộng lên bờ để đổ tôm, tép vào dành, rồi lại đặt te vào vị trí cũ . Một chiếc dành đan bằng tre, miệng dành buộc hai sợi dây bắt chéo vuông góc với nhau để có thể móc đầu có ngạnh của chiếc cần kéo te vào đó, nâng dành đi chỗ khác, dọc bờ ruộng hoặc bờ ao..

Sáng sớm tinh mơ, tôi vác 50 chiếc vó te ra bờ ao và bờ ruộng. Dùng cần kéo te tôi lần lượt đặt từng chiếc vó te vào vị trí dưới nước, sao cho chiếc vó đứng thẳng, không vướng các vật thể khác. Cứ bốn mét tôi lại đặt một chiếc vó te. Không nên đặt te ở những chỗ nước sâu hơn chiều cao của te. Vì khi kéo te lên bờ tôm tép có đủ thời gian để bơi nhanh tẩu thoát ra ngoài. Mức nước lý tưởng nhất là sâu bằng hai phần ba chiều cao của te. Đối với kéo te thì ao và ruộng nước đục tốt hơn, cho hiệu quả cao hơn ao và ruộng nước trong.

Thả te xong, khoảng một giờ sau là tôi có thể đi kéo te. Tôi móc đầu cần kéo te vào giữa đôi dây chéo góc vuông và nâng dành đi. Trong dành đặt một cành lá cho tôm tép khỏi nhảy ra ngoài. Đến vị trí mỗi chiếc te, tôi dùng “cần kéo te” nâng nhẹ te và kéo te lên bờ rồi đổ tôm hoặc tép có trong te vào dành. Hết một lượt như vậy, tôi đợi chừng một giờ đồng hồ, rồi lại mang dành đi kéo lượt tiếp theo. Khoảng 5 – 6 lượt như vậy thì tôi vớt te mang về sân phơi cho te khô để mai lại sử dụng tiếp.

Sản phẩm kéo te chủ yếu là tép và tôm. Mỗi buổi như vậy tôi kiếm được chừng gần nửa dành tôm tép. Đây là những con tôm con tép rất sạch, vì chúng đang tung tăng bơi lội dưới nước. Như tôi đã kể, do hiếm nước mắm nên mẹ tôi thường dùng tương kho tép. Tương ngấm vào con tép, khiến con tép mất tanh, béo ngậy, ăn rất được cơm. Viết đến đây tôi chạnh nhớ câu ca dao truyền miệng nghe rất vui tai: “Đẹp như cái tép kho tương/ Kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh”. Thỉnh thoảng mẹ tôi còn làm mắm tép bằng tép kéo vó te của tôi. Để làm mắm tép mẹ tôi phải rang thính, rồi đem thính cùng các gia vị khác trộn lẫn với tép tươi, cho vào hũ ủ một thời gian, khi tép ngấu thì lấy ra ăn. Mắm tép là đặc sản của mẹ tôi, chẳng những cả nhà tôi thích, mà cả xóm tôi thích. Chả là, thỉnh thoảng mẹ tôi lại sai tôi mang biếu mấy nhà hàng xóm, mỗi nhà một bát mắm tép mẹ tôi tự chế. Ông nội và bố tôi thường ngồi nhắm rượu bằng món chuối xanh chấm mắm tép. Vị chát của chuối xanh, vị mằn mặn, ngòn ngọt, đầm đậm và mùi thơm đặc trưng của mắm tép hòa trộn với nhau, tạo nên một thứ hỗn hợp ẩm thực khiến cho người ăn “khoái khẩu”. Bây giờ, thỉnh thoảng vợ tôi vẫn mua mắm tép, vì tôi rất thích món “hồn làng” này. Tuy nhiên, phải nói thật, chẳng có món mắm tép nào sánh nổi với món mắm tép năm xưa mẹ tôi chế biến bằng tép kéo vó te của tôi.

Câu và bắt cá rô đồng sau trận mưa đầu mùa.

Trong “cộng đồng” cá ao và cá đồng thì cá rô là đáng nể, đáng sợ và đáng phục nhất. Cá rô sinh sôi nảy nở rất nhanh, cho nên cá rô nhiều hơn bất kỳ loại cá nào. Cá rô bơi hàng đàn, trong ao, ngoài ruộng, nơi nào có nước là ở đó có cá rô. Vì chúng có khả năng đi đến bất kỳ nơi nào chúng muốn. Cá rô có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Cá rô có vảy cứng và ráp (cho nên, với cá rô to thì trước khi nấu ta phải cạo sạch vảy. Còn cá rô nhỏ đem rán giòn uống rượu thì cứ để nguyên cả con. Cá rô rán, vảy cá giòn tan, ăn rất “khoái tai” và cực kỳ “khoái khẩu”). Các gờ của vảy và vây cá rô có màu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Đọc sách tôi được biết, cá rô có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được ôxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn: hàm răng ở giữa to hơn hai bên và răng có trên xương lá mía. Cá rô ăn tạp, có thể ăn các loài động vật thân mềm, cá con và thực vật, thậm chí cả rau cỏ. Chúng có thể ăn các chất hữu cơ và vô cơ được coi là bẩn ở trong nước. Khi quá đói, cá rô có thể ăn lẫn nhau. Ở những ao lớn, ao nước sâu, hay ở bến (hồ nhỏ), nhiều bèo tây, thường có cá rô “cụ” đen sì. Cá rô sống rất dai trên cạn, nhốt cá rô trong giỏ, không cho ăn gì, cả tuần chúng vẫn không chết.

Thịt cá rô màu trắng, béo, thơm, dai, ngon. Ngon hơn bất kỳ thịt loài cá nào (theo thẩm định và kết luận của cái miệng không bữa ăn nào không ăn cá của tôi). Bụng cá rô có nhiều mỡ, nhất là vào mùa đông. Hồi nhỏ, khi ở làng quê không có thuốc nẻ, tôi và nhiều người trong làng vẫn dùng mỡ cá rô bôi vào chân để trị nẻ. Tôi rất thích cá rô. Thích đây là thích ăn thịt cá rô. Chứ không phải yêu cá rô. Vì yêu gì mà suốt ngày tìm cách tiêu diệt và chén thịt “người ta”. Canh cải nấu với rô đồng thì “thôi rồi”, chỉ việc ngồi mà ăn, mà sướng, mà khen: Ngon quá, ngọt quá, mát quá…

Tôi có nhiều cách bắt cá rô. Một trong những cách đó là câu cá rô. Tôi tự trang bị một cần câu bằng một cành tre dẻo, dài chừng 2,5m. Buộc vào đầu cần câu sợi cước dài vừa phải, với đầu thứ hai được buộc vào một lưỡi câu có ngạnh. Lưỡi câu cá rô nhỏ hơn lưỡi câu cặm câu cá quả mà tôi đã kể. Vì miệng cá rô nhỏ hơn miệng cá quả rất nhiều.

Trước khi đi câu tôi phải làm công việc gọi là rang thính, bằng cám, để nhử cá. Và đương nhiên tôi phải chuẩn bị mồi câu. Cơm dẻo, trộn thính, giã nhuyễn là thứ mồi cá rô rất chuộng, vì thơm, ngon. Loại mồi câu thứ hai là giun, loại giun nhỏ vừa lưỡi câu, đào ngoài vườn. Loại thứ ba là mồi bằng tép.

Tôi thường câu cá rô ở ao, ở bến. Vì ao và bến mới có loại cá rô to ra tấm ra món. Tôi ra ngồi bờ ao. Nếu trời nắng thì chọn nơi có bóng cây mát mẻ. Đi câu là một thú vui, việc gì tôi phải bêu nắng cho khổ. Tôi rắc thính xuống mặt ao, nơi tôi sẽ thả câu. Móc mồi vào lưỡi câu. Tôi thả câu xuống vùng nước tôi vừa rắc thính. Và ngồi đợi. Cá rô rất thích và rất nhạy cảm với mùi thính. Cho nên ngửi thấy mùi thơm là chúng kéo đến ngay. Tôi ngồi trên bờ ao, mắt chăm chú quan sát, cụ thể là quan sát chiếc phao câu. Hễ thấy phao câu “nhấp nháy, phập phồng” trên mặt nước là tay cầm cần câu của tôi phải sẵn sàng. Khi nhận ra phao câu đang từ từ chìm xuống thì tôi giật câu lên. Một con cá rô to bị mắc câu vùng vẫy trên không trung. Nó đau khổ, còn tôi sung sướng. Tôi chỉ việc tháo lưỡi câu ra và cho con cá vào giỏ là xong. Khi cá cắn câu tôi phải tập trung cao độ, phải giật câu đúng lúc. Vì rằng, nếu giật câu quá sớm, lưỡi câu chưa kịp móc chặt vào miệng cá, thì trượt mất con cá là cái chắc. Tuy nhiên, nếu để phao chìm quá mức cần thiết, cá nuốt cả mồi cả lưỡi câu vào sâu trong bụng, sẽ rất khó tháo lưỡi câu ra khi cá bị mắc câu. Có khi tôi phải dùng dao mổ bụng con cá để tháo lưỡi câu ra. Vừa mất thì giờ mà con cá lại bị sát thương, không còn tươi ngon nữa. Tất nhiên, là một tay câu có hạng, kinh nghiệm đầy người, tôi thường giật câu lên “vừa trúng, vừa đúng”, đảm bảo con cá bị mắc câu vẫn sống, vẫn nguyên lành. Cái khó của người đi câu là ở đó. Và cái tài của người đi câu cũng là ở đó.

Cho con cá vừa câu được vào giỏ, tôi lại mắc mồi, lại thả câu và lại ngồi chờ đợi cái khoảnh khắc vừa kể trên lập lại.

Mỗi buổi câu cá rô như vậy tôi thường kiếm được khoảng chục con. Thường là những con rô khá to. Mẹ tôi thích, bố tôi thích, tôi thích, cả nhà tôi cùng thích.

Bắt cá rô bơi ngược dòng, có người gọi là “lượm” cá rô “rạch”, là cách kiếm cá rô thứ hai của tôi.

Sau trận mưa đầu mùa mát lành, cá rô từ đồng sâu làng tôi rủ nhau bơi ngược lên đồng cạn, tìm nơi đẻ trứng, vì cái tươi mát của nước mưa đầu mùa rất thích hợp cho cá rô làm “bổn phận sinh tồn” của mình. Chỗ nào có dòng nước chảy từ đồng cạn xuống đồng sâu sau mưa là tôi thấy có rất nhiều cá rô lội ngược dòng. Như đã nói trên, mang cá rô đồng rất khoẻ, lại có nhiều gai sắc, nhọn, giúp cá có thể móc mang vào đất, vào cỏ để trườn lên cạn một cách dễ dàng, nom rất ngoạn mục. Đó là chưa kể, cá rô đồng còn có cơ quan hô hấp phụ trên mang, nên chúng có thể sống trên cạn một thời gian dài mà các loài cá khác chịu thua. Chẳng hạn, cá mè, cá ngạo thậm chí cả cá diếc, lên cạn chỉ một lúc sau là chết. Cho nên tôi phục lăn cá rô còn là vì như vậy. Lại nữa, có khi trời mưa to, nước ao ngập tràn, cá rô men theo rãnh nước mưa tự bò vào sân nhà tôi. Những khi như vậy mấy chú mèo tam thể nhà tôi là thích nhất. “Mỡ treo miệng mèo” đã tuyệt, “cá rô tự vô miệng mèo” còn tuyệt hơn. Sau trận mưa đầu mùa, thậm chí trong lúc trời vẫn đang còn mưa, tôi đeo giỏ vào hông, tay xách nơm ra đồng đi bắt cá rô bơi ngược. Thực ra cũng chẳng cần đến nơm mà làm gì, phát hiện thấy cá đang trườn ngược, tôi chỉ việc chộp lấy từng con cho vào giỏ là xong. Tuy nhiên, khi bắt hay chộp cá rô ta phải có kỹ năng, có kinh nghiệm thì mới an toàn, bắt được con cá một cách dễ dàng. Như ta đã biết, vây lưng cá rô rất cứng và sắc nhọn, có thể dựng đứng, xoè ra, nom như một dãy chông nhọn, có thể cụp lại, xẹp xuống, (như ta gập cái quạt giấy) xuôi chiều về phía đuôi. Cho nên khi bắt cá rô ta phải úp sấp bàn tay, rồi chộp con cá từ phía đầu của nó. Để có thể nắm chặt con cá mà không sợ gai vây lưng của nó đâm vào tay ta. Mỗi lần đi bắt hay đi nhặt cá rô “trời cho” như vừa kể tôi có thể kiếm được vài chục con.

Hôi cá (bùa cá).

Hôi cá là đi mót lại những con cá do người tát ao, tát đầm, tát đìa, tát ruộng, bỏ sót, nhất là những con cá tinh khôn, chui sâu, nấp kỹ dưới bùn, rất khó phát hiện. Người đi hôi cá thường là trẻ con, phụ nữ trong làng.

Dãy ao làng tôi là vùng đệm nằm giữa khuôn viên làng và cánh đồng phía trước làng. Dãy ao này hướng đông – nam khiến cho làng tôi có phong thuỷ đẹp. Do có nhiều ao, thỉnh thoảng lại có nhà tát ao bắt cá, cho nên đã hình thành một “Hội hôi cá” do tôi làm “Hội trưởng”. Hội của chúng tôi gồm năm “hội viên”, toàn con trai, tuổi 11 – 12. Đây là “hội nhóc con”, nhưng rất “đáng gờm” đối với những người tát ao. Mỗi khi ao cạn, họ bắt đầu bắt cá, hễ thấy chúng tôi xuất hiện là họ phát ngán. Giỏ đeo bên hông, năm thằng bé da đen như củ súng, tóc đỏ hoe vì suốt ngày bêu nắng, lội xuống ao mót cá sót thì ít, mà xông vào cướp cá thì nhiều. Chúng tôi thây kệ những người tát ao miệng chửi liên tục, vốc bùn ném thẳng vào mặt, để đuổi chúng tôi ra xa. Thông thường, khi ao gần cạn, họ bắt đầu lội xuống ao bắt cá. Trên bờ, những người tát gàu dai vẫn tiếp tục tát nước cho đến khi nước ao cạn kiệt. Nước rút đến đâu họ bắt cá đến đó. Đỉnh điểm của cuộc tát ao là khi nước cạn, chỉ còn lại một vũng to bằng cái nong ở giữa ao, thì hầu như toàn bộ cá ao dồn hết vào cái vũng nhỏ bé này, thường có hơn tạ cá ở đó. Và lúc này những người tát ao phải nhanh tay bắt, nhanh tay xúc cá ném vào chiếc thuyền nan đặt ngay bên cạnh. Đây cũng là cơ hội cho người đi hôi, trong đó có chúng tôi, xông vào “cướp cá”. Tôi nhanh như cắt, chộp hết con cá nọ đến con cá kia, thường là cá diếc, vì cá diếc dễ bắt, không sợ bị vây đâm như cá rô. Mấy người tát ao điên tiết, mặt hằm hằm, miệng chửi “đ. mẹ mấy thằng ranh con cướp cá”, tay vốc bùn ao ném thẳng vào mặt, vào người chúng tôi. Toàn bộ người tôi, mặt mũi, quần áo bê bết bùn. Nhưng tôi không hề sợ, không hề nản chí, tiếp tục xông vào “vũng cá”, tay liên tục chộp cá nhét vào giỏ. Đến nỗi chú V., một trong những người tát ao, phải bế thốc tôi lên, ném tôi ra ngoài… Mỗi “trận hôi cá một mất một còn” như vậy tôi kiếm được, đúng ra là “cướp” được, gần đầy giỏ cá.

Để tránh chạm trán với “Hội hôi cá” bất trị chúng tôi, những người tát ao làng tôi thường cố tình tát cạn ao, bắt cá vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, chúng tôi đâu có chịu thua. Nhà ông Hiệu, chú ruột thằng Tuân, bạn cùng xóm, nó bằng tuổi tôi, có cái chuồng bò rộng, phía ngoài chuồng bò có kho rơm cho bò ăn. Hội chúng tôi thường rủ nhau ngủ chung tại đây để đêm khuya cùng nhau đi bùa cá khi ao cạn. Chúng tôi phân công nhau, từng đứa một, lần lượt đi “thăm ao”. Hễ thấy ao sắp cạn, người ta sắp xuống ao bắt cá thì về báo ngay cho cả hội “xuất quân”. Lắm đêm những người tát ao ngỡ ngàng, ngạc nhiên, khi phát hiện thấy chúng tôi thình lình xuất hiện ngay sau lưng họ, như những bóng ma, lúc họ vừa mới lội xuống ao bắt cá. Họ ức lắm, nhưng còn biết làm sao. Tuy nhiên, cũng có lần chúng tôi bị uổng công, do bị họ lừa. Phát hiện thấy chúng tôi ngủ trong chuồng bò, mấy người tát ao bèn lẻn vào đó đắp thêm rơm cho chúng tôi ngủ. Nằm trong ổ rơm ấm áp, tuổi lại còn nhỏ, mấy thằng ngủ như chết. Sáng dậy mới phát hiện ra, đêm qua chúng tôi đã bị “vào tròng”. Lần đó mấy ông tát ao hả lòng hả dạ lắm, vì chẳng những họ đã “ru ngủ” được chúng tôi, mà họ lại còn không bị mất một con cá nào lọt vào tay “Hội hôi cá” bất trị chúng tôi, gồm toàn những thẳng nhóc con thạo “nghề cướp cá”.

Bắt cua đồng

Cua đồng làng tôi thường sinh sống trong các hang, lỗ, do chúng đào men theo các bờ ruộng nước. Cua đồng có hai càng, một to, một nhỏ hơn và tám chân, hai gọng cua đồng có màu vàng cháy. Lưng cua thường có màu vàng sẫm, toàn thân màu nâu vàng. Cua đồng chỉ bò ra ngoài hang khi đi kiếm ăn, hoặc khi tiết trời quá nóng.

Tôi thường đi bắt cua đồng vào những trưa hè nắng rát. Đeo chiếc giỏ tre bên hông, tôi lội men theo các bờ ruộng. Phát hiện thấy hang cua, hay lỗ cua, tôi từ từ thọc tay vào trong lỗ, lần tìm và bắt con cua đang trú ngụ trong đó, rồi cho vào giỏ. Có con cua đào lỗ rất sâu, nhiều ngóc ngách, phải là người giàu kinh nghiệm và có “kỹ năng” thì mới “tóm cổ” được con cua tinh khôn này. Trước khi thò tay vào hang cua tôi phải rất dè chừng, cẩn tắc, phải quan sát kỹ càng miệng hang xem có gì khác lạ, tại vì có khi trong hang không phải là một con cua mà là một con rắn. Vô cùng nguy hiểm. Đã có người bị thiệt mạng hoặc cụt mất một ngón tay vì chuyện bắt cua trong hang như vậy. Được cái, tôi toàn gặp may, chưa bao giờ “chạm trán” với rắn độc trong hang cua đồng.

Tại sao tôi thường đi bắt cua đồng vào giữa trưa hè nắng gắt? Tại vì, trời nắng gắt, nước trong hang cua nóng như đun, cua không chịu nổi, đành bò lên bờ ruộng tránh nóng. Đó là cơ hội cho tôi phát hiện và “chộp cua” cho vào giỏ mà khỏi cần thọc tay vào hang. Nhưng không hoàn toàn đơn giản như vậy đâu. Hễ phát hiện thấy người từ xa là cua bò nhanh như điên về hang của mình. Tôi phải nhanh hơn cua thì mới hòng thắng được nó. Tôi có thuận lợi là tôi chạy thẳng, xốc tới, còn con cua thì “chạy ngang” (“ngang như cua”). Có lẽ vì vậy mà phần thắng thường thuộc về tôi. Cũng có khi tôi thua cuộc, con cua chui tọt vào hang, mất hút con lươn. Tôi lại phải thọc tay vào hố, loay hoay mãi mới bắt được nó, khi nó đã cắp nát tay tôi vì “tức khí”; cũng có khi tôi đành bó tay, vì hang cua nhiều ngóc ngách.

Mỗi buổi tôi đi bắt cua đồng như vậy thường đủ cho mẹ tôi nấu một nồi canh cua rau dền “chất lượng cao”, giải nhiệt cho cả nhà khi nắng hè oi bức. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ dư âm của tiếng “xì xụp” khi cả nhà ngồi ăn bữa cơm chan canh cua đồng năm nào.

Ốc nhồi

Quê tôi có nhiều loài ốc khác nhau. Nhưng ốc nhồi, ốc quắn là những loài ốc tôi thường bắt và nhà tôi thường ăn.

Ốc nhồi sống ở hồ, ao, ruộng nước. Những ao nhiều bèo tây thường có nhiều ốc nhồi. Tôi lội xuống ao cùng với chiếc nồi đồng dùng đựng ốc trôi theo bên cạnh. Tôi không dùng nồi đất, vì ốc nhồi to con, vỏ cứng, ném mạnh dễ làm vỡ loại nồi này. Tôi lách người vào những khóm bèo tây trôi nổi dưới ao, hai tay sờ soạng, khuya khoắng rễ bèo chìm dưới nước, hễ gặp vật cứng thì chắc chắn đó là một con ốc nhồi. Chỉ việc bứt con ốc khỏi rễ bèo rồi quăng nhẹ vào chiếc nồi đồng đang trôi theo bên cạnh. Cũng có thể tìm ốc nhồi bằng cách nhấc lên khỏi mặt nước từng khóm bèo tây, nếu phát hiện thấy có con ốc nhồi bám theo rễ bèo thì tóm luôn. Nhưng phải thật nhanh tay, chậm một chút thôi là con ốc nhả miệng khỏi rễ bèo và rơi tõm xuống nước, khó lòng mò được nó dưới đáy ao. Cũng có thể bắt ốc nhồi vào những hôm trời động, sắp mưa. Những hôm trở trời như vậy ốc nhồi thường há miệng nổi lên dưới ao, tôi chỉ cần dùng vợt là bắt được con ốc.

Những hôm bắt được nhiều ốc nhồi, mẹ tôi thường làm món dấm chuối ốc, hay chuối ốc om mẻ. Vị chua của mẻ tự gây, vị chát của chuối xanh và hương vị của các đồ gia giảm đánh tan chất tanh của ốc, cho ta một món ăn làng quê ngon miệng, bổ dưỡng. Tôi khoái nhất là khi được cắn ngập chân răng con ốc nhồi thơm tho và béo ngậy. Có lẽ cái sự sung sướng khi ăn con ốc nhồi om chuối xanh như tôi vừa kể chẳng thua kém gì khi ta ăn miếng dồi chó.

Ốc quắn.

Ốc quắn là loài ốc sinh sôi nảy nở rất nhanh, lại dễ sống, cho nên ốc quắn là loài ốc có nhiều hơn bất kỳ loài ốc nào ở quê tôi. Ốc quắn sống ở ruộng, đầm, hồ, ao, hễ chỗ nào có nước tự nhiên là ở đó có ốc quắn. Để có một nồi ốc quắn luộc ăn chơi, tôi chỉ cần lội xuống ao, nhấc nhẹ mấy cành cây đã đặt sẵn từ trước lên, mỗi cành là một “xâu” dày đặc ốc quắn, những con ốc quắn đang bám chặt miệng vào cành cây. Tôi “tuốt” từng xâu ốc này vào chiếc nồi đồng trôi bên cạnh. Chỉ cần nhấc lên ba bốn cành cây “bẫy ốc quắn” hay “nhử ốc quắn” là tôi có đầy một nồi ốc mình cần.

Mấy cây vối cây sung mọc ở bờ ao nhà tôi thường có một phần thân, sát gốc, ngâm dưới nước. Đó là nơi lý tưởng cho ốc quắn bám vào ăn rêu, sinh sống. Đó cũng chính là “kho” ốc quắn của tôi. Chỉ việc đặt chiếc rổ vào bên dưới phần thân cây chìm trong nước, lấy tay xoa mạnh thân cây cho ốc quắn rơi xuống rổ là xong. “Thu hoạch” hai hoặc ba gốc cây như vậy là tôi có được một nồi ốc quắn ngon lành.

Trước khi luộc mẹ tôi thường ngâm ốc quắn vào nước gạo vài giờ đồng hồ, cho ốc thải hết chất bẩn ra ngoài. Ốc quắn thường luộc với lá bưởi và lá chanh, những thứ có sẵn trong vườn nhà tôi.

Không khí gia đình thật là đầm ấm khi cả nhà quây quần bên nồi ốc quắn nóng vừa mới bắc ra khói bốc lên nghi ngút. Tay trái cầm con ốc nóng hổi, miệng thổi phù phù, tay phải khều thịt ốc, chấm miếng thịt ốc dai giòn vào bát nước chấm thơm cay, rồi từ từ cho vào miệng, nhai sần sật, ngon lành. Đó là những giây phút “thăng hoa”, “khoái khẩu” của người ăn ốc quắn. Ở làng tôi người ta dùng gai của cây gai đồng tiền, dài và nhọn như chiếc kim khâu, để nhể ốc. Theo “quan điểm” bây giờ thì đây là một loại “dụng cụ nhể ốc sinh thái”, không độc hại. Thảo mộc chứ không phải kim loại.

Bây giờ ốc là đặc sản. Nhất là ở thành phố. Ngày xưa dân làng tôi, trong đó có tôi, không nghĩ như vậy. Lúc nào chúng tôi cũng mặc cảm, cũng bị ám ảnh, cho rằng, mình nghèo, mình quê mùa, nên mới phải ăn ốc. Dân thành thị người ta ăn thịt bò, thịt lợn, sơn hào hải vị, chứ ai thèm ăn ốc. Đó là chưa kể, người ta còn bảo rằng, “ăn ốc nói mò”, ăn ốc là sẽ học dốt. Cho nên đói bụng thì tôi phải ăn, ăn nhưng vẫn lo ngay ngáy. Chính nỗi niềm này đã cho tôi ý tưởng làm bài thơ “Ốc”.

Đồng làng tôi xưa lắm cua nhiều ốc

Ốc nuôi người cả xuân hạ thu đông

Người ta bảo ăn ốc nhiều thành ngốc

Đói phải ăn nhưng vẫn sợ trong lòng

Tôi ở Hà Thành đã mấy chục năm

Cứ mỗi lần có khách xộp đến thăm

Lại mời nhau lên Hồ Tây ăn ốc

Ốc bây giờ thành món đãi khách sang.

LBT.